Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Sách Chu bễ có phải là ngụy thư?

Sách Chu bễ còn gọi là Chu bễ Toán kinh (周髀算经) là sách cổ của Trung Quốc. Đa số các học giả Trung Quốc cho là xuất hiện sớm nhất khoảng TK1 trước CN tức là khoảng thời Hán Vũ Đế. Điểm đặc biệt là trong sách này có thuyết Cái Thiên và cơ sở cho lịch Tứ phân. Một số học giả cho rằng sách này ra đời sớm hơn vào thời Chiến Quốc (TK5-TK3 trước CN). Một số học giả quá khích hơn còn cho rằng sách này soạn đầu đời Chu (TK11 trước CN) hoặc thời Xuân Thu (TK8-TK5 trước CN). Một số người lại cho tác phẩm này xuất hiện muộn hơn nhiều.
Đặc biệt mô hình vũ trụ của Chu bễ hoàn toàn khác biệt với Thiên văn học dòng chủ lưu của Trung Quốc với thuyết Cái thiên như sau "Thiên viên như trương cái, địa phương như kỳ cục" (Trời tròn như cái lọng, đất vuông như bàn cờ). (Cái là cái lọng do đó thành tên chủ thuyết). Chủ thuyết này là bất di bất dịch trong quan niệm chủ lưu của Trung Quốc cho đến cuối đời Minh, khi Thang Nhược Vọng (giáo sĩ người Đức) đưa ra Tân thuyết giải thích bốn mùa, năm đới khí hậu, gây ra ầm ĩ và phản đối trong giới sĩ phu. Tuy nhiên, trong sách Chu bễ đã nói về việc tại Bắc Cực đến hè băng cũng không tan. Chu Bễ cũng nói mặt đất hình tròn, bầu trời cũng hình tròn, song song với mặt đất cách mặt đất 8 vạn dặm. Cần nói rõ Chu Bễ không hề nói Trái Đất hình cầu, mà chỉ nói bề mặt Trái Đất cong, có thể là một phần của mặt cầu và vì thế cũng không hề biết có Nam Cực.
Điều đáng chú ý là mô hình vũ trụ của Chu Bễ hoàn toàn giống hệt như mô hình có trong sách cổ của Ấn Độ là Puranas (Vãng thế thư), ước ra đời TK10 trước CN. Nhiều học giả Trung Quốc cũng cho rằng, tuy ý tưởng giống nhau có thể sinh ra tại nhiều nơi, nhưng việc trùng đến mức quái dị từ đại thể đến tiểu tiết giữa Chu Bễ và Puranas, khó lòng không cho chúng là từ một gốc. Chính học giả Trung Quốc nói rằng cho rằng "Ngẫu nhiên xảo hợp" là cách giải thích vô cùng miễn cưỡng.
Ở điểm này, các học giả TQ có hai cách nhìn nhận khác nhau. Một cho rằng Puranas chép từ Chu Bễ, rồi từ đó truyền sang Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã. Quan điểm khác cho rằng, Chu Bễ nhắc tới Chu Công (TK10 trước CN) và Trần Tử (TK1 trước CN, tức là thời Hán Vũ Đế), như vậy không thể ra đời trước Puranas. Lại có người cho rằng Chu Bễ được soạn một lần thời Chu Công và lần sau thời Trần Tử. So sánh văn phong với sách Hoài Nam Tử, người ta có thế thấy phần Trần Tử có văn phong đồng thời với Hoài Nam Tử. Từ đó suy ra Chu Bễ có thể có niên đại như TK1, nếu bản Hoài Nam Tử mà chúng ta có hiện nay đích xác là nguyên bản của Lưu An. Tuy nhiên, các chi tiết của phần có Trần Tử cũng giống Puranas. Mặt khác, thời cổ không có Internet, thời gian để một cuốn sách do Chu Công phổ biến ra xã hội đã lâu, để lan truyền ra ngoại vực không thể trong vòng vài năm.
Đáng chú ý trong Hán Thư của Ban Cố (TK1) trong Nghệ Văn Chí có nhắc đến hai tác phẩm toán học là Hứa Thương Toán Thuật và Đỗ Trung Toán Thuật, không hề có Chu Bễ Toán Kinh. Do đó có khả năng là Chu Bễ Toán Kinh thời đó vẫn chưa có.
Và còn một số lý do khác mà tôi sẽ không thảo luận ở đây, đa số học giả thừa nhận, thời gian ra đời sớm nhất có thể có của Chu Bễ là vào đời Hán Vũ Đế (TK1 trước CN). Nên nhớ rằng thời gian này là thời gian thuyết Cái thiên của Trương Hành đang là chủ lưu. Nội dung của Chu Bễ mâu thuẫn hoàn toàn với các thuyết chủ lưu, khó lòng có thể chen chân vào học giới. Cách học của người Trung Quốc lại rất câu nệ sách vở giáo điều, không bao giờ tham khảo các quan điểm dị biệt, cho là tà thuyết.
C. Cullen cho rằng Chu Bễ không phải một người viết, mà đại thể có thể chia thành nội thiên và ngoại thiên. Nội thiên lấy Trần Tử làm trung tâm, có thể được soạn vào thế kỷ 1. Tuy nhiên ngoại thiên không thể soạn muộn hơn thế kỷ 2. Lại có học giả Nhật Bản căn cứ vào nội dung của Chu Bễ có xác định vị trí của sao Bắc Cực luận đoán ra, người viết quan sát thiên tượng của TK6-TK7 trước CN. Tuy nhiên cách lập luận này đã bị phê phán rất nhiều.
Hiện nay đa số học giả thống nhất được là Chu Bễ không do một người trước tác do nội dung và văn phong đều bất đồng. Các tác giả cũng ở nhiều thời kỳ khác nhau, và có những quan điểm bất đồng. Trong lịch sử Trung Hoa, việc san định, chú giải sách khá tùy tiện, như sách Tam Quốc của Trần Thọ nhưng lượng đóng góp của Bùi Tùng Chi rất lớn, và không loại trừ việc sửa cả văn gốc. Hoặc Tôn Tử Binh Pháp có thêm rất nhiều đóng góp của Tào Tháo đời Hán và Lý Tĩnh đời Đường cách rất xa về niên đại. Nếu thừa nhận Chu Bễ có nhiều tác giả và nhiều quan niệm khác nhau, cần phải xác định ý tưởng nào thuộc về thời kỳ nào thông qua nội dung và so sánh với chủ lưu chứ không thể gán ghép toàn bộ nội dung cho một thời kỳ để ra những kết luận không có cơ sở, như một năm dài 365.25 ngày (nếu có) có trong Chu Bễ được gán ghép cho thời Chu hoặc Xuân Thu, Chiến Quốc. Như vậy những lời được cho là của Thương Cao, Chu Công, Trần Tử đều là hư cấu của người sau.
Các học giả Trung Quốc cũng đặt vấn đề "Tri thức về thời tiết nóng lạnh và 5 đới khí hậu từ đâu đến". Tri thức thiên văn chủ lưu của người Trung Quốc không cho phép giải thích thời tiết khí hậu. Do đó có thể nói đến thế kỷ 17, Thang Nhược Vọng mới mang tri thức này vào Trung Quốc. Tuy nhiên Chu Bễ Toán Kinh lại có manh nha loại tri thức này, là một điểm kỳ lạ và đứt đoạn.
Tôi tạm dịch một số đoạn nhận định sau
比较合理的解释似乎只能是 ∶ 这些知识不是中国传统天文学体系中的组成部分, 所以对于当时大部分中国天文学家来说, 这些知识是新奇的, 与旧有知识背景格格不入的, 因而也是难以置信的.
So sánh giải thích hợp lý tựa hồ chỉ có một khả năng là∶ những tri thức này không phải là bộ phận trong hệ thống thiên văn học truyền thống của Trung Quốc, vì lẽ đó đối với đại bộ phận các nhà thiên văn học Trung Quốc thời đó mà nói, những tri thức này là mới mẻ, không ăn nhập gì với các tri thức cũ mà họ cho, vì thế rất khó chấp nhận.
其次, 在古代中国居传统地位的天文学说 ---- 浑天说中, 由于没有正确的地球概念, 是不可能提出寒暑五带之类的问题来的.
Hơn nữa, trong thuyết Hỗn thiên, thuyết thiên văn có địa vị (trung tâm) trong truyền thống cổ đại Trung Quốc, do không có khái niệm địa cầu chính xác, không thể có năng lực đề xuất các loại vấn đề liên quan tới thời tiết, khí hậu.
Để kết luận, tôi xin bày tỏ quan điểm cá nhân, người đọc tùy ý lựa chọn tin tưởng hay không: Khả năng Chu Bễ Toán Kinh là ngụy tạo dần dần từng chi tiết hoặc toàn bộ không phải là không có. Việc ngụy tạo sách vở cổ thư của Trung Quốc không phải là chuyện hiếm. Việc các tri thức về vũ trụ của Chu Bễ gần như bê nguyên xi từ Puranas là hiển nhiên. Khả năng trùng hợp (xảo hợp) rất hiếm hoi như lạc đà chui qua lỗ kim, tuy theo thuyết lượng tử không phải là không có tý xác suất nào. Tin ở những điều may rủi vu vơ như vậy, trong khi có quá nhiều điều hay và chắc chắn hơn, phụ thuộc bạn có quá nhiều thời gian không biết dùng làm gì hay không. Cuối cùng, dù là ngụy thư, tự phát minh hay sao chép, các kiến thức có giá trị trong Chu Bễ cũng nằm ngoài kiến thức chủ lưu của Trung Quốc trong suốt lịch sử cho đến Trung hoa Dân Quốc. Do đó không thể coi là tri thức thiên văn học Trung Quốc. Mặt khác các kiến thức này đều có ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ trước Chu Bễ rất nhiều. Những điều tôi nói đây không phải là suy đoán cá nhân, hay ý kiến của học giả phương Tây mà của các học giả Trung Quốc có lý trí và công bằng.
Tôi sẽ trở lại lịch tứ phân và việc người Trung Quốc biết một năm có 365.25 ngày từ khi nào sau vào một dịp khác.

2 nhận xét: