Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Nhàn đàm: Công nghiệp hát rong kể chuyện

Qua nhiều tỉnh ở Việt Nam, thấy nhân dân sống còn nghèo, tôi cứ băn khoăn không biết làm thế nào với những người này, có thể thu tiền làm CNTT từ họ. Hay nói rộng hơn, có thể thu tiền gì từ họ, ngoài đồ ăn, cái mặc, chỗ ở, thuốc thang và xa hơn một chút là học hành. Nếu thị trường mua không có, thì cũng khó có thể giúp họ có được thu nhập để nâng cao đời sống. Nói cho cùng, họ cũng phải bắt đầu thu nhập từ môi trường xung quanh. Vấn đề của các tỉnh đều là tìm ra sản phẩm công nghiệp. Tỉnh nào cũng nói thị trường trong tỉnh không có, muốn tìm cách bán ra tỉnh ngoài, nhưng cũng dựng hàng rào ngăn chặn sản phẩm của tỉnh khác vào tỉnh mình. Quay đi quay lại, cuối cùng lại trở về bán tài nguyên. Tỉnh nào không có tài nguyên thì bán đất. Đất mỗi ngày một cạn mà công nghiệp, sản phẩm không có, tương lai sẽ không biết bán cái gì. Tôi tán thành bán tài nguyên, nếu như nhằm vào mục tiêu tạo vốn, đầu tư vào công nghiệp, để trong tương lai có sản phẩm bán được.

Có lẽ vấn đề của cả nước Việt Nam cũng như vậy. Rất ít sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Tôi đã từng đi dự một hội chợ sản phẩm công nghệ và hoàn toàn thất vọng. Mặt hàng bán chạy nhất là trái vải của Bắc Giang và bánh đậu xanh của Hải Dương. Cách sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nhất là quy trình nuôi tôm và nén mùn cưa thành củi. Có lẽ khó khăn không nằm ở việc làm một sản phẩm cụ thể, mà ở chỗ vòng quay của hệ thống không trơn tru. Động vào chỗ nào cũng phải thắng được lực ì của cả hệ thống. Làm một việc thành công ở Việt Nam là phải vác lên vai toàn bộ các vấn đề của xã hội. Thành thử chỉ các công ty lớn mới có hy vọng thành công vì mới bõ công xây dựng một bộ máy toàn diện để giải quyết chừng đó vấn đề.

Tuy nhiên, xem ra các đại gia cũng chỉ say sưa lợi dụng thương quyền để đào mỏ, chứ không phải là muốn giải quyết đến gốc của vấn đề để phát triển lâu dài. Vì vậy, các khẩu hiệu luôn luôn đổi mới được đưa ra, giống anh con rể bắt chước bố vợ đủ thứ trong tiếu lâm Việt Nam, mà không làm chuyện gì cho ra hồn.

Xem ra, để làm ăn lớn có lẽ nên bắt đầu từ thị trường nước ngoài. Thị trường nước ngoài nếu thành công lâu dài và ổn định sẽ dần dần tạo ra thị trường trong nước. Thực sự thì trong CNTT, xu hướng gia công là xu hướng duy nhất thành công ở quy mô công nghiệp, sau khi đã thử nghiệm các ý tưởng như game, thương mại điện tử, mạng xã hội,.... không mấy thành công. Đến như đại gia Viettel, trước nguy cơ bão hòa thị trường Viễn thông trong nước đã bắt đầu tìm ra nước ngoài.

Có điều, chỉ là ra nước ngoài thôi thì vẫn chưa phải là một chiến lược cụ thể. Rõ ràng gia công không phải là một hướng lâu dài, do không thể hình thành thương hiệu. Không có thương hiệu thì không thể có khách hàng lâu dài và không thể có sản phẩm công nghiệp có tầm cỡ. Gia công mà không để ý tới sản phẩm thì cũng không hơn gì bán tài nguyên, trong đó con người cũng là một dạng tài nguyên. Có thể gia công là một giải pháp tốt nhất hiện nay mà chúng ta có, nhưng không thể là đích đi tới. Cũng như bán hoa hậu, người mẫu, than đá, dầu mỏ, đều phải hướng tới mục tiêu trong tương lai, là phải có sản phẩm công nghiệp.

Tôi nhớ, hình như Tố Hữu có lần được hỏi sẽ làm gì sau khi thôi chức Phó Thủ tướng, ông đã trả lời "Tôi sẽ đi hát rong kể chuyện". Cũng có thể ngài Phó Thủ tướng -Thi Sĩ phụ trách kinh tế hoàn toàn không có một ý tưởng nào về công nghiệp. Nhưng tôi chợt nghĩ: Tại sao lại không có công nghiệp hát rong kể chuyện. Nếu chúng ta thử tính xem doanh thu do di sản của ông già hát rong kể chuyện mù Homer, hay chàng nghệ sĩ Shakespeare đã tạo ra cho nhân loại là bao nhiêu, có lẽ toàn bộ doanh thu của ngành công nghiệp CNTT chỉ là con muỗi. La Quán Trung ngày xưa, Trương Nghệ Mưu ngày nay cũng là những người hát rong kể chuyện. Hát rong kể chuyện Harry Potter, Lords of the Ring tạo ra doanh thu khổng lồ mà bất cứ ngành công nghệp nào cũng phải ao ước.

Việt Nam có thể hát rong kể chuyện gì cho thế giới để thay vào các cố gắng thi hoa hậu, thi Olympics, làm game, đá bóng nhại theo tiqui-taka, gia công phần mềm.... không thể nào thành công nghiệp quy mô quốc gia được. Đừng tưởng hát rong kể chuyện không có vai trò lớn. Người ta mua hàng Trung Quốc, du lịch Trung Quốc, đầu từ vào Trung Quốc cũng bắt đầu từ các câu chuyện hát rong kể chuyện Đèn Lồng Đỏ treo Cao, Ngoạ hổ Tàng Long, Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng,.... Trước khi  các thương hiệu Sony, NEC, Canon, Honda, Toyotta,... của Nhật trở thành quen thuộc, thế giới đã say sưa nghe Kurosava hát rong kể chuyện về con người và văn hóa Nhật bản. Có thể nói văn hóa dẫn đường và cũng là người bảo tiêu quan trọng nhất cho hàng hóa công nghiệp. Chúng ta sẽ kể chuyện gì đây và sẽ kể thể nào?  

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Luận Tam Quốc: Quan Bình là con trưởng của Quan Vũ

Quan Công được thờ rất nhiều nơi ở Trung Quốc và Việt Nam. Trong đền Ngọc Sơn, được cho là nơi có linh khí vượng nhất Thăng Long, cũng có thời Quan Đế Quân. Ở đâu có Quan Đế Quân ở đó cũng có hai vị thiên tôn đứng hầu. Vị mặt đen, vác đao là Chu Sương, một nhân vật không có trong chính sử, mà được hư cấu trong tiểu thuyết. Vị mặt trắng, đẹp trai nho nhã là Quan Bình.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Quan Bình được cho là con nuôi của Quan Vũ, có cha ruột là Quan Định, anh ruột là Quan Ninh. Nhưng sự thực, Quan Bình là con trưởng của Quan Vũ, mẹ là Hồ thị,  sinh năm 178 tại quê nhà của Quan Vũ, thôn Thường Bình, Giải Lương, Hà Đông. Năm 220, Quan Vũ mất vừa 58 tuổi, Bình mới 42 tuổi. Như vậy, Vũ sinh Bình khá sớm, mới 16 tuổi. Các tài liệu còn lại cũng nói Quan Vũ sống với Hồ thị không lâu. Thường thì có một ông bố ghê gớm như vậy thì hay có chuyện con nuôi nhận làm con đẻ. Chứ chuyện con đẻ rành rành, sao lại có chuyện lẫn thành con nuôi.
Bình có em trai là Quan Hưng, em gái là Quan Ngân Bình (cô hổ con, mà Quan Vũ không chịu gả cho công tử "chó con" là con trai của Tôn Quyền). Nhưng chắc khác mẹ, vì sau này Quan Vũ lấy người khác sinh ra Hưng và Ngân Bình. Có lẽ do Hồ thị lấy Quan Vũ thuở hàn vi, nhan sắc và dòng dõi đều tầm thường, nên ít được nhắc tới.
Quan Bình tự là Thản Chi (nghĩa là bình thản), làm tới Điển quân Trung lang tướng, luôn luôn theo sát cha trong trận mạc, chết chung với cha, do đó là hình tượng tôi trung, con hiếu, tình tình lại điềm đạm, cẩn thận lo mọi việc cho Quan Vũ.
Quan Bình là con rể của Triệu Vân, sinh được một con trai là Quan Việt. Khi Mạch Thành bị phá, Triệu thị dắt con là Quan Việt mới tám tuổi, chạy trốn, sống lẩn lút trong các làng xóm tại nước Ngô, lại phải đổi họ Môn. Không hiểu tại sao Triệu thị không đưa Việt về Thục, khi Triệu Vân vẫn làm tướng ở Thục, gia đình Quan Vũ cũng được trọng vọng ở Thục. Tuy vậy, như thế lại là may. Khi Chung Hội và Đặng Ngải phá Thục, con Bàng Đức là Bàng Hội, tìm giết sạch cả nhà họ Quan ở Thục để trả thù cho cha bị Quan Vũ giết. Vì vậy, dòng dõi của Quan Vũ chỉ còn Quan Việt.
Khi Tấn lấy Ngô, Quan Việt lấy lại họ Quan. Thời Thanh Ung Chính, dòng dõi của Việt có người ra làm quan và được vua Ung Chính ra một đạo dụ công nhận là dòng dõi Quan Vũ và Quan Bình.