Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Chuyện nhỏ cần bàn về tiếng Việt


Mấy em thiếu nhi trương biển "Small things matter" (những việc nhỏ đáng bàn). Con người ta cứ chia việc nhỏ việc lớn theo ý mình mà bỏ qua. Thực ra, việc đáng bàn và việc không đáng bàn, chẳng liên quan gì đến nhỏ hay to.

Chuyên mục Ngôn ngữ của tôi hôm nay sẽ bàn về mấy việc dùng từ lặt vặt. Nhiều người coi nhẹ việc này, nhưng quan điểm của tôi, lỗi nhẹ (cố nhiên chỉ là đánh giá chủ quan) nhưng hay xảy ra sẽ có hậu quả xấu hơn là lỗi lớn hiếm khi xảy ra, hoặc trong trường hợp bất khả kháng. Việc thất thân của Tiểu Long Nữ, dù mấy anh chị cổ hủ, cho là chuyện tày trời, đúng ra chỉ là chuyện gãi ngoài da, vớ vẩn. Trong khi đó, chương trình của hacker lấy trộm đi 5-10 cent cho mỗi giao dịch ngân hàng, phải bị coi là vụ trộm cắp lớn. Trong hoạt động doanh nghiệp, cắt giảm kinh phí cũng thường tập trung vào các lãng phí nhỏ hay xảy ra. Thường lỗi nhỏ, người ta hay tặc lưỡi, vì thế nó lại càng dễ xảy ra.

Những người dịch thuật có kinh nghiệm thường thấy khi dịch khó mà tránh được "rằng thì là mà", và văn dịch thường chi chít "sự" và "việc" để cho các danh từ, và thường là dùng sai lẫn lộn. Thiết tưởng cũng nên bàn về các chuyện này. Đáng lẽ những chuyện này phải được học trong nhà trường, nhưng chắc vì các giáo sư, tiến sĩ mải lo làm những chuyện "nhớn" để dân tộc phải khốn khổ với chữ nghĩa thế này.

Trước tiên bàn về việc dùng các từ "sự" và "việc". Muốn phân định đúng sai thì phải có chuẩn, không có chuẩn, đành "duy danh định nghĩa", tự nắm tóc mình mà kéo lên vậy. Đứng về chính danh mà nói, "sự" lớn hơn, bao gồm nhiều "việc", mỗi việc thì gồm nhiều "cái". Như vậy, khi dịch phải phân biệt rõ là đang nói về một phạm trù, một sự vật bất biến (tương đối thôi) hãy dùng "sự". Chỉ một hành động, sự kiện hãy dùng "việc". Khi chỉ một vật cụ thể, khái niệm cụ thể, kết quả cụ thể dù là danh từ, không nên dùng "sự" lẫn "việc".  Lấy ngay ví dụ: "Walking is good for health" dịch là "Việc đi bộ có lợi cho sức khỏe". Quyết không dùng "sự" ở đây. "A walk is good for you now" dịch là "Một cuộc đi dạo có lợi cho anh bây giờ" hoặc dân dã "Đi dạo một phát sẽ tốt cho anh bây giờ". Các bạn thử quan sát mà xem, người Việt ta dùng lẫn lộn và lạm dụng "việc" và "sự" thế nào. Đừng tưởng dùng sai vô hại. Hành vi đẻ ra thói quen, thói quen đẻ ra ý thức, ý thức quyết định số phận. Biết đâu dân tộc ta long đong cũng chỉ bắt đầu bằng việc dùng từ không cẩn thận. Rồi "sơ ý" lẫn hành vi ngẫu nhiên với quan điểm, phạm trù. Khi tiến hành chiến dịch lâu dài thì lẹt đẹt vài phát tượng trưng rồi đánh trống bỏ dùi. Rồi khổ, lại kêu.

     Chuyển sang việc dùng quán từ. Gần đây, tôi có quan sát được một hiện tượng dùng quán từ vô lý. Bắt đầu nhận ra chuyện này ở một người bình thường, sau đó thấy rất nhiều người, thậm chí quyền cao chức trọng, văn hay chữ tốt, bằng cao luận khoát, có lẽ là hiện tượng khá phổ biến trong giới sĩ phu. Rồi mới thấy kinh hãi.
      Ví dụ:
                    -  Anh có ăn "quả" dứa để em gọt ? (Rất dễ thương, nhưng trên bàn có tới ba quả dứa)
                    -  Anh có ăn dứa em ạ (Không lẽ lại nói em dùng quán từ sai).
      hay
                    -  Anh có thích ăn con mực không? (Mực đang ở dưới Hạ Long, chưa mua)
                    -  Anh không ăn mực đầu tháng.
        Khác nhau ở chỗ nào và việc dùng quán từ lẫn lộn nói lên vấn đề gì? "Dứa", "Mực" không có quán từ là khái niệm trừu tượng, phạm trù. "Con mực", "quả dứa" là các đối tượng cụ thể. Việc phân biệt phạm trù trừu tượng với các đối tượng cụ thể là thao tác của tư duy mà người Âu rất rành mạch trong quy tắc ngữ pháp. Đừng có mang khẩu hiệu chống "dĩ Âu vi Trung", "bản sắc dân tộc" hay "hòa nhập nhưng không hòa tan" ra đây để chống lại tiến bộ về tư duy của nhân loại. Đừng tưởng chỉ có mấy bà nội trợ đơn giản hay ngoài quán bia người ta mới sai như thế. Các dịch giả của chúng ta cũng lẫn lộn rất phổ biến, câu gốc không có quán từ, mục tiêu chỉ khái niệm, sang tiếng Việt để thuận tai, cứ tùy tiện thêm quán từ "một", "cái",... sai hẳn nghĩa gốc. Rất tinh tế, không ai nhận ra, có nhận ra cũng tặc lưỡi "không quan trọng" "còn nhiều việc quan trọng chết người chưa sửa". Biết đâu những việc chết người đã cố sửa mà không thể sửa sau nhiều năm cũng bắt nguồn từ những cái "không quan trọng" ngày càng dày đặc, mà không chịu sửa. Nếu nói một dân tộc luôn lầm lẫn cái tổng quát với cái cụ thể, biến khái niệm thành cái cụ thể, đánh tráo cái cụ thể thành một ý thức hệ thì có phải là vấn đề quan trọng không. Thành công một hai việc do may mắn đã vội tổng quát hóa thành thành quả của một tư tưởng. Hoặc thực hiện một sự nghiệp lớn, chỉ chăm chăm làm một vài việc tủn mủn lẻ tẻ, không để ý tới những cái lâu dài.

Cuối cùng, câu chuyện nhàn đàm chẳng có đầu đũa gì, đụng chạm tới tới việc dùng "rằng thì là mà". Tôi còn nhớ hồi tôi học lớp hai, mẹ tôi đã dạy cấm dùng "rằng thì là mà" trong câu. Tôi cố thuyết phục mẹ tôi, có những câu bắt buộc phải dùng "rằng thì là mà" nhưng Người không buồn sửa những câu tôi đưa ra mà chỉ nói "Viết lại, không dùng "rằng thì là mà". Tôi cố cãi "có chữ vì có người dùng". Mẹ tôi nói "Dùng để nói tạm tha thứ được. Văn viết dùng "rằng thì là mà" rất nhà quê". Sau này, thành thói quen, tôi rất ít dùng "rằng thì là mà". Tuy nhiên, khi dịch từ các thứ tiếng nước ngoài, tôi mới quan sát được "rằng thì là mà" chi chít. Có thể phát hiện ra văn dịch qua mật độ sử dụng "rằng thì là mà". Bản thân tôi cũng vô tình dùng rất nhiều "rằng thì là mà".
"I say that" dịch là "Tôi nói rằng". "If I have money, then..." dịch là "Nếu tôi có tiền, thì...". "The sky is blue" dịch là "Bầu trời là xanh".... Cứ thế chẳng mấy chốc tiếng Việt sẽ đầy ắp "rằng thì là mà".

2 nhận xét:

  1. Thưa thầy, trong câu "miếng ngon nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai" chữ "cơ cầu" nghĩa là gì ạ?
    Cảm ơn.

    Trả lờiXóa