Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Ra hiệu lệnh cho thiên hạ

Người ta thường nói Tào Tháo được "thiên thời". Thực ra thế mạnh của Tào Tháo bắt đầu được gây dựng từ mưu kế của người, chứ không phải do gặp may hay trời cho. Người ta thường nói ba người có tầm chiến lược lớn nhất thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng, Lỗ Túc và Tuân Úc đã thiết kế ra cục diện Tam Quốc. Thực ra mưu kế này vẫn chỉ là mưu kế hạng hai thuộc loại "bá đạo". Kế này dễ thuyết phục sứ quân, vì nó hiển nhiên là đề cập tới kế hoạch và biện pháp tranh giành ảnh hưởng và đất đai ngay trước mắt, là những cái phục vụ quyền lợi cho các sứ quân.
    Kế "dùng vua ra hiệu lệnh cho thiên hạ" là của Tuân Úc là kế sách thuộc hàng "vương đạo", xứng đáng là chiến lược số 1 ở đời Tam Quốc, tạo sức mạnh lâu dài ở vị trí số 1 cho tập đoàn Tào Ngụy, đến nỗi đời sau vẫn lầm tưởng là thiên thời.  Trước khi thực hiện kế sách này, Tào Tháo chẳng qua là một sứ quân hạng xoàng, về quân mã thanh thế đều không bằng Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu. Về địa thế lại ở vùng Từ Duyện Dự thụ địch bốn phía với các sứ quân thế lực chẳng hề thua kém như Lã Bố, Đào Khiêm, Trương Mạc. Sau khi thực hiện kế sách này, Tào Tháo mạnh dần lên, diệt Lã Bố, Trương Mạc, Đào Khiêm-Lưu Bị, Viên Thiệu, Viên Thuật, kiêm tính toàn bộ Trung Nguyên. Như vậy, Tuân Úc xứng đáng là chiến lược gia số 1 đời Tam Quốc.
     Sách Tam Quốc Chí của Trần Thọ chép lời của Tuân Úc khuyên Tào Tháo "Chính là thời thế, việc phụng giá chúa thượng để thỏa lòng mong mỏi của dân, đó là đại thuận; giữ lấy chí công để thu phục kẻ anh hùng hào kiệt, đó là đại lược; giúp việc xướng lên đạo nghĩa để thâu tóm người tài tuấn, đó là đại đức. Thiên hạ dẫu có kẻ chống lại tiết chế, hẳn chẳng thể làm ta phiền luỵ, ấy là điều rõ ràng vậy... Nếu chẳng định liệu lúc này, người bốn phương sinh dị tâm, sau này dẫu có tính việc ấy, cũng không kịp nữa." Không những mưu kế sâu xa, còn nói lên thời cơ và việc cấp bách phải thực hiện.
      Nói đến người bày mưu, cũng phải nói đến người nghe mưu. Cũng phải nói Tào Tháo là người lãnh đạo có tầm nhìn. Bởi vì, như Hàn Phi nói trong thuyết nan, những người lãnh đạo chỉ thích nghe những điều có lợi sát sườn và tỏ vẻ cao kỳ, hám được tiếng vô tư lợi "Nếu nói ích lợi cao xa, họ sẽ cho là viển vông, nếu nói điều lợi trước mắt, họ sẽ chê là thô bỉ, nếu nói đúng họ sẽ ngầm theo, nhưng sẽ mang lòng ganh ghét." Phải nói là mưu của Tuân Úc là ích lợi cao xa, hầu hết các sứ quân thời đó không thể thấy được, nhưng Tào Tháo có tầm nhìn xa nên nhận thức được ngay. Vì vậy, "thiên thời" của Tào Tháo chẳng phải là số trời mà là trí tuệ con người xây dựng nên. Mưu kế của kẻ sĩ và tầm nhìn của bậc vương giả đã làm nên sức mạnh.
     Đến sau nay, Tư Mã Ý, nhà chiến lược được Tào Tháo bồi dưỡng thay cho Dương Tu, cũng sử dụng kế sách "dùng vua ra hiệu lệnh cho thiên hạ" lần lượt lấn át Tào Chân, Tào Hưu diệt Tào Sảng, Vương Lăng, Quán Khâu Kiệm, Văn Khâm, Gia Cát Đản,... là những đại thần trụ cột, cầm những cánh quân trọng yếu của nhà Ngụy mà vẫn giữ được sức mạnh của phe Ngụy Tấn.    
      Ngày nay, không còn nhà vua nhưng "lòng dân", "kẻ hào kiệt", "người tài tuấn" và "đại thuận", "đại nghĩa", "đại đức",... vẫn còn đó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét