Nguyễn Ái Việt
Tóm tắt
Thế giới đã bước vào một chu kỳ phát triển để hình thành một trật tự mới. Trong pha đầu tiên của chu kỳ phát triển này, trọng tâm là việc phải sớm hình thành được các liên minh Chiến lược. Chậm trễ và sai lầm trong việc chọn liên minh chiến lược sẽ dẫn tới nguy cơ tụt hậu và hứng chịu những thiệt thòi. Việt Nam dường như vẫn lúng túng trong việc chọn liên minh trong suốt ba thập kỷ vừa qua, và do đó chưa hình thành một tư duy Chiến lược lớn trong xã hội. Việc xác định được các yếu tố động lực và nhận thức được thời điểm sẽ gợi mở cho những suy nghĩ về những vấn đề hôm nay của dân tộc.
1. Chiến lược lớn và tương lai của dân tộc
Chiến lược lớn (Grand Strategy) là tập hợp các kế hoạch và chính sách và bao gồm các nỗ lực của một quốc gia trong việc phát triển và phối hợp các công cụ chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm đạt được lợi ích của quốc gia.
Do một quốc gia bao giờ cũng phải đối diện với các khó khăn và hạn chế về nguồn lực, Chiến lược lớn là nghệ thuật dung hòa giữa phương tiện và mục đích, bao gồm ý chí của những người có suy nghĩ tiên phong trong xã hội, những cân nhắc và cảm xúc của những nhà lãnh đạo và những dự cảm có chiều sâu về bức tranh địa chính trị thế giới. Chiến lược lớn cần được bắt đầu bằng việc hiểu thế giới ngày nay vận động thế nào và xác định vị thế của quốc gia trong thế giới đó. Chiến lược lớn bao gồm cả chính sách và nguyên tắc hoạt động thực tiễn: các hành động và phản ứng của chính phủ đối với những đe dọa hoặc các cơ hội thực tế [1].
Trong lịch sử, từ thời cổ đại đã có Chiến lược lớn, phối hợp sức mạnh quân sự, tổ chức xã hội với các giá trị văn hóa, đạo đức và sức mạnh kinh tế. Trong cuộc chiến tranh giữa Athens và Sparta, mặc dù Athens có trình độ phát triển văn minh, khoa học kỹ thuật, thậm chí kinh tế mạnh hơn, đã thất bại, vì Sparta có tổ chức xã hội, phương thức huy động sức mạnh quân sự, kinh tế trong một tổng thể Chiến lược lớn phù hợp hơn. Sự sụp đổ của đế chế La Mã cũng là do thiếu một Chiến lược lớn để đối phó kịp thời với những vấn đề mới nảy sinh từ các vấn đề nội tại của đế chế, chứ không phải do thiên tai địch họa hay thiếu thốn tài nguyên [2].
Đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay đều có Chiến lược lớn của mình để có một chính sách phát triển và phản ứng với các sự kiện quốc tế một cách nhất quán. Đặc biệt, từ sau Chiến tranh lạnh, các quốc gia đều đã có những điều chỉnh về Chiến lược lớn của mình, do tương quan và trật tự trên thế giới đã thay đổi. Đáng chú ý, là các Think Tank của RAND Corp như Huntington và Fukuyama đã đưa ra các kiến giải mới về trật tự thế giới sau thời Chiến tranh lạnh. Hungtington đưa ra mô hình Va chạm giữa các nền văn minh [3], Fukuyama thì cho rằng thời kỳ mới gọi là Kết thúc của Lịch sử sẽ có một trật tự thế giới duy nhất [4]. Các học thuyết một thời là xương sống của chính sách đối ngoại của Mỹ này, ngày nay đã không ngừng được phát triển và điều chỉnh để phù hợp với thời kỳ mới.
Trong khi đó, từ nhiều thập kỷ Việt Nam có vẻ lúng túng trong việc hình thành một chiến lược lớn. Trong giai đoạn 1990-2005, những thành công về cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế làm người ta tin rằng một cách đi ngắn hạn, có tính đối phó theo thời điểm có thể đủ để duy trì một trạng thái cân bằng và dung hòa để phát triển. Có nhiều quan điểm cho rằng, các vấn đề xã hội, văn hóa có thể tạm thời gác lại để phát triển kinh tế và khoa học công nghệ.
Trong khi đó, từ nhiều thập kỷ Việt Nam có vẻ lúng túng trong việc hình thành một chiến lược lớn. Trong giai đoạn 1990-2005, những thành công về cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế làm người ta tin rằng một cách đi ngắn hạn, có tính đối phó theo thời điểm có thể đủ để duy trì một trạng thái cân bằng và dung hòa để phát triển. Có nhiều quan điểm cho rằng, các vấn đề xã hội, văn hóa có thể tạm thời gác lại để phát triển kinh tế và khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây hơn, bắt đầu thúc đẩy một nhận thức xã hội mới, cho rằng việc bị động trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, có căn nguyên trong chính sách đối nội, đã làm Việt Nam thua thiệt trong việc nắm bắt các cơ hội phát triển, và có thể phải trả giá bằng một giai đoạn trầm lắng trong phát triển, thậm chí có thể tụt hậu.
Khó khăn trong việc hình thành một nhận thức chung về tính cấp thiết của một chiến lược lớn thường là ở trong việc cởi mở tranh luận và có tính xây dựng trong giai tầng quyền lực cao nhất của quốc gia. Tránh né các vấn đề có tính sống còn để bảo vệ một bề ngoài đồng thuận hình thức đã che khuất những vấn đề trọng đại và sự cần thiết của những cá nhân có bản lĩnh chính trị (charisma) và năng lực quyết đoán. Khó khăn thứ hai thường xảy ra ở các quốc gia trên các lục địa già Á-Âu là xu hướng giữ các tranh luận này trong môi trường quyền lực hoặc trong các salon chính trị hẹp. Trong khi đó tại các quốc gia có tầm nhìn trẻ trung hơn và động lực phát triển mạnh hơn như Mỹ, các vấn đề về Chiến lược lớn đều có sự tham gia của các trí thức trẻ, thông qua các chương trình tranh luận học đường tại các trường đại học hàng đầu (Ivy League) [5]. Các chương trình tranh luận đó đóng góp đã cho Chiến lược lớn của quốc gia cả về những cách nhìn trẻ trung và những trí thức tinh hoa của thế hệ mới tham gia vào nội các. Ngay tại Trung Quốc là một quốc gia còn nhiều thế lực trì trệ và bảo thủ, các trí thức trẻ cũng chủ động quan tâm nhiều đến những vấn đề trọng đại của đất nước và có nhiều quan điểm mới mẻ. Điều đó thể hiện hết sức rõ trên báo chí và các hoạt động trong đời sống văn hóa của Trung Quốc.
Đã đến lúc Việt Nam cần có một tầm nhìn, chuẩn bị hình thành Chiến lược lớn, để có thể chủ động hơn trong việc quyết định tương lai của chính mình.
Bài viết này, dựa trên một bài viết khác của chúng tôi từ năm 1995 [6], chỉ chia sẻ cho một số thân hữu, ngày nay vẫn còn chút tính thời sự. Cần phải nói thêm, nó không có tham vọng ngay lập tức trở thành một học thuyết hoàn chỉnh hay một giáo điều nào đó, mà chỉ nhằm gợi mở một số suy nghĩ ban đầu.
2. Bức tranh phát triển của thế giới
Thế giới ngày nay đang phát triển ở một tốc độ cao chưa từng thấy, đầy rẫy những sự kiện bất ngờ. Một sự kiện đơn giản cũng có thể tạo ra những dư chấn đủ sức đảo lộn các trật tự đã được thiết lập từ lâu. Chẳng hạn việc rút vốn của nhà đầu tư George Soros ở Đông Nam Á có thể kéo tới sự sụp đổ hàng loạt doanh nghiệp, một số nền công nghiệp đang phát triển và đưa cả hệ thống tài chính thế giới vào khủng hoảng. Những hoạt động của những nhóm khủng bố nhỏ như sự kiện 11/9 đã gây ra những xung đột quân sự với quy mô lớn mà hậu quả sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ. Các kịch bản này có vẻ tương tự như một "hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect) trong một hệ thống đã bước vào pha phát triển hỗn loạn (chaos). Điều đó báo hiệu cho một chu kỳ hình thành các trật tự mới [7].
Trong những hệ thống như vậy, việc dự báo các tương lai ngắn hạn và trung hạn là không khả thi, thậm chí các số liệu đều là vô nghĩa. Tương tự như trong việc tiên đoán về diễn biến của thị trường chứng khoán hay số phận của một con người, dự báo ngắn hạn về diễn biến thời sự, đều nhuốm phương pháp tâm linh và niềm tin vào các động lực siêu nhiên, nơi trí tuệ, phán đoán và phân tích đều trở nên bất lực.
Để có thể phân tích trên cơ sở khoa học, bên cạnh các biện pháp kinh nghiệm mang đậm những dấu ấn cá nhân, cần có một tầm nhìn dài hạn hơn, mới có thể có những số liệu thống kê ổn định và đúng đắn. Một trong những phương pháp để có dự báo tầm xa về diễn biến toàn cầu là lý thuyết về các Chu kỳ Dài (The theory of Long Cycles):
Để có thể phân tích trên cơ sở khoa học, bên cạnh các biện pháp kinh nghiệm mang đậm những dấu ấn cá nhân, cần có một tầm nhìn dài hạn hơn, mới có thể có những số liệu thống kê ổn định và đúng đắn. Một trong những phương pháp để có dự báo tầm xa về diễn biến toàn cầu là lý thuyết về các Chu kỳ Dài (The theory of Long Cycles):
Mặc dù các tiến trình diễn ra trong thực tế đều có những thăng giáng ngẫu nhiên, nhiều sự kiện chỉ xảy ra một lần rồi không bao giờ trở lại, vẫn có những quy luật mang tính chu kỳ. Chẳng hạn Kepler đã nhận thức ra các chu kỳ để làm cơ sở cho việc phát hiện ra hệ Nhật tâm, phá vỡ các giáo điều của Nhà thờ đã xây dựng hàng thế kỷ. Mendeleev, xây dựng bảng tuần hoàn cho các nguyên tố hóa học chỉ trên cơ sở niềm tin mãnh liệt vào tính quy luật của tự nhiên, đã mở đường cho nhân loại nhìn thấy cấu trúc nguyên tử của vật chất. Cuộc sống của con người, sự sống, năm tháng, ngày đêm, mùa màng, thời tiết đều chứa đựng những chu kỳ như thế. Trong kinh tế học, các chu kỳ Kondratiev [8] cho phép người ta nhận thức được tính quy luật của phát triển kinh tế. Các chu kỳ này tuy kéo dài hàng chục năm vẫn là các chu kỳ ngắn so với các chu kỳ phát triển của địa chính trị thế giới.
George Modelski [9] là người phát triển học thuyết Chu kỳ dài dựa trên việc phân tích các số liệu từ thời Trung đại, và nhận thấy rằng lịch sử thế giới phát triển theo chu kỳ gồm có 4 pha như sau: Trong pha thứ nhất, trật tự thế giới cũ đã trở nên lạc hậu và sớm muộn cũng bị phá hủy, các liên minh mới sẽ ra đời nhằm cạnh tranh để giành quyền áp đặt một trật tự thế giới mới. Trong pha này, các quốc gia sẽ tìm kiếm các liên minh mới, tập trung và chuẩn bị lực lượng cho một cuộc đụng độ lớn. Pha thứ hai: Là pha đụng độ giữa các liên minh. Khi những thỏa hiệp, những biện pháp ngoại giao của pha thứ nhất không còn hiệu lực. Các liên minh sẽ ra mặt đối đầu quyết liệt. Những quốc gia trong phe thắng thế sẽ hưởng mọi quyền lợi, những quốc gia trong phe thất bại sẽ chịu mọi thiệt thòi. Trước khi đối đầu trực tiếp, các liên minh sẽ phải thẳng tay trấn áp các lực lượng nhỏ lừng chừng. Pha thứ ba: Thế lực thắng thế sẽ áp đặt trật tự mới ở phạm vi toàn cầu và chia sẻ thành quả của thắng lợi. Trật tự mới sẽ thể hiện ở kinh tế, chính trị và văn hóa. Pha thứ tư: Khi trật tự thế giới mới trở nên lạc hậu và ngày càng suy yếu, sẽ hình thành thế lực đối trọng thách thức với trật tự thế giới đang tồn tại. Dần dần, sẽ ngày càng có nhiều thế lực trỗi dậy hơn đẩy thế giới về pha đầu của chu kỳ mới. Sự phát triển theo các chu kỳ như vậy mở ra những cơ hội phát triển mới cho các quốc gia. Một nhận thức sai lầm của một quốc gia về chính sách liên minh và chỗ đứng của mình sẽ làm đất nước tụt hậu và phải chịu thiệt thòi.
Ở châu Á, sử gia Tư Mã Thiên [10] cũng đã có một quan điểm về Chu kỳ lớn. Ông cho là triều đại nhà Hạ, lấy "Trung thực" làm quốc sách. Khi "Trung thực" suy thoái trở thành "thô bạo", nhà Hạ bị thay thế bởi nhà Thương lấy quốc sách là "Lễ nghĩa" để bổ khuyết. Khi "Lễ nghĩa" suy thoái trở thành "mê tín", nhà Chu phải lấy "Văn hóa" để bổ khuyết. Tư Mã Thiên cho rằng khi "Văn hóa" suy thoái trở thành "xảo trá", lại phải quay lại "Trung thực", nhà Tần trái quy luật nên nhanh chóng sụp đổ. Điều đó, chứng tỏ việc sử dụng các Chu kỳ lớn là một phương pháp khá tự nhiên và phổ quát để hiểu sự vận động của xã hội.
Bức tranh về Chu kỳ lớn của Modelski có ích trong việc mô tả thế giới và chứng nghiệm những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, để hoạch định các chính sách tương lai để có chương trình hành động thực tiễn cần nhận thức được các động lực thúc đẩy thế giới vận động theo các pha nói trên. Chúng tôi đã đặt câu hỏi này cho giáo sư Modelski: làm thế nào để xác định được những động lực nào đang thúc đẩy thế giới. Nhận thức được các động lực này, sẽ cho phép xác định được chúng ta đang ở thời kỳ nào, cần liên minh với ai và cần làm gì để đảm bảo cho liên minh đó bền vững và đem lại các quyền lợi thiết yếu cho quốc gia. Giáo sư Modelski chỉ có một số chỉ dẫn rất tổng quát về phát triển về khoa học công nghệ là động lực phát triển. Không thỏa mãn với cách lý giải đơn giản đó, chúng tôi đã tự phát triển bức tranh về ba yếu tố động lực: tài chính, thông tin và văn hóa. Theo chúng tôi, sự phát triển của thế giới trong thời đại này, các xung đột, liên minh đều bị chi phối bởi ba yếu tố trên. Bức tranh về trật tự thế giới theo cách nhìn ý thức hệ đã quá khứ và chỉ còn là kỷ niệm của thời kỳ trước. Phân tích rõ các yếu tố này, chúng ta sẽ có cơ sở để tìm lời giải đúng cho một bài toán cấp thiết: Xây dựng Chiến lược lớn và tìm đồng minh chiến lược. (Còn nữa)
[1] P. Feaver, What is grand strategy and why do we need it, Foreign Policy (2009)
[2] J.A.Tainter, The collapse of complex societies, Cambridge University Press (1988)
[3] S.Huntington, The clash of civilizations and the Remaking of World Order, Free Press (1996)
[4] F.Fukuyama, "The End of History?", The National Interest (Summer 1989) và The End of History and the Last Man, Free Press (2002).
[5] Xem các chương trình về An ninh Quốc tế và Chiến lược lớn tại Yale, Duke và một số đại học Ivy Leagy của Mỹ. Chẳng hạn http://globalscholars.yale.edu/programs/studies-grand-strategy-program-gs
[6] Nguyễn Ái Việt, Các yếu tố động lực trong phát triển địa chính trị thế giới và tương lai của Việt Nam (1996) (unpublished)
[7] S.H. Kellert, In the Wake of Chaos: Unpredictable Order in Dynamical Systems. University of Chicago Press (1993).
[8] V. Barnett, Kondratiev and the Dynamics of Economic Development. London: Macmillan (1998).
[9] G. Modelski. Long Cycles in World Politics. Seattle: University of Washington Press, (1987)
[10] Tư Mã Thiên, Sử Ký (91 TCN)
[10] Tư Mã Thiên, Sử Ký (91 TCN)
Cảm Ơn Bác về bài viết
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa