Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Ngã học Dịch [1] Hệ từ Truyện Thiên Thượng Chương 1 Tiết 1

Bắt đầu đọc Dịch. Theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Mong các cao nhân có sách trong tay, bổ túc thêm từ các bản của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố và các bản khác.
Nguyên văn
   卑,乾   矣。卑   陳,貴   矣。動   常,剛   矣。方   聚,物   分,吉   矣。在   象,在   形,變  矣。  
Phiên âm: Nguyễn Hiến Lê
Thiên tôn địa ti, Càn khôn định hĩ; ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ.  Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hĩ.  Phương dĩ tụ loại, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ.  Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hoá hiện hĩ.  
Dịch: Nguyễn Hiến Lê 
(Vì thấy) trời cao đất thấp (mà thánh nhân) vạch ra quẻ Càn và quẻ Khôn; cao thấp đã bày ra thì định được quí và tiện (dương quí mà âm tiện). 
Động và tĩnh đã có luật nhất định do đó mà phân biệt cương và nhu (dương là cương động; âm là nhu, tĩnh). 
Việc (1) có xu hướng phải trái nên sắp với nhau thành nhóm; vật có hình riêng nên chia ra từng bầy; do đó mà đặt ra lời cát và hung. 
Xem trên trời thấy (nhật nguyệt tinh thần . . .) thành ra nhiều tượng; xem dưới đất thấy (núi sông, vạn vật . . .) thành ra nhiều hình; sự biến hoá như vậy đã hiện rõ. 
Chú thích: (Nguyễn Hiến Lê)

Tiết này nói về nguồn gốc và nguyên lý Kinh dịch. 
(1). Chữ phương ở đây có người hiểu là nơi và dịch: các loài tụ lại từng phương. Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. R. Wilhelm dịch là biến cố. 

 
Đọc lại
   Cách đọc của chúng tôi dựa trên các nguyên tắc sau đây:
    a) Phân tích sau đây dựa trên "án tại hồ sơ" dựa vào văn tự, văn cảnh, cấu trúc mạch văn và tham chiếu các đoạn văn cổ để tìm nghĩa cổ ngoài từ điển. 
   b) Khắc phục hạn chế thâm căn cố đế của các "cụ" vốn hay suy luận theo ý chủ quan, ép các ý tưởng có sẵn trong đầu cho sách. Thành thử tranh luận liên miên không bao giờ dừng để làm được cái gì cho ra hồn. Thực tế là lợi dụng Dịch để tuyên truyền mê tín dị đoan hay quan điểm chính trị.
   c) Chúng tôi, hậu sinh, không có thời gian và điều kiện đọc rộng, thuộc kỹ, nhớ sâu, nhưng có phần mềm và máy tìm kiếm, nói có sách, mách có chứng. "Cụ" nào muốn tranh luận để cùng xây dựng kiến thức đi đến chân lý đều sẵn sàng phục vụ, điều kiện duy nhất là bình đẳng và không để bụng. Nếu các "Cụ" đưa ra các lý lẽ thuyết phục hơn chúng tôi càng thấy vui, vì được mở mang tầm mắt.
      Đoạn này có thuận lợi là có công thức điệp ngữ gồm 5 câu XXX, YYY hĩ, như vậy không những văn cảnh, ý chung của cả đoạn mà từng từ ngữ cũng liên quan chặt chẽ với nhau. Cụ Nguyễn Hiến Lê phiên âm một chữ  thành "đoán" không trúng văn cảnh lắm. Nguyên chữ này có hai phiên âm "đoán" và "đoạn". "Đoạn" là phiên âm của nghĩa chặt đứt, tách biệt, rời bỏ như trong "đoạn tuyệt". "Đoán" được phiên âm trong phân xử "xử đoán", "đoán xét", "chẩn đoán". Phiên âm sai cũng dẫn đến hiểu sai và ngược lại.

Phiên âm và sắp lại theo điệp ngữ.
Thiên tôn địa ti, kiền khôn định hĩ. 
Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ.
Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoạn hĩ. 
Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ. 
Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa kiến hĩ.
Dịch theo văn
Trời sang đất hèn, mà Kiền Khôn định rõ. 
Cao thấp để sắp đặt, mà sang hèn có nơi chốn. 
Động tĩnh có phép tắc, mà cương nhu tách biệt. 
Lấy mẫu hình để nhóm  đồng loại, lấy cá thể để tách khỏi quần thể, mà cát hung sinh thành.
Trên trời thành tượng, dưới đất thành hình, mà thấy được biến hóa.   
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
  1. Phiên âm "cương nhu đoạn hĩ" chữ "đoạn" đây giống như trong "đoạn tuyệt", phân biệt rành mạch, cưa đứt đục suốt.
  2. Muốn dịch được tiết này trước hết cần xét cấu trúc theo lối điệp văn dồn dập gồm 5 câu theo công thức "XXX, YYY hĩ" trong đó YYY là hệ quả của XXX. Do đó hĩ có thể dịch là "rồi". Tuy nhiên dịch là "XXX, mà YYY" nghe uyển chuyển và dễ thấy quan hệ nhân quả hơn.
 3. Khó nhất  là câu "Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ". Điểm mấu chốt là hiểu được chữ "phương" và chữ "vật". Cả hai chữ này nếu tách riêng thì có rất nhiều nghĩa. Nhưng trong câu này và trong mạch văn của tiết này thì chỉ có một số khả năng hạn chế, giúp cho việc hiểu câu này dễ hơn. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu kỹ câu này. Dịch xong câu này, ý nghĩa của cả tiết sẽ rõ ràng.
4. Tựu chung có 3 cách giải thích chữ "phương" ở đây
    (a) Phương thuật: Phương pháp, cách thức, phương hướng.
    (b) Phương vị: Nơi chốn, địa điểm. (Nam Hoài Cẩn trong "Dịch kinh hệ truyện biệt giảng" phản bác nghĩa phương thuật cho rằng phương thuật không thể "tụ loại". Lệnh mỗ cho rằng lý lẽ phản bác không hoàn toàn thuyết phục, dù tiên sinh có thể đúng)
    (c) Mẫu hình, loại hình: Theo Thẩm Thiện Tăng trong "Hoàn ngô Trang tử" , "phương" ở thời Tiên Tần có nghĩa là một tập hợp vật thể lớn hơn so với "loại". Ví dụ Tử Du (Ngôn Yển, một trong Thập Triết, học trò của Khổng Tử) có nói "Cảm vấn kỳ phương?" (Dám hỏi ngài thuộc "phương" nào?) Hoặc trong "Mặc tử kinh thuyết hạ" có viết "Nhất phương tận loại, câu hữu pháp nhi dị"  Từ một "phương" đến tất cả các loại, đều có cách để phân biệt. 
   Vậy "phương" ở đây nghĩa là gì?
    Do câu văn biền ngẫu hô ứng, nếu nắm được nghĩa của "vật" sẽ xác định được nghĩa của "phương". Đọc lại "phương là để tụ loại, vật là để quần phân". Quan hệ giữa "phương" và "vật" sẽ xác định bởi quan hệ giữa "tụ loại" và "quần phân".
     "Tụ loại" là việc hình thành một khái niệm, một loại hình. Nhiều cá thể giống nhau, nhóm họp lại, được trừu tượng hóa thành một khái niệm.
      "Quần phân" là việc một cá thể tách ra khỏi quần thể của nó bằng một điểm khác biệt nào đó.
          Ví như: Một cô gái được gọi là cô gái do có một số tính chất chung nào đó. Nhưng cô gái của bạn sở dĩ duy nhất là nhờ có khác biệt nào đó.
      Theo quan điểm hiện đại, chính lý thuyết nhóm đối xứng là để phân loại, giúp hình thành các khái niệm. Vi phạm đối xứng, sẽ phân biệt một cá thể khỏi quần thể. Dường như nghĩa (c) có liên quan nhiều nhất với việc hình thành khái niệm và tách biệt cá thể.
        Hơn nữa, chữ Hán có danh từ và động từ "phương vật". Chúng ta hãy xem xét một số nghĩa liên quan, ngõ hầu tìm được từ nguyên cổ của chúng để truy ra nghĩa "phương" và "vật" cổ có trong Dịch Kinh.
      Danh từ "phương vật" có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là thổ sản là phẩm vật địa phương. Nghĩa thứ hai là việc "bàn luận phân biệt danh phận". Đây là nghĩa có thể liên quan.
      Động từ "phương vật" có trong sách Quốc Ngữ " Cập thiểu hạo chi suy dã, cửu lê loạn đức, dân thần tạp nhữu, bất khả phương vật"  nghĩa là "Đến khi (vua) Thiếu Hạo suy, (tộc) Cửu Lê làm loạn đạo đức, người và thần lẫn lộn, không thể "phương vật"" Cụm từ "bất  khả phương vật" còn được dùng trong "Sử Ký Tư Mã Thiên" và "Hậu Hán Thư", đều có thể dịch là "phân biệt danh phận". Sau này, phương vật mới được dùng theo nghĩa rộng hơn là so sánh, đồng loại, khi đó "bất khả phương vật", ý nói không thể so sánh, xuất sắc. Ví dụ như Kim Dung tả Triệu Minh trong Ỷ thiên đồ long ký "Minh diễm bất khả phương vật" Đẹp rực rỡ không gì so sánh được. Nghĩa là còn hơn Thúy Kiều còn so với "làn thu thủy, nét xuân sơn". 
      Phương thời cổ có nghĩa là "so sánh, phân loại". Trong Minh Sử-truyện Hải Thụy, có ghi câu nói của Gia Tĩnh về Hải Thụy "Thử nhân khả phương tỷ can, đệ trẫm phi trụ nhĩ" Người này có thể so cùng Tỷ Can, nhưng Trẫm không phải là Trụ". 
      Nghĩa này được suy rộng ra nghĩa hiện đại là "chính trực, ngay thẳng" như trong "chân phương".
      Lấy ví dụ nhiều như thế là  để tìm từ nguyên cổ của "phương", cũng đối chiếu với ngữ cảnh hiện đại, cũng như ý nghĩa trong văn cảnh, ta có thể khẳng định (c) có thể gần với nghĩa trong văn cảnh nhất.
       Bây giờ chúng ta xem nghĩa (c) có thể suy ra  việc sinh thành cát hung, tương tự với các câu khác trong tiết hay không? Việc gồm nhóm và phân tách cá thể quả thực có thể báo hiệu lành hay dữ. Những cá biệt đều báo điềm dữ, chân phương, chính trực, theo phép tắc báo hiệu điều lành. Đó chính là tuyên ngôn đầu tiên của Dịch.
       Cụ Nguyễn Hiến Lê chắc cũng thấy đoạn này khó nên nói là theo cụ Phan Bội Châu "phương" có nghĩa là nơi chốn, có phần phiến diện và sơ sài. Chính vì thấy bất cập nên phải tán bịa theo ý chủ quan. Không hiểu các cụ khác phán thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét