Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Ngã học Dịch [4] Hệ từ truyện. Quyển Thượng. Chương 1. Tiết 7

Nguyên văn
   知,簡   從。易    親,易    功。有    久,有   大。可      德,可      業。 

Phiên âm Hán
Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng. Dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công. Hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại. Khả cửu tắc hiền nhân chi đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.


Dịch và giải thích của Nguyễn Hiến Lê: (Người ta nếu bắt chước Càn, xử thế một cách) bình dị thì (lòng minh) người khác dễ biết (1); (nếu bắt chước Khôn mà xử sự một cách) đơn giản thì người khác dễ theo mình. Người khác dễ biết mình thì có nhiều người thân với mình; người khác dễ theo mình thì mình lập được công lao. Có nhiều người thân thì mình được lâu dài (2), lập được nhiều công thì sự nghiệp mình lớn. Mình được lâu dài thì là có đức của hiền nhân, có sự nghiệp lớn thì là có sự nghiệp của hiền nhân.
Chú thích: Mấy tiết trên nói về đạo, đức của Càn, Khôn; tiết này nói về người hiền.
(1) Dị tắc dị tri: chữ tri ở đây không có nghĩa là làm chủ như trong hai tiết trên, mà có nghĩa là biết. Chữ dị thứ nhất nghĩa là giản, chữ dị thứ nhì (dị tri) là dễ, trái với nan là khó.
(2) Cửu: lâu dài, có nghĩa là giữ chức vụ lâu, vì nhiều người đồng tâm với mình. 


Dịch:
    Dung dị sẽ dễ hiểu, giản tiện sẽ dễ theo. Dễ hiểu sẽ thân thiện, dễ theo sẽ có công. Thân thiện sẽ bền lâu, có công sẽ to lớn. Bền lâu là công đức của người hiền, to lớn là sự nghiệp của người hiền. 

Đọc văn
     Đoạn này là phá đề của chương 1. Sau khi tóm lược chủ đề và giải nghĩa rộng, phá đề là câu đưa ra các ý tứ mới, thay đổi nhận thức.   
     Nghĩa văn và logic của câu này đơn giản, đọc đoạn dịch là hiểu. Văn viết theo lối tạo thành hai chuỗi domino song hành. Điểm kết thúc là hai cặp phạm trù song hành của người hiền: là công đức và sự nghiệp. 

Lời bình của Lệnh Lỗi Dương 
     Toàn bộ ý nghĩa thực hành của Dịch là nắm chắc được việc sử dụng cặp phạm trù Càn-Khôn.
      Cuối cùng để được ích lợi gì? Cụ Khổng viết Hệ từ, hẳn nghĩ nhiều tới vấn đề thực tiễn. Tóm lại phải có công đức và sự nghiệp. Sự nghiệp mà không có công đức, đó là Hitler, Hussein, Ceaucescu, Tần Cối... phí một đời hò hét, trổ tài chỉ để người cười chê. Công đức mà không có sự nghiệp chỉ tỏa sáng được một thời, không để lại dấu ấn cho mai hậu. Rõ ràng phải cân bằng hai vế, không chỉ cốt được việc, nhưng không bày trò vu khoát.
     Muốn có công đức-sự nghiệp lại phải cân bằng giữa bền lâu-to lớn. Gia Cát Lượng, Khương Duy muốn làm lớn, nhưng nhiều lúc quên gốc bền lâu, mòn mỏi đem quân ra Kỳ Sơn làm quốc lực suy yếu.  Bài Thù quốc luận của Tiêu Chu không phải không có lý đã báo trước sự diệt vong, vì quên bồi bổ gốc lâu bền. Tôn Quyền không có chí lớn, thụ cửu tích, bo bo giữ hiểm cậy sông sâu, thành cao, rồi cũng diệt vong. Muốn bền lâu-to lớn phải thân thiện-có công. Thân thiện là giữ hòa khí, được người yêu mến, có công có thể là tiền tài hoặc công lao thành tích. Giành hết thành tích của thiên hạ thì bị ghét, ăn vét tận máng, tiền thu tận xu cuối thì không thể giữ thân thiện. Ngu như Bá Kiến vẫn biết vứt trả lại năm hào, đẩy người xuống nước rồi lại vớt lên. Nhưng những người hào hiệp, quảng đại vô nguyên tắc, thường khó nên công. Làm sao giữ được cân bằng mới là khó. Lẽ Dịch chỉ ra muốn có thân thiện-có công thì phải dễ hiểu-dễ theo. Lẽ đời, muốn người ta kiêng sợ thần thánh hóa mình thì phải huyền bí khó hiểu. Con rồng lộ vẩy là rồng mất thiêng. Tôn giáo hấp dẫn là nhờ bùa chú. Nhưng đó chỉ là dị đoan chưa phải là người hiền. Cái khó là dễ hiểu phải cân bằng với dễ theo vậy. Tưởng khó nhưng lẽ Dịch rất đơn giản chỉ cần cân bằng dung dị-giản tiện. Nói thì dung dị, làm thì giản tiện không cần cân nhắc nhiều. Dịch là đơn giản, nhất quán, không có gì kỳ bí như nhiều người giải thích.
     Cụ Nguyễn Hiến Lê thêm thắt hơi việc bắt chước Càn Khôn hơi dư thừa và hạn chế suy nghĩ của người đọc theo cách nghĩ của mình. 
    Ở đây Lệnh tôi dùng một chữ cổ là "dung dị" vừa dễ dàng vừa bao dung được nhiều người thấy thích hợp nhất. Nếu ai biết từ hiện đại nào bao quát được ý này xin chỉ giáo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét