Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Ngã học Dịch [2] Hệ từ Truyện Thiên Thượng Chương 1 Tiết 1 (tiếp theo) Hiểu chữ phương và vật

Mấu chốt để hiểu Tiết 1, Chương 1, Hệ từ truyện, Thiên Thượng là ở câu:
 "Phương dĩ tụ loại, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ"  
Nguyễn Hiến Lê dịch giải như sau:
"Việc (1) có xu hướng phải trái nên sắp với nhau thành nhóm; vật có hình riêng nên chia ra từng bầy; do đó mà đặt ra lời cát và hung. 
(1). Chữ phương ở đây có người hiểu là nơi và dịch: các loài tụ lại từng phương. Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. R. Wilhelm dịch là biến cố. "
Trước hết ta hãy xem việc "cát hung sinh" trong quan hệ với "tụ loại" và "quần phân". Nói về Dịch là nói về biến chuyển, mục đích là xem cát hung (lành dữ). Cát hung là nói về được mất, thay đổi theo tình hình thay đổi (Chương 3 quyển Hạ có câu "Cát hung giả, ngôn hồ kì thất đắc dã", Chương 12 quyển Hạ lại có câu Biến động dĩ lợi ngôn, cát hung dĩ tình thiên)
Nguyên lý của Dịch là phù hợp thì lành, sinh cát, xung khắc thì dữ, sinh hung. Nương theo cát hung mà hành động, cát thì thuận nước đẩy thuyền, hung thì luyện chí đợi thời.

Tiết mở đầu của Hệ từ truyện là phải quán xuyến được nguyên lý thực hành đó của Dịch, chứ không phải nói chuyện vu khoát. Do đó "tụ loại" chỉ nói về sự phù hợp, giống nhau, nhóm họp, "quần phân" nói về sự xung khắc, khác biệt, chia lìa.

Vậy thì cái gì sẽ dùng để nhóm họp, chỉ ra sự phù hợp, cái gì dùng để chỉ ra xung khắc, chia lìa? Nhóm họp dựa trên tương đồng, giống nhau, cùng loại. Xung khắc, chia lìa dựa trên sự khác biệt. Chúng ta sẽ xem nghĩa nào của chữ "phương" và chữ "vật" có liên quan đến ý nghĩa đó của Dịch. Cũng cần xác định văn của Dịch là văn muộn nhất vào thời tiên Tần, do đó cần các xét theo nghĩa cổ, không hạn chế ở các nghĩa hiện nay.

Chúng tôi tham khảo phần giải nghĩa tường tận  http://www.zdic.net/z/1b/xs/65B9.htm, sau khi nhóm họp các nghĩa có dị biệt nhỏ thấy có các nghĩa như sau:
 (1) Thuyền và thuyền ghép song song gọi là phương chu lễ tiết cho các quan đại phu, hoặc tạo thành chiến thuyền lớn trong quân sự.
(2) Tương đương, cùng loại, như nhau, so sánh
    Sách Chu Lễ có câu Tử nhân vi hầu, quảng dữ sùng phương. Khắc ấn phong hầu đều tôn trọng NHƯ NHAU
     Sách Chiến quốc có câu Kim giả, tề, hàn tương phương. Người thời nay, Tề Hàn đều NHƯ NHAU.
       Trong Hán Thư, truyện Vệ Thanh Hoắc Khứ Bệnh có câu Tán phiếu kỵ diệc phương thử ý Tán dương phiêu kỵ cũng giống như ý đó.
(3) So sánh để thấy sự khác biệt
       Trong sách Quốc Ngữ có câu  "Dân thần tạp nhữu, bất khả phương vật". Dân thần lẫn lộn, không thể phân biệt. Tuy nhiên, lưu ý sự khác biệt là do chữ vật trong từ "phương vật"
(4) Chiếm hữu, ở
     Kinh Thi trong  bài Triệu nam · Thước sào có câu  Duy thước hữu sào, duy cưu phương chi.  Chim khách có tổ, bị tu hu vào ở chiếm lấy
(5) Bắt chước, theo hình mẫu
     Tuân Tử có câu "Phương kỳ nhân chi tập quân tử chi thuyết, tắc tôn dĩ biến hĩ, chu ô thế hĩ" Bắt chước người tài tập nói chuyện theo lối quân tử, ắt được kính trọng mà thay đổi để giúp đời".
  Nghĩa (2), (3) và (5) đều có quan hệ logic đến việc phù hợp, "tụ loại". Nghĩa (1) không có liên quan. Nghĩa (4) có thể có liên quan nhưng theo một nghĩa khác "tụ loại theo nơi chốn, phép tắc, sự chính trực". Chúng tôi tạm để vào một khả năng để khảo dị. 
    Nếu tổng hợp các nghĩa còn lại đều có thể tạm dịch như sau:
   "Tương đồng để nhóm họp, hoàn cảnh riêng để chia lìa, mà sinh ra lành dữ".
   Nếu theo nghĩa này ta có thể chọn nghĩa "vật" như là hoàn cảnh riêng.

   Ở đây chúng tôi muốn bàn thêm một cách suy luận theo nội dung hiện đại để thấy cách hiểu chính và cách hiểu khảo dị có thể thống nhất với nhau để đưa ra một cách hiểu rộng duy nhất.

    Chúng ta có thể thấy "phép tắc" và "tương đồng" bao giờ cũng đi đôi với nhau. Bất cứ phân loại, nhóm họp hay hình thành khái niệm đại diện cho cả nhóm bao giờ cũng phải có một "phép tắc" nhất quán dựa trên "sự tương đồng". Ví dụ, người xưa nhận thức được những con bò thông qua những con bò cụ thể. Nếu không có phân loại, không có được tư duy trừu tượng dựa trên khái niệm, các con bò là những đối tượng cụ thể không có liên quan và cũng bình đẳng như những con vật khác. Việc hình thành nhóm các con bò với đại diện là khái niệm trừu tượng "bò" không chỉ con bò cụ thể nào, phải dựa trên một nguyên tắc bao gồm một tập tính chất tương đồng nào đó (như bốn chân, có sừng, ăn cỏ, cày ruộng,...).  Các khái niệm hình thành nhờ mở rộng hoặc thu hẹp các tập tính chất tương đồng, căn cứ vào đó các nhóm đồng loại cũng được thu hẹp hay mở rộng. Nhờ thế có khái niệm con vật, vật bốn chân, thú có vú, họ trâu bò, bò, .... Người ta có thể nhận thức được một nhóm con, hoặc một cá thể nhờ một sự khác biệt (hoàn cảnh, điều kiện riêng) nào đó.

     Các ví dụ nổi bật về "tụ loại" và "quần phân" là định luật hấp dẫn Newton và việc tìm ra sao Hải vương Tinh (Neptune) . Các hành tinh trong hệ Mặt Trời đều tuân theo định luật Newton. Đó chính là "tụ loại", có phép tắc, quy luật, ....  Tuy nhiên, các nhà khoa học khi đó thấy rằng quỹ đạo của sao Thiên Vương (Uranus) có vẻ lệch so với tính toán, dựa trên các dữ liệu quan sát được. Đó chính là "quần phân" khác biệt, dị thường, phá vỡ quy luật,.... Để giữ nguyên quy luật, người ta phải giả thiết có sự tồn tại của một hành tinh khác là Hải vương tinh. Áp dụng định luật Newton, người ta có thể tính chính xác được quỹ đạo và vị trí của sao Hải vương để quan sát được nó.Việc GellMann tiên đoán được hạt Omega dựa trên đối xứng SU(3) và Meldeleev tiên đoán được các nguyên tố nhờ bảng tuần hoàn cũng là các ví dụ tương tự về tư tưởng hiện đại của "tụ loại" và "quần phân". Tuy nhiên, ở tiết này việc vận động qua lại giữa "tụ loại" và "quần phân" cũng như việc hình thành khái niệm và quan hệ giữa cá thể và quần thể trong Dịch chưa có một sự vận động chuyển hóa linh hoạt như tư duy khoa học hiện đại.

      Theo quan niệm hiện đại, đây chính là cơ sở của nhận thức: nhìn thấy sự liên hệ qua các tính chất tương đồng để hình thành khái niệm, nhìn thấy sự khác biệt để phân biệt sự vật (kể cả tốt và xấu). Chúng ta hy vọng, ở các phần sau, trong Dịch cũng sẽ có quan điểm linh hoạt, chuyển hóa như vậy. Theo quan niệm phổ biến hiện nay ở Á Đông, tốt là theo chuẩn, phép tắc đi kèm với sự chính trực, do đó không có đột phá. Cái gì phá cách, bất thường là xấu. Do đó thực ra không có cái gì là Lành hay Dữ theo nghĩa tuyệt đối. Lành hay Dữ là theo cách nhìn sự vật. Điều mà một số người cho là tốt, có thể là xấu đối với một số người khác. Hơn nữa, do vận động phải tuần tự, điều xấu cũng chưa chắc đã là xấu nếu coi đó là một đoạn đường ắt phải qua để đến kết quả tốt.
   
   Như vậy, Cát Hung là do góc nhìn và thời điểm. Phân biệt Cát Hung chưa chắc đã là tốt. Điều quan trọng hơn là nhìn nhận ra sự vật và xu hướng vận động của nói. Đến đây chưa rõ là tư duy lạc hậu Á Đông là phản Dịch hay trung thành với Dịch và Dịch có hạn chế ở cách nhìn nhận cứng nhắc về Cát Hung.
 
      Theo tư tưởng trên, chúng tôi đề nghị dịch câu trên như sau "Phép tắc tương đồng để nhóm họp, điều kiện riêng để phân biệt, mà sinh thành Cát và Hung". Chúng ta sẽ điều chỉnh cách dịch câu này khi đọc và hiểu nhiều hơn về Kinh Dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét