Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

PHỦ ĐỊNH VẦ TƯ DUY

Câu hỏi tại sao đóng một vai trò quan trọng trong phát triển tư duy. Nếu một con vật đặt được một câu hỏi tại sao duy nhất nó ắt sẽ trở thành người vì sẽ có hàng vạn câu hỏi tại sao tiếp nối. Biết trả lời cho một vạn câu hỏi tại sao là đã có thể thành minh triết. 
Quy trình dạy cách đặt câu hỏi tại sao cho trẻ em nói chung và cho người lớn bị liệt chức năng này như sau: 1) Luyện cách đặt các mệnh đề phán đoán. 2) Phát biểu một cặp mệnh đề có thể có liên quan. 3) Đặt câu hỏi tại sao. 4) Đặt câu nhân quả: vì.... nên.... 5) Mở rộng: nếu... thì....
Tuy vậy, tôi đoán rằng nếu bước 1) luyện không kỹ, tức là năng lực phán đoán không tốt, chưa ổn định, lập luận nhân quả sẽ lung tung. Đối với trẻ nhỏ thì việc xoá bỏ đi hoàn toàn để luyện lại rất dễ. Đối với người lớn tuổi bằng cấp chức tước càng cao sửa càng không dễ. Bản thân tôi thấy nhiều GS, TS, BT, CT lập luận mà thấy phải sửng sốt, phán đoán họ là nguồn cảm hứng vĩ đại của Mao Chủ Tịch khi Người nhận định về trí thức. Với những người cao cấp hơn không phải không có chuyện đó, nhưng tạm thời chúng ta sẽ không nói tới, thông cảm cho họ đã mất công vất vả leo trèo đến đó. Vả lại cũng không mấy bổ ích hay tác dụng.
Chỉ tóm gọn là có những lập luận của các bậc được xã hội kính trọng nhưng như ... shit. Dùng tạm tiếng Anh cho nhã. Thực ra, lập luận của họ thế nào không đáng làm ta quan tâm. Điều quan trọng là ta có thể rút ra kết luận có ích cho xã hội là khi năng lực phán đoán không vững lập luận sẽ như shit. Nói cách khác, không biết phải trái thị phi thì dù có là ông nọ bà kia cũng sẽ chẳng nên cơm cháo gì.
Phán đoán tức là phải có phủ định. Đừng lo chân lý bị phủ định. Chân lý luôn có thể phủ định bởi ai đó. Chân lý được phủ định mới thành chân lý. Đã là chân lý thì không bao giờ tàn lụi chỉ vì bị phủ định. Một đứa trẻ thích phủ định và biết phủ định, chưa biết đúng sai thế nào là đã hơn cả những người lớn không bao giờ thử phủ định các chân lý tưởng như bất di bất dịch.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Thế nào là phản biện

Hôm qua tình cờ mới đọc được bài báo này nhan đề là "phản biện" một bài trên blog này của tôi ở đây mà báo Văn hóa Nghệ An cũng đăng lại.

Thực ra trả lời mấy chuyện lặt vặt này tôi rất ngại vì sẽ mang tiếng và có thể thực tế phải đôi co không bổ ích gì. Nếu không trả lời e sẽ mang tiếng chảnh, mà giữa tôi và người phản biện có quan hệ cố giao trên 40 năm.  Mặt khác, một số thân hữu lại hiểu nhầm là tôi đuối lý. Mà bài viết này lại không nhằm vào mục đích chữ nghĩa vớ vẩn là thứ tôi tiện tay phiếm bút để nói những chuyện quan trọng hơn.

Việc "có đôi nhời" cũng đả động đến một vấn đề về tư duy tranh luận (không nên nhầm với văn hóa, vì người đối thoại là người có gia phong nền nếp, học hành đến nơi đến chốn và kiến văn trác tuyệt). Nếu không đúng protocol rất dễ thành "ông nói gà bà nói vịt", thảo luận như nước đổ lá khoai, không bên nào nghe bên nào, chỉ biết nói mà không tiếp thụ. Nay tôi xin thuật lại để chư vị tường lãm. Đúng sai thế nào đã có công luận. Mong rằng mọi người không coi đây là một vụ cãi vã hay chẹt xe cán chó. Ý muốn nói  phần lớn nằm ở ngôn ngoại. Suy ngẫm sẽ có bổ ích, hiếu kỳ thì không.

Câu chuyện là tôi giải thích cụm chữ "lang bạt kỳ hồ". Cụm chữ này xuất hiện sớm nhất trong bài Mân phong của Kinh Thi, mô tả một con sói tiến tới thì dẫm phải yếm ngực, lui thì dẫm phải đuôi, đằng nào cũng khổ. Đoạn này mô tả tường minh, không có bóng bẩy gì, có lẽ không ai tranh luận về ý nghĩa. Có lẽ từ đây (ít ra sách vở của Trung Quốc đều thống nhất như vậy) xuất hiện thành ngữ "lang bạt kỳ hồ" nói tới tình trạng "mắc kẹt", "tiến thoái lưỡng nan". Trong tiếng Việt cũng có cụm thành ngữ "lang bạt kỳ hồ", được dùng với một nghĩa "lang thang" khác hẳn. Thành ngữ "lang bạt kỳ hồ" trong Hán ngữ được rút gọn thành từ "lang bạt". Tình cờ tiếng Việt cũng có từ "lang bạt" có nghĩa là "lang bang xiêu dạt" bị "bạt" đi. Trong khi đó "lang bạt" trong Hán ngữ vẫn giữ nghĩa như "lang bạt kỳ hồ" mô tả tình huống mắc kẹt. Tôi trích hai câu văn cổ. Một câu từ sách Tam Quốc chí của Trần Thọ đời Tấn, một câu đời Đường có dùng chữ "lang bạt", và phân tích để thấy rõ không hề có nghĩa lang thang như trong tiếng Việt. Do "lang bạt kỳ hồ" tiếng Việt gốc Hán rõ ràng, có thể là ban đầu không đến nỗi sai, nhưng dốt chữ, dịch ẩu nên dùng sai dần, thành thử không đúng với nghĩa gốc.
   
Người viết bài "phản biện" lại đưa ra một câu tiếp theo trong bài Mân phong nói về người giàu sang, quan lại đi đứng đàng hoàng. Sau khi phân tích giảng giải ý nghĩa của bài Mân phong (thực tế là không ăn nhập gì và không có gì để "phản phản biện"), anh làm một quantum leap logic (lập luận nhảy lượng tử) là chữ lang bạt, lang thang "có thể" là vì con sói sống lang thang và có ý phủ nhận ý học ẩu, ếch ngồi đáy giếng (thế ra là người Việt thông minh sáng tạo mới đúng).

Vấn đề là ở chỗ tôi xuất phát từ việc phân tích cụm từ "lang bạt kỳ hồ". Ngay trong bài Mân phong đọc kỹ cả hai câu cũng không có gì chứng tỏ nghĩa là lang thang. Người nghèo thì mắc kẹt, lúng túng khổ sở, tiến thoái lưỡng nan, người sang thì áo mũ xênh xang, đĩnh đạc hiên ngang. Nói thực ra, các từ "lang bạt" hay thành ngữ "lang bạt kỳ hồ" tôi đã cẩn thận tra kỹ trong chữ Hán chính thức không có nghĩa gì lang thang (biết đâu cũng có anh Hán dùng lung tung).

Điều đáng nói không phải chữ nghĩa lặt vặt. Ở đây là cách đọc và học của người Việt vô cùng ẩu tả, làm tiếng Việt thành một mớ hổ lốn, nhiều khi làm cách tư duy suy luận thêm lộn xộn, vì xuất phát điểm từ các sau lầm. Không nói các cụ ngày xưa chữ Hán sát vách mà vẫn hiểu sai lệch. Ngày nay chúng ta dùng từ dịch tiếng Anh cũng tùy tiện như thể chế, thiết chế, định chế mỗi người một phách, rao giảng, rồi cãi nhau suốt ngày, làm đám đông không hiểu ra sao. Chữ nghĩa lộn xộn thì tư duy lộn xộn không ai biết làm chủ tập thể, kiến tạo chính phủ hay cách mạng công nghiệp 4.0 thế nào, nhưng ai cũng nói cũng làm.

Và ít quan trọng hơn nghĩa của từ "phản biện" cũng cần xem lại. Khi phản biện cần bám sát vào logic của người ta, sai ở chỗ nào, xuất phát điểm từ đâu, sử dụng lập luận nào không đúng, bằng chứng nào không thuyết phục. Không phải nói chệch sang chuyện khác, giảng giải lằng nhằng (ý nói là các anh không biết bằng tôi) chẳng liên quan, bỏ qua các bằng chứng không thể bác bỏ thì gọi là "phản biện".  Chữ nghĩa chỉ là cái vỏ logic mới là ý chính. Ta và Tàu đều không biết logic là gì cho đến khi Âu hóa, cho nên coi trọng làm xiếc với chữ nghĩa, ngụy biện lòe bịp là nhiều. Chính đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn cũng đã nói nhiều về chuyện này.