Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Tào Tháo bỉ mặt Trương Tùng mất Thục - Lệnh Lỗi Dương

Cuối tuần này, các việc gấp đã tạm thư, tiếp tục mục Luận Tam Quốc

   Cuối đời Hán Linh Đế, nạn mua quan bán chức lan tràn, những kẻ bất tài hối lộ làm quan đầy rẫy, đè nén dân gian trục lợi, oán thán đầy đồng, điêu dân làm loạn theo bọn Khăn Vàng mong đổi đời. Công khanh dâng biểu tiến cử các đại thần có danh vọng, phẩm cách thanh cao làm chức Mục ở các châu. Các quan Mục đều được phong hầu, được dùng màn trướng y phục sắc đỏ. Vào chầu được được đi xe công xa tứ mã, đãi ngộ đặc biệt, địa vị tôn quý, quyền thay thiên tử sinh sát một phương. Ích Châu có Lưu Yên, Kinh Châu có Lưu Biểu, U Châu có Lưu Ngu đều là tôn thân nhà Hán.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
  Loạn là do thể chế yếu, chứ không phải thể chế yếu do loạn. Loạn bắt đầu từ việc không dùng hiền tài. Quan lại chạy theo lợi riêng, bỏ bê việc phải chăm sóc đời sống và giáo hóa cho dân. Xét Linh Đế muốn cải cách, cũng là đáng khen, nhưng thay vì tăng quyền lực Trung ương lại tăng quyền lực địa phương để đến nỗi sau này các sứ quân tự chuyên đánh giết lẫn nhau không kiểm soát nổi, đến nỗi thiên hạ chia ba, chẳng phải là sai lầm từ gốc sao. 

Lưu Yên vốn dòng dõi Lỗ Cung Vương Lưu Giao, gia tộc được phong ở Huyện Cánh Lăng, Giang Hạ, thuộc Kinh Châu. Cha Yên là bậc đại nho đời Hán mạt là Lưu Hướng. Do là tông thất nên từ trẻ đã được bái làm Trung Lang, rồi dần trải qua các chức Huyện lệnh, Thái thú, Thứ sử rồi đến bậc công khanh như Tông Chính, Thái thường. Khi triều đình có chính sách cử quan Mục, Lưu Yên muốn tránh loạn đảng trong triều bèn xin làm quan Mục ở Giao Chỉ. Sau nghe lời quan Thị Trung là Đổng Phù, thạo giảng sấm ký, nói Ích Châu có khí tượng đế vương bèn xin vào Thục. Được phong Dương Thành Hầu, Giám quân Sứ giả, lĩnh Mục Ích Châu. Đổng Phù và Triệu Vĩ là các quan lại có tiếng tăm đi theo Yên làm vây cánh. Yên đến châu, giết thứ sử cũ là Khích Kiệm, thu nạp lưu dân làm vây cánh gọi là quân Đông Châu. Ích Châu giàu có và trở thành một sứ quân mạnh. Yên nghe lời sấm ký, nói chân mệnh thiên tử có hoàng hậu họ Ngô, bèn cưới thêm vợ là Ngô thị, chế xe cộ nghi trượng thiên tử. Phía bắc cấu kết với bọn Mã Đằng làm phản, phía Đông sai Trương Lỗ nắm lấy Hán Trung. Phía Nam ngăn đường sang Kinh Châu. Lại cắt đường sạn đạo, tuyệt tin tức với nhà Hán. Những kẻ chống lại Yên tại châu đều bị Yên giết chết.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương 
   Lưu Yên là tôn thân nhà Hán, vốn là người có học đậu khoa Hiền lương Phương Chính, có danh vọng. Nhưng tham hư danh mà đắm vào mê tín dị đoan. Nắm trong tay Ích Châu giàu mạnh mà mưu đồ cá nhân đen tối. Sau này Lưu Bị lên ngôi Hoàng Đế lấy con gái của Ngô Ban làm hậu. Chân mệnh đế vương đâu chỉ vì một việc lập hậu.

Lưu Chương nối cơ nghiệp của cha, giả mệnh thiên tử lĩnh Ích Châu Mục. Triều đình lắm việc không xét tới lại gia phong Phấn Uy tướng quân. Ích Châu, binh nhiều lương lắm, lại thu nạp được kẻ sĩ từ Kinh Tương bất đắc chí về theo. Võ thì có bọn Bàng Hi, Trương Nhiệm, Hoàng Quyền, Lý Nghiêm, văn thì có bọn Trương Tùng, Pháp Chính, Bành Dạng, Mạnh Đạt. Chương bản tính khoan hòa, tuy thích nói chuyện nhân nghĩa nhưng không có uy để ngăn quân Đông Châu tàn hại bách tính. Tuy có nhiều nhân tài nhưng do dự không dám hành động, lại khăng khăng cố chấp những điều nhỏ mọn, nên lòng người dần chia lìa muốn tìm chủ khác để thực hành tài học của mình.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương 
  Người có chân mệnh thiên tử phải có viễn kiến, không câu nệ tiểu tiết. Đâu phải chỉ nói chuyện giống bậc vương giả mà thành vương giả. Sau này rước quân Kinh Châu vào Thục rồi lại đổi ý gây hấn, đánh nhau với Lưu Bị ba năm, xương dân chất trắng đầy đồng. Mới biết do dự, u mê là do tư chất ngu độn mà ra, thà về đuổi gà cho vợ, ôm đống của làm anh trọc phú còn hơn. Sau này Chương lại theo Tôn Quyền, được phong Thứ sử Ích Châu hữu danh vô thực ở Kinh Châu.

Tào Tháo bôn ba nhiều năm, lao tâm khổ tứ đã dẹp được bọn Viên Thuật, Viên Thiệu, Lã Bố, Mã Đằng, thống nhất Trung Nguyên, củng cố chính quyền địa phương, đem quân xuống phía Nam, bình định Kinh Châu.  Lưu Bị đem quân bỏ chạy, liên hợp với Tôn Quyền, chống Tào, thế yếu. Quân Tào chỉ chờ một trận dẹp yên phương Nam, nên tạm không hỏi đến Hán Trung và Ích Châu. Lưu Chương kinh sợ bèn sai người mang lễ vật xin theo hiệu lệnh của Tháo. Lại cử quan Biệt giá là Trương Tùng đến xin nội thuộc nhà Hán.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương 
  Sau khi lấy Kinh Châu, nếu Tháo đem một cánh quân bình định Hán Trung thu nạp Ích Châu, lấy thế ép Giang Nam, đã không còn nhà Thục. Nhưng chắc Tháo coi thường Trương Lỗ, Lưu Chương là bọn ngu dốt, lúc nào cũng có thể lấy Thục như lấy đồ trong túi. Phàm việc đời, cái gì dễ phải lấy trước, tạo thanh thế cho đại cục, không cần dùng sức mà yên thiên hạ, giữ tính mạng cho trăm quân. Tháo đọc kỹ binh thư mà vẫn còn thích động binh chém giết, chưa nắm được tuyệt học của đạo đánh dẹp.  Nhưng chưa lấy Thục ngay cũng chưa phải là thất sách nếu biết trọng vọng Trương Tùng

Trương Tùng là quan Biệt Giá, một bậc rất cao của Ích Châu, thông minh trác tuyệt, kiến thức uyên thâm, biện bác ít người theo kịp, có tham vọng giúp đời, chỉ tiếc không gặp minh chủ để làm nghiệp lớn. Tùng tướng mạo cổ quái, xấu xí, râu thưa, trán ngắn, cao chưa tới 6 thước. Tháo gặp Tùng, không cho vào trong mắt, tỏ ý khinh bỉ, lại khoe khoang tài chinh phạt để áp đảo. Dương Tu khi đó là thư ký riêng của Tào Tháo, nhìn ra tài của Tùng, cho rằng Tùng có tài lạ, khuyên Tháo nên trọng vọng, nhưng Tháo không nghe. Tùng thất vọng mà dèm pha với Chương đoạn tuyệt với Tháo. Kịp khi Tháo thua ở Xích Bích, Chương bèn nghe theo Tùng. Tùng biết rằng Chương sớm muộn cũng để mất Ích Châu vào tay Tháo, bèn cùng bọn Pháp Chính, Mạnh Đạt bày mưu đón Lưu Bị vào Xuyên.
Lời bình của Tập Tạc Xỉ:
    Xưa Tề Hoàn một lần khoe công mà chín nước làm phản, Tào Tháo kiêu ngạo trong chốc lát mà thiên hạ chia ba, mấy chục năm chuyên cần bên trong đều đem vứt bỏ trong một thoáng cử động, há chẳng tiếc lắm hay sao!  Vì thế nên bậc quân tử phải hết sức khiêm cung đến trưa, lo nghĩ cho kẻ dưới, công cao mà phải ở vào chỗ nhún nhường, được tôn kính vẫn phải giữ lễ với kẻ hèn mọn. Tình gần với vật, nên dù quý hiển mà người ta không ghét mà trọng; đức hòa hợp với cuộc sống của mọi người, nên công nghiệp to lớn mà thiên hạ vẫn vui mừng hân hoan. Người như thế, có thể được phú quý, giữ được công nghiệp, đương thời được hiển hách, truyền phúc lại cho trăm đời, sao lại kiêu căng làm gì! Thế nên bậc quân tử biết Tào Tháo chẳng thể là người thâu tóm được thiên hạ vậy.

Lời bình của Lệnh Lỗi Dương: 
     Kiêu ngạo là tật chung của kẻ sĩ, kiêu nên mới cao khỏi đắm mình vào cái tầm thường. Nhưng Tháo kiêu, Tùng cũng kiêu. Nếu Tùng cẩn thận giữ được mạng về với Lưu Bị như Pháp Chính, công nghiệp có khác gì bọn Chính, Lượng. Có thể nói Tùng kiêu chẳng mất gì. Tháo kiêu, mất Thục, vứt bỏ công sức hàng chục năm, sau này thua ở Hán Trung mất cả huynh đệ. Mới biết rằng, cái kiêu không đúng chỗ, phải trả bằng thời gian, công sức và tính mệnh. Kiêu như Hán Cao Tổ với bọn Kình Bành, hay như Ngọa Long bắt Lưu Bị bâ lần cầu kiến mà thu phục được thiên hạ lại là việc khác.
 

1 nhận xét:

  1. Tào Tháo – Chương 1: Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện
    Anh Hùng hay giang hùng?
    Xem thêm tại: Tào Tháo

    Trả lờiXóa