Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Bình Tam Quốc: Vì sao Triệu Vân không được phong ngũ hổ tướng

Triệu Vân, về thâm niên, gắn bó, lòng trung thành, công lao và năng lực đều không kém Quan, Trương, Hoàng, Mã và Ngụy Diên. La Quán Trung, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nói rằng, khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, phong Quan, Trung, Triệu, Mã, Hoàng làm ngũ hổ tướng. Thực ra, chi tiết này hoàn toàn hư cấu. Có thể La Quán Trung muốn lấy lại công bằng cho Triệu Vân. Trần Thọ, khi viết Tam Quốc Chí cũng để Triệu Vân vào cùng một liệt truyện với Quan, Trương, Mã, Hoàng, ý cho rằng công lao, năng lực của Triệu Vân cũng không hề kém.

Sau khi quân Tào đại bại ở Xích Bích, Lưu Bị tranh thủ lấy được một nửa Kinh Châu, tự lĩnh Kinh Châu mục (thứ sử), khi đó Quan Vũ làm Thái Thú Tương Dương, Trương Phi làm Thái Thú Nghi Đô. Triệu Vân, được phong sau một chút làm Thái Thú Quế Dương.  Về chức có thể nói là tương đương, cho dù Quế Dương là quận xa không thể so được với trọng trấn Tương Dương hoặc Nghi Đô. Về quân hàm thì vẫn kém, Triệu Vân là Thiên Tướng Quân (Thiên đây không phải là trời mà nghĩa là được thiên vị), tuy nhiên vẫn là một loại tùy tướng hộ vệ, không phải là tư lệnh một cánh quân. Trong khi đó Quan Vũ là Đãng Khấu Tướng Quân, Trương Phi là Chinh Lỗ Tướng Quân (nghĩa Chinh Lỗ và Đãng Khấu gần tương đương, hàm nghĩa trách nhiệm cầm quân đánh dẹp). Nhưng dù sao, ở giai đoạn đó, Triệu Vân là một trong ba võ tướng quan trọng và có chức cao nhất trong tập đoàn Lưu Bị (được phong hàm Thái Thú, tương đương Tỉnh trưởng, có quyền hành chính).

     Đến khi, Lưu Bị bình định được Ích Châu, phong Triệu Vân làm Dực Tướng Quân (Dực có nghĩa là cánh, bay, chức tướng là một loại tướng chuyên hộ vệ). Quan Vũ đổng sự Kinh Châu (tương đương quyền Thứ Sử), quân hàm là Tiền Tướng Quân, Trương Phi, Mã Siêu là Tả, Hữu Tướng Quân,  đều được ban giả tiết (một thứ ấn tín, biểu tượng cho quyền lực và trọng thị). Hoàng Trung, quân hàm cũng tương đương, không có giả tiết nhưng được phong tước Quan Nội Hầu. Như vậy, Triệu Vân quan chức đã thua kém rất xa, cũng ví như Cục trưởng Cục Bảo vệ với các Bí thư Tỉnh Ủy. Ngụy Diên lúc đó là Thái Thú Hán Trung,  Trấn Viễn Tướng Quân, (tương đương Tư lệnh Quân Khu, Chủ tịch Thành phố trực thuộc Trung Ương). Rõ ràng, Triệu Vân không thể so sánh về quan chức.

Đến khi Lưu Bị lên ngôi Đế, Quan Vũ và Hoàng Trung đều đã mất (chuyện Hoàng Trung theo Lưu Bị đánh Ngô là La Quán Trung hư cấu). Mã Siêu đã là Lương Châu Mục (Thứ Sử, tương đương chư hầu một phương), tức Lai Hương Hầu, quân hàm là Phiêu kỵ Tướng quân. Trương Phi là Xa Kỵ Tướng Quân, Tây Hương Hầu chức là Tư Lệ Hiệu Úy kiêm Tư lệnh Lãng Trung. Phiêu Kỵ và Xa Kỵ đều chỉ đứng dưới Đại Tướng Quân (không phải bao giờ cũng có) cũng như hàm Đại Tướng. Khi đó Ngụy Diên bị giáng chức (không rõ lý do gì) làm Trấn Bắc Tướng Quân (chống Tào), tước Đô Đình Hầu (Đình Hầu là tước dưới tước Hầu). Triệu Vân được thăng làm Trấn Đông Tướng Quân (chống Ngô), tước Vĩnh Xương Đình Hầu. Khi này Triệu và Ngụy chức tước mới ngang hàng.

Sau khi, Gia Cát Lượng bổ nhiệm sai Mã Tốc thất bại trong chiến dịch Nhai Đình (thực ra là Gia Cát Lượng thua, Mã Tốc chỉ là người hứng trách nhiệm), tự cách chức Thừa Tướng (Thủ tướng) thành Đại Tướng Quân (Nguyên Soái) coi việc Thượng Thư Lệnh (Quyền Thủ tướng). Triệu Vân hoàn toàn không có liên quan, cũng bị cách chức thành Trấn Quân Tướng Quân. Khi đó Ngụy Diên đã là Tiền Quân Sư, Chinh Tây Đại Tướng Quân, Nam Trịnh Hầu, có giả tiết, chức danh chỉ thua Gia Cát Lượng. Dĩ nhiên Triệu Vân không thể so sánh.

Về mặt quan chức mà nói, quân hàm và chức vị của Triệu Vân luôn luôn chỉ ở mức như Tổng Cục Trưởng, Trung Tướng. Lý do có năng lực, công lao mà không được lên chức thường là kiêu ngạo, không cẩn thận trong hành vi lời nói, hoặc tham lam, xấu tính, không trung thành. Triệu Vân là người khiêm tốn, chính trực, rất cẩn thận trong hành vi lời nói, trung thành, không thủ lợi.  Vậy thì lý do nào khiến Triệu Vân không được trọng đãi?

Phân tích những nhân vật quan trọng nhất phe Thục để so sánh với Triệu Vân thì thấy ai cũng có khuyết điểm: Quan Vũ thì kiêu ngạo, ngông cuồng, khệnh khạng, thích hư danh; Trương Phi, thì ham rượu, thích gái (đánh Hán Trung, bắt được con gái Hạ Hầu Uyên, lấy luôn làm vợ), nóng tính, vũ phu, đánh đập quân sĩ; Mã Siêu, công tử kênh kiệu, tham vọng; Pháp Chính thì tham lam, cá nhân; Ngụy Diên, kiêu ngạo, cậy tài, hay kể công, nói năng đụng chạm; Gia Cát Lượng, không có tài về quân sự, nhưng hiếu chiến, bao biện, thiên vị bè cánh, trù dập người không vừa ý. Hoàng Trung có khá hơn một chút, nhưng là người nông nổi, tham công; Lý Nghiêm, cậy công, tham ô; Khương Duy, thích phô diễn năng lực kỹ thuật, kém cả về chiến lược quân sự, cả về chính trị.  Các tố chất đó Triệu Vân đều hơn. Về chăm chỉ làm việc, không thu vén tư lợi, Triệu Vân cũng hơn. Thế thì vì sao Triệu Vân không được nhìn nhận và không thành đạt.

Thực ra, việc thăng quan tiến chức, còn một yếu tố nữa, là lãnh đạo thấy ngại tính xấu của mình mà phải phủ dụ. Người như Triệu Vân, chỉ lo làm việc, không một mảy may quan tâm đến đãi ngộ, thì Lưu Bị thấy chưa cần gấp phải phong chức, mà có phong chức thì hắn cũng không coi ra gì thì tội gì mà phong chức. Chỉ cần khen vài câu kiểu "Toàn thân là đảm", "Hổ Oai","Vì mày suýt nữa tao mất một viên đại tướng" là Triệu Vân đã cảm kích, thì việc gì phải đối đãi bằng cách khác. Thậm chí, bị Gia Cát Lượng cách chức oan, rồi khen cho vài câu, cũng thấy sướng. Vì vậy, Triệu Vân cả đời mẫn cán trung thành, việc khó luôn đến tay, vinh quang không được hưởng là cũng dễ hiểu.

Cũng còn may, Triệu Vân cẩn thận lại làm chức bé nên không đến nỗi chết thảm như Ngụy Diên, Bành Dạng hay thân bại danh liệt như Lý Nghiêm. Xem ra cái chết của công thần số loại một như Phượng Hoàng Nhỏ Bàng Thống, cậy tài ăn nói tùy tiện, công cao trùm thời cũng là một nghi án vậy.


3 nhận xét:

  1. Bài viết rất giấ trị. Xin phép tác giả cho page Tam Quốc Diễn Nghĩa trích đăng ạ. Xin cảm ơn tác giả!

    Trả lờiXóa
  2. Trương Phi thích gái bao giờ hả tác giả ? Mà ai bảo tác giả là ông ấy đánh Hán Trung rồi cướp được con gái của Hạ Hầu Uyên ? Hạ Hầu Uyên làm gì có con gái ? Chỉ có cháu gái thôi. Nhìn cái này đi : https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1_H%E1%BA%A7u_Uy%C3%AAn#Gia_.C4.91.C3.ACnh
    Cô gái họ Hạ Hầu mà kết hôn với Trương Phi là cháu gái Hạ Hầu Uyên chứ. Với lại mối lương duyên giữa Hạ Hầu thị và Trương Phi hoàn toàn do tình yêu mà ra chứ không phải vì võ tướng mê gái, chẳng lẽ theo tác giả thì võ tướng chỉ biết đánh nhau chứ không biết yêu à ? Mời tác giả nhìn tiếp cái này : http://news.go.vn/gia-dinh/tin-812485/tao-thao-va-truong-phi-thuc-ra-la-ho-hang.htm
    Thời phong kiến đúng là con cái kết hôn đều có sự sắp đặt của cha mẹ. Nhưng Trương Phi thì theo Lưu Bị khởi nghiệp từ lâu ; Hạ Hầu thị thì mồ côi cha mẹ, được ông bác Hạ Hầu Uyên nuôi nấng mà ông bác này cũng là võ tướng thời chiến nên phải ra trận thường xuyên, nàng ấy phải ra ngoài tự mình mưu sinh. Vì hoàn cảnh như thế, hai người gặp nhau, phải lòng nhau rồi đi đến chuyện kết hôn là bình thường, không ai sắp đặt cho cả.
    Nhiều võ tướng phong kiến không tránh khỏi bản tính đàn ông nên dễ mắc thói mê gái như tác giả nói. Nhưng Trương Phi giỏi nghệ thuật nên cũng là người lãng mạn, tài hoa, một người như thế làm sao lại không quyến rũ được con gái ? Trương Phi có tâm hồn nghệ thuật, nhân văn, tại sao lại không yêu đương được ? Huống hồ lúc mới gặp Trương Phi thì Hạ Hầu thị mới 14 tuổi - đang tuổi dậy thì, biết yêu là lẽ đương nhiên. Ngoại hình Trương Phi xấu hay đẹp thì dù sao phái nữ cũng không yêu vì vẻ đẹp bề ngoài đâu tác giả ạ, chỉ có con trai mới hay yêu bằng mắt thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Gia cát lượng không có tài quân sự? 1 câu nhận định đủ để đánh giá cả bài viết.

    Trả lờiXóa