Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Luận Tam Quốc - Vua thì phải ở trung quân

      Vua bất đắc dĩ mới phải ra trận.  Vua ra trận thường rủi ro rất cao, Trần Duệ Tông chết trận ở Chiêm Thành, Lajos II, chết trận Mohács, Minh Anh Tông bị bắt toàn quân ở Thổ Mộc Bảo, làm quốc gia suy sụp.
      Chính vì vậy trong đấu tranh chính trị, người thủ lĩnh tối cao luôn phải "chuyển động vào trung tâm" (move to the center). Đó là nguyên tắc bảo vệ an toàn cho hệ thống. Đời Tam Quốc, trước khi cục diện Tam Quốc hình thành. Các sứ quân nổi lên như ong. Sứ quân nào có người lãnh đạo tối cao xông pha trận tiền thường không tốt.
       Lã Bố là một trong các sứ quân mạnh nhất, luôn đi tiên phong trong mọi chiến dịch. Kết quả thất bại thảm thương. Cũng có trường hợp vì không có người, chủ tướng luôn phải dẫn đầu. Nhưng tập đoàn của Lã Bố không thiếu nhân tài. Lã Bố có 8 dũng tướng. Trong đó xuất sắc nhất là Cao Thuận, có thể xem là nhân tài quân sự. Rồi đến Trương Liêu, sau này trở thành đại tướng của Tào Tháo, trấn giữ Hợp Phì, nhiều phen đánh cho Đông Ngô thất điên bát đảo.  6 dũng tướng còn lại tài năng cũng xấp xỉ.
Ngoài ra, Lã Bố còn Trần Cung đa mưu túc trí. Trong các chiến dịch, thường Trần Cung và Cao Thuận giữ nhà hoặc tiếp ứng, Lã Bố tự mình dẫn 7 tướng xông pha trận mạc. Nhọc lòng, phí sức, cuối cùng vẫn thất bại.
      Có thể tổ chức thành 5 cánh quân: Tiền quân Tiên phong Trương Liêu và một dũng tướng. Hậu quân Cao Thuận. Tả quân và Hữu quân 4 dũng tướng. Trung quân Lã Bố, Trần Cung và một dũng tướng. Nếu như vậy, dễ gì Tào Tháo thắng được Lã Bố.
      Một tập đoàn khác là Mã Siêu cũng vậy. Nhìn xu thế đã biết sớm muộn cũng thua. Mặc dù chủ tướng múa may, ẩu đả với các tướng quèn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trong khi chủ tướng bên kia ngồi rung đùi, phe phẩy quạt, gái gú phục vụ, xem các chú đâm chém.
      Các tập đoàn như thế, cho dù chủ tướng có tài thánh cũng rất nhiều rủi ro, bởi vì chỉ cần chủ tướng có vấn đề tài tập đoàn suy sụp.
      Một tập đoàn may mắn hơn là Tôn Kiên, lúc đầu cũng theo mô hình như vậy. Chủ tướng Tôn Kiên rất trâu bò,  bao giờ cũng đi đầu, mang cả 5 dũng tướng túm tụm một chỗ, chém giết ẩu đả. Cuối cùng Tôn Kiên cũng chết trận, tập đoàn lụn bại. Sau này Tôn Sách lên thay thế tuy có khá hơn, nhưng vẫn ham đi tiên phong, nên cũng không khá được. Phải đợi đến Tôn Quyền lên chủ trì, nằm ở trung quân, Đông Ngô mới thịnh vượng.
       Không phải chỉ về chiến trận, người lãnh tụ mới ở trung quân. Tôn Quyền tuy tôn vinh phái chủ chiến như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Chu Thái, Lục Tốn và luôn mắng mỏ mấy tên chủ hòa như Trương Chiêu nhưng thực ra vẫn dùng mấy tên chủ hòa làm chức rất to. Về mặt chính trị như vậy là thông minh, vì mấy tên chủ hòa này sẽ làm đối trọng với phái diều hâu, để vua "chuyển dịch vào trung tâm". Hãy tưởng tượng nếu không có bọn Trương Chiêu, Hoa Hâm,... Tôn Quyền chỉ trọng dụng toàn phái chủ chiến thì chuyện gì sẽ xảy ra. Sẽ chỉ có hai trường hợp: Thứ nhất Tôn Quyền sẽ phải biến thành Lã Bố, để trở thành ngôi sao chủ chiến, luôn phải đi đầu, để rồi thất bại như cha và anh. Thứ hai, sẽ trở thành một cái bung xung để phái chủ chiến kéo đi đâu thì đi, kiểu như vua Hiến đế bị Tào Tháo kéo, hay Ngụy chủ bị Tư Mã Chiêu kéo.
      Câu hỏi đặt ra, là nếu trong tập đoàn của mình không có tướng tiên phong thì làm thế nào. Thực ra nhân tài không bao giờ thiếu, chỉ cần tài bồi, khuyến khích tư tưởng tiên phong, luôn muốn đi trước mình. Nói một cách khác, nếu không có người tiên phong hơn chủ tướng cũng phải sáng tạo ra một người như vậy, bằng cách khuyến khích sự táo bạo.
       Chẳng hạn như chuyện Triệu Xa mang quân chống Tần, quân yếu, không có dũng tướng cùng chia sẻ, nghĩ không ra kế nào, bèn rao trong quân: "Ai có kế chống giặc sẽ tôn làm quân sư". Một tên quân buột miệng nói "tôi làm quân sư được không", nói xong bỏ chạy nói "tôi đùa thôi, thực không có tài cán gì". Triệu Xa đuổi theo, nói "người dám nói vậy, ắt có thể làm quân sư" và tôn làm quân sư. Chia quân làm hai đạo, kết quả đánh thắng quân giặc. Câu chuyện này điển hình ở chỗ, tên quân kia có tài hay không không quan trọng, cần thì đều có thể và phải dựng lên.
    Ngày nay, trong thực tế chính trị như ở Mỹ, các Tổng thống trúng cử bao giờ cũng trọng dụng những người của mình là đương nhiên, nhưng không bao giờ quên đề cử một số người vốn là đối thủ. Người ta cho rằng họ muốn mị dân, lấy lòng phe đối lập. Thực sự, điều đó chỉ đúng một phần, nguyên nhân chủ yếu là họ muốn làm chủ được tình hình đều phải "move to the center", để không thành Lã Bố hay Hiến Đế. Và thực tế, đa số Tổng Thống đều không giữ lời hứa khi tranh cử. Lý do là "Vua thì phải ở trung quân".
     Nói đi cũng phải nói lại về phạm vi áp dụng của quy luật. Quy luật này chỉ áp dụng về lâu dài, trong các tình huống có quy luật ổn định. Cũng có nhiều tình huống khẩn cấp, chủ tướng phải mạo hiểm xông lên, như Napoleon ở cầu Arcole. Nhất là trong các trường hợp có biến động, xu thế của đoàn tàu lịch sử đang vòng gấp ở khúc ngoặt để tiến về một điểm cần bằng mới, nhiều thủ lĩnh cấp tiến, luôn đi đầu trong cái mới, nếu không bám chặt có thể văng ra khỏi đoàn tàu.
     Đã suy nghĩ theo lối cấp tiến sẽ có điểm yếu vì có nguy cơ tự mâu thuẫn với mình. Người cấp tiến khi dao động, phản tỉnh, thu liễm lại trước hết sẽ làm những người ủng hộ mình thất vọng, trái với những người bảo thủ hoặc những người phiêu lưu cực đoan luôn luôn có một nhóm nòng cốt trung thành với mình đến phút cuối.
    Nhận biết thời thế đang ở trạng thái gần điểm ổn định hay đang bắt đầu dịch chuyển đến điểm cân bằng mới, cũng đòi hỏi năng lực tiên kiến "tri thiên mệnh".  Một số ít người biết cũng không mấy ai dám tiết lậu thiên cơ, trời phạt tổn thọ như Quản Lộ. Thời bây giờ phải sửa lại thành "phi thiên đả, tắc nhân đả"



1 nhận xét:

  1. Bác Việt đến giờ vẫn chưa tìm được tướng tiên phong nên vẫn chưa ở trung quân được nhỉ?

    Trả lờiXóa