Mấy hôm nay nghe dồn dập các tin nông sản bị ế nào xoài, chanh, hành, thấy đần cả người. Lại thấy trên đường bán đầy vải và các thứ trái cây khác. Nghe nói một kg vải tại vườn chỉ khoảng 3-5K mà không có người đến mua. Nông dân thồ 100kg vải ra đến Hà Nội chỉ mang về 1M đã thấy mừng. Thật xót xa. Lại thấy một ông nguyên TGĐ một công ty công nghệ lớn của Việt Nam tỏ ra xót xa cho nông dân nên khuyên ăn thật nhiều xoài, thịt bò xào hành và phở vắt nhiều chanh để chứng tỏ yêu nước nhiều. Thực ra yêu nước trong nhiều trường hợp chỉ là "có" hay "không" rất khó đo nhiều ít. Người có một đồng trong túi cho cả một đồng không thể nói "yêu" nhiều hay ít hơn một ông triệu phú xỉa ra 100 đồng.
Tôi nhớ năm 2007, bay từ Bắc Kinh về Quảng Châu, thấy có bán "lệ chi" (vải) của Trung Quốc mua 5 lạng giá khoảng 15 USD, ăn thấy chua loét, không thơm. Năm 2008, xách sang Hàn Quốc gần 5kg vải cho các đàn em ở Bộ 4T đang du học ở SNU, gọi cả các bạn Hàn Quốc cùng ăn. Họ chưa hề ăn vải bao giờ, không biết leichi là gì, vừa ăn vừa xuýt xoa khen loại quả ngon nhất trên đời. Vải quả thực là một thứ quả trân quý có danh tiếng. Mấy năm nay thấy xuống giá, thấy thật đau lòng. Người Trung Quốc còn có giai thoại rằng Dương Quý Phi thích ăn vải. Vải đưa từ Giang Nam lên bằng ngựa trạm, các đại thần mỗi người chỉ được một trái, còn lại vua đều để dành cho mỹ nhân.
Giá có cách gì bảo quản, chế biến và quảng bá việc mua vải cũng như các loại rau cây Việt Nam cho thế giới. Như thế mới là yêu nước thực sự, chứ không phải chỉ chém gió cho đỡ áy náy. Bán đi chút ít cổ phiếu thì có mà làm được khối thứ.
Trước hết, nói về vải. Người Việt mình hay chế biến vải khô. Tuy nhiên, vải khi khô, vị ngọt sắc, không thơm, hoàn toàn là một thứ thực phẩm khác. Có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thì được, dùng như một trái cây khó mà có thị trường. Tôi nghĩ về việc người Âu Châu ngày xưa, họ bảo quản táo, lê bằng cách phun lên vỏ trái cây một chất gì đó để giữ được rất lâu, thậm chí quanh năm đều có thể có táo tươi. Các nhà khoa học Việt nam có thể nghiên cứu chế một chất gì đó xịt lên vỏ để có thể giữ trái vải tươi lâu.
Vải nóng nên dùng vài trái rất ngon, nhưng phải ăn dồn dập hàng ký, e là không hay. Vì vậy phải nghĩ cách đóng hộp để ăn được quanh năm. Ở Âu Châu có món đóng hộp, đóng lọ. Vải hộp, có lẽ không dở, làm cũng không khó gì hơn, lê hộp, mận hộp hay đào hộp. Vấn đề là tuyên truyền quảng cáo xây dựng thương hiệu. Chính vì vải nóng, nên dọn một đĩa dessert vài trái vải hộp ướp đá sẽ rất ngon. Nếu nghiên cứu kỹ để cho vào trong nước vải một vài vị gì đó sẽ có một món hảo hạng. Đóng hộp có lẽ chỉ cần một dây chuyền không đắt tiền. Ông Tổng Giám Đốc nọ chỉ cần bán vài phần nghìn cổ phần sẽ làm được khối thứ. Trước hết chỉ cần nghiên cứu khoảng 5-10 công thức gia vị cho hộp vải đa dạng hơn.
Còn cánh dân thường không có tiền đầu tư, có thể học các cách đóng lọ rau quả cổ truyền của nông dân Âu Châu.
Tôi vừa học được vài cách từ cô bạn có bà nội là nông dân Hungari chính gốc. Món thứ nhất là hoa quả đóng lọ, nông dân Hung hay làm khi đến mùa thu hoạch để dùng quanh năm. Thường thì họ đóng lọ anh đào, đào, lê, mận, phúc bồn tử, dâu,.... Cách làm xem chừng rất đơn giản. Kiếm một ít lọ thủy tinh có nắp xoay, rửa sạch, sấy khô. Xếp trái cây đã rửa sạch, để ráo nước vào lọ thật chặt, rắc đường lên trên và một chút gia vị. Đóng nắp, xoay chặt, rồi để nghiêng kiểm tra xem có còn hở không. Sau đó xếp các lọ vào một nồi lớn, đổ nước vào và đun 30 phút kể từ khi nước sôi. Sau khi bắc ra, ủ các lọ trong vải để giữ nóng càng lâu càng tốt. Khi các lọ nguội, đem bỏ tủ lạnh (ngày xưa người dân chỉ để dưới nhà hầm hoặc góc bếp) là xong. Thí nghiệm với vải tôi nghĩ cho một chút quế, vỏ chanh hay hạt mơ chắc đều ngon.
Đóng chai dưa chuột, ớt, hành, củ cải, bắp cải... cũng đơn giản. Cũng dùng lọ có nắp xoay như trên. Đặt xuống dưới đáy chai một bó thì-là (dill). Kiếm khoai tây già là tốt nhất, gọt vỏ, thái khoanh, xếp một lớp lên trên. Rồi xếp dưa chuột, ớt, bắp cải, hành, củ cải lên trên sau đó lại để một lớp khoai tây già, rồi một lớp thì-là nữa. Sau đó pha nước đun sôi để nguội với muối. Mỗi lít nước, một thìa ăn muối. Đổ nước muối lên trên. Nếu bạn thích ngọt, có thể bỏ thêm chút đường hoặc một số lá cây. Đóng nắp thật chặt, xếp góc nhà để dùng dần, đảm bảo giòn tan, nếu làm đúng cách và dưa chuột tốt (Dưa chuột nhớ cắt bỏ hai đầu) Tôi đặc biệt thích dưa chuột muối, nếu có loại giòn, mỗi tuần có thể làm vài chai. Đặc biệt uống bia với dưa chuột muối thì thú vị hơn hẳn mấy thứ đồ nhậu hiện nay.
Mỗi nhà làm vài chục lọ rau quả là giúp bà con nông dân rất nhiều. Tuy nhiên không hiểu loại bình có nắp xoay hiện nay có dễ kiếm không. Chắc sau này nhiều người dùng sẽ có giá rẻ hơn.
Hay!
Trả lờiXóa