La Quán Trung mượn lời các nhân vật mà cho là Tào Tháo nắm được Thiên Thời, Tôn Quyền nắm được Địa Lợi, Lưu Bị nắm được Nhân Hòa. Các khái niệm này đều rất chủ quan và mờ nhạt, rất khó phân tích.
Nếu xét về xuất thân, Tào Tháo vốn là nho sĩ, đã đậu hiếu liêm (tương đương với tiến sĩ sau này), do đó theo quy luật, phải lấy danh nghĩa tôn phù hoàng thất. Tuy là nghe mưu của Tuân Úc, nhưng cũng là quy luật từ xuất thân nho sĩ. Chính vì vậy, ông đã chiêu mộ được các nho sĩ thời đó như Trình Dục, Quách Gia, Tuân Úc, Giả Hủ,...Mặt khác ông luôn mở cửa với các nho sĩ khác. Chính vì thế, giữa Tào Tháo và Quan Vũ, một võ tướng mê Nho học, có sự cảm thông nhất định. Chính vì tư cách nho sĩ và có danh nghĩa hoàng thất, Tào Tháo, tồn tại được và lần lượt đánh bại các đối thủ trong một vùng thụ địch bốn phía, có số lượng dân đông nhất, nhiều nhân tài nhất. Do đó, tập đoàn của ông chiếm được ưu thế lớn nhất, ưu thế đó được La Quán Trung gọi là Thiên Thời.
Tôn Kiên, Tôn Sách là cha và anh của Tôn Quyền là võ tướng. Thế lực của Đông Ngô dựa chủ yếu trên các võ tướng và dựa vào các tuyến phòng ngự tự nhiên. Tuy gọi là địa lợi nhưng có lợi cho phòng thủ, nhưng không có lợi cho thế tiến công. Những cố gắng tấn công hiếm hoi của tập đoàn này từ thời Tôn Quyền cho đến Gia Cát Khác đều thất bại thảm hại. Do đó, tập đoàn võ tướng này nói chung, không có chí thâu tóm thiên hạ, mà chỉ cố giữ chặt phần đất đã có. Thực tế, Tôn Quyền cũng xưng đế sau cùng, khi bắt buộc phải làm vậy để tập hợp quần thần.
Lưu Bị xuất thân không rõ ràng, cũng bắt đầu là một võ tướng, nhưng sau theo mưu của Gia Cát Lượng cố gắng khai thác lý lịch hoàng thất, mà sau này sử gia Tư Mã Quang đánh giá là không rõ ràng.
Việc dương cao ngọn cờ hoàng thất chỉ phát huy hiệu quả tối đa, khi Tào Phi tiếm ngôi. Ông tụ tập được những người theo lý tưởng tôn phù hoàng thất như Gia Cát Lượng.
Trong nội bộ mỗi tập đoàn cũng lại có một thế chân vạc khác giữa các phái hoàng thất, võ tướng và nho sĩ. Giữa các nhóm này cũng phải luôn luôn có sự tranh giành ảnh hưởng.
Phái nho sĩ ở Thục đứng đầu là Gia Cát Lượng, sau này là Tưởng Uyển, Phí Vĩ, luôn phải đấu tranh quyền lực với phái võ tướng có nhiều quyền lực như Quan Vũ, Trương Phi, Ngụy Diên,... Phái hoàng thất đóng vai trò điều hòa, nhưng đôi khi cũng phải nhường bước. Như Triệu Vân, là một võ tướng, nhưng có thể xem là thuộc phái hoàng thất, không được đãi ngộ xứng đáng với công lao và đôi khi bị khiển trách, cách chức mặc dù không có lỗi. Một số đại biểu của phái quản lý hành chính bắt đầu bằng Pháp Chính, sau đó là Lý Nghiêm, một trong ba vị phụ chính đại thần được Lưu Bị thác cô và Liêu Lập không thể phát triển được và thất bại của họ gắn liền với sự yếu kém và cáo chung của nhà Thục Hán.
Tại Đông Ngô, sau thời kỳ toàn thịnh liên tiếp của các võ tướng như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn, Chu Thái, là đến thời kỳ phái nho sĩ cầm đầu là Gia Cát Khác đã thành công nắm đại quyền. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Gia Cát Khác bị đảo chính, và bị diệt tộc cùng với đồng đảng Đằng Dận, Lã Cứ bởi phái hoàng thất cầm đầu bởi Tôn Tuấn. Phái võ tướng cầm đầu là Đinh Phụng liên kết với phái quản lý hành chính là Trương Bố tiêu diệt được Tôn Tuấn. Nhưng cuối cùng phái hoàng thất cầm đầu là Tôn Hạo vẫn nắm quyền độc tài cho đến khi suy thoái.
Tại Tào Ngụy, các đời Võ đế Văn đế đều là nho sĩ kiến tạo hoàng thất, nhưng sau đó lại trấn áp các nho sĩ, bắt đầu là Khổng Dung, Nễ Hành sau đó là Tuân Úc, cuối cùng chỉ còn sót lại một số nhân vật nhợt nhạt như Vương Lãng. Cố gắng vươn lên không thành của phái nho sĩ là Gia Cát Đản, Chung Hội, Đặng Ngải đều kết thúc trong bi kịch. Phái võ tướng xem như cáo chung với tư cách một thế lực chính trị sau thất bại của Tào Sảng, kết thúc bằng việc Hạ Hầu Bá phải hàng nhà Thục. Sau đó, phái quản lý hành chính của Tư Mã Ý dần đi lên và trở thành một thế lực chính trị mạnh nhất. Chính đó là động lực làm Ngụy mạnh lên, có khả năng tiêu diệt hai tập đoàn Ngô Thục, nhưng hoàng thất bên Ngụy ngày càng yếu dần dần bị thay thế bằng tập đoàn Tư Mã, vốn là quản lý hành chính.
Cục diện Tam Quốc kết thúc bằng sự thắng thế của tập đoàn có tổ chức quản lý hành chính ưu việt hơn. Nói theo ngôn ngữ hiện đại: các phái Tuyên Huấn, Quân Đội và Bảo Hoàng đánh nhau, bên nào nhanh chóng chuyển đổi thành bộ máy Quản lý Hành chính sẽ thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét