Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Thơ Đường: Lên Cao - Đỗ Phủ

Hôm nay, tình cờ gặp câu thơ hay: "Vạn lý bi thu thường tác khách", thấy cảm khái, liền tạm dịch ra cả bài. Lần đầu tiên mình thấy trình bày thơ thất ngôn bát cú làm 04 dòng, mỗi dòng một câu, có chấm câu hẳn hoi, sau mỗi đoạn 7 chữ là dấu phảy. Trước kia cứ tưởng là hết 7 chữ bắt buộc phải xuống dòng.
Nhớ đến Đỗ Tử Mỹ, không khi nào tôi không thấy xót xa, nhớ đến cuộc đời long đong không nhà, đói khát bệnh tật, của thi sĩ. Tôi luôn ám ảnh đến rơi nước mắt ra cảnh nhà thơ đầu bạc, quần áo rách nát tả tơi, thở hơi cuối cùng trên một chiếc thuyền nát xuôi dòng Trường Giang trong tiếng khóc của vợ con. Không biết ông được chôn ở đâu, gia đình ông lưu lạc về đâu. Thân phận bạc như thế mà thơ ông không bao giờ hết thương người và lo nghĩ cho vận nước. Có lẽ đó là cái giá phải trả cho thiên tài chăng?

Nguyên văn:
       登高 

风急天高猿啸哀, 渚清沙白鸟飞回.

无边落木萧萧下, 不尽长江滚滚来.

万里悲秋常作客, 百年多病独登台.

艰难苦恨繁霜鬓, 潦倒新停浊酒杯.
Phiên âm:
Đăng cao 

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai, chử thanh sa bạch điểu phi hồi.

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ, bất tận trường giang cổn cổn lai.

    Vạn lý bi thu thường tác khách, bách niên đa bệnh độc đăng đài.

    Gian nan khổ hận phồn sương tấn, lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.

Bản dịch và lời bình thơ của Lệnh Lỗi Dương

Bình nghĩa:
Gió lộng trời cao vượn gọi buồn
Cồn xanh cát trắng chim bay về
Mênh mông cây rụng xào xạc rơi
Bát ngát sông dài cuồn cuộn đổ về
Ngàn dặm sầu thu thường làm khách
Trăm năm nhiều bệnh cô độc lên đài
Gian nan khổ hận mai điểm bạc
Lạnh lòng dừng bước chén rượu xoàng   
Bình nghĩa:
       Thi sĩ một mình leo lên một cái chòi cao, có lẽ là một chòi gác, trên núi cao ở vùng biên giới. Vào đời Đường, đề tài về biên giới luôn ám ảnh các thi sĩ do đất nước luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm từ phương Bắc, vì vậy hình thành hẳn một thể thơ gọi là thơ biên tái. Loại thơ này thường hùng tráng pha chút buồn hào sảng của tráng sĩ trước cảnh nước nhà khuynh nguy. Tuy nhiên, đây là một bài thơ buồn của một nhà thơ tài cao, cô độc, lỡ vận.
       Bài thơ tả rõ đó là một buổi chiều, trời đã sang thu, gió bấc đã thổi lộng, lạnh hun hút. Tiếng vượn kêu làm buồn lòng người, chim xao xác về tổ gợi nhớ một cảnh đầm ấm gia đình. Rừng cây mênh mông lá rụng lả tả, trên sông nước cuồn cuộn đổ về, gợi tâm trạng đời người ngắn ngủi trước cái vô tình vô tận của cuộc đời. Thi sĩ suốt đời không có nhà, lang thang khắp nơi, không có chốn dừng lại, mỗi mùa thu đến lại có tâm trạng buồn cho tất cả các mùa thu trên đường lang thang vô định. Cuộc sống vất vả khổ sở, nên nhiều bệnh, nhưng đến đây vẫn một mình cố trèo trên chòi gác để nhìn cảnh. Có lẽ không ai đi theo vì thấy đây là một đam mê lẩn thẩn của thi sĩ và ngại phí sức leo lên cao. 
       Tác giả rõ ràng hơi chạnh lòng nghĩ đến số phận gian nan của mình, tóc đã điểm sương. Khi chán nản chỉ biết lấy chén rượu để an ủi, chẳng quan tâm đến thưởng thức hương vị ngon dở.
       Bài thơ này dịch vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì chỉ cần phiên âm Hán Việt, hơi thơ âm điệu đã chan chứa tình và cảnh. Khó bởi vì những hình ảnh hay, song hành lấp đầy các chỗ trong thơ, không thể vi phạm, thay đổi sẽ đánh mất ngay giá trị của bài thơ. Vì thế mấy chữ còn lại rất dùng để tả những ý súc tích còn lại. Hơn nữa, lại có những ý hàm chứa do các đoạn phối hợp mà thành. Ở trong bài này có ba chỗ như vậy. Đầu tiên là "điểu phi hồi" đúng ra chỉ là "chim bay về (tổ)", tuy nhiên vì đứng trong khổ này nên phải lột tả được ý buồn chim có tổ, còn ta không có nhà mà về. Ý thứ hai là "độc đăng đài" (một mình lên đài), không có cách gì dùng 3 âm tiếng Việt để thể hiện. Mà dùng bốn chữ thì phạm vào cặp ý song hành trác tuyệt "vạn lý sầu thu" và "bách niên đa bệnh". Đành phải dịch thoát lấy ý phàn nàn "đã ôm bệnh" mà "cả đời vẫn phải một mình đi, leo để nhìn thiên hạ". "Tân đình trọc tửu bôi" cũng là một cái bẫy. Nhiều học giả giải thích là "mới ngừng uống rượu vì nó là ô trọc". Nếu thế thì không ăn nhập gì vào ý tứ của bài thơ. "Tân đình" thực ra là "mới dừng chân" đối với "khổ hận" (hận lắm, hận mãi), một thoáng thực tại đối với một nỗi khổ tâm kéo dài, đành tạm dịch thoát lấy ý "tạm uống". Còn một ý khác "viên khiếu ai" là "vượn kêu buồn", rất may "vượn gọi ai" cũng tỏ ý buồn mà giữ được vần và chữ.
  
Dịch thơ:                                                         Lên cao
Gió lộng trời cao vượn gọi ai
Cồn xanh cát trắng chim về rồi
Lá rừng mênh mông xào xạc đổ
Trường giang cuồn cuộn mãi sóng dồi

Sầu thu vạn dặm luôn là khách
Ôm bệnh suốt đời đi mãi thôi
Gian nan khổ hận mai điểm bạc
Đắng lòng tạm uống chén rượu hôi
Lời bạt
            Dịch và bình nghĩa xong mới đọc một số bình phẩm khác mới được biết bài này được xưng tụng là "tinh quang vạn trượng, thị cổ kim thất ngôn luật thi chi quan" (tỏa sáng vạn trượng, đứng đầu trong thơ thất ngôn xưa nay). Như vậy là mình gặp may hôm nay, ngẫu nhiên gặp được bài thơ hay. Dich xong, sửa lại vài chữ không thuận tai.

1 nhận xét: