Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Thuật bảy mươi hai kế của Quỷ Cốc Tử (6)


Mưu kế nghị thuyết tiến thoái, âm mưu dương mưu
Xoay chuyển càn khôn, đánh phá từng phần riêng lẻ
Kín như quẻ Dịch, trộm hết thiên cơ
Một lời nói ra hưng thịnh nước nhà, đám đông không chống nổi một người 


Nguyên văn
第十一计 高瞻远瞩
鬼谷子曰:“智用于众人之所不能知,亦能用于众人之所不能见。
众人不知道的东西,众人看不见的东西,智者独能明察秋毫。
Phiên âm
 Đệ thập nhất kế Cao chiêm viễn chúc
        Quỷ cốc tử viết: "Trí dụng vu chúng nhân chi sở bất năng tri, diệc năng dụng vu chúng nhân chi sở bất năng kiến."
        Chúng nhân bất tri đạo đích đông tây, chúng nhân khán bất kiến đích đông tây, trí giả độc năng minh sát thu hào.
Dịch
Kế thứ mười một Nhìn xa trông rộng
        Quỷ Cốc Tử nói: “Trí dùng ở chỗ đám đông không thể biết, cũng có thể dùng ở chỗ đám đông không thể thấy.”
        Đám đông không biết cách nào, đám đông nhìn không thấy gì, kẻ trí một mình biết rõ từng tý.
Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương
       Phương Tây có câu: “Sự ngu dốt của người đời không có giới hạn, nên Chúa và các thánh thần hoài công mãi.” Vì thế thiên hạ mới phải có kẻ trí, cũng vì thế kẻ trí mới có chỗ dụng công.
       Khi đem kế sách thi hành sẽ cần đến đám đông, khi hoạch định chỉ nên dựa vào kẻ trí. Bất kể âm hay dương mưu chỉ có kẻ trí mới thấy được rõ.Thánh nhân là kẻ trí giỏi về dương mưu, khác kẻ trí bình thường chỉ thạo âm mưu ở chỗ kế sách của họ dù nói rõ nhưng không phải bậc minh chúa, không thể thi hành.
       Ngày nay, thường thấy những kẻ tầm thường lạm giữ ngôi cao làm ngược, hoạch định kế sách cậy đám đông để ô mị, thi hành độc chiếm giữ kín để hà lạm. Kẻ trí bị chèn ép sinh loạn hay thời loạn chèn ép kẻ trí?
Nguyên văn
第十二计 翻手为背
鬼谷子曰:“为小无内,为大无外。益损、去就、倍反,借以阴阳御其事,阳动而行,阴占而藏,阳动而出,阴随而入,阳还终始,阴极反阳。” 
变是万物发展的规律,我们只有运用灵活的而不是机械的方法来处理我们面前的事情,才能胜不骄败不馁。
Phiên âm
Đệ thập nhị kế Phiên thủ vi bối
        Quỷ cốc tử viết: "Vi tiểu vô nội, vi đại vô ngoại. Ích tổn, khứ tựu, bội phản, tá dĩ âm dương ngự kỳ sự, dương động nhi hành, âm chiếm nhi tàng, dương động nhi xuất, âm tùy nhi nhập, dương hoàn chung thủy, âm cực phản dương."
        Biến thị vạn vật phát triển đích quy luật, Ngã môn chích hữu vận dụng linh hoạt đích nhi bất thị cơ giới đích phương pháp lai xử lý ngã môn diện tiền đích sự tình, tài năng thắng bất kiêu bại bất nỗi.
Dịch
Kế thứ mười hai Trở bàn tay đảm việc
        Quỷ Cốc Tử nói: "Làm nhỏ không trong, làm lớn không ngoài. Lợi hay thiệt, theo hay bỏ hay, đỡ hay chống, đều nhờ âm dương mà chế ngự sự việc, dương động thời làm, âm chiếm thời ẩn, dương động mà ra, theo âm mà vào, cuối cùng dương sẽ quay lại, âm đến cực điểm sẽ trở về dương."
        Biến chuyển là quy luật phát triển của vạn vật, chúng ta chỉ vận dụng phương pháp linh hoạt để xử lý tình hình trước mắt chứ không được máy móc, mới có thể thắng không kiêu bại không nản.
Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương
    Thế nào là “nhỏ không trong, lớn không ngoài”? Nếu nói mọi việc không quản lớn nhỏ, là chưa hiểu được một chữ “làm”. Phàm xử lý sự việc phải tính cho vuông ngoài tròn trong. Tuy vậy, ở đời cầu toàn máy móc sẽ không thể chu toàn, khi việc đời xoay chuyển như trở bàn tay. Làm việc lớn lại chạy theo danh hão hoặc sợ bên ngoài đàm tiếu, không lo củng cố thực lực, thắt chặt đồng tâm, không phải là “vi đại vô ngoại”. Thủ tục rắc rối, nghi thức rườm rà, sợ trách nhiệm không dám quyết trong xử lý công việc lặt vặt, bỏ lỡ cơ hội, không phải là “vi tiểu vô nội”
     Muốn chế ngự được mọi hoàn cảnh, kế sách phải biến hóa như lật bàn tay. Chỉ cần giữ vững mục đích cuối cùng và lẽ âm dương, tùy thời tiến thoái, thời cơ sẽ quay trở lại. Co về là để duỗi ra trúng đích và đúng lúc.
      Người phương Tây nói “bí quyết của thành công là phải sẵn sàng có mặt đúng chỗ và đúng lúc”.  Đó chính là “trở bàn tay đảm việc”. Những kẻ cố đi ngược âm dương lao đầu vào đá, thủ cựu căng cứng giữ nguyên lối cũ, làm sao giữ được thần khí, ý chí để có thể hành động nhanh và đúng hướng khi thời cơ tới.

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

"Đầu trứng to" hay "4 lần 8"? Phiếm luận về tranh luận của sĩ phu Việt

     Trong tác phẩm "Gulliver du ký" có đoạn kể chuyện tại một xứ sở nọ có một cuộc tranh cãi về việc khi ăn trứng phải đập đầu trứng to hay đầu trứng nhỏ. Mới đầu là tranh cãi, sau đó hình thành phe nhóm, chính đảng để đấu tranh cho chân lý mà mỗi bên quan tâm. Thảo luận nghị trường cũng trở thành việc đấu đá cho cái chân lý vốn dĩ phụ thuộc vào cách rặn đẻ của con gà mái. Sau một thời gian dài không ngã ngũ, vấn đề nhạt dần, chủ yếu do dân chúng thấy chán ngấy với chủ đề đầu trứng, tại xứ sở nọ lại nảy sinh ra vấn đề để dép bên giường ngủ. Một bên cho rằng phải để dép đầu trở ra ngoài, để hôm sau dậy xỏ dép cho nhanh. Bên đối lập chủ trương đầu dép trở vào trong để tuột dép chui vào giường cho nhanh. Suy rộng ra thì một bên hướng tới công việc, một bên hướng tới hưởng thụ. Thế là một cuộc đấu tranh xã hội nữa lại nổ ra.
    Đối với người từ ngoài trông vào như anh chàng Gulliver, mọi sự có vẻ vô nghĩa và hài hước, nhưng đối với những người dân ở xứ sở nó đó là một cuộc tranh luận chính trị, xã hội thậm chí khoa học vô cùng nghiêm túc.
    Chúng ta đã có những cuộc tranh luận "văn học vị thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh", "hiện thực hay văn học cao hơn", "lãng mạn hay hiện thực", đã lôi cuốn cả xã hội, những trí tuệ tinh hoa vào trò chơi mà ngôn ngữ láu cá đã đặt bẫy cho con người sụp vào. Những cuộc chơi trí tuệ đáng lẽ chỉ nên dùng để tiêu khiển, vây vo với các quý bà, quý cô, được nâng cấp thành vấn đề của đám đông, động lực chỉ còn sĩ diện thắng thua, cuối cùng không được kết thúc bởi giải pháp mỹ mãn nhưng có phần ngây thơ của Andersen với tư cách lời "Hoàng đế cởi truồng" từ miệng của một chú bé. Không có chú bé nào cả, vì xã hội của chúng ta không được xây dựng một cách thông minh như thế.
     Đến tận thế kỷ 20, những vấn đề như vậy đều phải kết thúc bởi nắm đấm. Chân lý vẫn được định đoạt tốt nhất, triệt để nhất bằng phương pháp của Trương Phi "Nói nhiều vô ích, có giỏi đánh nhau ba trăm hợp." Chiến tranh, cải cách ruộng đất, tổ chức,...đã thay bút mực, trí tuệ giải quyết vấn đề đến tận gốc, có lẽ mục tiêu của những cuộc tranh luận như thế không phải là vấn đề đang bàn. Những người to mồm nhất cũng thông suốt, và cũng nhờ thế mà hôm nay một chú bé lớp 3 cũng có thể thấy những vấn đề tranh luận là vô nghĩa, nhân sinh có thể đứng cùng nghệ thuật, văn học đua sắc với hiện thực, lãng mạn và hiện thực đều có thể dùng để phát biểu cảm xúc, thái độ. Nói cho cùng, sức mạnh vật lý vẫn là một giải pháp định lượng công bằng hơn nhiều so với những trò ném đá giấu tay trong hậu trường nền của tranh luận giấy bút. Với những vấn đề to lớn như thế thì các bài toán "thuyền trưởng" hay "chuồng gà" chỉ là những trò lặt vặt nhãi nhép.
     Dân gian ta có chuyện trò ăn bánh của thầy. Thầy bắt bẻ trò, đi trước cũng sai, đi ngang cũng sai, đi sau cũng sai, cái nào cũng có lý luận sách vở đàng hoàng. Trò phải lật bài ngửa "thày dạy con phải làm thế nào ạ". Kể ra giải pháp của trò cũng đã thông minh. Nhưng câu trả lời của thầy lại là một câu hỏi "Thế bánh tao đâu?" Giá trò biết được chân lý này đã không phải chịu tuế toái, phiền phức, lao tâm khổ tứ nghĩ mẹo đối phó với thầy. Thế mới biết cậy vào trí tuệ bao giờ cũng phải trả giá mà cuối cùng vẫn đi đến cùng một kết cục.
      Liệu tranh luận, rèn luyện trí tuệ bằng vấn đề "4 lần 8" có giúp sĩ phu dương thanh, ngự thế  giúp dân làm được ra cái ốc vít hay không. Nếu được, xin mời các ngài cứ tiếp tục ạ.

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Thuật bảy mươi hai kế của Quỷ Cốc Tử (5)

Mưu kế nghị thuyết tiến thoái, âm mưu dương mưu
Xoay chuyển càn khôn, đánh phá từng phần riêng lẻ
Kín như quẻ Dịch, trộm hết thiên cơ
Một lời nói ra hưng thịnh nước nhà, đám đông không chống nổi một người
(tiếp theo)
Kế sâu của các kế, trời đất không dừng lại, bỏ cũ sắp đặt mới
Nguyên văn
第八计 计中诡计
    鬼谷子曰: "凡趋合倍反, 计有造合, 化转环属, 各有形势, 反复相求, 因事为制."
    世上万事千变万化, 一个主帅, 必须拿出多个计谋去应付不断变化的情况.

Phiên âm
 Đệ bát kế Kế trung quỷ kế
    Quỷ cốc tử viết: "Phàm xu hợp bội phản, kế hữu tạo hợp, hóa chuyển hoàn thuộc, các hữu hình thế, phản phục tương cầu, nhân sự vi chế."
    Thế thượng vạn sự thiên biến vạn hóa, nhất cá chủ soái, tất tu nã xuất đa cá kế mưu khứ ứng phó bất đoạn biến hóa đích tình huống.

Dịch

 Kế thứ tám Kế sâu của các kế
 `   Quỷ Cốc Tử nói: "Phàm là theo liên kết hay lật chống phá, kế cũng có tạo hợp, chuyển hóa xoay vòng, mỗi kế đều có hình thế, gắn kết liên hoàn, theo sự việc mà đặt ra"
     Trên đời mọi sự đều thiên biến vạn hóa, một người chủ tướng, tất phải có nhiều mưu kế để ứng phó với tình huống biến hóa không dứt
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
       Nhiều người hiểu thiên này là "Trăm phương ngàn kế" không những sai lệch về chữ nghĩa mà mới nắm được phần nhỏ của ý nghĩa một cách may mắn. Trăm phương ngàn kế cũng bỏ đi nếu không nắm được một nguyên tắc này, vì vậy gọi là kế sâu của các kế. Cũng giống như kẻ học cả ngàn thế võ cũng không dùng được nếu không nắm được nguyên lý ứng biến, rốt cuộc cũng chỉ múa may mãi võ biểu diễn mua vui cho người khác thôi.
      Kế dùng trong thực tế phải tổ hợp, gắn kết liên hoàn, tạo ra hình thế, xoay vòng không dứt, khi theo liên kết, khi lật chống phá, đều phải nương theo diễn biến của sự vật mà chế ra. Cũng như bậc thầy võ học, chỉ một nguyên tắc âm dương, dính chặt vào đòn đánh của đối phương, cứ một vòng tròn phản phục, khi thêm khi bớt, vừa mới đối chọi xong đã chợt buông xuôi, liên miên không dứt.
     Làm được như thế tâm phải tĩnh, thần phải định, há phải đảo điên thần hồn nát thần tính lục lọi các phương cách mà ra. Giặc đến nhà, mọi người phải tĩnh tâm, không loạn động, để  theo được diễn biến mà đối phó. Như Trương Liêu giữ trại ban đêm chống quân Ngô đột nhập, ai loạn động đều chém không tha, cũng chỉ là một phép này.
      Bậc thánh nhân đa mưu túc kế có phải ngồi để nghĩ ra trước rồi mới dùng đâu, chỉ nắm một đạo lý này, theo sự việc muôn hình muôn vẻ mà sắp đặt kế liên hoàn vậy.   
 Nguyên văn 

 第九计 天地无常
    鬼谷子曰: "天地所变换, 既有变换, 岂能长久乎?"
    天地之间, 理本一贯, 没有不变之天气, 没有不变之人事, 一个人只知一味地相信即成的传统, 而不知道革新, 他就必然被时代所淘汰.

Phiên âm
Đệ cửu kế Thiên địa vô thường
   
Quỷ cốc tử viết: "Thiên địa sở biến hoán, ký hữu biến hoán, khởi năng trường cửu hồ?"
    Thiên địa chi gian, lý bản nhất quán, một hữu bất biến chi thiên khí, một hữu bất biến chi nhân sự, nhất cá nhân chích tri nhất vị địa tương tín tức thành đích truyện thống, nhi bất tri đạo cách tân, tha tựu tất nhiên bị thời đại sở đào thải.

Dịch

 Kế thứ chín  Trời đất không dừng lại
    Quỷ Cốc Tử nói:"Trời đất biến hóa, nếu đã biến hóa, há có gì trường cửu được ư?"
    Giữa đất trời, gốc của lý chỉ có một bao trùm, không có thời tiết bất biến, không có việc của người bất biến, một người chỉ biết tin vào một cách đã thành thói quen, mà không biết cách đổi mới, tất nhiên sẽ bị thời đại đào thải.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
     Lòng người thay đổi như thời tiết. Điều đó không có nghĩa là không được tin người, không lấy thành tâm mà đối đãi với người. Tuy nhiên dù tin ở thành ý, nhưng không có gì không biến hóa theo trời đất, có ai dám bảo uống được nước hai lần ở cùng một dòng sông.
     Tâm địa con người có thể không thay đổi, nhưng cách ứng biến xử sự cũng sẽ phải thay đổi theo các mối quan hệ mới. Đây là cái gốc của lý bao trùm, há cứ bo bo bám lấy các tín điều. Đau xót, hoài niệm, cảm xúc có đẹp đẽ đến đâu, cũng chỉ nên thắp một nén hương lòng mà tưởng niệm, không thể dùng làm cơ sở cho việc hành xử, kinh bang độ thế, quyết định số phận cơm áo của hàng triệu người.
     Đạo lý này có vô tình quá chăng? Khăng khăng không chịu đổi mới, ôm mãi ảo ảnh mê lú, hay quyền lợi nhỏ của cá nhân, đắm mình trong tình cảm ảo tưởng, để hàng triệu người đắm mãi trong số phận đói nghèo bất hạnh, có phải là có tình không. 
    Muốn thấy đạo lý về tình người của Quỷ Cốc Tiên Sinh mời xem tiếp kế sau.

Nguyên văn
第十计 推陈出新
    鬼谷子曰: "曲则全, 枉则过, 满则盈, 敝则新, 少则得, 多则惑."
    新陈代谢是宇宙万物发展的一个规律, 一切的创新, 都是在传统的基础上创新, 没有对传统的继承, 就无 法谈创新. 只有对传统有了彻底的了解, 才能对其中的精华和糟粕分清, 然后, 剔除传统中的糟粕, 将传统中的精华部分加以发扬光大.

Phiên âm
   Đệ thập kế Thôi trần xuất tân
  
  Quỷ cốc tử viết: "Khúc tắc toàn, uổng tắc quá, mãn tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc."
    Tân trần đại tạ thị vũ trụ vạn vật phát triển đích nhất cá quy luật, nhất thiết đích sáng tân, đô thị tại truyền thống đích cơ sở thượng sáng tân, một hữu đối truyền thống đích kế thừa, tựu vô pháp đàm sáng tân. Chích hữu đối truyền thống hữu liễu triệt để đích liễu giải, tài năng đối kỳ trung đích tinh hoa hòa tao phách phân thanh, nhiên hậu, dịch trừ truyện thống trung đích tao phách, tương truyền thống trung đích tinh hoa bộ phận gia dĩ phát dương quang đại.
 Dịch

Kế thứ mười Bỏ cũ sắp đặt mới
     Quỷ Cốc Tử nói: "Gấp khúc mới có thể toàn vẹn, uốn cong mới có thể đi qua, có đầy mới có thể tràn, rách nát rồi mới thay mới, có ít rồi mới thấy được, có nhiều ắt bị mê lú." 
   Mới cũ thay phiên là quy luật phát triển của mọi vật trong vũ trụ, nhất thiết phải đổi mới sáng tạo, đều phải đổi mới sáng tạo ngay ở cơ sở  truyền thống, không có kế thừa truyền thống,  ắt không có cách nào nói đến đổi mới sáng tạo. Chỉ khi nào triệt để biết rõ truyền thống, mới có thể phân biệt rõ ràng tinh hoa với cặn bã, sau đó, vứt bỏ cặn bã trong truyền thống, mà đem bộ phận tinh hoa trong truyền thống mà phát huy nêu cao.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
     Heisenberg nói về con chó trong nhà của thày dạy toán đã gầm gừ làm ông ngắc ngứ không theo được nghiệp làm toán "cảm ơn ngươi, dù ý định của ngươi xấu xa, nhưng đem lại kết quả tốt". Nhiều khi hành vi đểu cáng của kẻ thù giúp ta tỉnh ngộ, như thế thì được nhiều hơn mất.
    Thay đổi nhận thức là việc khó khăn, nhưng thay đổi phải qua tôi luyện, nhiều khi tưởng chừng lâm vào đường cùng. Áo cũ có rách nát mới phải trút bỏ, nếu không thì còn luyến tiếc mãi không thôi. Phải qua thiếu thốn khi được mới biết giá trị. 
    Quỷ Cốc Tiên Sinh không khuyên thay cũ đổi mới như xếp củi hay thay áo. Ngài vẫn chủ trương biết rõ truyền thống, giữ tinh hoa, nhưng ngài kiên quyết loại trừ cặn bã. Trong thực tế, mê lú là kẻ không biết phân biệt cặn bã với tinh hoa, lại dám nhân danh truyền thống lên mặt dạy dỗ người khác, gieo rắc cặn bã làm xú uế cuộc đời này.