Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Thuật bảy mươi hai kế của Quỷ Cốc tử (4)

Mở đầu và Kế thứ nhất
Kế thứ hai và kế thứ ba
Kế thứ tư và kế thứ năm
                                                                   (tiếp theo)
Một lời nói ra hưng thịnh nước nhà, đám đông chẳng địch nổi một người
Nguyên văn
第六计  一言兴邦
 鬼谷子曰: "圣人所贵道微妙者, 诚以其可以转危为安, 救亡使存也." 世人说话随口而发, 一言错出, 遗祸无穷
Phiên âm
 Đệ lục kế  Nhất ngôn hưng bang
    Quỷ cốc tử viết: "Thánh nhân sở quý đạo vi diệu giả, thành dĩ kỳ khả dĩ chuyển nguy vi an, cứu vong sứ tồn dã." Thế nhân thuyết thoại tùy khẩu nhi phát, nhất ngôn thác xuất, di họa vô cùng

Dịch
Kế thứ sáu: Một lời nói ra hưng thịnh nước nhà
    Quỷ cốc tử nói: "Lời nói quý báu của thánh nhân rất huyền diệu, thực sự được dùng có thể chuyển nguy làm yên, biến mất thành còn." Việc nói năng của người đời  thuận miệng mà ra, một lời truyền sai, di họa vô cùng.
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
     Một lời nói hay, nếu thực sự được dùng, có thể cứu nguy vong, giữ yên đất nước. Nhiều lời nói hay, thực sự được dùng càng có thể chấn hưng mở mang, làm rạng rỡ tương lai một dân tộc. Nhiều người sở học nông cạn, không chịu suy nghĩ, vội hiểu ý nghĩa kế này là kiệm lời, nói ít, chỉ nên nói một câu, thực là sai lầm, hại mình hại đời, phí công đọc sách.
      Vì sao chỉ cần một suy luận đơn giản đã sai lầm lớn như thế. Hẳn là do người đời còn bị ám ảnh bởi lời khuyên "im lặng là vàng". Im lặng có khi là vàng, có khi im lặng là tội ác, lời nói lại được ví như châu ngọc, gấm thêu. Đọc cách ngôn mà không biết khi nào dùng, cứ máy móc áp dụng trong mọi trường hợp, cũng giống như kẻ đã qua sông lên cạn mà vẫn vác theo thuyền chẳng phải ngu lắm sao.
       Trên đời có triết lý dành cho người cao minh, có mẹo ném đá dấu tay, thọc gậy bánh xe cho lũ giá áo túi cơm. Những kẻ nửa đời đọc sách, mũ cao áo dài, bo bo bảo mạng, mặc kẻ ác nói càn, im miệng như bình vôi, mong kiếm chút danh lợi thừa, chẳng phải sống chật đất, tốn cơm của trời, bị dân gian gọi là "ngậm miệng ăn tiền" chẳng đáng đời sao?
       Thuật của Quỷ Cốc Tiên Sinh đâu có phải là mẹo chọi gà mưu cờ bạc, vinh thân phì gia như thế. "Nhất ngôn hưng bang" là việc người thức giả phải có trách nhiệm lên tiếng, không được im lặng cho những kẻ ác nói càn, để lại di họa vô cùng cho tương lai.
      Biết mà không được nói là nỗi ô nhục của một xã hội. Biết mà không nói là ô nhục của đời người trí thức.  
Nguyên văn
第七计 众不敌寡
    鬼谷子曰: "将枢, 谓春生, 夏长, 秋收, 冬藏, 天之正也, 不可逆之, 逆之, 虽盛必衰."  一个人, 一旦他违背了事物的发展规律去做事, 即使一时拥有强大的势力, 也必然会失败; 一个人, 如果能遵循事物的发展规律去做事, 那么, 即使目前势单力薄, 也能以少胜多.

Phiên âm
Đệ thất kế Chúng bất địch quả
    Quỷ cốc tử viết: "Tương khu, vị xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, thiên chi chính dã, bất khả nghịch chi, nghịch chi, tuy thịnh tất suy."
    Nhất cá nhân, nhất đán tha vi bối liễu sự vật đích phát triển quy luật khứ tố sự, tức sử nhất thời ủng hữu cường đại đích thế lực, dã tất nhiên hội thất bại; nhất cá nhân, như quả năng tuân tuần sự vật đích phát triển quy luật khứ tố sự, na yêu, tức sử mục tiền thế đan lực bạc, dã năng dĩ thiểu thắng đa.

Dịch
Kế thứ bảy Đám đông không địch nổi một người
    Quỷ Cốc Tử nói: "Trục quay xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, đó là đạo trời, không thể làm trái, làm trái tuy đang thịnh ắt sẽ suy."  
    Một người, một khi đi ngược lại quy luật phát triển của sự vận mà hành sự, cho dù nhất thời có thể lực cường đại, tất yếu sẽ thất bại, một người,  nếu như có thể tuân theo quy luật phát triển của sự vật mà hành sự, thế thì, cho dù trước mắt thế đơn lực bạc, vẫn có thể lấy ít thắng nhiều. 
Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương
     "Chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết."  Theo lẽ thường "quả bất địch chúng", ít không địch nổi đông lắm chân tay, mồm năm miệng mười, ai mà không biết. Nếu thế vì sao Quỷ Cốc Tiên Sinh lại nói ngược như thế? Ngài chính là muốn khuyên những người chính trực chớ ngã lòng, dù trước mắt có khó khăn, thế lực còn đơn bạc.
      Sách của Quỷ Cốc Tiên Sinh không phải nơi tìm những tiểu xảo tầm thường, dạy cách lôi kéo dư luận, lợi dụng đám đông nhẹ dạ để vu oan giá họa cho người khác. Sách của ngài là những đạo lý cao minh giúp đời. Đức Lê Thái Tổ khi bắt đầu nhen nhóm lực lượng ở Lam Sơn chống giặc mạnh, mưu cứu đời, đâu có nghĩ phải dựa vào số đông.  
     Đám đông thực chất chỉ là hàng giả, bị lợi dụng mạo danh nhân dân. Đa số trong đám đông lại thường là những kẻ theo đóm ăn tàn, không có chính kiến, hoặc bị kích động bởi những huyễn ảnh sai lầm. Có những kẻ bất tài lại bám víu vào đó mà mị dân, hèn nhát đổ trách nhiệm cho tập thể, chủ kiến thì trôi nổi, chỉ thon thót mong giữ cái ghế nhỏ xíu như hạt đậu chẳng bõ cười chê.   
      Đạo trời khó thấy khi mới manh nha, phải có người thức giả mới thấy được. Khi mọi việc  đã rõ ràng mới cần phải nói rõ cho đám đông cùng biết để đồng sức đồng lòng mà làm.
     Ngày nay, đất nước đang cần những nhà lãnh đạo có chính kiến, hợp quy luật phát triển lâu dài, mới là hợp lòng dân, chứ không phải những người mờ nhạt, không dám quyết đoán, luôn phải nghe ngóng dựa dẫm, phụ thuộc vào đám đông, rồi bảo đó là theo lòng dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét