Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Âm dương viên phương

      Luận Tam Quốc tuần này bàn về mưu kế: Mưu sâu kế hiểm chưa chắc đã tốt. Kế sách công khai đơn giản chưa chắc đã tồi. Điểm quan trọng kế sách phải đầy đủ, viên mãn (viên) và phải vuông thành sắc cạnh (phương).
      Gần đây, trong trong tiếng Tàu chữ "dương mưu" bắt đầu được sử dụng phổ biến. Tiếng Việt hoàn toàn không có từ này. Một số người giải nghĩa khá sai lầm chữ "dương mưu" cho rằng "âm mưu" thì hèn hạ bẩn thỉu, "dương mưu" là sáng sủa tốt tươi. Thực ra kế sách là để mưu sự thành công. Mọi sự đều không thoát khỏi quy luật trong âm có dương, trong dương có âm. Chuyên dùng âm mưu cũng có nhưng điểm thương tổn trí mạng, bởi nếu có người nhìn ra, âm mưu chẳng đáng một lần hoặc giả bố trí bẫy để tự mình rơi vào bẫy của mình. Chỉ biết dương mưu thì thô thiển như Tống Tương Công dựng cờ nhân nghĩa hay Mã Tốc chiếm điểm cao ở Nhai Đình làm trò cười cho thiên hạ.
      Chữ "dương mưu" được nhắc đến lần đầu trong bộ "Thất thập nhị kế" của Vương Hủ (Quỷ Cốc Tử) thời Chiến Quốc.
        "Đệ nhất kế: Dương mưu âm mưu. Quỷ cốc tử viết: "Trí lược kế mưu, các hữu hình dung, hoặc viên hoặc phương, hoặc âm hoặc dương, thánh nhân mưu chi vu âm cố viết'Thần', thành chi vu dương cố viết'Minh', sở vị chủ sự thành giả, tích đức dã." Kế mưu, hữu âm mưu hòa dương mưu chi biệt, tại nhậm hà tình huống hạ, nhân môn đô bất khả khinh thị đối phương, nhân vi sự kiện, hoàn cảnh, tình báo đô hữu giả đích. Sở dĩ thánh nhân ứng cai cao thâm mạc trắc. Quỷ cốc tử sở vị"Âm", thị mưu chi vu âm thành chi vu dương".
    Tạm dịch:
        "Kế thứ nhất: Dương mưu âm mưu. Quỷ Cốc Tử nói: Trí lược kế mưu, mọi cái đều có hình thức, hoặc vuông hoặc tròn, hoặc dương hoặc âm, thánh nhân mưu sự hướng vào âm cho nên nói là "Thần (Diệu)", thành sự hướng vào dương cho nên nói là "(Quang) Minh", gọi là chính nhằm vào sự thành cũng là tích đức vậy." Kế mưu, có âm mưu cùng với dương mưu khác biệt, bất luận trong tình huống nào, người ta đều không thể khinh thường đối phương, bởi vì sự kiện, hoàn cảnh, tình báo đều có giả dối. Bởi vậy thánh nhân phải cao thâm khó dò. Cái Quỷ Cốc tử gọi là "Âm (mưu)", tức là mưu sự hướng vào âm, thành sự hướng vào dương." (Các bản dịch tiếng Việt hiện nay đều tán nhăng tán cuội rất dài).
      Bẵng đi vài ngàn năm, không thấy tác giả nào bàn về "dương mưu", có thể nghĩ rằng "dương mưu" đã thất truyền. Mao Trạch Đông là tác giả hiện đại đầu tiên bàn lại về "dương mưu" (mình không thích lão này vì quá xấu giai, nhưng qua đây thấy hắn cũng là người có tư duy). Trong bài "Vương Minh thuyết" nhằm mục đích phê bình cựu Tổng Bí Thư (đầu tiên) của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thân Liên Xô, có nói về việc đánh địa chủ, chia ruộng cho nông dân là "dương mưu", phe Quốc dân Đảng dù biết rõ, nhưng không thể đối phó. Gần đây hơn, "dương mưu" được định nghĩa lại là "dương mưu là theo thế mà động, theo thế mà phát, không dấu vết có thể tìm, so với âm mưu cao mình hơn nhiều, lại càng khó mà thực thi".
      Vốn Mao chỉ định chơi chữ, chứ không phải là tìm được di thư của Quỷ Cốc Tử, mà sáng tạo lại "dương mưu". Nói theo cách nhìn của phương pháp lập chiến lược hiện đại thì âm mưu thuộc về chiến thuật, giải pháp, dương mưu thuộc về chiến lược, tầm nhìn. Giải pháp phải kỳ bí, vi diệu, tầm nhìn phải sáng rõ, nhất quán. Cũng theo cách nhìn về chiến lược mà tôi đã giảng cho sinh viên cao học thì quan hệ giữa chiến lược và chiến thuật, mục tiêu và phương tiện cũng chỉ là tương đối theo cách nhìn. Việc đạt được mục tiêu trong mỗi giai đoạn chính là phương tiện để đạt mục tiêu cuối cùng. Nhìn nhận tố chất của một chính khách, chính là sự cân bằng giữa âm mưu và dương mưu.
     Kế ra Kỳ Sơn của Gia Cát Lượng chính là một loại dương mưu, đời thời mà phát động các mưu kế khác, nhưng kế đó chỉ là âm mưu so với kế đi tắt qua Tý Ngọ đánh vỗ mặt Trường An, chia đôi Quan Trung để tùy thời phát động hào kiệt, chế ngự thiên hạ. Kế chiếm điểm cao Nhai Đình của Mã Tốc cũng là một loại dương mưu, nhưng so với kế đem quân đóng ở đường lớn tạo thế ỷ đốc tiếp ứng lẫn nhau của Vương Bình lại là một loại âm mưu, khi bị Trương Cáp nhìn thấu là có điểm yếu trí mạng.
      Quan Vũ cũng dùng dương mưu để vây Tào Nhân, bắt Vu Cấm, chém Bàng Đức trong chiến dịch Tương Phàn để mắc âm mưu của Lã Mông, cuối cùng lại bị Mã Trung vô danh tiểu tốt bắt được là do chọn âm mưu đi đường hẻm Mạch Thành thay vì dùng dương mưu quang minh chính đại đi theo đường lớn.
      Gia Cát Lượng dở đủ mọi âm mưu phục binh đánh thành, bày trận, đốt hang Thượng Phương, cuối cùng vẫn thua một dương mưu của Tư Mã Ý, đóng cửa thành không ra đánh, để đến khi chết vẫn hận trời xanh thăm thẳm, không hiểu được đạo lý của dương mưu. Rõ ràng mưu kế càng phức tạp cũng như thiết kế rắm rối, tự mình đánh bẫy chính mình. Ngày nay, thấy rõ âm mưu quá tân kỳ, dương mưu quá thô sơ, thành thử mọi việc cứ như kiến bò trên miệng chén, thoắt cái mấy chục năm không thành sự được việc gì.
      Đã nói đến âm dương, phải nói đến viên phương. Viên là tròn, viên mãn, toàn diện, kế sách rào trước, đón sau kín như rào chông, không có  rủi ro. Phương là vuông, ngay ngắn, sắc cạnh, có phương hướng. Quan Vũ tấn công Tương Phàn là đủ về phương, phòng thủ Kinh Châu chểnh mảng là thiếu viên. Khổng Minh mang quân ra Kỳ Sơn, cẩn thận đường tiến thoái là viên, nhưng bế tắc vì thiếu phương.
      Chuyện đời nay: Âm mưu trùng trùng, nhưng dương mưu thì hiếm hoi, nên người mưu sự nhiều vẫn long đong vất vả. Bày mưu đặt kế càng phức tạp, dù là ý tốt, vẫn ngày càng gây khó cho mình, vì người đời rút cuộc cũng nhìn ra mưu kế và bày mưu để chống phá, đối phó suốt đời, thời gian đâu mà làm việc chính. Âm mưu có nhọn sắc đến đâu cũng khó mà hoàn toàn, viên mãn.
      Dương mưu chỉ có nguyên tắc, biến động không ngừng, bước sau nối bước trước, bày ra cục diện mới như domino, mới thực là đủ cả phương và viên.
       Nhưng tiếc thay, người có quyền lực và khả năng thực hiện chỉ cho rằng âm mưu mới là mưu hay kế lạ. Chẳng phải là sai lầm hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét