Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Đầu Xuân nói chuyện sách

Ông nội tôi, tiến sĩ khoa Bính Thân triều Nguyễn, có hiệu là Mặc Si, nghĩa là người mê mực. Có lẽ tôi thừa hưởng được đam mê của ông, nên thích sách từ bé. Năm lên 7 tuổi đã thuộc làu bộ Việt Sử Thông Giám Cương Mục, kể vanh vách Ngô Quyền có nốt ruồi ở lưng thế nào. Trong nhà có một tủ sách tương đối đầy đủ, nhưng không đáp ứng đủ được sức đọc của anh em tôi. Thành thử rất nhiều truyện đọc đi đọc lại đến thuộc lòng luôn. Hết sách đọc tôi lôi cả những tài liệu, sách giáo khoa, ra nghiền sạch. Tôi thích mấy cuốn sách nghiên cứu như cuốn "Thần thoại Ấn độ" của Cao Huy Đỉnh hay "Ngoại thương Việt Nam thế kỷ 16" của Thành Thế Vĩ vì khó hiểu, lâu thuộc.

Tôi luyện được một khả năng đọc với tốc độ phi thường. Lý do hay đi với mẹ tới nhà các bạn, họ hàng, đến đó là sà vào tủ sách của họ, và phải ngốn ít nhất được 1-2 cuốn trong vòng 1-2 tiếng. Cô tôi, nhà văn Thanh Hương, hồi đó đặt mua hầu như tất cả các sách của nhà xuất bản Kim Đồng, mỗi lần đến chơi tôi lại sà vào đọc sách. Tôi nhớ hồi mới lên lớp 6, cô tôi đã mua cho cậu em họ toàn bộ sách giáo khoa, trong một giờ tôi đọc hết toàn bộ sách vật lý, toán, văn, sử, địa. Mẹ tôi có một bà chị giữ thư viện Nhân dân ở góc Bà Triệu, Trần Hưng Đạo. Hồi chiến tranh, tôi ở lại Hà Nội với bố, khi nào đi học về sớm lại chui vào thư viện đó, đọc thoải mái. Toàn những truyện hay khó kiếm như "Hầm bí mật bên sông En bơ" ... Hết truyện lại mò vào ngăn sách khoa học, đọc luôn cả các bài giảng của Tạ Quang Bửu về Bourbaki. Chẳng hiểu gì nhưng thấy cũng hay hay nên cứ đọc, nên cũng nhớ được khá nhiều, như khái niệm vô hạn của Dieudonné.

Nhà tôi ở góc đường Tràng Tiền, Ngô Quyền đối diện với hiệu sách Quốc văn, hồi đó còn gọi là hiệu sách quốc văn Hà Nội-Huế-Sài gòn. Đi vài bước chân là đến hiệu sách Ngoại Văn. Hiệu sách Ngoại Văn ở phố Tràng tiền có trước, sau này mới có thêm hiệu sách ngoại văn ở phố Hàng Bài. Hiệu sách ở Hàng Bài tuy có vẻ to hơn, nhưng không sang bằng, và nếu sách quý về có ít vẫn phải về Tràng Tiền trước. Tôi có thói quen là thường xuyên thăm các hiệu sách này. Hiệu sách hồi chiến tranh vắng tanh vắng ngắt. Tôi còn nhớ mùi mực kích thích vào huyết quản mình thế nào, cứ như là cơn nghiện vậy. Ngăn trong cùng là hàng thuê sách, luôn luôn đóng cửa, sau đó là ngăn sách cũ. Tôi mê nhất là các sách, tạp chí toán tiếng Pháp, mà tôi không bao giờ có đủ tiền để mua hết. Cũng may là tôi có tý vốn tiếng Pháp do mẹ truyền cho từ bé, nên cũng đọc được khá khá. Hồi lớp 8 tôi đã tập tọe tự viết được bài nghiên cứu đầu tiên nhan đề "Khảo cứu về các đường cong conic", cũng nhờ đọc sách tiếng Pháp. Bây giờ cũng còn nhớ tên các định lý Poncelet.

Có lẽ chỉ khi đọc sách tôi mới cảm thấy sung sướng thực sự. Những năm ở Hungari, cứ mấy tuần tôi lại vào hiệu sách thành phố mượn một đống sách về ngốn dần. Ở Mỹ cũng vậy, mỗi tuần cả nhà lại vào thư viện thành phố ôm sách về, nhiều khi không có thời gian đọc không kịp. Ở Mỹ tôi vẫn có cái thú vào Border, Barnes & Noble ngồi, cho vợ đi shopping thoải mái. Lần đi chơi ở New York ấn tượng nhất  đối với tôi vẫn là lần đi chơi ở phố sách cũ gần phía China Town. Thế mới gọi là hàng sách cũ, sách ngồn ngộn hàng đống, đủ loại chứ không lơ thơ như ở ta. Năm lên 16 tuổi, tôi đã có một kế hoạch đọc sách, trong đó có những cuốn sách Việt Nam chưa dịch, một số sách khác như Hồng Lâu Mộng, Bí mật thành Paris bị mẹ cấm đọc. Nhưng đến bây giờ có lẽ chưa đọc được 2/3 số sách đó.

   Tôi không học Toán theo phân công của Bộ Đại học mà xin học Vật lý lý thuyết cũng là ảnh hưởng cuốn "Ba nhà Vật lý" của Durenmatt. Thực ra, tôi khá lười học vật lý, phần vì thầy dạy vật lý, đẹp trai chưa vợ hay gọi cô bạn mà mình thích nhất lớp lên bảng. Phần nữa là vì sách giáo khoa vật lý phổ thông viết khá dở, đọc qua một lần là hết, các bài toán vật lý hình như dành cho bọn chậm trí, toàn dùng công thức tam suất với mấy hình tam giác cho thấu kính mà học trò lớp 6 cũng không thèm làm. Đã thế còn luyện đi luyện lại như thể cao siêu lắm. 

Nói đến sách là phải nói đến văn hóa đọc. Tôi tuy là con mọt sách so với đồng bạn, nhưng ở những xứ như Nga, Hung, Mỹ, Hàn Quốc, chắc cũng là loại "lấy xe mà chở lấy đấu mà đong". Ở các xứ đó sách vở đã sẵn, thư viện lại đẹp, trên metro, xe bus người đọc sách rất đông. Sau này làm việc ở Việt Nam dù ở Bộ hay ở Đại học, mới thấy quan chức, trí thức, học sinh sinh viên đọc rất ít mà lại không biết cách đọc sách. Lãnh đạo đọc sách thì chỉ lọc lấy những gì dễ đọc, dễ nghe, dễ tiếp thu, quen tai. Thành thử không khá được. Có khi hàng mấy năm trời mới ngộ ra được những điều sơ đẳng, đáng ra chỉ cần đọc nghiền ngẫm một chút là hiểu ngay.

Nói đến cách đọc sách, đọc sách nửa đời, sau này tôi mới hiểu đọc sách cũng phải có phương pháp mới hiệu quả. Ở Mỹ reading assignment thường rất nặng, một tuần vài trăm trang như chơi, nếu không có kỹ thuật đọc không kịp. Tất nhiên, không đọc hết cũng vẫn trả bài được, nhưng về lâu dài sẽ là một thiệt thòi về kiến thức, nhất là khi ra cuộc sống.

Tôi có một giấc mơ là làm sao mọi người ở Việt Nam có điều kiện đọc sách như ở các nước phát triển. Có lẽ việc xây dựng mạng lưới thư viện đến tận phường xã như ở Mỹ trước mắt là một điều chưa thực tế. Tuy nhiên nếu có các kho sách miễn phí, hoặc giá truy cập dịch vụ đọc rất thấp trên mạng sẽ là một cú hích rất lớn cho nền tri thức chung của Việt Nam. Trí thức Việt Nam bây giờ đi đây đi đó cũng nhiều, bằng cấp cũng lắm, nhưng lý sự về thực tiễn, về tri thức chung của nhân loại vẫn còn thô sơ, nhiều khi nói như mê sảng. Chỉ cần đẩy văn hóa đọc lên một chút, tạo thói quen đọc thường xuyên cho đám đông, biến đọc thành nhu cầu hàng ngày, áp lực lên trí thức và quan chức sẽ lớn hơn, để có một hệ thống giá trị ổn định. Không có sách biết lấy gì làm chuẩn mực để đánh giá, khi mà mọi việc đúng sai tốt xấu đều đang ở trong một trạng thái chaos.

Tôi say mê công nghệ dịch máy có lẽ không chỉ vì lý do công nghệ như đa số các nhà khoa học máy tính. Theo tôi, về ý tưởng công nghệ, ý tưởng khoa học, không có gì đột phá ghê gớm. Tuy nhiên, tôi chỉ mong đến một ngày với hạ tầng hỗ trợ dịch của tôi, với cộng đồng người đọc, người dịch đông đảo, 26 bộ sử của Trung Quốc, bộ sử của Willy Durand, các bộ sử Hy-La kinh điển của Plutach, Tacit, Thudicis,... được dịch ra tiếng Việt. Đến khi đó, người Việt mới nhận ra niềm tự hào về "văn hóa làng xã của ta Tây nó cũng phải bái phục" đơn giản chỉ là thái độ ếch ngồi đáy giếng, nực cười như thế nào.

Cho đến khi nào trí thức Việt chưa nhận ra cái bao la của thế giới tri thức và vị trí của mình, còn phải tranh luận ba hoa chích chòe về "nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh", dân còn chưa sướng được. Trong một cuộn chỉ rối bao giờ cũng có một đầu mối gỡ đơn giản. Đọc sách? Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng là cả một biển công việc phải làm.

2 nhận xét: