Mấy hôm nay dân cư mạng xôn xao việc một lập trình viên Việt Nam kiếm một ngày hơn 1 tỷ nhờ trò chơi trên điện thoại di động nền Android. Các lập trình viên thì tự thấy mình thừa khả năng lập trình công nghệ để làm một trò chơi như thế. Nhiều kẻ rút ra những "nguyên tắc", "bí quyết" cho thành công kiểu như "phần mềm đẹp, lôi cuốn, kích thích đam mê" hay "nền tảng thiết kế vững chắc đơn giản". Các bậc thầy, nhà quản lý thì vội cho rằng đây là thành công của trí tuệ Việt Nam, cần khuyến khích mở rộng để có một nền kinh tế mang lại ngoại tệ mạnh cho dân tộc đang cùng quẫn với các ý tưởng ứng dụng khoa học công nghệ.
Thực ra, thành công của một ứng dụng phần mềm game không có liên quan gì tới công nghệ, và cũng chẳng có nguyên tắc gì cả. Thành công của một ứng dụng trong ngành giải trí nói chung là ở nội dung. Đã nói đến nội dung thì ăn nhau ở khâu sáng tác. Tác phẩm sáng tác thì không thể sản xuất hàng loạt như hàng công nghiệp. Một người thường cũng có thể có vài sáng tác kiệt xuất sánh ngang với các nhà văn, nhưng trở thành nhà văn chuyên nghiệp có thể ra tác phẩm đều đặn thì không thể. Với một người tay ngang thì sáng tác sinh ra do tích tụ nhiều năm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên để hình thành, và rất khó để lặp lại thành công, hay phổ biến kinh nghiệm cho người khác, đến mức như là ngẫu nhiên. Các nhà sáng tác chuyên nghiệp chỉ có thể sinh ra trên một nền văn hoá phong phú, một nền giáo dục và đạo đức khuyến khích sáng tạo, các kỹ năng mềm đã được thành tập quán từ bé. (Tất nhiên có những ngoại lệ đối với các nền sáng tác xây dựng trên nền tảng của bộ máy tuyên truyền mà tôi không muốn và cũng không có đủ năng lực để phân tích kỹ sự khác biệt).
Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields không có nghĩa là phải khuyến khích mọi người học Toán để gặt giải thưởng Fields cho quốc gia. May thay, đó không phải là con đường duy nhất bắt buộc một dân tộc phải đi để đến hạnh phúc. Toán, phần mềm, game chẳng qua là những nơi đột phát của các tinh hoa tích tụ, chứ không phải là bí quyết đi đến thành công. Lặp lại thành công của người khác theo lối bắt chước có khác gì khắc dấu mạn thuyền để tìm gươm trong chuyện xưa: Có kẻ đi thuyền đánh rơi gươm quý xuống sông. Sông sâu nước xiết làm sao mà mò. Anh ta điềm nhiên khắc dấu trên mạn thuyền. Có người hỏi anh tại sao làm vậy. Anh ta nói: tôi đánh dấu để khi nào đến bến sẽ xuống tìm.
Cách đây không lâu trong một buổi họp Viện bàn về việc phát triển công nghệ và tạo ra doanh thu cho Viện. Có người nói cần gì phải suy nghĩ phức tạp, có một anh sinh viên năng lực cũng nhàng nhàng làm một ứng dụng phần mềm thông báo kết quả sổ số thu vài tỷ hàng tuần. Thực ra thành công của anh sinh viên nọ mà quy công lao và thành tích của công nghệ thì hết sức sai lầm, có khác gì khắc dấu mạn thuyền và những người đang hô hào đi làm game.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét