Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

PHIẾM LUẬN VỀ SOẠN SÁCH GIÁO KHOA

Mấy hôm nay thấy cộng đồng bàn về việc có băm tư nghìn tỷ hay trăm tỷ làm sách giáo khoa. Rồi lại bài về việc mời Ngô Bảo Châu hay anh A, anh B nào đó soạn sách giáo khoa. Tất nhiên, các loại ý kiến đều hay và nên nghe, chủ yếu là để biết người dân thường nghĩ gì về đại sự này của đất nước. Có điều, thấy nhiều người cũng có thể được gọi là có ăn học, cũng có những suy nghĩ rất bầy đàn, không dựa theo bất cứ hệ thống nào, lại suy nghĩ dựa dẫm vào truyền thông và giới quản lý. Vì thế có lẽ cũng nên Phiếm luận về đề tài này một chút.

Thứ nhất, việc giao cho một nhà khoa học rất giỏi làm SGK, cũng ngang như giao cho làm số định danh, thiết kế database, quản lý nhân sự cho VINASHIN, làm chủ tịch liên đoàn bóng đá Việt Nam đều có xác suất thành công xấp xỉ như nhau. Giả thiết xác suất đó đủ lớn. Nhưng tiếc thay, cũng theo như báo chí chúng ta chỉ có một hai người làm được việc đó, mà thời gian rất có hạn, cần phân phối cho chuyên môn, yêu đương, triết học và giải trí phần còn lại mới có thể cho các thứ khác. Có lẽ cần lập một bản danh sách các công việc theo thứ tự quan trọng để các siêu nhân bố trí thời gian tối ưu. Bên cạnh đó, có lẽ phải lập một bộ máy để thực thi và một bộ máy để PR cho được sự đồng thuận của xã hội. Nếu tính cả xác suất có điều kiện thành công của các bộ máy này, chưa có gì đảm bảo thành công hơn các phương án khác. Có lẽ chính vì thế, nước Pháp, nước Mỹ thiếu gì các siêu nhân mà không phải tất cả đều đi soạn sách giáo khoa.

     Chúng ta là những người đọc sách đều biết rằng đa số các nhà khoa học giỏi (không phải là tất cả) đều có thể viết sách chuyên khảo, bài review hay, nhưng viết sách giáo khoa (ngay cả cho sinh viên đại học và cao học) cho hay, nhiều khi lại là những cái tên hoàn toàn khác. Tôi biết rất nhiều đại ca, chuyên môn cũng không đến nỗi tồi, đã lăn lộn rất nhiều năm, quen cũng không thiếu ông to, rất mong được lĩnh xướng trong vấn đề sách. Họ cũng rủ tôi tham gia vào việc này với những lý luận "vì dân vì nước" rất hấp dẫn và khó từ chối. Họ đã hình thành những nhóm khác nhau, cạnh tranh với nhau để giành việc này. Ai cũng có rất nhiều quan điểm hay, nhiều khi cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, và có thể nói rất nhiều về nhược điểm của đối thủ.  Có điều, cho dù là ai làm, có khác nhau thế nào thì cũng giống nhau là cách làm cũ, không thoát được những hạn chế tầm nhìn cá nhân.

    Trong khoa học, có nhiều trường phái, quan điểm có lẽ  cũng là một điều đáng mừng. Tôi tin rằng các "cây đa cây đề" này đều là những người giỏi, có thừa nhiệt tình và thực tế mọi việc chuyên môn cho đến công luận cũng đều trong tay họ. Nếu giao cho những siêu nhân ít thời gian chủ trì, rồi công việc cũng lại do những "cây đa cây đề" này làm hết mà thôi. Như thế còn tệ hơn vì chẳng có ai chịu trách nhiệm trực tiếp. Kiểu làm như thế thì rồi cũng lại có kết quả như từ trước đến nay, không có vấn đề này cũng có vấn đề khác. Cách làm mới là vấn đề, chứ không phải ở chỗ ai làm tốt hơn ai.

    Chúng ta không thể thử nghiệm nhiều lần với những cá nhân khác nhau để hết thế hệ này sang thế hệ khác phải chịu đựng. Mỗi lần thử nghiệm là một thế hệ sẽ qua đi. Cho dù là ai làm đi nữa, trước hết chúng ta vẫn cần có một thiết kế tổng thể theo một số tiêu chí nào đó có thể dễ dàng thống nhất với nhau. Có thể nêu ra vài ví dụ về những tiêu chí như thế, không phải khẳng định áp đặt, mà chỉ để minh họa về việc trước hết phải có vài nguyên tắc chung.

    Thứ nhất, chúng ta đang sống trong một thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau. Không có lý nào chương trình giáo dục Việt Nam lại là một ốc đảo. Có những nguyên tắc, nhân loại đã trăn trở, trả giá bằng nhiều thế hệ. Dẫu rằng chúng ta chưa có nhiều thời gian để hiểu thật sâu sắc. Nhưng có thể tiết kiệm được hàng chục hàng trăm năm nghiên cứu, tại sao không thừa hưởng ngay điều đó. Tại sao cứ phải tìm cách phát hiện lại cái bánh xe, để rồi sau bao nhiêu vật vã mới hiểu ra cái điều ai cũng biết. Chỉ riêng nhận thức được như vậy, đã tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức.

     Thứ hai, một hệ thống sách giáo khoa bao giờ cũng hướng tới một hệ thống giá trị nào đó. Nếu nhìn thấy được điều đó sau khi tham chiếu một số hệ thống tiêu biểu, chúng ta sẽ dễ dàng thêm được các giá trị mà chúng ta còn thiếu, cần bổ sung để có một khung yêu cầu hoàn chỉnh cho chương trình, làm chuẩn cho các nội dung cụ thể. Nếu chúng ta có những người có thể làm được điều đó, có nghĩa là chúng ta có thể sửa đổi một số chỗ sao cho chương trình của chúng ta hợp lý hơn, tạo được sự đồng bộ giữa các môn học. Chẳng hạn, sao cho đừng biến các môn học vật lý, hóa học và sinh vật thành các bộ môn toán học ngây ngô như hiện nay hay đừng làm các môn xã hội xa rời lẫn nhau và xa rời khoa học tự nhiên, khoa học tự nhiên xa rời thực tế và công nghệ. Nếu chúng ta chưa có những người như vậy, có lẽ nên thuê các chuyên gia nước ngoài, trong nửa năm sẽ có được một cái khung tốt và đào tạo được những người nắm được phương pháp và tinh thần của cái khung đó. Cách đó rẻ hơn nhiều so với việc lập các hội đồng nghiệm thu các đề tài cấp nọ cấp kia mà thực tế chỉ là công nghiệp sản xuất 

    Thứ ba, có lẽ là vấn đề cần đột phá nhất, là tạo ra một cơ chế cạnh tranh trong việc viết sách giáo khoa. Ai cũng có thể viết sách giáo khoa, sách giáo khoa của ai cũng có thể được sử dụng, miễn là tuân thủ chuẩn do nhà nước ban hành, thực hiện các nội dung của khung giáo dục. Muốn như vậy cần có hai điều kiện. Thứ nhất, khung phải được công bố công khai, phổ biến rộng rãi. Thứ hai, phải xóa bỏ ngay việc độc quyền về sách giáo khoa. Các sách giáo khoa do các nhà giáo, nhà khoa học hoặc bất cứ một ai khác viết ra đều có thể được công nhận hợp chuẩn, trong một quá trình đơn giản, dễ dàng, minh bạch và công khai. Các thầy đều có thể chọn các sách nào thấy phù hợp nhất trong danh sách các sách đã được công nhận hợp chuẩn. Như thế, bao giờ cũng có sách tốt nhất sẽ được lựa chọn trên cơ sở thực tiễn, không phải là ý chí của riêng ai. Vả lại, có thể huy động mọi trí tuệ tốt nhất vào công việc này. Các sách khác sẽ là tham khảo và trong tương lai có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn. Nhà nước chỉ đầu tư là những bộ sách ít người muốn làm. Những bộ sách do nhà nước dùng thuế của dân để làm sẽ phải là tài sản chung của xã hội, và như thế phải có bản quyền mở (Common Creative). Điều đó có nghĩa bất cứ ai cũng có thể sử dụng, thêm bớt để soạn sách khác, với yêu cầu duy nhất là phải trích dẫn nguồn.

      Thứ tư, có thể khuyến khích ứng dụng CNTT làm sách giáo khoa điện tử. Như vậy học sinh sẽ không phải gù lưng, vẹo xương sống thồ sách đến trường. Một tablet PC nhỏ có thể chứa hàng nghìn cuốn sách, nếu cần có thể in những trang cần thiết. Đây thực sự sẽ là một cuộc cách mạng cho công nghiệp, CNTT và giáo dục nước nhà. Với một thị trường như thế các tablet PC này sẽ chỉ có giá $30-50.

     Có lẽ chỉ cần bỏ một ít thời gian sẽ nghĩ ra nhiều thứ rất hay. Câu hỏi cuối cùng có lẽ sẽ trở về xuất phát điểm: Nếu dễ như vậy tại sao lại đến phần mình phải nghĩ. Có lẽ câu trả lời thế này: đó là chỗ đứng, người mắt tinh đến mấy cũng không thể tự nhìn gáy của mình. Một số người đã chọn chỗ đứng bị che lấp bởi quyền lợi, một số người khác thì chọn suy nghĩ theo lối mòn của đám đông và một số người khác nữa thì chọn cách ... không suy nghĩ. Đó mới là cái nguy nhất. Nếu chúng ta cùng suy nghĩ, đừng lẫn lộn vấn đề này với vấn đề khác như lợi ích, quyền lực,... lo gì không cùng tiến lên. Và nói cho cùng mọi người cùng sẽ thấy quyền lợi lâu dài ở đó. Mà chẳng phải băn khoăn vấn đề anh làm hay tôi làm, ai giỏi ai dốt hơn ai hay nghe theo ai bây giờ.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Ngôn ngữ và phát triển (Trích Ngô Tùng Phong - Việt Ngữ và Hoa Ngữ)

Lời giới thiệu:
        Tôi đồng ý với Ngô Tùng Phong ở điểm ngôn ngữ có hai vai trò: Công Cụ Diễn Ý và Công Cụ Suy Luận. Nói một cách khác, không phải có tư duy rồi mới vận dụng ngôn ngữ để "dịch" tư tưởng ra thành tiếng nói (khác biệt với chương trình máy tính ở chỗ đó). Tư duy con người phát triển cùng với các hoạt động ngôn ngữ như diễn thuyết, trình bày, lập ý, trước tác.
        Chính vì thế, mà Ngô Tùng Phong, một nhà hoạt động chính trị xã hội, đã thấy rõ được và đề cao vai trò phát triển xã hội của ngôn ngữ. Ông đưa ngôn ngữ vào tâm điểm trong lịch trình phát triển xã hội cho Việt Nam và đặt nó vào quan hệ trực tiếp với cải tạo, tôi luyện tính khí người Việt, hình thành hệ thống giá trị, giáo dục quần chúng và tổ chức xã hội Việt Nam. Những đoạn highlighted là những ý mà tôi tâm đắc.
NGÔ TÙNG PHONG - VIỆT NGỮ VÀ HOA NGỮ
Trong một đoạn ở trên, so sánh hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng và của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh rằng, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam có điều nhiều kiện thuận lợi hơn, trong đó có nhiều điều kiện về ngôn ngữ.
Ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng; và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.
Hoa ngữ là một loại sinh ngữ biểu ý, mỗi một chữ ghi một ý niệm. Vì thế cho nên, một người Tàu muốn xử dụng được Hoa ngữ một cách trung bình phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba ngàn đến bốn ngàn chữ. Sự cố gắng về lý trí vượt mức thông thường đó, đã tạo ra sự tôn sùng nhà nho, trong xã hội Trung Hoa và trong xã hội Việt Nam khi xưa.
Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa. Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay.
Lối hành văn của Hoa ngữ là lối hành văn “khiêu ý” cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác. Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác. Chúng ta đã xem qua trong một đoạn trên, ưu và khuyết điểm của trực giác. Tuy nhiên, có một sự kiện thiết thực không thể phủ nhận được là trong các nền văn minh cổ, chỉ có nền văn minh Trung Hoa là rất yếu kém về toán học và rất nghèo nàn về triết lý.
Nguyên do là Hoa ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.
Và chính ngày nay, mặc dầu Trung Hoa đang áp dụng những biện pháp huy động độc tài Đảng trị Cộng Sản cực kỳ tàn nhẫn, để dốc hết nỗ lực của tám trăm triệu dân vào công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa, chúng ta cũng có thể đoán biết rằng, công cuộc phát triển của Tàu, nếu có vượt được những trở lực vật chất và chính trị to tát, mà chúng ta đã biết, sẽ không vượt được một giới hạn ấn định bởi ảnh hưởng kìm hãm của một ngôn ngữ, không thể là một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng, và một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.
Việt ngữ xưa kia dùng chữ Hán và chữ Nôm hoàn toàn lệ thuộc Hoa ngữ, nên đã có một thời kỳ cũng bất lực trong vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng. Chỉ xét qua di sản văn hóa, vừa nghèo nàn vừa giới hạn của chúng ta, chúng ta càng ý thức được hậu quả tai hại của sự lệ thuộc và sự bất lực đó trong một ngàn năm. Nhưng từ ngày Việt ngữ được ghi âm bằng mẫu tự La Mã thì đã được giải thoát khỏi sự bất lực trên. Một sự kiện rất cụ thể tiêu biểu cho sự giải thoát này là, trong tất cả các sinh ngữ trong xã hội Đôn Á ngày nay, Việt ngữ là sinh ngữ duy nhất, có thể dùng máy đánh chữ mà viết ra được. Sự kiện trên lại làm bộc lộ tầm xoay trở rộng rãi của lối ghi âm, sánh với lối biểu ý.
Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã thay thế cho chữ Nôm và chữ Hán, là một ví dụ thành công của công cuộc Tây phương hóa của chúng ta, trong một phạm vi nhỏ, nhưng quan trọng và quyết định, phạm vi ngôn ngữ. Sự thành công này, đương nhiên gieo cho chúng ta một sự tin tưởng mãnh liệt vào những thành công phong phú hơn nữa, trong những phạm vi rộng lớn của công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta đang theo đuổi.
Riêng sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã đã là, như chúng ta vừa thấy, một ưu thế không phủ nhận được của Việt ngữ đối với Hoa ngữ, trên nhiều phương diện. Nhưng sự ghi âm, bằng mẫu tự La Mã còn mở cửa cho Việt ngữ một sự phát triển khác mà hậu quả sẽ có một tầm quan trọng bội phần hơn. Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã, sẽ cho phép chúng ta kiến trúc câu văn như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên. Và câu văn, một khi đã được kiến trúc hóa, Việt ngữ đương nhiên sẽ trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.
Lúc bấy giờ Việt ngữ vừa là một dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng, vừa là một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi, sẽ là một dụng cụ hữu hiệu cho nền văn hóa Việt Nam. Sánh với Hoa ngữ, ưu thế lại càng rõ rệt hơn nữa.
Lúc bấy giờ, chẳng những văn hóa Việt Nam hoàn toàn không còn lệ thuộc văn hóa Tàu, mà sự phát triển văn hóa của chúng ta sẽ lên đến một trình độ ước mong, khả dĩ góp một phần đáng kể vào di sản của văn minh nhân loại, nhờ sinh lực dồi dào mà một dụng cụ ngôn ngữ hữu hiệu sẽ tạo ra cho văn hóa chúng ta.
Triển vọng về ngôn ngữ, dụng cụ văn hóa đã như vậy, thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho dân tộc. Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa.
Trong một đoạn khác, chúng ta đã phân tích rằng, vì bị sự chi phối của tâm lý thuộc quốc, đối với nước Tàu trong hơn tám trăm năm, đè nặng trên đời sống của dân tộc, nên một số nhà lãnh đạo đã cố tròng vào thân thể Việt Nam, cái áo Tam Dân Chủ Nghĩa, mà Tôn Văn đã gắng công nghiên cứu may cắt cho dân tộc của ông. Tuy nhiên, những thành tích chiến đấu giải thoát dân tộc của các nhà cách mạng quốc gia, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những trang vẻ vang, mà họ đã nhân danh Tam Dân Chủ Nghĩa, viết bằng xương máu trong lịch sử dân tộc.
Chúng ta lại vừa trình bày rằng, thế hệ của chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để nắm lấy cơ hội đưa văn hóa chúng ta thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Tàu, và nhân đó tiêu diệt yếu tố quan trọng nhất trong hai yếu tố, đã trong hơn một ngàn năm, bồi đắp cho tâm lý thuộc quốc của chúng ta, đối với Trung Hoa. Tuy nhiên, di sản văn hóa của dân tộc thoát thai tù nền văn minh chung của xã hội Đông Á, không bao giờ phủ nhận được, cũng như không phủ nhận được những kiến thức uyên thâm và những mẫu người thoát thường, mà nhiều cá nhân Việt Nam đã đạt đến được, nhờ một sự trụ đúng mức vào các tiêu chuẩn giá trị của nền văn minh Tàu.
Trong ba trường hợp trên, thái độ của chúng ta là thái độ của một nhà bác học về quang học, khi nhận thấy rằng, thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng không còn giải thích được nhiều biện tượng quang học, và cần phải được thay tế bằng một thuyết khác. Nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận rất cả các định luật về quang học, đã được phát minh khi nhà bác học đã trụ vào thuyết ánh sáng phát quang theo đường thẳng, bởi vì những định luật này đã thuộc vào di sản phát minh của ngành quang học.
Tính khí
Một khi đã sử dụng được những dụng cụ để rèn luyện những đức tính làm căn bản cho kỹ thuật của Tây phương, sự chế ngự được kỹ thuật của họ thành công hay thất bại tùy thuộc rất nhiều ở một đức tính khác: Tính khí.
Trong một đoạn trước đây, liên quan đến việc kê khai cái vốn sẵn có của chúng ta, trước khi bắt tay vào công cuộc Tây phương hóa, chúng ta đã nhận thấy rằng tính khí của cá nhân thiết yếu cho cộng đồng hơn cả thông minh của trí óc.
Các dân tộc đã thành công trong mọi sự nghiệp đều là những dân tộc có tính khí rất cao. Và giữa hai dân tộc, cùng một hoàn cảnh, một cái vốn cùng đứng trước một thử thách và cùng áp dụng một giải pháp thì dân tộc nào có tính khí cao hơn, sẽ thắng lợi nhiều hơn. Một ví dụ mà chúng ta đã nêu lên là hai dân tộc Anh và Pháp.
Cũng như đối với nhiều đức tính khác cao quí của con người, định nghĩa chi tiết tính khí là một việc không dễ. Bởi vì tính khí thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Và tính khí thể hiện một cách mạnh bạo nhất không phải chỉ ở trong những cơn khủng hoảng kích thích đến tột độ các khả năng của cá nhân. Trong những cơn khủng hoảng tương tự, ví dụ, đứng trước một nguy cơ trầm trọng, con người có thể trong một thời gian ngắn tập trung đến mức tối đa tất cả năng lực lúc bình thường tản mác các nơi. Và nhân thế có thể có những hành động phi thường, khắc phục trở lực bên ngoài đưa đến.
Nhưng không phải những lúc đó là những lúc tính khí đương đầu với những thử thách gian nguy nhất. Ngược lại những lúc bình thường của đời sống mới, vừa có năng lực tiêu hao tính khí, vừa rèn luyện tính khí. Đời sống thường ngày mới là chiến trường, thử thách trường kỳ đối với tính khí. Và cũng chính đời sống thường ngày mới là phạm vi phát triển của tính khí.
Tính khí có điều kiện phát triển, ở một cá nhân hay trong một cộng đồng, khi nào cá nhân hay cộng đồng tin tưởng một cách vũng chắc vào một số tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống cộng đồng. Bất cứ trong một xã hội nào, nếu các tiêu chuẩn giá trị còn giữ nguyên vẹn uy tín, thì tính khí đương nhiên sẽ nảy nở ra những hoa quả vô cùng tốt đẹp.
Vì vậy cho nên, những điều kiện có khả năng bảo vệ các tiêu chuẩn giá trị, cũng có khả năng phát huy tính khí. Chúng ta đã thấy, ở một đoạn trên, rằng một trong các điều kiện nói đây là sự liên tục trong vấn đề lãnh đạo cộng đồng.
Xã hội của Việt Nam trước đây theo Nho giáo, toàn thể cộng đồng đều tin, một cách mãnh liệt vào các tiêu chuẩn giá trị của Khổng Mạnh. Nhờ đó xã hội chúng ta đã sản xuất được rất nhiều gương tính khí hùng mạnh. Cái tiết tháo của nhà Nho xưa ta là một hiện tượng của tính khí.
Nhưng cùng với sự sụp đổ về quân sự của quốc gia, nước chúng ta bị đô hộ, xã hội chúng ta tan rã vì các tiêu chuẩn giá trị cũ bị văn minh Tây phương đả phá đến tột độ. Đồng thời với sự mất uy tín của các tiêu chuẩn giá trị cũ, tính khí của dân tộc chúng ta suy đồi. Xã hội càng tan rã, tính khí càng mất. Và tính khí càng mất, xã hội càng tan rã hơn.
Như vậy thì công cuộc đào luyện tính khí cho cộng đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các tiêu chuẩn giá trị làm nền tảng cho đời sống của cộng đồng.
Tiêu chuẩn giá trị.
Trong hiện tình của văn minh nhân loại, có nhiều tiêu chuẩn giá trị đã trở thành những di sản bất di bất dịch của loài người.
Ví dụ tiêu chuẩn giá trị nằm trong câu: “Quân tử dĩ tự cường bất tức”[2] là một tiêu chuẩn giá trị đã trở thành di sản của nhân loại.
Tổ chức gia đình là một tiêu chuẩn giá trị khác mà nhân loại đã thâu thập được sau nhiều năm tìm kiếm.
Cộng đồng nhân loại là một tiêu chuẩn giá trị đang hình thành.
Lẽ đương nhiên các tiêu chuẩn giá trị thuộc loại trên, sẽ là những tiêu chuẩn giá trị mà xã hội chúng ta sẽ tin tưởng.
Có nhiều tiêu chuẩn giá trị khác mặc dù chưa lên hàng những tiêu chuẩn giá trị mà tất cả nhân loại đều tin tưởng, chúng ta cũng chia xẻ sự tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đó với nhiều cộng đồng dân tộc khác.
Ví dụ tiêu chuẩn giá trị cộng đồng dân tộc, tiêu chuẩn giá trị tự do con người. “Lý do của cuộc sống là một lý do cá nhân. Điều kiện của cuộc sống là một điều kiện cộng đồng” cũng là một tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta chia xẻ với nhiêu cộng đồng khác trên thế giới.
“Lãnh đạo là tạo một trạng thái thăng bằng động tiến giữa cá nhân và cộng đồng” là một tiêu chuẩn giá trị khác.
Nhiều tiêu chuẩn giá trị tương tự, hoặc đã nằm trong các phần được trình bày trong các trang trên đây, hoặc là những kết luận đương nhiên của các suy luận, cũng là những tiêu chuẩn giá trị mà chúng ta tin thưởng. Ví dụ: công bình xã hội.
Ngoài ra vì công cuộc Tây phương hóa mà dân tộc theo đuổi để sinh tồn, chúng ta sẽ tin tưởng vào những tiêu chuẩn giá trị của kỹ thuật Tây phương.
Chúng ta sẽ tin tưởng ở sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật Tây phương. Chúng ta sẽ tin tưởng ở các đặc tính chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức.
Lại có tiêu chuẩn giá trị là di sản của truyền thống văn minh Á Đông. Chúng ta tin rằng sự phát triển vật chất phải được thực hiện đồng thời với sự phát triển tâm linh.
Thực luyện tính khí.
Tiêu chuẩn giá trị đã có rồi, tính khí sẽ có cơ hội nảy nở. Tuy nhiên sự nảy nở của tính khí vẫn còn tùy thuộc hai điều kiện.
Trước hết các phần tử của cộng đồng phải tin tưởng vào các tiêu chuẩn giá trị đã được chấp nhận. Đó là nhiệm vụ của tổ chức giáo dục chính danh và tổ chức giáo dục quần chúng.
Điều kiện thứ hai là có những phương pháp vật chất, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, để luyện tính khí. Mục đích trực tiếp của các phương pháp trên là huấn luyện cho mỗi cá nhân tập quán chế ngự cơ thể và tư tưởng của mình. Sự huấn luyện lúc nào cũng bắt đầu với những phương pháp chế ngự cơ thể, bởi vì hành động đối với vật chất cụ thể dễ hơn hành động dối với tư tưởng trừu tượng. Trong những phương pháp này, thì cho đến ngày nay, các môn thể thể thao có hướng dẫn đã tỏ ra có hiệu quả nhất. Các môn thể thao tập cho ý chí chủ động các bắp thịt và các phản ứng của cơ thể.
Ý chí đã chủ động được cơ thể thì lần lần đạt được lên trình độ chủ động được tư tưởng. Các môn thể thao tập thể còn được khả năng huấn luyện ý thức cộng đồng và trang bị cá nhân với những phản ứng cần thiết cho một đời sống cộng đồng. Chính trong các môn thể thao tập thể thể hiện ra một cách cụ thể, dễ nhìn hơn hết, ý nghĩa của mệnh đề “Lý do của đời sống là cá nhân. Điều kiện của đời sống là cộng đồng.”
Một bằng chứng cho tính cách hữu hiệu của thể thao trong sự thực hiện tính khí, là các dân tộc yêu chuộng đến cao độ các môn thể thao đều là những dân tộc có nhiều tính khí. Nhiều môn thể thao cũng là những phương pháp để tập trung tư tưởng trong đó có các môn võ.
Vượt lên các phương pháp thể thao đó có những phương pháp vật chất khác, cũng giúp cho cá nhân chế ngự được cơ thể và dần dần lên đến trình độ chế ngự được tư tưởng. Phép yoga của Ấn Độ, phép Thiền Định của Phật và Lão Tử, phép tu dưỡng tinh thần của đạo Hồi và đạo Gia Tô, đều nhằm mục đích chế ngự cơ thể để lần lần lên đến mức chế ngự tự tưởng. Các phép sau này kiến hiệu hơn phương pháp thể thao nói trên rất nhiều, và chóng đưa con người đến chỗ tự chủ với một trình độ rất cao. Tuy nhiên các phương pháp này đều không có tính cách tập thể như những phương pháp thể thao. Mỗi cá nhân dưới sự hướng dẫn của một người được mình tôn kính làm Thầy, cố gắng tập trung tư tưởng vào một đối tượng để tìm cách chế ngự bản thân. Các phép luyện thần này đều dựa trên căn bản khổ hạnh.
Tất cả các phép luyện thần và phương pháp thể thao đều dựa trên căn bản huấn luyện cơ thể và trí óc làm việc cho đến hết khả năng và cho có quy củ. Vì vậy cho nên hai cách luyện tính khí trên không có đối chọi nhau, mà ngược lại bổ sung cho nhau.
Giáo dục quần chúng.
Chúng ta đã thấy rằng, ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, nhu cầu của sự lãnh đạo cộng đồng cũng đã đặt thành một vấn đề rất quan trọng, sự đa số chịu lãnh đạo hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.
Đã như thế thì, ngay trong những thời kỳ bình thường của cộng đồng, việc giáo dục quần chúng đã là một vấn đề trọng hệ.
Tuy nhiên, trong những thời kỳ bình thường như vậy, chúng ta đã biết sự mâu thuẫn đương nhiên giữa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của cộng đồng, không lên mức độ căng thẳng có thể là một mối đe dọa cho sự tồn tại của cộng đồng. Do đó, sự giáo dục quần chúng mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cộng đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như ở những thời kỳ mà cộng đồng phải qua các cơn khủng hoảng.
Ngày nay cộng đồng dân tộc Việt Nam đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Trong lịch sử của chúng ta, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ khủng hoảng rất là ác liệt, các cuộc ngoại xâm, các cuộc nội chiến tàn sát, chúng ta đều có trải qua. Nhưng cuộc khủng hoảng lần này nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó đã bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay và cho đến ngày giờ này chúng ta vẫn chưa giải quyết được. Chỉ riêng sự kiện thời gian đó, cũng là một yếu tố đủ để chứng minh tính cách vô cùng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, cộng đồng của chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá kinh khủng làm chấn động. Tuy nhiên, những sức mạnh đó, mặc dầu đã gây cho cộng đồng dân tộc của chúng ta những vết thương mà ảnh hưởng đã kéo dài trong nhiều thế hệ, vẫn không đủ mãnh lực để động đến những tiêu chuẩn giá trị làm căn bản cho đời sống của cộng đồng. Nhờ đó mà, sau khi cơn bão tố đã qua, cộng đồng của chúng ta vẫn tiếp tục được cuộc tiến hóa trên những căn bản cổ truyền vững chắc.
Trái lại, trong cuộc khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần, đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội Việt Nam. Chính vì lý do sau này mà cuộc khủng hoảng đã kéo dài đến từ hơn một thế kỷ nay. Sau khi những cuộc sóng gió do những lực lượng vật chất gây ra, đã qua rồi, cộng đồng dân tộc của chúng ta vẫn chưa tìm lại được trạng thái thăng bằng thiết yếu cho sự tồn tại và sự tiến hóa của cộng đồng: bởi vì các tiêu chuẩn giá trị căn bản đã bị mất mà những tiêu chuẩn giá trị mới chưa được thâu nhận.
Xem thế chúng ta ý thức ngay lý do và mức độ trầm trọng của thời kỳ khủng hoảng này của cộng đồng. Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết.
Đã như thế thì, sự đa số chịu lãnh đạo phải hiểu biết vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, không lúc nào, trong lịch sử của chúng ta, lại thiết yếu như lúc này và vì vậy cho nên vấn đề giáo dục quần chúng không lúc nào mà cần phải được đặt ra và thực hiện như trong lúc này.
Thực hiện giáo dục quần chúng.
Kỹ thuật khoa học ngày nay đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện giáo dục quần chúng hữu hiệu và mãnh liệt. Theo thứ tự thời gian phát minh, chúng ta có thể kể: sách báo, phim ảnh, vô tuyến truyền thanh, vô tuyến truyền hình...
Tất cả đều là những dụng cụ sắc bén trong vấn đề giáo dục quần chúng. Tuy nhiên, một sự giáo dục quần chúng có quy củ, mặc dầu đương nhiên áp dụng những dụng cụ nói trên, phải lấy sự tổ chức quần chúng làm một điều kiện tiên quyết.
Tổ chức quần chúng phải được quan niệm như thế nào, phải được thực hiện ra sao, chúng ta đã phân tích với nhiều chi tiết trong đoạn trên đây nói về bộ máy quần chúng.

Ngôn ngữ và tính cách dân tộc ?

       Buổi lên lớp cao học vừa qua tôi vừa giảng cho sinh viên về phân biệt giữa "Goal", "Objective" và "Purpose". Tiếng Việt có các từ "Mục đích" và "Mục tiêu", nhưng hình như giữa hai từ này không có phân biệt rõ ràng. Cũng có một từ nữa ít dùng hơn là "Cứu cánh", nhưng từ này ít dùng và không nên dùng nữa bởi vì người dùng đã dùng một cách hỗn loạn.

       Cái đáng bàn ở đây, là người Việt ta thường rất mơ hồ về mục đích. Rất nhiều kế hoạch, chiến lược, dự án,... lẫn lộn hoàn toàn mục tiêu với giải pháp, chưa nói tới goal và objective. Có lẽ thói quen trở thành tư duy, tư duy được phản ánh bằng ngôn ngữ. Việc không có ngôn ngữ để diễn tả một số khác biệt tinh tế một số khái niệm chứng tỏ những người sử dụng ngôn ngữ đó khá mơ hồ về những khái niệm đó và cũng do thói quen suy nghĩ rất sơ sài về những vấn đề liên quan. Nếu như vậy, cũng đáng để chúng ta suy nghĩ tại sao dân tộc ta lại mơ hồ về xác định mục tiêu. Câu hỏi này có thể để cho những người ưa và thạo các vấn đề xã hội hoặc để phiếm đàm trong một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một số ví dụ khác.

      Tôi có một anh bạn người Ấn Độ nói rằng trong tiếng Ấn có tới hơn 31 từ phản ánh trạng thái "buồn" và có ý nghĩa khác nhau, chỉ người Ấn mới phân biệt được. Tiếng Anh chỉ có dăm ba từ là cùng. Tôi nhận xét với anh "Như vậy người Ấn là chuyên gia buồn rầu". Có lẽ một xã hội chia đẳng cấp quá chặt chẽ, có những loại người untouchable (không được chạm vào), nỗi buồn đó cũng quá dễ hiểu. Văn hóa Ấn Độ cũng có tính triết lý sâu xa. Nhìn lại tiếng Việt, tuy không phong phú về nỗi buồn như Ấn Độ, nhưng vượt xa tiếng Anh về khoản này: "buồn", "rầu", "não", "sầu", "bi","chán chường",...   Không biết có nên tự hào về cái ưu thế biết buồn rầu này.

      Đừng nên lầm tưởng đó là vì ngôn ngữ của chúng ta giàu có, phong phú, tinh tế hay phát triển. Đơn giản chúng ta buồn nhiều, nghĩ nhiều về cái buồn mà thôi. Cha tôi nói tiếng Việt đặc biệt nghèo về màu sắc. Người Việt cũng dễ tính về màu.  Chẳng thế các cụ ngày xưa đã tổng kết đơn giản "Đẹp vàng son". Càng nghĩ thấy càng đúng. Người Việt không có từ để phân biệt "xanh lá cây" và "xanh da trời". Đối với các cụ "xanh" là "xanh" ráo. Ngay cả cách đặt tên cũng không chuẩn các thứ được cho là "xanh da trời" chẳng giống da trời tý nào, và "xanh lá cây" chưa chắc đã giống bất cứ lá cây nào. Cách đặt tên màu của người Việt cũng chẳng giống ai. Nào là "mắm tôm", "lòng tôm", "tiết dê" đến "cứt ngựa", rất thiếu thẩm mĩ. Chưa kể câu chuyện "Lá đa màu gì? Màu đen? Vì sao? Dân gian ta có câu: Sự đời như cái lá đa. Đen như mõm chó chém cha sự đời".

      Không biết việc thiếu tính chuyên nghiệp trong màu sắc có ảnh hưởng thế nào tới còn đường đi của một dân tộc (con đường đó sẽ ít màu sắc, mang dáng dấp uniform??). Nhưng nhiều khi đưa những tư tưởng mới vào Việt Nam đều bị méo mó vì nạn thiếu từ. Người Việt khá dễ tính trong việc dùng bánh đa thay quạt nhưng rất khó tính trong việc dùng từ mới. Tôi đã nhiều lần bị chê dùng từ Tây quá (mặc dù dùng chữ Việt 100%) và bắt buộc phải dùng một từ "dễ hiểu" hơn mặc dù nội dung chẳng giống gì với từ nguyên gốc. Dùng riết rồi cũng quen dẫn tới cách suy nghĩ đơn giản hóa. Việc gì cũng phiên phiến. Nói chuyện gì cũng chớt chát trên bề mặt, thành thử mấy chục năm vẫn tranh cãi mấy chuyện đó, như kiến bò trên miệng chén, không thoát ra được. Có lẽ không nơi nào trên thế giới người ta hăng hái tranh luận "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" như ở Việt Nam, đơn giản chỉ vì không ai hỏi rằng "tại sao không thể vị cả hai" hay "nghệ thuật chẳng qua cũng là một phần của nhân sinh". Một dân tộc coi thường nghệ thuật sẽ có cái nhân sinh thế nào?

     Tất nhiên, cái đơn giản bao giờ cũng gần với chân lý và cái đẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là một dân tộc luôn phải đơn giản hóa mọi vấn đề đến mức thô sơ. Người Việt ta ít duy lý, ngại suy nghĩ, nhưng cuối cùng nghĩ vấn đề gì cũng phức tạp. Một vấn đề cỏn con, nếu phát biểu bằng các khái niệm chính xác, tinh tế sẽ trở thành điều hiển nhiên, trong khi cả một giới thượng tầng xã hội tốn bao nhiêu giấy bút mà vẫn bị sa vào trò đùa của chơi chữ, tu từ. Chẳng qua là mình tự rơi vào cái bẫy của mình rồi loay hoay tìm cách tự nắm tóc để nhấc mình ra.

       Vậy thì đâu là giới hạn của các song đề đơn giản-tinh tế đó? Có lẽ chưa một ai nói về vấn đề này đơn giản, khúc triết mà sâu sắc như Ngô Tùng Phong: 
     "Ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng; và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.". 
      Làm thế nào để ngôn ngữ Việt có thể vừa dễ phổ cập, đại chúng vừa có thể trở thành tinh vi sắc bén? Nhiều người cho rằng Hoa ngữ có sức biểu tượng mạnh, hàm súc và dễ phổ cấp vì phù hợp với thói quen Hán-Việt hóa. Nhưng Ngô Tùng Phong lại cho rằng
       "Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa. Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay.
Lối hành văn của Hoa ngữ là lối hành văn “khiêu ý” cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác. Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác"
"Nguyên do là Hoa ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén."
Và ông rất lạc quan cho rằng
    "...thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho dân tộc. Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa."
    Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, mặc dù những lãnh tụ không cùng chính kiến đều đã hô hào "chỉnh đốn Việt ngữ", "giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt", một cuộc cải cách tiếng Việt có hệ thống không tới, thậm chí không hề bắt đầu.
     Một số người cho rằng "ngôn ngữ là hồn dân tộc không thể thay đổi". Điều đó, không đúng ngôn ngữ Nga trước Puskin và sau Puskin là khác nhau. Tiếng Anh sau Shakespeare và trước Shakespeare cũng không giống nhau. Cải cách ngôn ngữ dù thông qua những cá nhân vĩ đại, dám gánh vác hay thông qua một tập thể là một việc sớm muộn cũng phải làm.
     Tuy nhiên, chúng ta tuy thích thần thánh hóa một số cá nhân mơ hồ, nhưng không có thói quen dung nạp các công trình kỳ vĩ. Đọc Vũ Như Tô, không lần nào tôi không thấy chua xót  khi đọc tâm sự của Nguyễn Huy Tưởng 
"Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải
Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? 
Tháp người Hời nguyên là giống Angkor

Mải vật lộn, quên cả đài cao mộng lớn
Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi ? 
Ôi khô khan! Ôi gay gắt ! Nhưng đừng vội tủi
Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng Nam

Than ôi ! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ? 
Ta chẳng biết! 
Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm"
   Chỉnh đốn tiếng Việt là một sự nghiệp kỳ vĩ vì nó thay đổi tính cách của một dân tộc, vốn không ưa những điều kỳ vĩ.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

HUY PHƯƠNG - Những ngày không thể quên (thơ)

Tôi tự hỏi
Sao chúng ta có thể sống trong những ngày
Như thế,
Giữa những lo-lắng chết người
Khi chúng ta khát một chút mặt trời
Khát một chùm nho
Dù chỉ trên họa báo.

Khi chúng ta vắt óc
Như vắt trái cam cuối mùa khô róc
Tìm chút thơm tho
Cho cuống cổ bỏng se
Viết những dòng thơ
Ném mãi vào đời
Như ném từng nhúm muối vào trong biển cả

Chúng ta sống những ngày
Như thế,
Quên yên vui
Quên cả ái tình
Cho một nụ cười
Một mảnh trời xanh
Thế giới ngày mai nắng hát

Khi chúng ta chắt-chiu từng giọt
Ngày đêm mớm sữa cho con
Một nghìn đồng
Sữa mậu-dịch - một lon
Thấp-thỏm chờ mong
Mỗi trăm bạc trên bảng hàng hạ giá
Đêm rét mướt thiếu từng hơi thuốc lá
Thiếu từng ngụm nước chè tươi
Chúng ta mang tất cả một chân trời
Trên đôi vai gầy
Trên lá phổi vi-trùng đục nhấm ...

Khi chúng ta ngập ngụa
Giữa những ham muốn
                                 hằn-thù, ti-tiện
      Con người chưa yêu trọn vẹn con người.

      Ai bắt chúng ta ngửa mặt nhìn trời
      Sợ từng đám mây
      Sợ từng ngọn gió
      Sợ hạt bụi rơi trên cốc sữa
      Sợ chiếc hôn trên má người yêu?

      Chưa sống trọn bây-giờ
      Còn cháy ruột với mai sau
      Những thế-hệ tương lai xa lắc
      Khi những châu-thành hôm nay
      Với con sông, bến nước
      Thơ, ca
      triết-lý
      ái-tình
      Tất cả chỉ còn là kỷ-niệm vô-danh
       Trên trái đất nặng những hầm trú ẩn
       Những loại người: ung thư
                                      thần kinh
                                      khập khiễng
Mắt nhìn lên không còn giống mắt người

Thế hệ ấy ngày mai
In bằng máy
Yêu bằng tình-yêu-nguyên-tử-lực
Con người
Mất óc, mất tim
Trở thành khoáng-vật
Nhưng qua một giấc mơ
Lạ-lùng
Ray-rứt
Tôi ngẩng mặt lên
Văng vẳng đâu đây điệu hát Bắc-Ninh
Giọng hát ân tình đất Bắc
Trong tiếng còi tàu ban mai hun-hút
Dẫn tôi đi về những cánh đồng
Lúa mùa thu như biển cả mênh-mông
Ôm lấy xóm làng
Qua tang-tóc đang chườm tay đứng dậy
Lại bắt đầy những tình yêu mới
Những trang vở mới i-tờ
Mái đình rêu phong lặng-lẽ trầm-tư
Còn suy-nghĩ bài học dài lịch-sử.

Theo tiếng hát
Tiếng còi tàu
Tôi đi về bao nhiêu thành-phố
Lanh canh tiếng gỗ công-trường
Những thành-phố không cây
                             trơ-trụi
                             gầy còm
Còn mang trọn màu ký-ninh, hoàng-đảm
Từ những suối bạc đầu Trường-Sơn, Cao-Lạng
Trong tiếng gỗ reo vui,
Tôi nghe nhịp máy điện-đài
Tiếng quẫy sóng những con tàu nước bạn
Lấp-lánh hải-đăng,
Mắt Tổ-quốc còn đỏ ngầu trong gió nắng
Sáng lên nhìn suốt những chân trời.

Còn gì nữa
Tôi ngẩng lên
Trên tờ báo hôm nay
- Nét mực còn tươi -
Tin vĩ-đại: vệ-tinh nhân-tạo

Tôi không ước mơ những con tàu vũ-trụ
Khi chân này không đi trọn được Bắc-Nam
Tôi không chờ du-lịch cung trăng
Khi mỗi lưng cơm
Trên đất này còn bao cơ cực.

Nhưng trên bầu trời chúng ta
Triệu triệu năm dài, cũ rích
Nheo-nhóc những vì sao cằn-cỗi già nua
Những vì sao không còn đem nổi mộng mơ
Xuống trái đất nặng làn mây nguyên-tử
Tôi cám ơn Mạc-tư-khoa
Những bàn tay đồng-chí
Đã thắp cho loài người thêm một vì sao.

Tôi cám ơn các anh,
Không như những nhà thiên-văn mổ xẻ tinh-cầu
Những quang-tuyến nhìn qua thiên-lý-kính
Trò chơi ấy, bên hàng con số lạnh
Chưa một lần làm rung-động tim tôi
Thêm một vì sao giá-ngắt trên trời
Dù nhân-tạo cũng vẫn là xa-lạ

Nhưng sáng nay
Tâm hồn trăm thế-kỷ
Như ùa về sống dậy trong tôi
Những thần-thoại năm xưa
Mang nặng tình người
Nổi giông-bão trên bầu trời hoang-dã.

-  Đâu những mối tình Ngưu-Lang, Chức-Nữ
Đẫm ướt trần gian mỗi tiết mưa Ngâu
Đâu mái tóc ưu-tư những Bắc-Đẩu, Nam-Tào
Từng bạc trắng bao nỗi niềm hạ giới
Dòng sông Ngân ngàn xưa chảy mãi
Vẫn chưa nguôi nguồn sữa mẹ nuôi con
Mỗi chút lo-âu
                       hy-vọng
                                    tủi hờn
Lớp lớp người xưa gửi vào vũ-trụ
Hồn những thi-nhân đời đời tâm-sự
Thao-thức canh dài trong những vì-sao -

Trên hàng ký-hiệu điện-đài
Tha-thiết từng câu
Ai có nghe vì sao từ thép
Văng vẳng tiếng người
Lại nói với con người trên trái đất

Có trông thấy cơn ho vừa dứt -
Trong nôi mềm con tôi đã ngủ yên
Hình bóng trăng sao chuyển-động nhịp nhàng
Trên mái tóc con sáng ngời mơ-mộng
Những búp-bê, áo màu
            gói quà thơm mọng
Phất-phới đi theo đôi cánh SAO-NGƯỜI.
Con ngủ yên lành trên ngưỡng cửa ngày mai
Đã sạch bóng những làn mây nguyên-tử

Chúng ta đứng lên
Mang tên: người Công-Dân Vũ-Trụ

Tôi chấm hết bài thơ
Khi trên tầng mây
Mặt trời như bánh xe khổng-lồ
Đã nuốt trọn triệu-triệu lần cây-số
Nhưng trên hè phố
Bóng nắng qua chưa trọn hết mặt đường

Biết bao lần bài thơ đã sang trang
Bên những tình người vẫn còn dang-dở
Chuyến xe điện leng-keng đi về cuối phố
Phủ đầy lá úa mùa thu
Như hình dáng đất nước tôi
                        chăm-chỉ
                        cần-cù
Từng phút, từng giây vất-vả
Lếch-thếch gánh-gồng
Bao nhiêu tâm-sự
In trên nét mặt con người.

Bao mất-mát, đau thương, đằng đẵng năm dài
Đào những hố sâu trên mắt
Bao đám mây đi trên trời đất nước
Còn để lại bóng đen trong những nụ cười

Nhưng trong nắng đầu thu
Buổi sáng hôm nay
Khi bài thơ tôi chấm dứt
Khi dông bão còn rung trên từng sợi tóc
Những đôi mắt trong xanh đã hướng đến chân trời
Đầu vượt từng mây, chờ một ánh sao bay
Chân rắn chắc bám trên mình đất mẹ.

Chúng ta đã sống những ngày không thể quên
- Những ngày như thế -
Những ngày không thể có hai lần trong lịch-sử

Ta vươn lên
KHÔNG GÌ ĐE DỌA NỔI CON NGƯỜI
                                       Tháng 10-1957

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

HUY PHƯƠNG -Bài thơ viết trên mộ cũ

Có những người cộng sản hy sinh
Chân lê vòng xích sắt
Nụ cười sáng trong đôi mắt
Bước lên đoạn đầu đài
Anh ngẩng nhìn mặt trời
Một giải mây trôi
                              xa tắp

Anh gửi theo mây trời tiếng hát
Yêu thương,
                     tha thiết,
                                làm người
Trời quê hương đẹp lắm hôm nay
Có những em bé sơ sinh
                                khóc trong lòng mẹ
Miệng xinh xinh liếm từng giọt sữa
Kỷ niệm đầu tiên
                         thơm ngọt vị đời
Sáng hôm nay - cũng sáng hôm nay
Có những tình yêu chớm nở
Những tuổi hai mươi hôm qua còn bỡ ngỡ
Vụt lớn lên vì có lứa đôi
(- Ta với mình tuy một mà hai!)
Anh còn thấy giờ đây
                                 khi đầu rời khỏi hai vai
Những khối thép đang đúc liền cuộc sống
Những nhịp cầu vươn qua sông rộng
Một vì sao
                chói sáng.
Từng chiếc đinh
                            mối hàn
                                        nóng bỏng
Ríu rít
            theo nhau
                             nối những chân trời.
Và khắp nơi ...
                         trên những luống cày,
Những tầng mỏ
                           nặng nề, tăm tối
Triệu triệu bàn tay
                           nắng sương còm cõi
Ghì xuống thép gang,
Giữa trái tim mình, kính cẩn
"Thêm một người hy sinh
                                        cho tất cả
                                                      giờ đây..."
Cuộc sống bắt đầu
                             buổi sáng hôm nay
Như những buổi ban đầu trên quả đất!
Anh yên tâm
                    mỉm cười nhắm mắt
Chờ lưỡi dao
                    khép cánh cửa đời anh
Mái tóc xòa bay
                     trong nắng mông mênh
                                                         lần cuối
Như cánh buồm đen
                                phập phồng
                                                   vẫy gọi
Một vì sao
                  chói lọi
                               xa xôi
Ánh nắng năm xưa
                              đã tắt đâu rồi
Trong đôi mắt của anh
                                     đời đời vĩnh biệt
Cuộc sống cần lao
                              - yêu thương, giận ghét -
Còn mênh mông
                             trong tim óc con người
                                                  *
                                             *        *
Có những kẻ ĐÃ QUÊN ANH
- Những người đãng-trí-thiên-tài -
Yên ngủ trong lòng cuộc sống
Kĩu kịt
            à ... ơi tiếng võng
Lim dim giấc mộng trưa hè
Có những người quen "tụng niệm nam mô"
Nửa kiếp trước
                         gật gù say tỉnh
Nặng nợ trần gian
                            chuyên ngành "Cách Mịnh"
Rắp ranh quan lớn
                              ngày nay
Họ nhẩm tên anh thành kính
                                                mê say
Như kẻ hiếm con
                           lâm râm
                                        cầu tự
- "Ơn đồng chí ...
                              siêu sinh tịnh độ ...
Rủ lòng phù hộ chúng tôi!"
Có những kẻ
                     mang tên anh
                                           đi giữa cuộc đời
Như một chiếc
                        thẻ ngà
                                     trên ngực
Cô gái nhỏ
                   lặng lời ca.
                                       -  Chim ngừng
                                                               tiếng hát
Nghe bước chân đi
                               của hắn
                                             nghênh ngang
Như tên cai thầu
                              mang thước ngọc
                                                           khuôn vàng
Đo đạc những bầu tim khối óc

Còn biết bao nhiêu
Những con chiên
Đi trong hàng ngũ chúng ta
Lở lói trăm tầng mụn chốc:
Những kẻ buôn dân trong Cải cách
Như bán lẻ thuốc cam sài
                                          giữa chợ
                                                         công khai
Chính sách Đảng ta quý trọng con người
Âu yếm mỗi bàn tay mái tóc
Chúng ăn bớt từng câu - nuốt trôi từng mục
Đem làm thang,
                         làm bục,
                                        công danh
Phê án tử hình
                         như những lang băm
Kê đơn thuốc
"Sống chết mặc ai,
                               tiền thầy bỏ túi !"

Trên mồ
              những người đã chết từ lâu
Cỏ ùn - lạc lối
Những người cộng sản vô danh
Sống cho con người
Chết đi không tên không tuổi
Tôi muốn viết một bài thơ
Ghi bằng mồ hôi
Và máu chúng tôi
                             nóng hổi
BÀI THƠ CỦA CHÚNG TÔI
- Công dân của nước Cộng hòa mười một tuổi -
Những đôi vợ chồng
                                 con vừa tập nói
("Ta với mình nay đã là ba")
Những em bé
                     nghe tiếng trống làng bên
                                                              nhẩm tiếng i tờ
Chân bước vội giữa hàng tre rợp bóng
Những người cán bộ
                                   ôm vai
                                                thức vừa trọn sáng
Cúi đầu
                  trên kế hoạch quốc gia

Tay đặt trên tim
                          nhức nhối
                                           xót xa
Tưởng trong ngực mặt trời trỗi dậy
                                                          1957

NGUYỄN QUANG HÀ -Nhớ anh Huy Phương


NGUYỄN QUANG HÀ: Tôi nhớ sau thời gian luyện tập miệt mài, chuẩn bị lên đường chi viện cho miền Nam, trong lúc đang nơm nớp đoán già đoán non, không biết mình sẽ vào Tây Nguyên hay đi Nam Bộ thì đại đội trưởng đi họp về báo
 tin vui rằng chúng tôi được tăng viện cho chiến trường Bác Đô.
Nhớ anh Huy Phương
Nhà thơ Huy Phương
Ai cũng quay ngang quay ngửa hỏi nhau: Bác Đô là đâu? Thì chính trị viên cho biết ngay: Bác Đô chính là Huế, ôi, chúng tôi mừng quá, nhiều đứa bạn hét vào tai nhau: “Chúng mình sẽ vào Huế các bạn ơi”.
Sau gần ba tháng đi bộ, chúng tôi vào đến chiến khu Huế. Dẫu chưa được đặt chân vào cố đô, nhưng những câu thơ cứ dắt chúng tôi đi:
“Thuở ấy miền Hương Ngự/ Dịu dàng như một lá thư xanh
Một dòng sông xinh/ Đôi bờ thông nhỏ
Có con đường ngát gió Về Nam Giao bóng nắng chênh chênh…”
                                                (Em tôi)

Những tên đất Vĩ Dạ, Sông Hương, Chợ Dinh, Cồn Hến, Nam Giao… như hút hồn chúng tôi.
Chúng tôi thì thầm với nhau: “Con gái Huế dịu dàng lắm”, tức thì cũng có một câu thơ cứ gợi ý tò mò của chúng tôi:
“ Tay thuốc cứu thương nặng mùi thuốc hồi sinh
Vành mũ sắt vương làn tóc rối”.


Người thiếu nữ có làn tóc rối vương bên mũ sắt ấy đã rung động một tâm hồn chiến sĩ rồi:
“Súng đạn giờ đây câm lặng đợi chờ/ Như trái tim anh chờ nghe em nói
Một lời hứa anh mang vào lửa khói”.
Có điều gì đó không nói lên lời cứ thôi thúc chúng tôi cầm súng vào cuộc chiến như thế hệ trước đã in dấu vào trong thơ:
“Tôi lại về đây với thành phố tuổi thơ yên tĩnh/ Nơi hai chúng mình
Từng đổ máu trên những thềm cung điện/ Cho một dòng sông xanh”
                                                (Bình yên)

Đã cầm súng lên đường, dòng máu chúng tôi lúc nào cũng thắm đỏ, mang sẵn trong đó một lời thề: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Không một phút giây nào nghĩ chuyện quay đầu tháo lui. Và ai cũng biết vào cuộc chiến là quyết liệt:
“Đây một nhà tranh không bóng người/ Chơ vơ như một nấm mồ ai
Giường trơ nét lạnh ngàn thu hận/ Dăm xác trần truồng tay bỏ xuôi”.
                                                (Đây miền chiếm đóng)

Chúng tôi là người lính, những câu thơ ấy như một niềm mê hoặc. Nói rất đúng những điều chúng tôi đang suy nghĩ. Rõ ràng người viết nên những câu thơ này phải là người từng trải trong chiến tranh.
Hỏi những câu thơ ấy do ai viết? Chúng tôi được trả lời rằng đó là thơ của Huy Phương. Chúng tôi muốn gặp mặt nhà thơ ấy, nhưng hiện anh đang ở Hà Nội. Tiếc thật. Anh Huy Phương ở xa quá. Nếu không chúng tôi đã quấn lấy anh rồi.

Phải là người từng đi chiến trận, Huy Phương mới có nỗi đau khi đứng trước xác đồng đội mình:
“Sáng hôm nay có con chim nó hót líu lo/ Tai anh không còn nghe được nữa
Con sông Hương nắng hồng rực rỡ/ Mắt anh còn thấy được bao giờ.”
                                               (Giòng máu đầu tiên)

Huy Phương đã khái quát sự quyết liệt của một chiến trận, mà chúng ta đã trả giá cho chiến công:
“Áo biếc hiền lành 
Súng nổ, Đô thành tan tác
Máu hồng hoen ố đồng xanh”
                                                (Em tôi)

Người Huế rất thuộc thơ Huy Phương. Những câu thơ tôi chép lại trên đây là nghe được đọc lại. Không hòa mình vào với nhân dân, không hóa thân vào cuộc chiến làm sao có được những câu thơ có hồn vậy.
Sau này tôi có được đọc 4 câu thơ của anh Huy Phương trong bài “Những ngày không thể quên”, anh đã khái quát được những mất mát đau thương, tôi cảm thấy kẻ nào quên những điều đó thì không còn là người nữa. Đây nhé: 
“Bao mất mát đau thương, đằng đẵng đêm dài
Đào những hố sâu trên mắt
Bao đám mây đi trên trời đất nước
Còn để lại bóng đen trên những nụ cười”.
Tôi đồng cảm với Trần Thanh Đạm khi anh nói về thơ Huy Phương: “Huy Phương đã lên tiếng một cách tự nhiên và hồn nhiên biết bao. Thơ anh đã nhanh chóng tìm được công chúng của mình, cùng với công chúng ấy hòa mình vào một không khí chung của đất nước, của thời đại. Một nghệ thuật không bắt đầu từ những hình thức mới. Nó bắt đầu với những con người mới”. Thơ Huy Phương xứng đáng là những trang thơ đầu tiên của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chúng ta.

Ngay cả đến khát khao của người lính chiến đấu trên đất núi Ngự, sông Hương cũng rất giản dị:
“Em mơ một chiều phản công/ Trở về Hương Ngự miền Trung với mẹ già
Với trang sách nhỏ đơn sơ/ Chiều chiều có bóng trăng mờ nghiêng nghiêng”.
                                               (Em tôi)

Là những người chiến đấu, hy sinh trên đất Huế, rõ ràng Huy Phương đã nói hộ cho tâm trạng chúng tôi, nên chúng tôi rất quý thơ anh. Thơ anh đúng như những gì chúng tôi đã sống trên vùng đất núi Ngự sông Hương này.

Sống trên đất Huế, dần dần tôi mới được các bậc đàn anh kể cho nghe về anh Huy Phương. Anh tên thật là Nguyễn Huy Phương. Quê gốc ở Nghi Tân, Nghi Lộc, Nghệ An. Nhưng cha anh đỗ đạt cao, làm việc và sau dạy học tại Huế, nên Huy Phương sinh tại Huế vào ngày 4-10-1927. Do vậy lớn lên Huy Phương được dạy dỗ, đào tạo ở tại nơi có một vùng văn hoá đặc sắc này. Đó là văn hóa Huế, sông Hương.

Trước tổng khởi nghĩa Huy Phương đã tổ chức và phụ trách tổ thanh niên cứu quốc Phường Thái Trạch và Thành nội Huế. Tham gia in và rải truyền đơn chống Nhật và chính quyền thân Nhật, ủng hộ Việt Minh. Anh và đồng đội anh chuẩn bị băng cờ và vận động quần chúng tham gia biểu tình, tham gia tổng khởi nghĩa 23-8-1945 tại Huế, tham gia giành chính quyền ở công sở. Anh được cử vào làm ở ban quản trị bộ tư pháp. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ Huy Phương là ủy viên chính trị phụ trách tự vệ chiến đấu thành phố Huế. Năm 1947 anh là cán bộ vụ quân giới liên khu 4.

Từ năm 1950 trở đi anh Huy Phương chuyển hẳn sang hoạt động ở lĩnh vực văn nghệ. Đầu tiên anh là cán bộ văn nghệ liên khu 4. Sau chuyển sang báo Văn Nghệ. Rồi qua Nhà xuất bản Văn học, qua ban đối ngoại Hội Nhà văn, làm ủy viên thường trực hội đồng văn học công nhân, tiếp đến làm giảng viên trường viết văn Nguyễn Du, là chuyên viên cao cấp của Hội Nhà văn.

Ngay từ thời phụ trách tự vệ chiến đấu tại thành phố Huế; Huy Phương đã có thơ đăng trên báo Quyết Thắng, và có tiểu luận đăng trên tạp chí Ánh Sáng rồi. Rõ ràng từ bẩm sinh, Huy Phương đã có máu văn chương.

Sau này tôi được ra Hà Nội học trường bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn tổ chức tại Quảng Bá, Hà Nội thì tôi mới được gặp anh Huy Phương, anh rủ tôi về nhà anh ở đường Ngô Quyền, một ngôi nhà giản dị và đầm ấm, nhưng số sách anh viết đã khá đồ sộ.

Có thể kể ra đây:

Tiểu thuyết anh đã có: “Xi măng”, “Nơi anh sẽ đến”.

Truyện, truyện ngắn, bút ký, phải kể đến: “Đầu sóng ngọn gió”, “Tầm sáng”, “Những ngôi sao đỏ”, “Đường chân trời”, “Đất đỏ”, “Ngã ba”…

Đứng trước anh, tôi thấy ngột. Biết tôi ở Huế ra, anh hỏi đủ chuyện về núi Ngự, sông Hương, lăng tẩm, chùa chiền, cung điện, phố xá. Những kỷ niệm thời trai trẻ của anh gắn với vùng đất ấy không hề quên. Anh đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Anh kể cho tôi nghe những chuyến anh thả thuyền xuôi sông Hương, lang thang trên Phá Tam Giang, ăn tôm rằn nướng, ăn cháo cá kình và cá dìa hấp như thế nào. Những kỷ niệm về Huế không thể nào dứt ra được.

Tôi trở thành bạn vong niên tâm tình của anh. Anh tìm sách tặng tôi, và cứ dần dà dẫn tôi vào con đường văn chương mà anh đã trải qua.

Tôi không quên lời anh dặn dò:

- Đúng như Nguyễn Du nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” em ạ. Có tài mà không có đức thì không ai thèm đọc văn chương của mình đâu. Đã làm người thì không được quên quá khứ. Quên quá khứ là kẻ bội bạc vong ân, không còn là con người nữa. Còn tương lai là ở phía trước. Phải có ý chí thì mới hy vọng có tương lai.

Đó là những bài học đời của tôi. Tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Từ đó mỗi lần anh Huy Phương vào Huế, anh đều tìm tôi. Kể cả khi anh chuyển vào Sài Gòn, mỗi lần ra Huế, thế nào anh cũng gọi tôi bằng được. Ngồi với nhau anh em thủ thỉ suốt ngày không biết chán.

Một kỷ niệm với anh ở Huế tôi không quên. Đó là lần tôi lên thắp hương cho nhà thơ Thanh Hải, mộ anh được đặt trong vườn cụ Phan Bội Châu. Một trong những điều đặc biệt ở Huế, là những danh nhân nào có tài và có đức, được xã hội kính trọng thì mới được đưa vào chôn trong vườn cụ Phan Bội Châu. Ví như Nguyễn Chí Diểu, như cụ Đạm Phương chẳng hạn. Sau này là anh Thanh Hải. Được đưa vào chôn trong vườn cụ Phan là một hãnh diện với thiên hạ.

Hôm ấy tôi đang cắm cúi thắp hương cho anh Thanh Hải thì có tiếng lẹt xẹt người đi tới, tôi quay ra nhìn. Không ai khác, chính là anh Huy Phương.

Tôi hỏi:

- Anh đi đâu mà lên vườn cụ Phan này.

Lúc ấy tôi mới nhận ra, trên tay anh Huy Phương có một thẻ hương.

Thật không ngờ anh Huy Phương trả lời:

- Mình lên thắp hương cho ông Thân của mình.

Hóa ra mộ cụ thân sinh anh Huy Phương cũng nằm trong vườn cụ Phan, ngay bên cạnh mộ anh Thanh Hải. Thì ra cụ cũng là một nhân sĩ được nhân dân Huế kính trọng. Tôi chợt hiểu ra, anh Huy Phương đúng là con nhà nòi. Anh là người nổi tiếng mà vẫn giữ chữ Hiếu trọn vẹn như vậy. Đó là một bài học ở đời cho tôi.

Anh Huy Phương thắp hương cho anh Thanh Hải rồi dắt tôi qua thắp hương cho ông thân sinh ra anh. Hai anh em ngồi nói chuyện quá trưa mới về. Mỗi lần ngồi với anh Huy Phương, tôi như được anh dẫn đi những chuyến thảo du dài.

Gần đây nghe anh đau ở trong Sài Gòn, tôi rất băn khoăn không có dịp nào vào thăm anh. Đùng một cái chị Thái Thị Thu Lan vợ anh điện ra cho Thùy Mai, nhờ Thùy Mai báo tin cho tôi biết rằng anh Huy Phương đã về cõi vĩnh hằng!

Anh Huy Phương mất vào trưa ngày mồng 2 tháng 12 năm 2009, tức ngày 16-10 năm Kỷ Sửu. Hôm nay là ngày anh em bạn bè và gia đình đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi ngồi một mình bâng khuâng nhớ biết bao điều về anh, và ngồi cầm bút viết những dòng này, như một nén hương thắp lên mộ anh vậy.

Tôi lẩm nhẩm nói một mình: “Anh Huy Phương ơi, mong anh về chốn an lạc, cầu mọi sự bình yên cho anh”.
Huế ngày 4-12-2009N.Q.H
(251/01-2010)

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Về hành trình di cư và định cư của tổ tiên người Việt

ÔNG CHA TA TỪ ĐÂU ĐẾN? Theo các sách sử cũ thì người Việt vốn là một bộ phận của người Bách Việt sống ở miền Nam sông Dương Tử. Sau đó lại có các đợt sóng người Hán vào Việt Nam vào thời Đông Hán, Ngũ Đại Tùy Đường Tống hòa huyết mà thành. Tất nhiên, việc giao lưu, hòa huyết giữa các dân tộc láng giềng, luôn luôn có. Nhưng, các bằng chứng khoa học về gien, các bộ nhiễm sắc thể đã chứng minh rằng vào khoảng 80 nghìn năm trước đây (tức là khoảng 20 lần lâu hơn toàn bộ lịch sử nước Việt mà chúng ta có thể tưởng tượng ra được), có một đàn người tiền sử (loại người có trí thông minh) đã xuất phát từ bờ Tây của Hồng Hải, bán đảo Sừng Phi, bao gồm Etiopi và Somalia. Một bộ phận ở lại vùng Vịnh Ba Tư, bộ phận khác tiếp tục Đông tiến đến vùng Đông Á. Trong một thời gian dài họ bị cái lạnh khắc nghiệt và những dãy núi cao (có thể là Himalaya) cản lại, nhưng sau đó họ đã tràn xuống phía nam qua vùng Miến Điện-Vân Nam. Bộ phận đi lên phía bắc chia tay nhau ở lưu vực sông Dương Tử. Một bộ phận tiếp tục Bắc tiến vào châu thổ Hoàng Hà, Hồ Nam, Thiểm Tây để thành người Hán cổ. Những người này sẽ hòa huyết với các chủng Hung Nô, Mông Cổ để thành người Hán sau này. Một bộ phận khác là người Miêu-Dao đã lạc nhau tại lưu vực sông Dương Tử. Trong đó, một bộ phận xuôi dòng về hạ lưu di cư vào một địa bàn trải dài từ Thượng Hải đến Quảng Đông, chính là ngành phát tích chính của Bách Việt. Bộ phận đi về phía Nam tràn vào lãnh thổ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và dọc theo biên giới Việt Trung. Một nhóm chiếm lĩnh châu thổ sông Hồng. Nhóm này lại tiếp tục tách ra thành các nhóm nhỏ. Một nhóm lại Bắc tiến dọc theo bờ biển đi mãi đến tận Phúc Kiến, Thượng Hải lại hòa vào Bách Việt. Như vậy Bách Việt bao gồm nhóm Miêu-Dao, nhóm đi vòng qua phía Nam và có cả những người Hoa Hạ đến sau hòa huyết.
    Sau này Bách Việt, dưới sức ép của Hoa Hạ, Mông Cổ lại Nam tiến theo hai hướng Tây Nam và Nam.
    Năm 2008, tôi có dịp sang Etiopi, tự nhiên tôi có một giao cảm thân thiện với vùng đất này, như mình đã biết vùng đất này từ lâu. Ban đêm, tôi cũng có những giấc mơ kỳ lạ nhưng hết sức dễ chịu trong suốt thời gian ở đây. Âu cùng là một điều kỳ lạ.
     Bài này post nguyên bản tiếng Anh đã lâu. Cho đến hôm nay mới dịch, cắt bớt râu ria và viết thêm vài đoạn tóm lược cho rõ nghĩa.

Trích dịch từ bài của J.A.Edmondson, "Sức mạnh của ngôn ngữ đối với quá khứ: định cư của người Thái và ngôn ngữ Thái ở Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam" ("The power of language over the past: Tai settlement and Tai linguistics in southern China and northern Vietnam")
  Tóm lược ý tưởng chính: Trong khi các nghiên cứu ban đầu về gien đã đưa ra các bằng chứng về sự di cư của các chủng tộc ở Đông Nam Á và Trung Hoa, nghiên cứu về ngôn ngữ đưa ra một số thông tin bổ sung khác về quan hệ họ hàng huyết thống của các tộc dân vùng Đông Nam Á. Qua đó chúng ta hiểu rõ thêm khái niệm người Việt và người Bách Việt. Bài tiếp sau sẽ nói về các thông tin nguồn gốc chủng tộc cất dấu trong ngôn ngữ.

  Phần 1 Quá khứ xa xưa được đổi tên mới và lược bớt phần cuối tóm lược những thông tin hành trình di cư và định cư của tổ tiên người Đông Á dựa trên các bằng chứng về gien.

Về hành trình di dân và định cư của tổ tiên người Việt 
    Chúng ta đang sống trong một thời kỳ, khi kiến ​​thức về quá khứ xa xưa (hơn 40.000 năm trước) bùng nổ. Nhờ việc giải mã bộ gien người, hiện nay chúng ta đã ở vị thế để biết rõ về nguồn gốc của mình, chúng ta đến từ đâu và hành trình di cư của tổ tiên chúng ta. Như Spenser Wells đã mô tả trong cuốn Cuộc hành trình của con người: một cuộc phiêu lưu di truyền (2002) của mình đã mô tả, toàn thể nhân loại bên ngoài châu Phi đều xuất thân từ một nguồn cội duy nhất và sự mở rộng quần thể dân cư đã xuất phát từ Vùng Sừng Phi (Người dịch: Bán đảo ở Đông Bắc châu Phi, bao gồm lãnh thổ Etiopi và Somalia ngày nay) vào khoảng 80.000 năm trước đây. Giả thuyết Nguồn gốc Châu Phi này khẳng định có một giống người duy nhất xuất hiện ở Châu Phi khoảng 80.000-100.000 năm trước và bắt đầu di cư về phía đông để kiếm sống. Có những nhóm khác đã rời khỏi Châu Phi từ trước đó, nhưng họ không phải là Homo sapiens (người thông minh), mà chỉ là Homo erectus (Người đứng thẳng).
     Trong các học thuyết cũ người ta cho rằng những khác biệt về kiểu hình giữa người với người về da, tóc, mắt, vân vân là do sự phát triển các hình thức độc lập có tính khu vực của các loại người tiền sử truyền lại thành các nòi giống nhỏ khác nhau được tìm thấy ở vị trí địa lý khác nhau ngày nay. Quan điểm này có thuật ngữ là Nhiều nguồn gốc (Polygenesis) và đi ngược lại quan điểm Một nguồn gốc của Giả thuyết Nguồn gốc Châu Phi. Bằng chứng về nhiễm sắc thể, tuy nhiên, đã nghiêng cán cân về phía ủng hộ thuyết Một Nguồn gốc một cách rất rõ rệt. Trong khi đã có bằng chứng di truyền chắc chắn về Một Nguồn gốc của dân tộc Thái và các dân tộc anh em, lại có một bằng chứng quan trọng khác làm cột trụ cho Giả thuyết Nguồn gốc Châu Phi. Các mẫu hóa thạch ở Đông Á hoàn toàn khác với các mẫu tìm thấy ở Châu Âu, nơi có rất nhiều bằng chứng minh chứng cho việc định cư và phát triển của Homo erectus qua các dạng người Neanderthal.
     Những "người trong hang" đến định cư ở Châu Âu trước Homo sapiens và còn tồn tại về thời gian và địa lý chồng chéo với việc sinh sống của người Homo sapiens, phải cho đến khoảng 25.000 trước đây, khi mọi dấu vết về người Neanderthal đã biến mất. Ở châu Á tình hình rất khác; Hài cốt hóa thạch của vượn người được tìm thấy trước cả 100.000 trước đây, nhưng không còn tồn tại trong khoảng thời gian từ 100.000 đến 40.000 trước đây, cho thấy rằng Homo erectus như một loài đã bị tuyệt diệt trong thời Băng Hà khi các bằng chứng hóa thạch cho thấy một thời kỳ gián đoạn, (Xem công trình của Higham 2001: 3-5, và cũng tham khảo www.ankhoaagency.com/prehistory%20of%.htm, về quan điểm nhiều nguồn gốc trong các đoạn gọi là “ Các tổ tiên xa của người Trung Quốc").
    Những phát hiện tiếp theo sau thời kỳ Đỉnh Điểm Băng Hà 25.000 năm trước đây có thể xem như thuộc về Homo sapiens. Chúng ta biết về sự di cư của nòi giống của chúng ta vì đã có (1) đột biến di truyền ngẫu nhiên và tiếp theo là (2) những động lực và hiệu ứng trôi ngẫu nhiên có chọn lọc đã xác định được một mã DNA rõ ràng mới của một gen sau đó trở thành cố điểm định trong quần thể dân số.
   1. Như vậy, trong trường hợp này, một đột biến, có lẽ tương tự như sự khác biệt về nhóm máu, dẫn đến các đơn bội hình M168 ​​của nhiễm sắc thể Y ở nam giới có ở một nhóm người Homo sapiens Châu Phi. Chính những người mang đột biến này đã rời  bờ phía đông của Hồng Hải vào khoảng 80 thiên niên kỷ trước đây.
      Các bộ sưu tập của các đơn bội hình như thế, gọi là các nhóm đơn bội hoặc các đánh dấu đa phôi một nucleotide (SNP) đánh dấu, có thể được nghiên cứu trong các quần thể dân cư ngày nay bằng cách thu thập mẫu di truyền của các nhóm dân cư và xác định tỷ lệ phần trăm của chúng  về các nhóm đơn bội cụ thể. Sau đó, dữ liệu nhiễm sắc thể Y này có thể được sử dụng để phân tích phân bố tần suất của các đánh dấu trên khắp một khu vực địa lý và để tạo ra bản đồ đường bao, cho phép chúng ta biết về con đường và niên đại di cư của họ.
     Các nhóm đơn bội hình (đối với các nhiễm sắc thể Y) được đặt tên bắt đầu bằng các chữ cái từ A đến R trước các số được sử dụng cho các phân loại nhỏ mịn hơn. Nhóm đơn bội hình tên là M168 ​​có ý nghĩa đặc biệt, bởi vì nhiễm sắc thể Y của mọi nam giới ở ngoài Châu Phi đều sở hữu đánh dấu SNP này.
    Khoảng 35.000 năm sau đó,  nhóm đơn bội F (M89) đã xuất hiện ở Châu Phi và có thể cả Trung Đông. Nhiều người ở lại đó nhưng những người khác tiếp tục di chuyển về phía đông để kiếm sống. Nhóm này có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta, vì người ta tin rằng họ đại diện cho một "làn sóng phát triển thứ hai" từ Châu Phi. Do đó, một nhóm hậu duệ của những người đánh dấu bằng M89 SNP mang đánh dấu M9, xuất hiện khoảng 35.000 năm trước đây trong một người ở Iran.
    Đơn bội hình này ngày nay đã được tìm thấy trong mọi người Châu Á. Một hậu duệ sau nữa của đơn bội hình M9 là M175, chỉ tìm thấy được ở nam giới Châu Á; người mang đánh dấu di truyền này đã được sinh ra khoảng 30.000 năm trước đây. Người này đã đi cùng với với một nhóm tới Đông Á, nơi họ bị ngăn cản việc tiếp tục di chuyển bởi các dãy núi cao và nhiệt độ vẫn còn lạnh cóng.
     Một số con cháu của người này vẫn còn lại ở Đông Nam Á và phát triển thành các quần thể thổ dân vẫn còn tìm thấy ở đó, ví dụ như các quần thể Austro-Asiatic, xen kẽ với các chủng "Phi" ("Negritos") đã có mặt từ trước ở Malaysia, Andamans, và Philippines, những người đã đến trong "làn sóng đầu tiên" của những người Phi đến định cư ở châu Á, có lẽ vào 80 ngàn năm trước hay hơn nữa, xem công trình của Leroi (2005).
    Nhưng trong thời gian này, những người mang M175 di chuyển về phía đông và phía bắc. Một nơi nào đó gần biên giới Vân Nam / Myanmar đã có sự chia tách ra làm hai nhóm (a) một nhóm kết hợp 华夏族 Hoa Hạ, tên được sử dụng trong thời nhà Chu cho giống người sau này gọi là người Hán 汉 hoặc 中国 人 người "dân tộc" Trung Quốc cùng với những người 藏 缅 语 族 Tạng-Miến, tiếp tục đi về phía bắc và (b) nhóm người khác là các dân tộc 苗 瑶族 Miêu-Dao,  những người này sau đó đã lạc nhau khi cả hai đến được lưu vực sông Dương Tử. Cả hai nhóm đều có đột biến M122 đặc trưng. Một số  trong những người đã đến Vân Nam đã trải qua thay đổi, có lẽ ngay cả trước khi các nhóm người mang M122, rời khỏi đó; những người này, không giống như những người di chuyển về phía bắc, đã trở thành những người mang đánh dấu SNP M119. Quay trở lại thời điểm để những người có dấu M122, những người Miêu-Dao là những người đầu tiên tách ra từ nhóm này, trong khi bộ phận còn lại tiếp tục tiến về phía bắc đến nguồn sông Hoàng Hà, nơi họ tiếp tục phân chia, một nhóm - những người Tạng-Miến ở lại đó, trong khi người Hoa Hạ xuôi xuống hạ lưu theo dòng Hoàng Hà đến các tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây.
     Những người đã không quay về phía bắc và có dữ liệu nhiễm sắc thể Y mang đánh dấu M119, đã di chuyển về phía nam vào miền bắc Thái Lan, Lào và Việt Nam và vòng lên phía bắc qua lưu vực sông Hồng vào lãnh thổ phía bắc và phía nam của biên giới Trung-Việt và theo dọc bờ biển đến cửa sông Dương Tử gần Thượng Hải.
Those males who possessed the M119 SNP marker would later be identified by Chinese historians as the groups known as the 百越Bai Yue, who extended from Shanghai to the Sino-Vietnam border area in Yunnan Province. These peoples undoubtedly spoke different languages from place to place.
Những người nam giới sở hữu các đánh dấu SNP M119 sau này có thể được định danh bởi các nhà sử học Trung Quốc như các nhóm được gọi là người 百越 Bách Việt, trải rộng từ Thượng Hải đến khu vực biên giới Trung-Việt Nam tại tỉnh Vân Nam. Các dân tộc chắc chắn nói các ngôn ngữ khác nhau phụ thuộc vào địa điểm.
    Những con cháu của họ, những người mang các đơn bội hình M119 bao gồm tất cả những người Thái, Đồng-Thủy, Ngật Ương, và Lê vẫn còn thấy được dọc theo vùng biên giới Việt-Trung cũng như những người ở Thái Lan, Lào, Myanmar, Việt Nam, và một số các thổ dân gốc Úc Đảo (Austronesian) của Đài Loan, ví dụ như người Amis, xem http://web.wenxuecity.com/BBSView.php?SubID=memory&MsgID=56818.
    Tóm lại, bằng chứng nhiễm sắc thể Y cho rằng, kết quả của các lịch sử di cư khác nhau, các dân tộc đa dạng hơn ở xa về phía nam Trung Quốc ngày nay có một lịch sử di truyền rất khác so với các nhóm người đồng nhất hơn ở phía bắc Trung Quốc.
      Những người ở gần vùng Thượng Hải, được gọi là 老 越 Lão Việt, được hấp thụ trong thế kỷ 4 trước công nguyên, bởi những người nhập cư Hoa Hạ / Miêu-Dao di chuyển vào khu vực này. Những người Hoa Hạ đến phương nam vào một thời điểm muộn hơn đã hòa trộn với các quần thể dân cư phía nam, như các tư liệu di truyền của những người con cháu họ cho thấy. Kết quả này là khẳng định của các tài liệu lịch sử nói rằng người Hoa Hạ, và các dân tộc T-B phía bắc đã di chuyển về phía đông nam và tây nam, người Hoa Hạ vào lãnh thổ Bách Việt, có lẽ sau khi  đã hòa trộn sớm hơn với một số với quần thể dân cư Miêu-Dao của  Hồ Bắc/Hồ Nam, xem Wen và đồng sự (2004).