Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Lịch sử và căn tính dân tộc,

     1. Chúng ta thường có một niềm tin ngây thơ rằng nếu cố gắng tìm chân lý, thoát khỏi mọi định kiến tôn giáo, ý thức hệ, lịch sử sẽ trở thành một khoa học khách quan.

2. Đã đành rằng lịch sử nên dựa trên khách quan một cách nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, lịch sử không thể nào hoàn toàn khách quan, theo tiêu chí của khoa học tự nhiên (nói cho cùng khoa học tự nhiên cũng có rất nhiều điều mặc định).
3. Có thể tạm chia 2 phong cách viết sử: Trung Quốc và Hy-La. Sử Trung Quốc có thể chia loại Truyện-Sử ký, Toàn Thư và Thực Lục, với mức độ chân thực cao dần. Mẫu mực của Hy-La gồm 3 nhà cổ điển Heredotus, Thucidides và Tacitus với phong cách gần tương tự về độ chân thực như sử Trung Quốc. Tacitus có phong cách ghi chép tỉ mỉ chính xác gần như Thực lục. Trong khi Heredotus gần với Truyện-Sử Ký.
4. Tuy Heredotus cũng nhấn mạnh tính chân thực lịch sử, nhưng ông cũng nhận ra rằng trong lịch sử có những khoảng tối và tranh tối tranh sáng không thể nào làm rõ. Tôi nhớ một lần lái một chuyển xe tải một mình vào lúc 4 giờ sáng tới vùng biên giới ba tiểu bang New York-New Jersey-Pensylvania. Nơi đây là chân rặng núi Apalachia hùng vĩ, dọc theo những khe nước lớn, tuyệt đẹp, lúc ẩn lúc hiện, trong tranh tối tranh sáng trước bình minh. Tôi chợt nhận ra rằng lịch sử bắt đầu bằng những bút ký mà ở đó cách nhìn cá nhân có vai trò quyết định. Nếu như vậy, con người đi tìm chân lý lịch sử sẽ luôn có những cách nhìn của riêng mình.
3. Chúng ta không thể bắt các sự kiện lịch sử lặp lại như trong khoa học tự nhiên để kiểm chứng. Vì vậy, luôn cần có những giả thiết bổ sung. Các giả thiết này phụ thuộc vào nhãn quan, trực cảm của người viết và người cảm nhận lịch sử. Và cũng có những quy tắc và mỹ học của nó. Lịch sử cũng phải mở cho các khoa học khác vào để mô phỏng kiểm chứng, khi chúng ta "giải thích" xã hội, tự nhiên bằng lịch sử. Và ngược lại các ngành khoa học khác cũng đưa đến cách nhìn mới về lịch sử.
4. Chính vì thế các sử gia đương đại luôn có những phóng chiếu của mình về lịch sử vào các vấn đề đương đại. Vì vậy lịch sử sẽ là đề tài có thể khai thác mãi mãi. Người ta có quyền làm điều này vì rất nhiều sự kiện, thời kỳ lịch sử không đủ sử liệu để tái hiện một bức tranh hoàn chỉnh và có ích. Việc bổ sung vào các trực quan hoặc ý đồ khác nhau sẽ có những bức tranh khác nhau. Vấn đề của lịch sử không phải là bức tranh nào đúng hơn bức tranh nào mà là trực cảm lịch sử và liên tưởng tới các vấn đề hiện tại, hoặc các giá trị tinh thần lâu dài. Có những tiêu chuẩn mĩ học cho trực cảm lịch sử, chứ không phải là mọi lựa chọn bừa bãi là bình đẳng. Cũng như con người ta bình đẳng nhưng sẽ có vấn đề nếu coi một cách hành xử man dại ngang hàng với cách hành xử văn minh.
5. Chúng ta hãy suy nghĩ tiếp về quy luật vận động của các trực cảm lịch sử. Điều gì chi phối quy luật này? Có thể có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới sự hình thành căn tính dân tộc, bởi có lẽ đây là động lực quan trọng và cũng đầy cạm bẫy nhất.
6. Đặc trưng quan trọng thứ hai của lịch sử là làm bệ đỡ cho căn tính của dân tộc. Các dân tộc có thể cùng phát triển đến một điểm đến, ở một nền văn minh có thể giống nhau và có thể cùng một xuất phát điểm ở châu Phi, Lưỡng Hà, hay ở chân Hy Mã Lạp Sơn, châu thổ sông Hồng hay sông Hoàng. Sự khác biệt rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào điểm đầu hay điểm cuối mà còn phụ thuộc vào con đường nối giữa hai điểm đó. Đó chính là lịch sử và tạo ra một căn tính khác biệt. Và sự khác biệt sẽ quyết định bước đường tiếp theo. Điều đó không chỉ đúng cho một dân tộc mà còn đúng cho mỗi con người.
7. Có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên quyết định bước đi lịch sử của một dân tộc. Nhưng cũng có những lựa chọn tạo nên căn tính dân tộc. Lựa chọn như thế có thể tạo nên bi kịch, anh hùng ca hoặc một may mắn trường tồn. Điều trớ trêu của lịch sử là phần lớn các lựa chọn đều ngẫu nhiên. Nhưng đôi khi có những con người, có những thời điểm, có thể có các lựa chọn có tính quyết định, tạo thành sự bại vong hay vinh quang của dân tộc.
8. Lựa chọn thường phải dựa trên một hình dung về căn tính dân tộc cần hướng tới. Những dân tộc có tính cách yếu ớt, không hợp xu thế đều phải trả giá, có khi phải diệt vong. Người ta nói tính cách đẻ ra số phận chính là như thế. Sự lựa chọn này đôi khi phải quằn quại, đau khổ, rất nhiều rủi ro và hung hiểm.
9. Từ thời Lý chúng ta đã lập quốc nhờ một căn tính cơ bản nào đó và có được một bộ sử phần lớn dựa trên dã sử, có thể là sự sáng tạo của một vài người và được chấp nhận như một khế ước cộng đồng đầu tiên. Tuy nhiên vài trăm năm sau, tới tận thời Trần, Hồ, Lê, căn tính này vẫn phải tiếp tục hình thành và vẫn còn dẫn tới ngoại xâm, phân tranh để căn tính này ngày càng vững chắc hơn.
10. Căn tính dân tộc tốt là một căn tính vững chắc nhưng phải đủ mềm dẻo và linh hoạt, có độ dung sai tốt, có thể kiện toàn và thích ứng. Một căn tính dân tộc quá cứng rắn trở thành tinh thần dân tộc chủ nghĩa quá khích, trong trường hợp may mắn thì làm đất nước mãi đóng cửa lạc hậu , trường hợp xấu hơn có thể tan đàn sẻ nghé, chiến tranh địch họa liên miên.
11. Tôi không lo lắng với sự đe dọa từ ngoại bang. Những người phóng đại nguy cơ đó đều có một giáo điều gì đó muốn áp đặt cho đám đông. Chúng ta đã mệt mỏi với quá nhiều giáo điều khác nhau để có thể tập trung vào vấn đề chính. Vì sao các nước nhỏ như Lào, Sing, Thụy Sĩ,... vẫn trường tồn trong hoàn cảnh ly loạn? Một nước lớn như Việt Nam với căn tính mạnh mẽ với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chắc chắn không dễ dàng bị bắt nạt trong hoàn cảnh hiện tại. Điều tôi suy nghĩ nhiều hơn là bước đường phát triển của căn tính này trong tương lai. Rõ ràng dân tộc ta chưa phải là một dân tộc may mắn, hạnh phúc. Có lẽ vì căn tính này chưa ổn định, hay ở một thái cực khác: quá cứng nhắc, chưa đủ linh hoạt để phát triển. Suy cho cùng hai thái cực đó chính là hai mặt của một vấn đề. Có thể chính nó đang có rất nhiều biến tướng khác thời sự hơn mà tôi không có thời gian đi vào chi tiết.

Căn tính và bi kịch của một dân tộc

  1. Trong "Bi kịch của Trung Âu", Milan Kundera cho rằng bi kịch của Trung Âu là việc đi tìm căn tính Âu châu chống lại thể chế toàn trị phương Đông. Các dân tộc nhỏ ở Trung Âu phải vật lộn để xác lập căn tính đó. Ông cho rằng đế chế Áo-Hung đã từng là một giải pháp khả dĩ và bền vững để hình thành một quốc gia đa sắc tộc, mà mỗi dân tộc nhỏ sẽ đóng góp bản sắc vào quốc gia lớn mà không làm mất bản sắc của mình. Ông đúng khi cho rằng Trung Âu đã đóng góp những giá trị tốt đẹp nhất và to lớn cho Âu Châu.

2. Tuy vậy Kundera có phần cục bộ khi hạn chế ở Trung Âu, ước muốn hội nhập với châu Âu có cả ở Ukraina, Belorussia, Bulgaria và Nga, mà theo ông là "một thế giới khác". Bản chất hội nhập với Âu Châu là khát vọng tới văn minh, vươn tới những giá trị của Âu châu đã xây dựng được từ kỷ nguyên Bừng sáng, Phục hưng và thời đại của các nhà hiền triết. Về khía cạnh đó, những tư tưởng gia cấp tiến của Á châu từ Nhật Bản, Trung Quốc tới Việt Nam cũng đã từng mong ước. Âu hóa chính là con đường thay đổi số phận dân tộc chống lại tư duy mơ hồ, ý thức hệ phong kiến phương Đông.
3. Trong "Bi kịch của Ukraina", Nicolai Petro cho rằng bi kịch của Ukraina bắt nguồn từ sự chia rẽ của dân tộc này trên con đường đi tìm căn tính của dân tộc. Sự chia rẽ này đã được Samuel Huntington, tác giả của "Sự va chạm giữa các nền văn minh" mô tả như "một dân tộc đứt gãy". Chừng nào một dân tộc còn chưa thống nhất được về căn tính của mình để hình thành một quốc gia có căn tính, sự tồn tại của dân tộc đó còn nhiều rủi ro. Trong giai đoạn hình thành căn tính dân tộc đó, thường có một thế cân bằng để bảo đảm tính ổn định của cộng đồng, thể hiện bằng "tập quán" và "pháp lý".
4. Bi kịch bắt đầu từ việc các cá nhân lãnh đạo hoặc tầng lớp elite duy ý chí muốn xé bỏ các thể chế tập quán và pháp lý, và đưa quốc gia vào một trạng thái mất cân bằng, ở đó các phía đối lập không thể đối thoại để lập lại cân bằng mới, vì thế tiến tới tình trạng bất ổn. Richard Lebov, trong cuốn "Tầm nhìn chính trị bi thảm" dựa trên phân tích của sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides về chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Sparta và Athens, bắt nguồn từ ý muốn bướng bỉnh của Pericles đã làm chiến tranh không thể tránh khỏi, khi ông phá vỡ mọi cơ hội đối thoại bằng cách vi phạm các thể chế về tập quán và pháp lý. Điều đó có thể đúng phổ quát và đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam vào thời Hồ-Hậu Trần và Ukraina hiện nay.
5. Chúng ta thường ngây thơ cho rằng ý thức dân tộc của Việt Nam đã xác lập từ thời vua Hùng, tồn tại hiển nhiên suốt nghìn năm Bắc thuộc. Việc Hai Bà Trưng, hai anh em họ Triệu, Mai Thúc Loan, Lý Bí, Triệu Quang Phục nổi dậy, không có nghĩa là dân tộc Việt đã có một căn tính. Chúng ta thường cho rằng họ Khúc, họ Ngô hay họ Đinh đã xác lập một quốc gia. Rồi đến nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, chúng ta cũng cho là Đại Việt đã là một dân tộc ổn định và thống nhất. Thực ra không phải vậy, động lực phân liệt vẫn còn là bản năng xuyên suốt, sau thời Ngô, lại có 12 sứ quân. Đời Đinh, Tiền Lê, các địa phương vẫn liên tục nổi dậy. Suốt thời Lý cho đến tận thời Trần, các địa phương vẫn chưa có một ý thức về một quốc gia thống nhất, vẫn còn phân biệt Kinh và Trại, với văn hóa, ý thức hệ, thiết chế cai trị riêng. Kể cả thi cử cũng phải chia Kinh và Trại. Sử ghi nhận, trong các đợt Chế Bồng Nga và Bí Cai mang quân đánh Đại Việt, dân Trại từ Thanh Hóa trở vào trong, hưởng ứng "phần đông theo giặc". Đến thời Trương Phụ, Hoàng Phúc sang xâm lấn Đại Việt, các phụ lão Bắc Hà (Kinh) ký vào tờ tâu xin nội thuộc vào bản đồ Trung Quốc, trở thành quận huyện. Vì thế nhà sử học Mỹ Keith Taylor trong cuốn "Sự hồi sinh của Việt Nam" cho rằng phải tới thời Hậu Lê mới hình thành Việt Nam như một quốc gia.
6. So sánh với Lịch sử của Hy Lạp và cách nhìn bi kịch của Lebov, chúng ta có thể thấy cải cách của Hồ Quý Ly mang tính duy ý chí, phá vỡ sự cân bằng nội tại của cộng đồng Đại Việt và mâu thuẫn Kinh và Trại đã không còn cơ hội dàn xếp. Trong khi Hoàng Hối Khanh, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân xây dựng một giải pháp liên minh với Chiêm Thành, Trần Thiêm Bình, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Lương Nhữ Hốt dẫn đường cho quân Minh vào nước ta, cha con Hồ Quý Ly hoàn toàn bất lực và chỉ làm cho hai khối ngày càng chia rẽ.
7. Theo Petro, việc loại bỏ Tổng Thống Yanukovich là bước cuối làm mất cân bằng giữa "hai Ukraina". Sau đó dẫn tới ba quan điểm về khủng hoảng dân tộc của Ukraina. Quan điểm thứ nhất, đa số là ở miền Nam và miền Đông Ukraina, cho rằng mâu thuẫn không thể hóa giải nếu chính phủ vẫn còn cho rằng 1/3 đất nước là những kẻ gián điệp cho ngoại bang. Quan điểm thứ hai cho rằng những kẻ nổi loạn ở Donbass là phản quốc, cần phải có chiến thắng quân sự quyết định trực diện đối với Nga, là thế lực hậu thuẫn. Quan điểm thứ ba, là của phe Tổng thống Poroshenko, cũng cho rằng Nga đứng đằng sau sự rối loạn, nhưng không tin rằng có thể giải quyết bằng quân sự. Quan điểm này cho rằng, cần từng bước tăng áp lực của phương Tây để Nga phải trao trả Crimea và Donbass.
8. Điều quan trọng nhất là đối thoại, thiết lập giải pháp cân bằng và dung hòa được các xung đột. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Ukraina, thể hiện ở các Tổng thống và thực hiện ý chí của giới elite đã làm tất cả các biện pháp có thể để tăng xung đột đến trạng thái không thể đối thoại bằng cách xóa bỏ "tập quán" thông qua việc thay đổi các địa danh, cấm sử dụng tiếng Nga, lưu hành văn hóa Nga, và xé bỏ "pháp lý" bằng các liên tục xóa bỏ các điều khoản đã cam kết trong Thỏa thuận Minsk 1 và 2, cũng như những điều luật có tác dụng gìn giữ sự cân bằng. Bên cạnh đó việc dung dưỡng cũng như tôn vinh các giá trị dân tộc chủ nghĩa quá khích và đáng ngờ cũng như bỏ thêm dầu vào lửa.
9. Điều đó không có nghĩa là biện minh cho động cơ xâm lược của Nga hay nhà Minh. Tuy nhiên, đó là hệ quả tất yếu khi tầng lớp lãnh đạo và elite tự tay phá hủy công cuộc đi tìm căn tính cho dân tộc mình. Phân liệt thì không thế hình thành căn tính khi dân tộc như một cộng đồng thống nhất còn non nớt. Một dân tộc không có căn tính, nếu có thể sống hòa bình thì chỉ vì may mắn và phụ thuộc vào lòng tốt viển vông của láng giềng.