Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Lịch sử và căn tính dân tộc,

     1. Chúng ta thường có một niềm tin ngây thơ rằng nếu cố gắng tìm chân lý, thoát khỏi mọi định kiến tôn giáo, ý thức hệ, lịch sử sẽ trở thành một khoa học khách quan.

2. Đã đành rằng lịch sử nên dựa trên khách quan một cách nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, lịch sử không thể nào hoàn toàn khách quan, theo tiêu chí của khoa học tự nhiên (nói cho cùng khoa học tự nhiên cũng có rất nhiều điều mặc định).
3. Có thể tạm chia 2 phong cách viết sử: Trung Quốc và Hy-La. Sử Trung Quốc có thể chia loại Truyện-Sử ký, Toàn Thư và Thực Lục, với mức độ chân thực cao dần. Mẫu mực của Hy-La gồm 3 nhà cổ điển Heredotus, Thucidides và Tacitus với phong cách gần tương tự về độ chân thực như sử Trung Quốc. Tacitus có phong cách ghi chép tỉ mỉ chính xác gần như Thực lục. Trong khi Heredotus gần với Truyện-Sử Ký.
4. Tuy Heredotus cũng nhấn mạnh tính chân thực lịch sử, nhưng ông cũng nhận ra rằng trong lịch sử có những khoảng tối và tranh tối tranh sáng không thể nào làm rõ. Tôi nhớ một lần lái một chuyển xe tải một mình vào lúc 4 giờ sáng tới vùng biên giới ba tiểu bang New York-New Jersey-Pensylvania. Nơi đây là chân rặng núi Apalachia hùng vĩ, dọc theo những khe nước lớn, tuyệt đẹp, lúc ẩn lúc hiện, trong tranh tối tranh sáng trước bình minh. Tôi chợt nhận ra rằng lịch sử bắt đầu bằng những bút ký mà ở đó cách nhìn cá nhân có vai trò quyết định. Nếu như vậy, con người đi tìm chân lý lịch sử sẽ luôn có những cách nhìn của riêng mình.
3. Chúng ta không thể bắt các sự kiện lịch sử lặp lại như trong khoa học tự nhiên để kiểm chứng. Vì vậy, luôn cần có những giả thiết bổ sung. Các giả thiết này phụ thuộc vào nhãn quan, trực cảm của người viết và người cảm nhận lịch sử. Và cũng có những quy tắc và mỹ học của nó. Lịch sử cũng phải mở cho các khoa học khác vào để mô phỏng kiểm chứng, khi chúng ta "giải thích" xã hội, tự nhiên bằng lịch sử. Và ngược lại các ngành khoa học khác cũng đưa đến cách nhìn mới về lịch sử.
4. Chính vì thế các sử gia đương đại luôn có những phóng chiếu của mình về lịch sử vào các vấn đề đương đại. Vì vậy lịch sử sẽ là đề tài có thể khai thác mãi mãi. Người ta có quyền làm điều này vì rất nhiều sự kiện, thời kỳ lịch sử không đủ sử liệu để tái hiện một bức tranh hoàn chỉnh và có ích. Việc bổ sung vào các trực quan hoặc ý đồ khác nhau sẽ có những bức tranh khác nhau. Vấn đề của lịch sử không phải là bức tranh nào đúng hơn bức tranh nào mà là trực cảm lịch sử và liên tưởng tới các vấn đề hiện tại, hoặc các giá trị tinh thần lâu dài. Có những tiêu chuẩn mĩ học cho trực cảm lịch sử, chứ không phải là mọi lựa chọn bừa bãi là bình đẳng. Cũng như con người ta bình đẳng nhưng sẽ có vấn đề nếu coi một cách hành xử man dại ngang hàng với cách hành xử văn minh.
5. Chúng ta hãy suy nghĩ tiếp về quy luật vận động của các trực cảm lịch sử. Điều gì chi phối quy luật này? Có thể có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới sự hình thành căn tính dân tộc, bởi có lẽ đây là động lực quan trọng và cũng đầy cạm bẫy nhất.
6. Đặc trưng quan trọng thứ hai của lịch sử là làm bệ đỡ cho căn tính của dân tộc. Các dân tộc có thể cùng phát triển đến một điểm đến, ở một nền văn minh có thể giống nhau và có thể cùng một xuất phát điểm ở châu Phi, Lưỡng Hà, hay ở chân Hy Mã Lạp Sơn, châu thổ sông Hồng hay sông Hoàng. Sự khác biệt rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào điểm đầu hay điểm cuối mà còn phụ thuộc vào con đường nối giữa hai điểm đó. Đó chính là lịch sử và tạo ra một căn tính khác biệt. Và sự khác biệt sẽ quyết định bước đường tiếp theo. Điều đó không chỉ đúng cho một dân tộc mà còn đúng cho mỗi con người.
7. Có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên quyết định bước đi lịch sử của một dân tộc. Nhưng cũng có những lựa chọn tạo nên căn tính dân tộc. Lựa chọn như thế có thể tạo nên bi kịch, anh hùng ca hoặc một may mắn trường tồn. Điều trớ trêu của lịch sử là phần lớn các lựa chọn đều ngẫu nhiên. Nhưng đôi khi có những con người, có những thời điểm, có thể có các lựa chọn có tính quyết định, tạo thành sự bại vong hay vinh quang của dân tộc.
8. Lựa chọn thường phải dựa trên một hình dung về căn tính dân tộc cần hướng tới. Những dân tộc có tính cách yếu ớt, không hợp xu thế đều phải trả giá, có khi phải diệt vong. Người ta nói tính cách đẻ ra số phận chính là như thế. Sự lựa chọn này đôi khi phải quằn quại, đau khổ, rất nhiều rủi ro và hung hiểm.
9. Từ thời Lý chúng ta đã lập quốc nhờ một căn tính cơ bản nào đó và có được một bộ sử phần lớn dựa trên dã sử, có thể là sự sáng tạo của một vài người và được chấp nhận như một khế ước cộng đồng đầu tiên. Tuy nhiên vài trăm năm sau, tới tận thời Trần, Hồ, Lê, căn tính này vẫn phải tiếp tục hình thành và vẫn còn dẫn tới ngoại xâm, phân tranh để căn tính này ngày càng vững chắc hơn.
10. Căn tính dân tộc tốt là một căn tính vững chắc nhưng phải đủ mềm dẻo và linh hoạt, có độ dung sai tốt, có thể kiện toàn và thích ứng. Một căn tính dân tộc quá cứng rắn trở thành tinh thần dân tộc chủ nghĩa quá khích, trong trường hợp may mắn thì làm đất nước mãi đóng cửa lạc hậu , trường hợp xấu hơn có thể tan đàn sẻ nghé, chiến tranh địch họa liên miên.
11. Tôi không lo lắng với sự đe dọa từ ngoại bang. Những người phóng đại nguy cơ đó đều có một giáo điều gì đó muốn áp đặt cho đám đông. Chúng ta đã mệt mỏi với quá nhiều giáo điều khác nhau để có thể tập trung vào vấn đề chính. Vì sao các nước nhỏ như Lào, Sing, Thụy Sĩ,... vẫn trường tồn trong hoàn cảnh ly loạn? Một nước lớn như Việt Nam với căn tính mạnh mẽ với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chắc chắn không dễ dàng bị bắt nạt trong hoàn cảnh hiện tại. Điều tôi suy nghĩ nhiều hơn là bước đường phát triển của căn tính này trong tương lai. Rõ ràng dân tộc ta chưa phải là một dân tộc may mắn, hạnh phúc. Có lẽ vì căn tính này chưa ổn định, hay ở một thái cực khác: quá cứng nhắc, chưa đủ linh hoạt để phát triển. Suy cho cùng hai thái cực đó chính là hai mặt của một vấn đề. Có thể chính nó đang có rất nhiều biến tướng khác thời sự hơn mà tôi không có thời gian đi vào chi tiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét