Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

NỬA TIẾNG CHUÔNG CHÙA

  Mấy năm trước, nửa đêm tỉnh dậy nhìn sông Hồng, cao hứng dịch bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:

Sương giăng quạ gọi trăng tàn

Lửa chài cây bến miên man nỗi sầu

Cô tô thành cũ còn đâu

Đêm buông nửa tiếng chuông rầu thuyền ai

Phong Kiều Dạ Bạc, là một trong những bài thơ Đường hay nhất. Nửa đêm nhìn sông, chút ánh đèn le lói, trời mù sương, chợt nhớ thơ Trương Kế.
Người bình thường đọc thơ thường dịch với ngắt câu
Dạ bán | chung thanh | đáo | khách thuyền
Nửa đêm | tiếng chuông | đến | thuyền khách
Không hiểu sao trong đầu tôi khi đọc câu này lại tự động ngắt
Dạ | bán chung thanh | đáo | khách thuyền
Đang đêm | nửa tiếng chuông | đến | thuyền khách
Nghe tứ thơ hiện đại mà thi vị hơn hẳn. "Nửa tiếng chuông" nghe không sáo mòn như "tiếng chuông".
Nhân tiện tra luôn ý nghĩa của Phong Kiều xem tên của bài thơ
Phong Kiều là địa danh ở ngoài cửa Xương Môn thành phố Tô Châu. Người ta thường nói "Trên trời có thiên đàng, hạ giới có Tô Hàng" ý nói phong cảnh tuyệt đẹp. Tôi mới qua Tô Châu một lần chưa thấy hết cái đẹp, nhưng rất mê Hàng Châu. Tô Châu thời cổ chính là Cô Tô của nước Ngô, nơi Ngô Vương Phù Sai ngắm trăng với người đẹp Tây Thi để Ngũ Tử Tư phẫn hận lo cho nước mà chết. Rồi Phạm Lãi đem thuyền đón nàng đi chơi Ngũ Hồ. Đợi hoài trên bến mà đâu có thấy người, lòng nhớ buồn cô quạnh.
Biết thêm một điều lý thú Phong Kiều vốn là 枫桥 Cây cao có lá, sau bài thơ của Trương Kế mới đổi thành 封桥 Cây phong cao.
Không biết Trương Kế nghe hiểu lầm chữ Phong mà đề thơ hay ông muốn chơi chữ. Vì trong bài thơ có cây phong trên sông.
Đọc lại cả bài cho vui.
楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船

Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch của Tản Đà hơi phá cách nghe không mượt bằng
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
Các cao thủ đều dịch là nửa đêm. Tuy nhiên, nửa đêm chữ Hán người ta thường nói là "bán dạ" mới đúng.

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

[Sử Việt] Danh tướng Nguyễn Đa Phương

  Nguyễn Đa Phương là con danh tướng Nguyễn Nạp Hòa còn gọi là Sư Tề, do ông là thầy dạy võ nổi tiếng. Nạp Hòa chỉ huy vệ Thần Võ, được phong làm Bình Man Đại tướng Quân. Trong chiến dịch đánh Chiêm Thành, ông làm phó chỉ huy cho Đại tướng Đỗ Lễ. Quân ta kéo sâu vào hiểm địa, quân Chiêm đã phục sẵn, vua Duệ Tông không nghe lời can của Đỗ Lễ mang quân vào hiểm địa, mắc phục binh, toàn quân bị tiêu diệt. Các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Phạm Huyền Lệnh đều bảo vệ vua đến phút cuối và tử nạn cùng với vua. Nguyễn Đa Phương là cha của danh tướng Nguyễn Cảnh Chân nhà Hậu Trần, chính là ông tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh.

Nạp Hòa sinh Nguyễn Công Luật và Nguyễn Đa Phương. Người anh, Luật làm cận thần cho Trần Phế Đế. Đa Phương làm tướng quân dưới trướng của Tiểu Tư Không Hồ Quý Ly, khi đó thế lực đang phát triển ngày càng mạnh. Quý Ly khi nhỏ cũng học võ và binh pháp với Sư Tề nên coi Công Luật với Đa Phương là thế huynh. Tuy vậy, Đa Phương nhỏ tuổi hơn, nên hai người kết nghĩa anh em, thề cùng sống chết.
Khi đó ở phía Nam. Chiêm Thành ngày càng lớn mạnh. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga và tể tướng là La Khải đều là những võ tướng kiệt xuất, nhiều lần đem quân đánh Đại Việt. Đa Phương nối chí cha làm võ tướng, chống Chiêm Thành. Có lần ông đã bị bắt, nhưng dùng mưu trốn được về. Ông là người giỏi võ, có tài cầm quân, có mưu mẹo, uy dũng. Năm 1382, Chế Bồng Nga và La Khải tiến đánh Thanh Hóa, cả một vùng Thanh Nghệ rung động, dân chúng phần lớn theo giặc. Hồ Quý Ly, được giao quyền chủ soái, sai Đa Phương lĩnh quân Thần Khôi giữ cửa biển Thần Đầu, dặn trước là phải hết sức cố thủ, không được khinh địch ra đánh. Quân ta cắm cọc ở cửa biển để chắn chiến thuyền địch, đồng thời đóng quân ở phía Bắc cửa sông để ngăn quân bộ.
Quân Chiêm cả hai đạo thủy bộ cùng tiến vào Thần Đầu. Chế Bồng Nga chỉ huy thủy quân, La Khải đem quân bộ áp sát bờ phía Nam để phá hàng cọc mở đường cho quân thủy. Cả hai đạo quân từ từ ép lại, không vội vã dùng quân nhẹ làm tiên phong, muốn dùng sức nặng, số đông và thanh thế để bóp nát quân ta.
Đa Phương nói: "Quân giặc không dùng quân tiên phong và khinh binh là có ý khinh quân ta hèn yếu. Nếu để chúng áp sát, mất sĩ khí chắc chắn sẽ thua." Nói vậy rồi cử những người cảm tử lập tuyến phòng ngự chắn quân La Khải giữ hàng cọc ở phía Nam. Hạn cho phải giữ được trong vòng nửa buổi bằng mọi giá. Sau đó Đa Phương sai nhổ hàng cọc ở phía Bắc, tự mình đem các chiến thuyền ra đối địch với Chế Bồng Nga. Có người can rằng "Tư không đã ra lệnh ông phải cố thủ. Nếu trái lệnh, thua sẽ mất đầu. Nếu theo lệnh, có thua đã có trên chịu trách nhiệm". Đa Phương cười lớn "Ta làm tướng, đã biết nếu giữ tất thua, tại sao phải theo. Nay đánh mới có hy vọng thắng vài phần. Há phải so đo trách nhiệm. Các ngươi cố gắng hết sức, trách nhiệm một mình ta chịu."
Thủy quân Chiêm không tính trước bị phản kích bất ngờ nên không phòng bị, bị súng Thần cơ của thủy quân Đại Việt bắn vỡ ngay mấy chục chiếc ở tuyến đầu. Trong khi đó các chiến thuyền của Đa Phương tiến lên áp sát và tràn sang tàn sát thủy quân Chiêm đang cúi rạp tránh đạn trên khoang thuyền. Các thuyền Chiêm ở tuyến hai khiếp hãi vội vã tháo lui lại va vào các thuyền đang tiến, thành thế mắc kẹt, làm hàng ngũ rối loạn, dính cứng thành từng đám, lui tiến đều khó. Đa Phương bèn cho các súng Thần Cơ nhất loạt nã vào các mảng thuyền Chiêm dày đặc. Thủy quân Chiêm thua to, tháo chạy. Đa Phương một mặt cho quân thủy đuổi đánh vào tận Nghệ An, một mặt cho thủy quân đổ bộ lên bờ Nam, đánh vào hậu quân của La Khải. Quân bộ của ta, từ bờ Bắc dùng thuyền nhẹ vượt sông, cùng với quân cảm tử trấn giữ hàng cọc phản công. Quân bộ Chiêm tan vỡ, La Khải phải chạy vào rừng để trốn về nước. Tin Đa Phương thắng trận truyền về Kinh Thành, ông được phong làm Kim Ngộ Vệ Đại Tướng Quân. Hồ Quý Ly, là chủ soái, cũng được thăng thưởng, giao chức Phán thủ, soái lĩnh binh quyền, thế lực ngày càng mạnh.
Đa Phương trở thành đệ nhất hổ tướng đương thời của Đại Việt. Ông bày kế phòng thủ đất nước, huấn luyện binh sĩ. Mọi kế hoạch quân sự và kế hoạch lâu dài của Quý Ly đều do Đa Phương sắp đặt. Quý Ly lại thu phục được một quan văn trẻ ở Ngự sử đài, là Phạm Cự Luận tiến cử làm Đô Ngự sử. Cự Luận là người đa mưu, thiên về những biện pháp ngắn hạn, có phần hung hiểm. Có kẻ sĩ đa sự, bàn rằng "Luận ấy là Luân, hình tròn. Phương là hình vuông. Vậy Quý Ly có người giúp đỡ tính toán mọi việc vuông tròn." Vì vậy, cặp mưu sĩ này còn gọi là "phương viên tá lự".
Thấy thế lực của Quý Ly ngày càng lớn, Phế Đế bèn bàn với các cận thần và anh là Trần Ngạc "Nếu để lâu ngày ắt Quý Ly sẽ cướp ngôi và khó chế ngự" và tính giết Quý Ly. Thầy dạy vua là Vương Nhữ Mai làm tiết lộ tin này. Quý Ly lo sợ bèn bàn với Đa Phương và Cự Luận. Đa Phương nói "Ngày xưa, Khương Duy, xin làm tướng cầm quân ở ngoài để được yên. Quyền thần cầm quân ở trong thì một là sẽ bị nghi ngờ dèm pha, mà gặp họa sát thân, hai là phải chuyên quyền đến cùng. Nay ngài với Thượng hoàng là anh em họ, nhà vua sáng suốt, mạnh mẽ, chỉ có chút hiểu lầm, chưa đến mức phải và cũng chưa thể chuyên quyền. Xin ngài dâng biểu xin ra trấn thủ Đại Lại, phòng quân Chiêm. Ngài cầm quân ở ngoài, ai dám động đến. Kẻ nào dèm pha, ngài sẽ đem quân về Kinh hỏi tội dèm pha đại tướng ở mặt trận. Chỉ giết vài thằng hủ nho là trời tối lại sáng. Tôi lĩnh quân Kim Ngô, Cự Luận giữ đài Ngự sử, có quyền ăn nói can gián Thượng Hoàng. Không ai có thể chống." Cự Luận nói "Kế của Đa Phương tuy lâu dài nhưng không quyền biến. Xin ngài vào khóc với Thượng Hoàng xin được chết theo Ngự Câu Vương. Thượng Hoàng là người mềm yếu, thương yêu ngài là vì anh em họ, lại đau lòng vì quan gia đã giết Ngự Câu Vương". Nguyên trước đó Ngự Câu Vương là Trần Húc, làm trấn thủ chống quân Chiêm, đã bại trận lại còn câu kết với Chế Bồng Nga, hại nước, bị Phế Đế giết, Thượng Hoàng không thể can ngăn nhưng vẫn đau lòng và giận Phế Đế chuyên quyền, không nghĩ tình anh em.
Đa Phương can "Đó là việc can thiệp đến nội bộ hoàng gia, nếu không thành thì tất là tội chết. Nếu thành thì cũng kết oán với quan gia, hoặc để loạn hoàng thất. Ngài có đủ nhẫn tâm chăng?" Cự Luận nói "Đã đành nếu không thuyết phục được sẽ nguy. Lúc đó xin ra Đại Lại cũng không muộn. Nhưng tôi xem ra Thượng Hoàng là người nhu nhược, lại tình cảm theo kiểu đàn bà, ngài chỉ cần khóc lóc mùi mẫn, đòi chết. Tôi chắc con rể ngài sẽ lên ngôi. Thế của ngài sẽ càng mạnh." Quý Ly nghe kế của Cự Luận. Đa Phương thở dài im lặng lui ra, vẫn không cho là phải. Kết quả, Thượng Hoàng Trần Phủ, nghe Quý Ly, giết Phế Đế và Ngạc, đưa Thuận Tông, con rể Quý Ly lên ngôi vua. Nguyễn Công Luật, anh trai Đa Phương trung thành với Phế Đế nên cũng bị giết.
Năm 1389, Chế Bồng Nga lại cùng La Khải đem quân đánh Đại Việt. Thượng Hoàng sai Quý Ly đem các tướng vào Thanh Hóa chống giữ. Quân ta khi đó khá đông. Quý Ly bèn sau các tướng hai đường thủy bộ tiến đánh quân Chiêm. Đa Phương ra sức can ngăn. Quý Ly nói "Lần trước nhà ngươi ít quân còn phá được giặc. Lần này ta lĩnh gần trăm tướng, quân vài vạn, sợ gì quân địch." Đa Phương nói "Phép dùng quân mỗi lúc một khác. Lần trước giặc khinh ta, chủ quan, ta đánh bất ngờ nên thắng. Nay giặc đã có phòng bị. Ta đông quân, giữ chắc, không cần vội, đợi giặc mỏi mệt, sẽ tung ra đánh. Chắc sẽ thắng." Quý Ly không nghe, cho là Đa Phương ghen ghét, không muốn mình lập công bèn cử Đại tướng Nguyễn Chí suất lĩnh 80 viên tướng, đem đại quân thủy bộ cùng tiến đánh quân Chiêm. Chí vài 80 tướng dẫn hơn 3 vạn quân sa vào trận địa phục kích của Chế Bồng Nga và La Khải, bị vài trăm thớt voi vây chặt. Pháo của quân Chiêm cũng vượt trội. Kết quả, Nguyễn Chí cùng 3 vạn quân và 70 tướng bị chém đầu, bắn nát thây hoặc bị voi dày tại trận. Chiến thuyền bị quân Chiêm chiếm sạch. Các phòng tuyến đóng cọc đều bị chiếm mất. Quân ta chỉ còn chưa đầy 2 vạn, đạn dược đều hết, chiến tướng chỉ còn hơn 20 vị.
Quý Ly bèn giao cho Phạm Khả Vĩnh làm chánh tướng, Đa Phương làm phó tướng ở lại giữ Thanh Hóa, bản thân mình chạy về Thăng Long, xin thêm quân và chiến thuyền tiếp viện. Thượng Hoàng nghe nói Quý Ly chủ quan nướng quân bèn không phê chuyển thêm quân và thêm thuyền. Phủ nói "Nay Thăng Long chỉ còn lại chưa đầy 5 vạn quân và hơn nghìn chiến thuyến. Nếu đưa vào Thanh Hóa và mất nốt, ta sẽ không còn gì để bảo vệ Kinh Thành." Quý Ly làm mặt giận dỗi xin trao trả binh quyền. Thượng Hoàng vì yêu Quý Ly nên cũng không trách phạt.
Khả Vĩnh và Đa Phương cổ thủ Thanh Hóa, đợi viện quân, đang gặp nhiều khó khăn do lực lượng quá chênh lệch. Quân đã ít, tướng mỏng, lại mất hết tinh thần do trận thua. Phòng tuyến lại bị chọc thủng, các điểm trấn giữ quan trọng đều bị Chế Bồng Nga và La Khải lần lượt khống chế. Giữa lúc đó, quân lưu tinh từ kinh thành tới báo Quý Ly đã rời binh quyền và sẽ không có quân tăng viện. Đa Phương bàn với Khả Vĩnh "Nay Phán thủ đã không nắm binh quyền. Lại không có quân tiếp viện. Chúng ta tiếp tục giữ vô ích, sớm muộn cũng mất Thanh Hóa. Chúng ta chết không sao, nhưng còn 2 vạn quân này cũng gần 1/3 binh lực Đại Việt nếu mất nốt, sẽ không vực dậy nổi. Nay ta đem quân rút về hợp quân với Thăng Long rồi bày thế phòng thủ khác."
Khả Vĩnh nghe theo, cùng Đa Phương cắm thật nhiều cờ xí nghi bình, đem thuyền lớn tiến tới sát các hàng cọc, giả bộ như sẽ tiến đánh. Chế Bồng Nga và La Khải lo quân Đại Việt cùng đường sẽ quyết tử bèn ra sức phòng thủ. Quân Đại Việt bèn dùng thuyền nhẹ rút hết trong một đêm về Thăng Long.
Đa Phương nói " Cậy mạnh đem quân liều đánh không phải là trí. Thấy khó trả binh quyền xin lui là nhát. Nhát lại không trí cầm quân sao được." Câu đó đến tai Quý Ly, Quý Ly giận xin Thượng Hoàng rút binh quyền của Đa Phương, không cho giữ quân Kim Ngô. Thượng Hoàng nói "Tạm như vậy để nêu phép nước. Một thời gian sau sẽ dùng lại. Không tướng nào bằng Đa Phương." Đa Phương không phục nói "Nếu giao quyền cho ta thì lo gì quân giặc. Nay tước quyền ta thì lấy ai chống giặc. Sao nêu gương được người có công thì thưởng, người có tội phải phạt."
Quý Ly nghe vậy, lo lắm bèn hỏi ý Cự Luận. Cự Luận nói "Đa Phương tài gấp 10 tôi, nếu hắn lôi kéo được các quan trong triều như Nguyên Hãng, Khả Vĩnh, Nguyên Đán,... vây cánh sẽ lớn không thể trị nổi. Nếu Thượng Hoàng nghĩ lại việc ngài xui giết Phế Đế và Ngạc, sẽ dựa vào Đa Phương để hại ngài." Quý Ly nói "Nhưng ta đã kết nghĩa anh em với hắn, lẽ nào trái lời." Cự Luận nói "Ngài đã lên lưng hổ, không có lựa chọn nào khác." Quý Ly chảy nước mắt "Chính trị làm ta trở thành khốn kiếp."
Quý Ly bèn xin Thượng Hoàng trị tội Đa Phương dám lui quân ở Ngu Giang. Thượng Hoàng nói "Đa Phương là danh tướng thời nay vừa trí vừa dũng, nếu được toàn quyền đã không thua. Nay hắn rút là bảo vệ được toàn quân. Vả lại chủ tướng là Khả Vĩnh sao không trị lại trị tội phó tướng. Hãy trị tội thật nhẹ." Quý Ly nói "Đa Phương nhiều mưu lại kiêu dũng. Hắn mà trốn sang nước khác sẽ gây họa cho Đại Việt." Thượng Hoàng nghe lời bèn bắt Đa Phương tự vẫn. Đa Phương trước khi chết cười và nói "Ta có tài nên được giàu sang, nhưng tự phụ vì tài nên phải chết." và dặn Cảnh Chân nên cố đem tài phục sự đất nước, nhưng không nên tự phụ như cha. Quý Ly sau này vẫn nhớ Đa Phương mà thấy hối tiếc, nên dùng Cảnh Chân, nhưng không cho ở Kinh mà đưa vào Hóa Châu giúp việc cho Hoàng Hối Khanh, cùng Đặng Tất. Hối Khanh, Tất và Cảnh Chân đều mưu khôi phục nhà Trần. Kịp khi quân Minh chiếm nước ta, ba người đều hết sức bày mưu khôi phục nhưng không thành, ba người đều chết vì nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói "Không dùng được Đa Phương là chỗ kém của Nghệ Tông."
Sử gia Ngô Thì Sĩ hoàn toàn không có khái niệm về quân sự lại trách lầm Đa Phương là "người lui 50 bước dám buộc tội người lui 100 bước" (chỉ Quý Ly) há không phải là lẫn lộn ngọc quý với bùn đất sao?
Khả Vĩnh sau này tham gia hội thề Đốn Sơn mưu sát Quý Ly, bị giết cùng Trần Khát Chân.
Lời bình: Nạp Hòa, Công Luật, Đa Phương, Cảnh Chân, 4 người, 3 đời sát nhau đều chết bất đắc kỳ tử. Nổi tiếng nhất là Cảnh Chân, cùng Đặng Tất bày mưu phá giặc mạnh ở bến đò Bô Cô, sau chết vì chuyên quyền mà bị chủ nghi ngờ. Đa Phương theo Quý Ly cũng vì tự phụ mà bị chủ giết. Tính cách và tài năng của Đa Phương phải là chủ soái mới thể hiện được tài năng và không mang họa vào thân. Đa Phương muốn giữ mạng cho Phế Đế có thể có tình riêng là vì anh, nhưng có thể cũng vì lý tưởng như Tuân Úc muốn giữ nhà Hán. Nạp Hòa và Công Luật đều trung thành chết theo chủ, thật đáng thương. Nhưng tài năng, tư cách của họ Nguyễn Cảnh nổi tiếng sau này đều từ đó mà ra. Ngô Thì Sĩ không đánh giá đúng Đa Phương đó là chỗ kém của sử gia.

Trần Nguyên Đán

      Ông là dòng dõi Thượng tướng quân, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Là quan đầu triều đời vua Nghệ Tông nhà Trần. Được tiếng nho nhã, để lại nhiều thơ nhàn tản vào thời loạn, được nhiều kẻ sĩ cho là thanh cao, nhưng không hề có công tích hay mưu kế gì ích quốc lợi dân.

Khi ông gần mất, Nghệ Tông tới thăm, hỏi về thế nước, ông khóc mà rằng "Bệ hạ kính nhà Minh như cha, coi Chiêm Thành như con, lão thần chết cũng bất hủ." Người ta cho rằng ông biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, ông là quan đầu triều lại là người tôn thất không có mưu kế gì can ngăn mà lại đem con trưởng là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly, lại làm bài thơ Vịnh con tu hú với tâm tư băn khoăn
" Đem con gửi cho loài quạ
Chẳng biết quạ già có xót thương"
Cuối cùng Quý Ly cũng nhớ lời ước với Nguyên Đán cho cả ba người con làm quan. Sau này họ lại làm quan với nhà Minh bảo toàn phú quý khi mất nước. Vua Giản Định nổi lên chống Minh bèn đem con cái Nguyên Đán giết sạch, chỉ còn lại cháu nội là Nguyên Hãn, cháu ngoại là Nguyễn Trãi đều là công thân dựng nước của nhà Lê.
Trãi là quân sư, bày mưu kế nơi màn trướng, coi việc thư từ, bang giao của Lê Thái Tổ. Hãn là đệ nhất võ tướng thống suất quân đánh thành Xương Giang- Chi Lăng, võ công tuyệt lạ ngàn thuở ngợi khen.
Nguyên Đán danh tiếng vượt quá công tích, khả thủ nhất chỉ ở hai đứa cháu. Trộm cho rằng việc đặt tên phố là để nêu gương cho mai hậu. Nay Hà Nội có phố Trần Nguyên Đán, e rằng những người có trách nhiệm không xét kỹ càng, nêu gương lầm để hỏng cả quốc khí.
Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhận định về ông như sau:
“ Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được. ”
Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận định:
“...đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy...”
Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án nhận định:
“Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm."
Bảo toàn được một thời rồi cũng không bảo toàn được con cái lại mất cả danh thế tộc, để sử sách cười chê, sao gọi là trí, sao gọi là nhân, sao gọi là dũng, sao gọi là thanh cao.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

MONG MANH TRÍ THỨC VIỆT

Không phải ông nào không biết làm gì ngoài đọc sách, hoặc có bằng cấp đều đã là trí thức theo nghĩa mà tôi hiểu. Khi một người bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa thực sự đằng sau kiến thức trong sách vở, tìm cách kết nối chúng lại với nhau và với sự tồn tại của chính bản thân mình, khi đó hắn mới có thể được gọi là trí thức, khác với đám thợ chữ trộn bê tông chữ, xây trát chữ để mưu sinh. Nước Nga có nhiều nhà khoa học, Viện sĩ lỗi lạc, nhưng điển hình trí thức là Perelman không hề có danh hiệu gì. Tính cách Perelman càng nhiều thì độ trí thức sẽ càng cao. Lăng xăng quan quyền lắm danh hiệu như Lysenko, Sedov, Mitchourin hay Fadeev không thể gọi là trí thức. Tuy rằng hành động tự sát của Fadeev cũng có chút phảng phất hơi hướng trí thức Nga theo kiểu Yesenin.

Trong làng khoa bảng Việt Nam, tỷ lệ trí thức khá thấp. Nếu chọn điển hình thời phong kiến có thể lấy Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Pháp thuộc có thể lấy Nguyễn Khuyến, thời xã hội chủ nghĩa có thể lấy Nguyễn Tuân. Đó là các hình tượng mà giới sĩ phu cùng thời tôn sùng nhất. Tính cách bao trùm các vị này là yếm thế và không có hành động cụ thể. Liên hệ những chuyện các cụ nói với nhau đã khó, vì các cụ không có học thuyết gì cụ thể, chỉ lập ngôn vụn vặt. Liên hệ những gì các cụ nói với bản thân các cụ còn xa xỉ hơn vì các cụ hầu như không hành động gì. Hành động đối với hệ thống đánh giá của dân ta đều là ty bỉ. Vì thế khối người lăn lưng ra làm đều bị dè bỉu không được sùng bái. Các cụ cứ ngự trong mây mà hé lộ tý râu, tý vuốt, tý vảy để được sùng bái. Còn sau mây là gì chúng ta chịu không có bằng chứng để suy đoán.
Cụ Chu Văn An, không thấy nghe nói làm gì cụ thể ngoài việc dâng sớ chém 7 người bị gọi là gian thần. Nhưng cụ thể không biết là ai, tên tuổi thế nào, tội trạng gì. Riêng về mặt pháp lý điều đó không ổn tý nào. Nếu là vua, tôi sẽ không bao giờ chém người, cho dù tôi không ưa đến mấy, theo đề nghị trái quy trình và đạo lý như thế. Khái niệm về gian thần của sĩ phu Bắc Hà cũng rất cảm tính, công thức và theo chủ nghĩa lý lịch: các hoạn quan Lương Đăng, Đinh Thắng, Đinh Phúc bị Nguyễn Trãi chỉ măt là gian thần hại nước, đều có những lời bàn hữu lý về cải cách lễ nhạc và có khí tiết, thậm chí bênh Nguyễn Trãi khi ông bị hàm oan. Về mặt chính trị, nếu quả cụ An muốn chém ai đó thật, hoặc việc chém đó có ích nước lợi dân thật, cụ tất phải bày mưu tính kế với Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đều là bậc tể tướng, học trò cụ, nghe cụ răm rắp. Sắp đặt dày công, gài bẫy cho cá kình vào lưới sắt, chém dễ như bỡn. Nhưng xây dựng một chương trình thực hiện cụ thể mất thời gian không phải là mặt mạnh của trí thức ta. Các cụ trí thức tỏ ra thanh cao không làm việc cụ thể như thế. Vì thế mà có truyện tiếu lâm: thầy ngoại khoa cắt xong đuôi mũi tên phủi tay xong việc, nói còn lại là việc của thày nội khoa. Thực ra, mục tiêu của cụ An chỉ là làm truyền thông, mượn 7 tên đặt ra chuyện chém để tạo dư luận xã hội mà thôi. Có lẽ từ "chém gió" nên lấy chuyện Chu Văn An làm điển tích từ nguyên. Thơ phú trước tác của cụ An để lạị cũng không thấy gì thật xuất chúng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể nói là trí thức Việt Nam đầu tiên có uy tín quốc tế. Cụ đã thoát khỏi các vấn đề chính trị quốc nội để nghiên cứu lý số là đỉnh cao khoa học chung của các nước Tứ Đại Hoa. Cụ được được một nhà tổ sư dịch lý tán tụng "ở nước Nam có ông Trình là có biết dịch lý". Thế là ghê lắm rồi. Tuy kiểu khen này khá trịch thượng, hỗn láo, như thầy xoa đầu khen trò trung bình. Cụ được vua Mạc trọng vọng, nhưng không thấy bàn được mưu nào ích quốc lợi dân. Mưu kỳ bí nhất của cụ là bày cho Nguyễn Hoàng cát cứ Đường Trong. Mẹo mực để phân tranh đất nước không thể gọi là ích nước lợi dân. Sấm Trạng Trình thì kỳ bí, không biết có nghĩa thật như người ta tán hay không. Có lẽ nên mở rộng thành ngữ "vịt nghe sấm Trạng".
Nguyễn Khuyến, đỗ đầu liền ba kỳ thi Hương Hội Đình, có thể coi là có giấy thông hành trí thức. Tuy nhiên, người thi rớt nhiều lần cùng thời như Trần Tế Xương không thể gọi là không trí thức. Về công tích của cụ toàn bộ đều là thái độ phân vân, thấy nói ngang, móc máy, xỏ xiên nhiều chứ không có quan điểm gì tường minh để dân tình có thể lấy làm chủ thuyết mà theo hay xả thân vì lợi ích cộng đồng. Thậm chí, thái độ sống của một biểu tượng được tôn sùng như thế còn làm cho các nỗ lực của các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền thành trò công cốc, đáng cười. Thơ của cụ tinh những chữ, cầu kỳ nhưng không thấy ý nào cho cứng cỏi, nguyên khôi. Cái gì cũng tí tẻo tèo teo. Việc cụ trở thành thần tượng một thời của sĩ phu Bắc Hà cũng cho thấy trí thức của ta mong manh thế nào. Có lẽ cụ Yên Đổ đáng là biểu tượng của "trí thức trùm chăn".
Nguyễn Tuân được nhiều người gần đây tôn sùng, do tính cách lập dị và cầu kỳ. Văn ông đọc cũng thích nhưng đọc một vài bài thì chán vì không thấy ý tưởng nào tích cực, lặp đi lặp lại na ná như nhau. Văn của ông thấy mường tượng giống như có một ông thánh ngồi trong nhà phán về thời sự quốc tế. Có vài công thức mẫu thì phán chuyện gì cũng được, nhưng nó cứ meo méo không thật thế nào đó.Tư tưởng của ông cũng không được sắc bén như Nam Cao. Cái tinh tế của ông quay đi quay lại thấy là Phở, Trà. Nghe nói, ăn uống của ông cũng cầu kỳ, giò lụa phải mua ở chợ Hàng Da. Thấy nói ông "ngẳng" với các quan văn nghệ như Tố Hữu, Hà Xuân Trường, nhưng thái độ ông không rõ ràng và chưa thấy bao giờ bênh vực đàn em, bạn hữu được như các "đại ca" Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân. Tâm huyết với nghệ thuật của cụ thì không được như Văn Cao, Nguyễn Sáng. Công tích với xã hội không thể so với Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Tố. Việc ông trở thành biểu tượng vượt bậc với những người kia cũng cho thấy cái gọi là trí thức Việt thật mong manh. Cụ Tuân đáng gọi là "trí thức giả điếc cầu an".
Như vậy, có thể tạm khắc họa hình tượng trí thức Việt xuyên thời đại là "chém gió, phán sấm, trùm chăn và giả điếc cầu an". Ôi mong manh.

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Vua sáng nhất đời Tam Quốc

1. Vua Á Đông sướng hơn vua Âu Mỹ. Điều đó cũng như ong, kiến, mối chúa sướng hơn trâu, ngựa đầu đàn. Hoàng đế Trung Hoa lại càng sướng. Món ngon, vật lạ, mỹ tửu, giai nhân, thậm chí mỹ nam (tin tôi đi, ngày xưa ở Trung Quốc, gay và lesbian còn nhiều hơn ở Mẽo bây giờ) loại thượng hạng, vưu vật bao nhiêu cũng có. Làm vua về nguyên lý sướng như vậy nên tranh nhau làm vua. Bạn bè, đồng liêu tranh đoạt không nói. Cha con, anh em cũng giết nhau như ngoé. Lên được ngôi rồi lại suốt ngày suy nghĩ lo giữ ngôi. Nghe nói Tần Thuỷ Hoàng, Hán Cao Tổ đọc và phê tấu chương từ sáng sớm đến khuya, rượu ngon, gái đẹp không hề sờ tới. Vài năm là lăn ra chết.

2. Một số ông vua chợt ngộ ra một điều: Trải qua vô lượng kiếp từ ngạ quỷ súc sinh, cửu vạn, đồ tể đi lên mới thành hoàng đế một lần, bỏ rượu ngon gái đẹp để duyệt tấu chương thì ngu quá sức. Chẳng tội gì không ăn chơi. Người phát minh ra chân lý đó có lẽ là Thái Khang, cháu nội vua Đại Vũ, vị hoàng đế đầu tiên theo thể chế cha truyền con nối. Sau đó quán được thượng thừa chân lý này là hai anh vua Kiệt và Trụ. Người ta hay chê hai anh này bạo ngược tàn ác. Tôi chắc là sử quan đời sau thêu dệt. Hoàng đế mà ở trong cung, rượu chè thiết gì đến giết chóc. Giá phỏng có giết vài lão đại thần hủ nho và vài chục cung nữ thái giám sao so được với các “minh quân” giết cả vạn người.
3. Vì vậy không rõ hôn quân là ngu tối hay sáng suốt, minh quân là sáng suốt hay ngu tối. Đừng tưởng bọn hôn quân là xuẩn ngốc thiểu năng. Tuỳ Dạng Đế văn võ toàn tài, Trần Hậu Chủ thơ ca nhạc hoạ trác tuyệt, thừa hiểu việc chính trị đổ nát sẽ diệt vong, nhưng cứ đánh chén chơi bời cho sướng một khoảng khắc trong chín vạn ba ngàn kiếp. Biết kiếp nào mới lại có cơ hội.
4. Chân lý này sớm muộn cũng phô bày, như cái kim trong bọc ắt thòi ra. Vì thế chỉ có vài đời vua sáng như Cao Tổ, Văn Đế, Vũ Đế, thức khuya dậy sớm, cóp công, tích đức là đến đời các ông con láu cá ngộ ra đạo lý xuyên thời gian, thấy không tội gì bận tâm tới chính trị. Muốn rảnh thời gian, trước tiên vua sẽ giao quyền cho một vị hoàng thân. Cũng có những ông hoàng chân chỉ hạt bột, bỏ cả sinh thú để thay vua làm những chuyện chán phè như Chu Công, Thiệu Công. Nhưng rồi cũng có người ngộ ra chân lý, nhân đó phế luôn anh vua. Mày và tao cũng phụ hoàng sinh ra, mày không muốn làm vua tao ngu gì không làm. Thế là vua dần dần sợ anh em, chú bác mình hơn sợ người ngoài. Vì thế vua bắt đầu tin dùng họ ngoại, vừa thân vừa khác họ, không đương nhiên thành vua. Một lựa chọn khác là kiếm một tay đại thần cho một cái chức thái sư, thừa tướng gì đó đổ lên đầu thằng cha đó cả núi tấu chương. Nói chung thiên hạ cũng không phải là ngu cả. Vì thế quyền thần và ngoại thích đều manh tâm cướp ngôi. Làm gì có chuyện tao gánh xương xẩu cho mày để mày xơi món ngon dùng đồ tốt mãi. Tao cũng phải nếm một lần trong chín vạn ba ngàn kiếp khổ nhục.
5. Anh vua tìm cách để phòng, chỉ có cách bàn với cung nữ và hoạn quan. Thế là lại sinh ra nạn yêm hoạn và nữ nhân bại quốc. Cuối cùng thì anh vua cứ ngả nghiêng giữa anh em cùng họ, ngoại thích, quyền thần, hoạn quan và hồ ly. Toàn bộ phong kiến Trung Hoa chỉ có mấy món đó đảo đi đảo lại.
6. Trước đời Tam Quốc có hai anh vua Hoàn Linh là hôn quân ngộ cái đạo lý đó và cũng rang 5 cái món trên đảo đi đảo lại, vừa phong hoa tuyết nguyệt đã đời. Bất chợt có anh đại thần nghĩ ra được một kế tìm mấy anh sáng sủa phương phi, phong cho chức quan Mục, phong tước hầu ( đại khái như chức uỷ viên trung ương ở ta bây giờ) cầm quyền Thứ sử, nắm quyền sinh sát, tiền trảm hậu tấu, cắt cử bộ máy ( đại khái như Bí thư Tỉnh uỷ bây giờ). Ý tưởng là thay vì đổ việc lên đầu một anh, thì đổ lên đầu 10 anh. Thế là sinh ra nạn quân phiệt cát cứ. Anh Thừa tướng Thái Sư ở trung ương còn có Ngự sử đài, các loại Tam Tư, Tam Thái, Tam Thiếu đàn hặc khống chế, không khéo mất mạng như Đổng Trác bị Vương Doãn thịt. Mấy ông Mục một khi nắm được quyền rồi không ai dám ho he. Các ông đánh giết nhau nhưng đều vâng mệnh thiên tử, ngang nhiên truyền chức cho con, như một hoàng thất nhỏ. Rồi ông nào giết được một ông quan Mục lại tự mình lĩnh chức châu Mục, chỉ tâu về triều, vua cũng chẳng làm gì nổi, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Bị, Tôn Sách đều do cướp đất mà tự lĩnh chức Mục Duyện, Ký, Từ, Dương.
7. Đâm qua chém lại cuối cùng còn lại ba anh Tháo, Bị và Quyền. Vậy anh nào là vua sáng. Nếu may mắn thiên hạ về một mối thì nên chọn anh nào? Tôi thích nhất anh Quyền. Anh Tháo tuy thông minh, nhưng cái gì cũng tự làm từ đâm chém, nghĩ mưu, kinh tế, chính trị đều làm tất. Tuy nắm được phần to, có vua, nhưng giết Dương Tu, Thôi Diễm, Tuân Úc là chỗ kém. Vì thế Tháo không là hoàng đế, cũng không đáng làm vua. Bị cũng là một anh võ biền, lúc nào cũng ngứa ngáy chân tay, thua ở Hào Đình ức mà chết. Cũng không phải là vua sáng. Anh Quyền đối xử với cấp dưới rất chân tình. Dùng người là uỷ thác tất cả. Anh sống lâu, thể chế mạnh mẽ, đoàn kết là đúng.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

TAM GIÁC QUỶ CỐC

 TAM GIÁC QUỶ CỐC

Tiên sinh họ Vương tên Thiền, quán thông bách nghệ. Thời trẻ ông từng chu du thiên hạ, nhìn xem nhân tình thế thái, nắm tình người thói đời trong lòng bàn tay. Lại biết phân tích đạo đế vương, lẽ thịnh suy ở đời, nhìn thấu các mánh khóe tranh đoạt. Bất giác tiên sinh thấy lòng nguội lạnh. Bình sinh Vương chơi thân với Tôn Vũ, Mặc Địch, khinh bỉ bọn Lỗ Ban, Trâu Kỵ. Đến khi Vũ và Địch lần lượt qua đời, không còn ai tri kỷ, tiên sinh thở dài rồi phất tay áo vào ở trong hang núi Chung Nham trên đỉnh Tung Sơn, đọc sách tiêu dao qua ngày. Đạo càng sâu, học càng tinh. Người đời thấy thần bí bèn tôn xưng là Quỷ cốc tiên sinh. Nhiều người đến xin học, tiên sinh đều từ chối.
Một hôm có người khách cưỡi một con trâu xanh tới chơi. Người khách phong độ bất phàm, hình dung tả tơi nhuốm màu phong sương, nhưng tiếng nói trong trẻo như thác đổ, cặp mắt như cười, như mơ, phong độ nửa cao ngạo quý phái, nửa dân dã khinh bạc, chẳng giống ai. Vương lấy làm lạ, bèn mời ngồi chơi lấy nước khe suối sau nhà pha trà. Chuyện trò thập phần tương đắc. Tuy học thuật khác nhau, nhưng đạo lý thập phần tương đắc. Khách bàn về lẽ biến hóa của trời đất, Vương nói về gốc cái học của nhân sinh. Chuyện thao thao như nước chảy liền mấy ngày. Khách nói "Tôi xem tài học của tiên sinh đã trùm thiên hạ. Sao lại để mục nát nơi xó núi, không phù tá vương bá như bọn Quản Trọng, Nhạc Nghị thì cũng lập môn phái như lũ Khổng Khâu, Trang Chu, để tinh hoa lại cho đời?" Vương nói "Tôi cũng có ý tìm truyền nhân, nhưng chưa thấy ai có đủ tư cách. Đạo của tôi đã thông đạt tới dịch lý, căn cội sâu xa. Riêng âm dương ngũ hành nhiều kẻ học hàng chục năm mới hiểu. Thà để mục nát còn hơn truyền cho bọn ngu phu ngu phụ." Khách mỉm cười chỉ vạch trên bàn một hình tam giác, ngửa cổ cười ha hả mà nói "Hay lắm, hay lắm" Đoạn viết thêm mấy chữ "Nhĩ Đam Lai" rồi cất bước. Vương gọi theo hỏi tên họ. Chỉ nghe trả lời "Ta họ Lý" đã thấy trâu xanh vùn vụt đi xa.
Vài tháng sau chợt có bốn thanh niên tới xin học. Tô Tần, Trương Nghi có vẻ con nhà buôn bán ở chợ, tư cách bình thường, từ ngữ so đo hạ lưu, chấp nhặt câu chữ. Tôn Tẫn, Bàng Quyên con nhà gia giáo, anh tuấn, nho nhã, vũ dũng hơn người, phóng khoáng, thông đạt. Vương tiên sinh nói "Ta đây có bách nghệ muốn truyền. Xem tư chất các ngươi không thể học hết, mỗi người hãy chọn lấy một nghề. Cao thì có đạo, hạnh, trí, thấp thì có biện thuyết, binh pháp và buôn bán. Thứ nữa là bói toán, chế khí, thiên văn, địa lý".
Tần, Nghi xin học chính trị, thuật phù tá bá vương. Vương tiên sinh nói "Đó chẳng qua là chuyện biện thuyết, bẻm mép chắc hợp với các ngươi." Bèn truyền cho khoa du thuyết. Tẫn, Quyên đều xin học võ nghệ. Tiên sinh nói: " Học võ là thay trời hành đạo, bênh kẻ yếu, áp chế kẻ mạnh. Sao bằng học binh pháp đánh cả vạn người. Ta xem võ nghệ các ngươi cũng đã đủ phòng thân." Bèn truyền cho nghề binh pháp.
Tiên sinh đọc khẩu quyết rồi vẽ bốn hình tam giác lên giấy đưa cho nghiền ngẫm. Thấm thoắt mười năm, sáng nghe giảng, chiều đọc sách, tối tĩnh tọa nhìn tam giác. Mội bữa, Tần và Nghi chợt thấy lòng rung động, giác ngộ được lẽ lớn của thuật du thuyết bèn xin xuống núi "Nay bọn con đã hiểu mọi lẽ trong cái học của thầy, xin được thay thầy hành đạo". Tiên sinh cười "Các người mới đến mức Thuật. Hãy học thêm mười năm." Tần nói "Nay con đã hiểu công dụng kinh người của tam giác. Xin thầy cho con thứ khác để nghiền ngẫm." Tiên sinh nói "Tam giác, hình tròn, tứ giác cũng là một thứ. Ngươi chớ nghi ngờ. Hãy cứ nhìn tam giác mà nghiền cho sâu, ngẫm cho xa." Tần và Nghi đều xin vâng, miệt mài học tập thêm mười năm, đều lĩnh hội được phép biến hóa trong nghề du thuyết, việc gì nói trắng nói đen đều được. Tiên sinh bèn cho xuống núi và nói "Các ngươi tư chất tầm thường học đến mức Nghệ là được. Tam giác có thể xoay ngang xoay dọc. Các ngươi đã đến mức hô mưa gọi gió trong chính trị thời nay. Vinh hoa phú quý không kể xiết. Nhưng căn cơ chưa đủ hãy nhớ phòng họa, để lại phúc đức, kẻo chết không toàn thây."
Tần và Nghi xuống núi, chưa đến năm năm, Tần lập thuyết Hợp Tung làm Tướng Quốc sáu nước. Nghi lập thuyết Liên Hoành là Thừa tướng ba nước. Họ khuynh đảo chư hầu, quyền hành lấn át thiên tử. Rốt cuộc đều chết và bị xé xác ở Tề và Sở.
Tẫn và Quyên chăm chỉ học hành, đã đến mức có biến hóa khôn lường. Tuy học một nghề binh pháp nhưng có thể áp dụng vào chính trị, buôn bán, chế vũ khí, canh nông, không nghề gì không làm được. Nghe Tần và Nghi danh đã vang lừng thiên hạ, bèn xin thầy xuống núi. Tiên sinh nói "Nay các người đã thành Pháp. Ta muốn chỉ điểm thêm cho thành Đạo. Khi đó các người muốn xuống núi cũng chưa muộn. Ta xem tư chất các ngươi có thể đắc đạo bất hủ cùng trời đất, cùng ta tiêu dao thấy được lẽ nhiệm màu của vũ trụ. Lăn lê vào chỗ rừng tên mưa máu làm chi." Tẫn xin vâng. Riêng Quyên nói "Học đạo là để thi thố với đời lẽ nào lại để hủ bại cùng trời đất. Con đã nhìn tam giác này hơn một vạn lần, tự cho là tư chất không ngu độn, lẽ nào chưa quán thông được nó." Tiên sinh chiều theo ý, chỉ dặn thêm "Tài của ngươi nay đã vô địch thiên hạ. Nhưng chưa đắc đạo mà ỷ vào tiểu xảo, e rằng mất mạng cũng bởi tiểu xảo. Ngươi nhớ tu thân dưỡng tính để tránh đạo".
Quyên đến nước Ngụy, hiển lộ tài năng, được vua phong nguyên soái, đem quân đánh đâu được đấy. Các nước chư hầu Tề, Triệu, Ngụy, Tần, Sở, nghe danh Quyên đều khiếp vía, không ai dám đối địch. Một ngày kia, Quyên nhớ tới Tẫn, bèn viết thư mong gặp mặt cùng chung hưởng phú quý. Lúc bấy giờ đó là tình anh em đồng môn mấy chục năm đèn sách chân thật. Tẫn được thư, trình thầy. Tiên sinh nói "Ta biết không giữ được con, sớm muộn ắt sẽ có ngày này. Nay con còn chút nữa thì hiểu Đạo. Con sẽ gặp nguy nan, tàn tật nhưng không đến nỗi mất mạng. Con đã nghiễn ngẫm tam giác, nay ta cho con thêm vòng tròn." Nói đoạn tiên sinh khoanh một vòng tròn xung quanh tam giác của Tẫn và nói thêm "Vòng tròn bao tam giác, nhưng cũng nằm trong tam giác. Một vòng liền nhưng bao giờ cũng một nặng một nhẹ. Phép đối địch là lấy nặng của mình mà đối với cái nhẹ của địch. Phép hòa hợp là lấy nhẹ của mình đỡ cái nặng cho người khác." Tẫn xin vâng rồi xuống núi.
Quyên gặp Tẫn rất mừng, nghĩ rằng tài cũng như nhau hợp sức bình thiên hạ. Ai ngờ mới xa cách hai năm, tài nghệ đã biển trời cách trở. Quyên bèn sinh ghen ghét, đặt điều vu vạ mà chặt chân Tẫn, duy chỉ còn chút nhân tính nên chưa giết hại. Tẫn trốn được về Tề, trở thành quân sư. Chẳng bao lâu đem quân chinh phạt chư hầu. Tề Ngụy đối trận, Quyên mắc kế của Tẫn, binh bại tự vẫn.
Tẫn thấy lòng nguội lạnh, thấy chán nản mọi sự bèn trở về núi theo thầy tu đạo. Vương tiên sinh vui mừng khôn xiết bèn xé tam giác và vòng tròn. Sau này nghe nói, Tẫn cùng thầy đắc đạo, tiêu giao ngũ hồ, hồn phách còn phảng phất đến bây giờ ở vùng Tây Thái Hồ.
Like
Comment
Share