Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Ngã học Dịch [7] Hệ Từ, Thượng Thiên, Chương 2

Sau Chương 1, có thể mạnh dạn đọc cả Chương 2. Đã nắm được mạch từ Chương 1, không cần phân tích từng tiết

Nguyên văn
聖 人 設 卦 觀 象,繫 辭 焉 而 明 吉 凶。
剛 柔 相 推 而 生 變 化 。
是 故 , 吉 凶 者,失 得 之 象 也。悔 吝 者,懮 虞 之 象 也。
變 化 者 , 進 退 之 象 也 。 剛 柔 者 , 晝 夜 之 象 也 。六 爻 之 動,三 極 之 道 也 。
是 故, 君 子 所 居 而 安 者 , 易 之 序 也 。所 樂 而 玩 者,爻 之 辭 也 。
是 故,君 子 居 則 觀 其 象,而 玩 其 辭;動 則 觀 其 變,而 玩 其 占。是 以自 天 祐 之,吉 無 不 利。

Phiên âm Hán Việt

    Thánh nhân thiết quái quan tượng, hệ từ yên nhi minh cát hung.

    Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa .

    Thị cố, cát hung giả, thất đắc chi tượng dã. Hối lận giả, ưu ngu chi tượng dã.
     Biến hóa giả, tiến thối chi tượng dã . Cương nhu giả, trú dạ chi tượng dã . Lục hào chi động, tam cực chi đạo dã .
     Thị cố, quân tử sở cư nhi an giả, dịch chi tự dã . Sở lạc nhi ngoạn giả, hào chi từ dã .
     Thị cố, quân tử cư tắc quan kỳ tượng, nhi ngoạn kỳ từ; động tắc quan kỳ biến, nhi ngoạn kỳ chiếm. Thị dĩ tự thiên hữu chi, cát vô bất lợi.
Dịch văn
     Thánh nhân vạch quẻ, xem tượng, ghép lời mới tỏ được lành dữ.
      Cương nhu thúc đẩy nhau sinh biến hóa.
      Cho nên, lành dữ thể hiện sự được mất. Hối hận thể hiện sự lo âu.
      Biến hóa thể hiện tiến thoái. Cương nhu thể hiện ngày đêm.  Sáu hào vận động, chính là đạo của ba ngôi.
      Cho nên, người quân tử khi ở nhà thì yên, Dịch tự sắp đặt. Lòng vui mà nghiền ngẫm, hào sẽ thành lời.
      Cho nên, người quân tử ở nhà thì xem tượng, nghiền ngẫm lời, động thì xem biến hóa, mà nghiền ngẫm lời đoán, tự khắc có trời phù hộ điều lành không bị bất lợi. 
Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
       Chương này nói về xuất xứ của Dịch như một lẽ tự nhiên. Theo truyền thuyết Phục Hy vạch ra quẻ đã biết hết huyền bí của lẽ Dịch, không cần nói thành lời. Đến các thánh như Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, nói thành lời để truyền lại cho đời, cho đại chúng dễ hiểu. 
       Lệnh mỗ lấy làm ngờ cái huyền thoại thánh nhân vạch quẻ đã bao hàm hết lẽ Dịch. đời sau chỉ viết lời để truyền ý lại cho đời. Người nguyên thủy, xã hội mông muội, thế giới quan hạn chế, kinh nghiệm mỏng manh, chưa có tư duy trừu tượng. Có lẽ quẻ Dịch ban đầu chỉ là các ký hiệu ghi lại các ý tưởng thô sơ về logic, khi chưa có văn tự và con số.
      Trước hết là Âm-Dương, được quan sát ở nhiều hiện tượng khác nhau, vạch thành hai quẻ, sau đó thì xem tượng, xem biết hóa, xem nhiều lần, quy nạp thì mới ghép được lời (một thứ tổng kết).  
        Hai câu cuối nói tư duy Dịch hình thành thế nào. Người học Dịch ở nhà yên tĩnh, xem các hiện tượng, ngẫm nghĩ cho kỹ, tự nhiên mọi sự sẽ hình thành sắp xếp theo quy luật của Dịch. Ngẫm nghĩ nữa sẽ nói thành lời. Hệ thống này có thể suy luận tạo ra các mệnh đề mới được chứ không đóng. Đó là điều tích cực. Khi thực hành thì xem kỹ biến hóa, nghiền ngẫm các lời đoán, theo đó mà làm thì giống như được trời giúp, không bị bất lợi. 
       Nhìn chung đến đây có thể thấy, việc sinh ra quẻ, lời đoán và lẽ Dịch cũng là một quá trình vận động tự nhiên, không có gì huyền bí. Bắt đầu là đơn sơ, rồi tự phát triển, ngày càng tinh vi (hy vọng thế. Nhưng rõ ràng là Dịch có hạn chế như đã tổng luận ở Chương 1). Mục tiêu của Dịch cũng thực tiễn và giản đơn, không có tham vọng tư biện hay siêu hình học.

Luận Tam Quốc: Đệ tử như chó lợn

    Tào Tháo đem quân đánh Giang Đông, nhìn thấy Tôn Sách tấm tắc khen "Sinh con thì hãy sinh con như Tôn Văn Đài (trỏ Tôn Kiên) chớ sinh con như Lưu Cảnh Thăng (trỏ Lưu Biểu). Cha thì như hổ như báo mà sinh ra toàn chó lợn cả.

     Ngày nay, nhìn thấy con cháu một danh gia tư cách không ra gì, cha ông cũng được ví với Lưu Cảnh Thăng là do câu nói đó. Nếu ai bảo cha ông bạn là Lưu Biểu, họ có thể đang khen. Nhưng nếu họ nói là Lưu Cảnh Thăng có thể bạn đang làm ô danh người đi trước.

Nước Việt cổ có phải là Việt Thường

Gần đây có một phong trào tìm hiểu về gốc tích của nước Việt thời tiền sử. Cũng là một việc đáng khen và đáng cổ vũ. Tuy nhiên, cái đáng nói là một phong cách nghiên cứu tùy tiện, theo mong muốn và cảm hứng nhiều hơn. Thiết nghĩ việc tìm về cội cần có một thái độ nghiêm cẩn hơn chứ không thể tùy tiện cẩu thả như thế được. Đã đành khoa học là phải cởi mở, mọi việc trước khi kết luận đều bình đẳng. Nhưng "các công trình khoa học" như thế lại lan truyền trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, dùng những khẳng định chắc như đinh đóng cột, đao to búa lớn, tạo nên những định kiến cho đại chúng, trong tương lai sẽ là những ảo giác xã hội có hại.

Do đó, có lẽ phải bàn kỹ một lần. Thứ nhất, việc nghiên cứu dòng di cư của các nhóm người cổ dựa trên các nghiên cứu về gien, cho thấy có sự di chuyển của các nhóm người từ phía nam lên phía Bắc không có nghĩa là dân Trung Quốc phía Nam sông Dương tử đều là người Việt cổ. Thực ra, khi đó chưa có khái niệm người Việt. Nhóm người di cư từ phía Tây qua (Giả thiết là đã qua vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ cũng chỉ là giả thuyết thôi, chứ chưa phải là chân lý khoa học), đã mắc lại vùng Himalaya rất nhiều thiên niên kỳ trước khi tràn xuống Miến Điện, Vân Nam. Từ đó có các nhánh di cư lên phía bắc và có nhóm tràn xuống Đông Nam Á. Phải xác định rõ, việc nghiên cứu này cũng có những hạn chế về quy mô thống kê và kết luận cũng không thể như đinh đóng cột. Việc kiến giải các kết quả này cũng cần phải có một nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở của phương pháp ADN để thấy được ý nghĩa cũng như phạm vi của nó để khỏi suy luận quá xa và tùy tiện như một số tác giả đã làm. 

Điểm thứ hai, khái niệm người Việt cổ cũng cần bàn. Nhiều người Việt Nam đọc sách và cho rằng Việt là chỉ Việt Nam. Điều đó không đúng. Người Thái, người Miêu, đều là Việt. Gần đây có một số tác giả phương Tây đã giải mã Việt nữ ca trong sách Thiết uyển, cho thấy đó là tiếng Thái. Các nhà "nghiên cứu" tay ngang Việt Nam rất ngại nói tới chuyện này. Điều đáng nói hơn, chúng ta cần làm rõ các khái niệm khi dùng. Tránh việc dùng các khái niệm mờ để rút ra các kết luận sau đó lại gán cho chúng các khái niệm tường minh. Thực ra đây là một phép ngụy biện giả khoa học sơ đẳng. Trước tiên chúng ta phải nói rõ với nhau thế nào là người Việt cổ và mối liên quan của họ với người Việt Nam hiện đại, với Hùng Vương hoặc với các tộc người sống tại đồng bằng sông Hồng vào thời Đường trở về sau.

Điểm thứ ba cũng là điểm quái lạ nhất là cách đọc sách tùy tiện. Căn cứ vào sách của Trung Quốc, sau đó lại dùng để vặn lại sách Trung Quốc hoàn toàn không phân tích mà dựa trên một số kết luận theo mong muốn có sẵn.  Ví dụ điển hình là bài gần đây [1], nói chung chung mơ hồ "cổ sử Trung Quốc" nói có nước Việt Thường đến dâng rùa cho vua Nghiêu. Thực ra chằng có sử nào của Trung Quốc ghi điều đó mà chính bộ sử của Việt Nam là ĐVSKTT mới đặt ra giả thuyết Việt Thường là nước ta. Việc dâng lịch rùa được ghi trong một sách cổ nhất là Thượng Truyện được Phục Thắng soạn vào đầu đời Hán, có nghĩa là khoảng 3000 năm sau sự kiện nước Việt Thường dâng rùa cho vua Nghiêu. Sau Thượng Truyện phải đến đời Tống, cách đây chưa tới 1000 năm mới có sách Thông Chí của Trịnh Tiều ghi lại việc này. Nếu người viết không "dấu nhẹm" các chi tiết như thế để cho người đọc quyết định xem "cứ liệu lịch sử" đó khả tín như thế nào thì có lẽ không có gì đáng nói.  Sau đó có một số sách soạn vào khoảng thế kỷ 10 hoặc muộn hơn võ đoán không có căn cứ về Việt Thường là Lâm Ấp hoặc vùng Hà Tĩnh ngày nay. Đến khi soạn ĐVSKTT, các sử gia Việt Nam tùy tiện đặt Việt Thường là tên một bộ ở vùng Cửu Chân, với cứ liệu là các sách Trung Quốc nói trên, chứ hoàn toàn không có một nguồn độc lập. Một điểm có cơ sở thực tiễn là thời Hán có đặt địa danh Việt Thường tại vùng Cửu Chân nhưng gần như chắc chắn không phải theo tên một quốc gia cổ đã tồn tại từ trước ở đó.

Đặc biệt các học giả Việt nam từ Đào Duy Anh và một số nhà nghiên cứu thế hệ sau cũng đã khẳng định Việt Thường không phải là địa danh trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó có thể đúng do đồng bằng sông Hồng lúc đó mới hình thành, không thể có một quốc gia với mật độ dân cư đáng kể. Một số người khẳng định Việt Thường ở Trung Quốc đại thể dựa trên lý luận là với khoảng cách như vậy mới có thể giao thương với Trung Quốc cổ [2].

Các nghiên cứu mới nhất của các tác giả phương Tây, ngoài Trung Quốc cũng như của Trung Quốc cũng cho thấy Việt Thường là một từ phiếm chỉ một quốc gia ở phía Nam. Như vậy, các nước Việt Thường dâng chim trĩ trắng vào thời Chu và dâng rùa vào thời Nghiêu có thể không phải là một nước. Các văn tự về sau chỉ Việt Thường được định hình là chỉ một quốc gia có địa vực từ bắc Miến Điện tới đông bắc Ấn Độ là Assam.  Các sách Hậu Hán Thư-thiên Tây Vực ký và Tân Đường Thư- thiên Địa Lý Chí, cũng là các sách cổ Trung Quốc thậm chí xác định rõ Việt Thường nằm vào khoảng Bangladesh, Miến Điện cho đến Thượng Lào ngày nay.     

[1] http://chuvietcolacviet.vn/cosu/detail/van-minh-viet-co-%E2%80%9Cbi-danh-cap%E2%80%9D-nhu-the-nao-271.html
[2] http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/viet-thuong-thi-o-dau.html