Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Vấp ngã dại khờ - Suzie Quatro & Chris Norman

     Nói chuyện lý luận, hệ thống, ngôn ngữ và địa chính trị mãi, thông thái thì có thông thái ra, nhưng có lẽ lòng chân thành và nhiệt tình cùn đi, vì sợ sai và sợ nói những điều ngu đần. Đức Phật, Thánh nhân, Thiên Chúa và cả loài người hàng ngàn năm vẫn không thể biết được sự thông thái và lòng chân thành, cái nào đưa con người tới minh triết nhanh hơn.

     Hôm nay có một "cô" (bà) bạn cũ post bài này trên FB. Đây là một bài hát cũ vào những năm 80. Tôi bình: "Đây là bài ruột của mình", "Cô" ấy: "Mình cũng yêu bài này", Tôi: "Có lẽ là cái còn thiếu".

     Suzie Quatro là nữ ca sĩ thần tượng của tôi, say đắm, nhiệt thành và táo bạo. Tôi đã định viết về nàng để bắt đầu chuỗi bài về âm nhạc trong blog. Những bài như "Can the can" và "If you can't give me love" luôn nằm trong danh sách 50 bài nhạc mà tôi yêu nhất. Không biết vì nhạc hay, hay kỷ niệm về đêm hè nồng cháy năm xưa trên đảo Margit, Budapest, khi chúng tôi được nghe nàng hát live, nhỏ nhắn, xinh đẹp trong bộ quần áo da nổi tiếng, dưới những tán lá cổ thụ um tùm, trên bãi cỏ dày mượt.
Chúng tôi, nghe mà cảm thấy máu chảy dào dạt từng đợt trong huyết quản. Cảm giác đó không thể nào quên.

     Nhưng cuối cùng do tình cờ tôi lại viết về Stumlin in. Chris Norman có lẽ là nam ca sĩ hát hợp nhất với Suzie, do chất giọng và ngoại hình đầy nam tính của anh. Bài "Lay back in the arms of someone" với ban nhạc Smokie, có lẽ là tuyệt phẩm của anh. Tuy vậy, các bài hát của anh về tình yêu đều có sức quyến rũ đặc biệt. Tuy nhiên, sự phối hợp của Chris với Suzie mới làm tôi say mê anh. Theo tôi cặp Suzie Quatro-Chris Norman là cặp ca sĩ đẹp nhất và cháy bỏng nhất.

     Nói chuyện âm nhạc mà vẫn không thoát được lý luận xám. Nghe Stumblin In, nhớ cuối tuần trước, có người hỏi "Theo anh cần gì để làm CNTT thành công ở Việt Nam", tôi trả lời "Thành tâm và thành ý". Tiềm ẩn sau đó là "Bớt sợ sai và bàn suông". Có lẽ nghe nhạc của Suzie và Chris cũng là bổ khuyết cho những cái "không đàm ngộ quốc".
      Mời các bạn nghe

     Chưa có thời gian nhiều, dịch ẩu thì sợ làm hỏng bài hát. Tôi tạm dịch điệp khúc, cố gắng sao có thể hát theo được. Hát lẩm nhẩm lời Việt, thấy cũng không đến nỗi tệ:

Stumblin in

Our love is alive, and so we begin
Foolishly laying our hearts on the table
Stumblin' in
Our love is a flame, burning within
Now and then firelight will catch us
Stumblin' in


Cuộc tình mình còn đây, và chúng ta bắt đầu 
Cuồng nhiệt bày ra, trái tim ta còn sáng trong
Vấp ngã dại khờ

Cuộc tình còn là lửa bay, sẽ thiêu cháy tâm hồn
Cuộc tình mình còn say, sẽ lôi kéo đôi ta
Vấp ngã dại khờ





Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Thơ Đường: Lên Cao - Đỗ Phủ

Hôm nay, tình cờ gặp câu thơ hay: "Vạn lý bi thu thường tác khách", thấy cảm khái, liền tạm dịch ra cả bài. Lần đầu tiên mình thấy trình bày thơ thất ngôn bát cú làm 04 dòng, mỗi dòng một câu, có chấm câu hẳn hoi, sau mỗi đoạn 7 chữ là dấu phảy. Trước kia cứ tưởng là hết 7 chữ bắt buộc phải xuống dòng.
Nhớ đến Đỗ Tử Mỹ, không khi nào tôi không thấy xót xa, nhớ đến cuộc đời long đong không nhà, đói khát bệnh tật, của thi sĩ. Tôi luôn ám ảnh đến rơi nước mắt ra cảnh nhà thơ đầu bạc, quần áo rách nát tả tơi, thở hơi cuối cùng trên một chiếc thuyền nát xuôi dòng Trường Giang trong tiếng khóc của vợ con. Không biết ông được chôn ở đâu, gia đình ông lưu lạc về đâu. Thân phận bạc như thế mà thơ ông không bao giờ hết thương người và lo nghĩ cho vận nước. Có lẽ đó là cái giá phải trả cho thiên tài chăng?

Nguyên văn:
       登高 

风急天高猿啸哀, 渚清沙白鸟飞回.

无边落木萧萧下, 不尽长江滚滚来.

万里悲秋常作客, 百年多病独登台.

艰难苦恨繁霜鬓, 潦倒新停浊酒杯.
Phiên âm:
Đăng cao 

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai, chử thanh sa bạch điểu phi hồi.

Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ, bất tận trường giang cổn cổn lai.

    Vạn lý bi thu thường tác khách, bách niên đa bệnh độc đăng đài.

    Gian nan khổ hận phồn sương tấn, lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.

Bản dịch và lời bình thơ của Lệnh Lỗi Dương

Bình nghĩa:
Gió lộng trời cao vượn gọi buồn
Cồn xanh cát trắng chim bay về
Mênh mông cây rụng xào xạc rơi
Bát ngát sông dài cuồn cuộn đổ về
Ngàn dặm sầu thu thường làm khách
Trăm năm nhiều bệnh cô độc lên đài
Gian nan khổ hận mai điểm bạc
Lạnh lòng dừng bước chén rượu xoàng   
Bình nghĩa:
       Thi sĩ một mình leo lên một cái chòi cao, có lẽ là một chòi gác, trên núi cao ở vùng biên giới. Vào đời Đường, đề tài về biên giới luôn ám ảnh các thi sĩ do đất nước luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm từ phương Bắc, vì vậy hình thành hẳn một thể thơ gọi là thơ biên tái. Loại thơ này thường hùng tráng pha chút buồn hào sảng của tráng sĩ trước cảnh nước nhà khuynh nguy. Tuy nhiên, đây là một bài thơ buồn của một nhà thơ tài cao, cô độc, lỡ vận.
       Bài thơ tả rõ đó là một buổi chiều, trời đã sang thu, gió bấc đã thổi lộng, lạnh hun hút. Tiếng vượn kêu làm buồn lòng người, chim xao xác về tổ gợi nhớ một cảnh đầm ấm gia đình. Rừng cây mênh mông lá rụng lả tả, trên sông nước cuồn cuộn đổ về, gợi tâm trạng đời người ngắn ngủi trước cái vô tình vô tận của cuộc đời. Thi sĩ suốt đời không có nhà, lang thang khắp nơi, không có chốn dừng lại, mỗi mùa thu đến lại có tâm trạng buồn cho tất cả các mùa thu trên đường lang thang vô định. Cuộc sống vất vả khổ sở, nên nhiều bệnh, nhưng đến đây vẫn một mình cố trèo trên chòi gác để nhìn cảnh. Có lẽ không ai đi theo vì thấy đây là một đam mê lẩn thẩn của thi sĩ và ngại phí sức leo lên cao. 
       Tác giả rõ ràng hơi chạnh lòng nghĩ đến số phận gian nan của mình, tóc đã điểm sương. Khi chán nản chỉ biết lấy chén rượu để an ủi, chẳng quan tâm đến thưởng thức hương vị ngon dở.
       Bài thơ này dịch vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì chỉ cần phiên âm Hán Việt, hơi thơ âm điệu đã chan chứa tình và cảnh. Khó bởi vì những hình ảnh hay, song hành lấp đầy các chỗ trong thơ, không thể vi phạm, thay đổi sẽ đánh mất ngay giá trị của bài thơ. Vì thế mấy chữ còn lại rất dùng để tả những ý súc tích còn lại. Hơn nữa, lại có những ý hàm chứa do các đoạn phối hợp mà thành. Ở trong bài này có ba chỗ như vậy. Đầu tiên là "điểu phi hồi" đúng ra chỉ là "chim bay về (tổ)", tuy nhiên vì đứng trong khổ này nên phải lột tả được ý buồn chim có tổ, còn ta không có nhà mà về. Ý thứ hai là "độc đăng đài" (một mình lên đài), không có cách gì dùng 3 âm tiếng Việt để thể hiện. Mà dùng bốn chữ thì phạm vào cặp ý song hành trác tuyệt "vạn lý sầu thu" và "bách niên đa bệnh". Đành phải dịch thoát lấy ý phàn nàn "đã ôm bệnh" mà "cả đời vẫn phải một mình đi, leo để nhìn thiên hạ". "Tân đình trọc tửu bôi" cũng là một cái bẫy. Nhiều học giả giải thích là "mới ngừng uống rượu vì nó là ô trọc". Nếu thế thì không ăn nhập gì vào ý tứ của bài thơ. "Tân đình" thực ra là "mới dừng chân" đối với "khổ hận" (hận lắm, hận mãi), một thoáng thực tại đối với một nỗi khổ tâm kéo dài, đành tạm dịch thoát lấy ý "tạm uống". Còn một ý khác "viên khiếu ai" là "vượn kêu buồn", rất may "vượn gọi ai" cũng tỏ ý buồn mà giữ được vần và chữ.
  
Dịch thơ:                                                         Lên cao
Gió lộng trời cao vượn gọi ai
Cồn xanh cát trắng chim về rồi
Lá rừng mênh mông xào xạc đổ
Trường giang cuồn cuộn mãi sóng dồi

Sầu thu vạn dặm luôn là khách
Ôm bệnh suốt đời đi mãi thôi
Gian nan khổ hận mai điểm bạc
Đắng lòng tạm uống chén rượu hôi
Lời bạt
            Dịch và bình nghĩa xong mới đọc một số bình phẩm khác mới được biết bài này được xưng tụng là "tinh quang vạn trượng, thị cổ kim thất ngôn luật thi chi quan" (tỏa sáng vạn trượng, đứng đầu trong thơ thất ngôn xưa nay). Như vậy là mình gặp may hôm nay, ngẫu nhiên gặp được bài thơ hay. Dich xong, sửa lại vài chữ không thuận tai.

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Thế Tam Quốc: Nho Sĩ, Hoàng Thất, Võ tướng và Quản lý Hành chính

La Quán Trung mượn lời các nhân vật mà cho là Tào Tháo nắm được Thiên Thời, Tôn Quyền nắm được Địa Lợi, Lưu Bị nắm được Nhân Hòa. Các khái niệm này đều rất chủ quan và mờ nhạt, rất khó phân tích.
      Nếu xét về xuất thân, Tào Tháo vốn là nho sĩ, đã đậu hiếu liêm (tương đương với tiến sĩ sau này), do đó theo quy luật, phải lấy danh nghĩa tôn phù hoàng thất. Tuy là nghe mưu của Tuân Úc, nhưng cũng là quy luật từ xuất thân nho sĩ. Chính vì vậy, ông đã chiêu mộ được các nho sĩ thời đó như Trình Dục, Quách Gia, Tuân Úc, Giả Hủ,...Mặt khác ông luôn mở cửa với các nho sĩ khác. Chính vì thế, giữa Tào Tháo và Quan Vũ, một võ tướng mê Nho học, có sự cảm thông nhất định. Chính vì tư cách nho sĩ và có danh nghĩa hoàng thất, Tào Tháo, tồn tại được và lần lượt đánh bại các đối thủ trong một vùng thụ địch bốn phía, có số lượng dân đông nhất, nhiều nhân tài nhất. Do đó, tập đoàn của ông chiếm được ưu thế lớn nhất, ưu thế đó được La Quán Trung gọi là Thiên Thời.
     Tôn Kiên, Tôn Sách là cha và anh của Tôn Quyền là võ tướng. Thế lực của Đông Ngô dựa chủ yếu trên các võ tướng và dựa vào các tuyến phòng ngự tự nhiên. Tuy gọi là địa lợi nhưng có lợi cho phòng thủ, nhưng không có lợi cho thế tiến công. Những cố gắng tấn công hiếm hoi của tập đoàn này từ thời Tôn Quyền cho đến Gia Cát Khác đều thất bại thảm hại.  Do đó, tập đoàn võ tướng này nói chung, không có chí thâu tóm thiên hạ, mà chỉ cố giữ chặt phần đất đã có. Thực tế, Tôn Quyền cũng xưng đế sau cùng, khi bắt buộc phải làm vậy để tập hợp quần thần.
      Lưu Bị xuất thân không rõ ràng, cũng bắt đầu là một võ tướng, nhưng sau theo mưu của Gia Cát Lượng cố gắng khai thác lý lịch hoàng thất, mà sau này sử gia Tư Mã Quang đánh giá là không rõ ràng.
Việc dương cao ngọn cờ hoàng thất chỉ phát huy hiệu quả tối đa, khi Tào Phi tiếm ngôi. Ông tụ tập được những người theo lý tưởng tôn phù hoàng thất như Gia Cát Lượng.
     Trong nội bộ mỗi tập đoàn cũng lại có một thế chân vạc khác giữa các phái hoàng thất, võ tướng và nho sĩ. Giữa các nhóm này cũng phải luôn luôn có sự tranh giành ảnh hưởng.
     Phái nho sĩ ở Thục đứng đầu là Gia Cát Lượng, sau này là Tưởng Uyển, Phí Vĩ, luôn phải đấu tranh quyền lực với phái võ tướng có nhiều quyền lực như Quan Vũ, Trương Phi, Ngụy Diên,... Phái hoàng thất đóng vai trò điều hòa, nhưng đôi khi cũng phải nhường bước. Như Triệu Vân, là một võ tướng, nhưng có thể xem là thuộc phái hoàng thất, không được đãi ngộ xứng đáng với công lao và đôi khi bị khiển trách, cách chức mặc dù không có lỗi. Một số đại biểu của phái quản lý hành chính bắt đầu bằng Pháp Chính, sau đó là Lý Nghiêm, một trong ba vị phụ chính đại thần được Lưu Bị thác cô và Liêu Lập không thể phát triển được và thất bại của họ gắn liền với sự yếu kém và cáo chung của nhà Thục Hán.
      Tại Đông Ngô, sau thời kỳ toàn thịnh liên tiếp của các võ tướng như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn, Chu Thái, là đến thời kỳ phái nho sĩ cầm đầu là Gia Cát Khác đã thành công nắm đại quyền. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Gia Cát Khác bị đảo chính, và bị diệt tộc cùng với đồng đảng Đằng Dận, Lã Cứ bởi phái hoàng thất cầm đầu bởi Tôn Tuấn. Phái võ tướng cầm đầu là Đinh Phụng liên kết với phái quản lý hành chính là Trương Bố tiêu diệt được Tôn Tuấn. Nhưng cuối cùng phái hoàng thất cầm đầu là Tôn Hạo vẫn nắm quyền độc tài cho đến khi suy thoái.
        Tại Tào Ngụy, các đời Võ đế Văn đế đều là nho sĩ kiến tạo hoàng thất, nhưng sau đó lại trấn áp các nho sĩ, bắt đầu là Khổng Dung, Nễ Hành sau đó là Tuân Úc, cuối cùng chỉ còn sót lại một số nhân vật nhợt nhạt như Vương Lãng. Cố gắng vươn lên không thành của phái nho sĩ là Gia Cát Đản, Chung Hội, Đặng Ngải đều kết thúc trong bi kịch. Phái võ tướng xem như cáo chung với tư cách một thế lực chính trị sau thất bại của Tào Sảng, kết thúc bằng việc Hạ Hầu Bá phải hàng nhà Thục. Sau đó, phái quản lý hành chính của Tư Mã Ý dần đi lên và trở thành một thế lực chính trị mạnh nhất. Chính đó là động lực làm Ngụy mạnh lên, có khả năng tiêu diệt hai tập đoàn Ngô Thục, nhưng hoàng thất bên Ngụy ngày càng yếu dần dần bị thay thế bằng tập đoàn Tư Mã, vốn là quản lý hành chính.
        Cục diện Tam Quốc kết thúc bằng sự thắng thế của tập đoàn có tổ chức quản lý hành chính ưu việt hơn. Nói theo ngôn ngữ hiện đại: các phái Tuyên Huấn, Quân Đội và Bảo Hoàng đánh nhau, bên nào nhanh chóng chuyển đổi thành bộ máy Quản lý Hành chính sẽ thắng.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Nghĩ về SOA ở Việt Nam

Tuần trước, trong bài giảng về SOA cho sinh viên cao học, để học viên có thể cảm nhận được tại sao lại cần SOA, tôi có một số nhận xét và liên hệ thực tế thế này:

1. Ở Việt Nam, chưa có khái niệm dịch vụ thực thụ. Thành thử, mỗi người phải biết nhiều thứ. Sống ở Việt Nam thành thử rất mệt mà vẫn bất an. Chỉ cần không đủ am hiểu về một mặt thiết yếu từ y tế, giáo dục, khai thuế, xin giấy tờ, quan hệ với công an phường, gia hạn đăng ký xe thậm chí đến cả móc cống, diệt gián, tắc nhà xí, xây nhà, sơn tường... là rầy rà ngay. Một hệ thống tổ chức như vậy hoàn toàn không có kiến trúc, rất thiếu hiệu quả,  tốn kém overhead, vì vậy chúng ta nghèo là đương nhiên.

2. Chẳng hạn, chúng ta có ngành y tế, bác sĩ có thể giỏi, nhưng khu vực y tế chưa tổ chức thành dịch vụ y tế thực sự. Bằng chứng là người bệnh luôn phải biết về bệnh của mình. Nhiều khi có bệnh, chúng ta hỏi bệnh nhân về bệnh đó sẽ được thông tin đáng tin hơn hỏi thầy thuốc. Cho dù, chúng ta tìm được thầy thuốc giỏi, chúng ta vẫn phải quan hệ với y tá, người phục vụ, nơi mua thuốc thang, các bộ phận khác như chụp, xét nghiệm,... chỉ một khâu không kiểm soát là cái sảy nẩy cái ung. Thí dụ như cậu em cọc chèo của tôi, đi khám bác sĩ, cũng có người quen giới thiệu hẳn hoi. Bị phán là ung thư, uống hàng vốc thuốc hàng tháng trời, người cứ lả đi, bắt chuồn chuồn. Một ngày đẹp trời đến kỳ kiểm tra thường xuyên, anh bác sĩ điều trị bị ốm, ông bác sĩ khác thay nói "Bậy, cậu có bị gì đâu". Thế là bỏ hết thuốc đang uống, uống 2-3 ngày loại thuốc mới, lại khỏe như vâm. Thế thì biết tin ai. Cũng trong gia đình, cô em vợ tôi bị bác sĩ phán là sẽ nhũn não trong vòng 3 tháng, khóc như mưa gió, đến nay gần 20 năm không thấy gì. Một dịch vụ chỉ thực sự là dịch vụ, nếu được chuẩn hóa, người dùng có thể tin tưởng, không cần đi sâu vào các chi tiết, mà chỉ cần quan tâm đến giao diện đầu vào và đầu ra. Dịch vụ phải được chuẩn hóa, đảm bảo sẵn sàng, dễ tìm kiếm và được đăng ký với hệ thống, đảm bảo minh bạch. Minh bạch sẽ dễ nâng cấp về chất lượng.

3. Con em chúng ta đi học. Nếu giáo dục là dịch vụ tốt, chúng ta không cần biết đến thầy cô từng môn, bác gác trường, thầy hiệu trưởng là ai. Cùng lắm chúng ta biết đến giáo viên chủ nhiệm, nhưng chủ yếu là sổ học bạ. Đằng này chúng ta phải biết rõ mọi chi tiết về nhà trường, tự lo học thêm, quản lý con cái cả trên đường về nhà. Nếu không, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy con mình sẽ bị ai đó lượm mất. Chúng ta còn phải biết trẻ học thế nào, thi môn gì, để quản chặt con cái, biến chúng thành những mẫu hình theo chủ quan của chúng ta. Mọi sự phát triển tự do, vượt khung sẽ kèm theo hiểm họa khôn lường. Chúng ta phải đánh đổi tính sáng tạo, tâm hồn, sự hào hiệp, cá tính lấy sự ổn định, an toàn. Như vậy đâu có phải là kiến trúc hướng dịch vụ.

4. Nếu nhà của bạn cống, bồn cầu tắc, bạn có thể gọi các công ty "dịch vụ". Họ sẽ cử các kỹ thuật viên tới. Bạn sẽ phải không ngừng la hét, chổng mông chui vào gầm nhà, chúi mũi vào bồn cầu, cống thối để chỉ đạo, kiểm tra kiểm soát, hướng dẫn, thậm chí phải tham gia vào công việc mà bạn không hiểu một chút gì. Bạn mà dám giao phó cho họ, chắc chắn bạn sẽ phải hối hận, vì sẽ có những sự cố có khi còn trầm trọng hơn vấn đề của bạn. Không chỉ là bạn, chính tôi, bạn bè của tôi, anh em của tôi, hàng xóm của tôi và những người tôi biết đều vậy. Cái gọi là Kỹ thuật viên chỉ có giá trị ngang chiếc găng tay để bạn khỏi phải trực tiếp mó tay vào bẩn thỉu hôi thối. Bạn phải hướng dẫn họ, tháo chỗ nọ, lắp chỗ kia, chọc chỗ kia nữa. Đó có phải là dịch vụ không? Xin thưa không hề. Lý do ở đâu. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta chưa được kiến trúc theo hướng dịch vụ.

5. Một lần tôi là chủ đầu tư một dự án tư vấn nhỏ. Dĩ nhiên, tư vấn dự án là nghề của tôi, nhưng chỉ có những chủ đầu tư dại dột, thiếu kinh nghiệm không biết sợ cái luật pháp thất thường của Việt Nam mới tự làm tư vấn cho mình. Tôi dù sao cũng được bạn bè anh em tư vấn, bèn gọi một công ty có tiếng, có thể nói hàng đầu trong lĩnh vực CNTT. Khi kick-off thì cả Phó Tổng, Chủ tịch sang cùng với một bộ sậu, sang chém gió nghe rất hãi, rất tin. Nếu họ không làm thì chắc chẳng ai làm được. Ấy thế mà khi ký xong hợp đồng, họ cử một đội, cầm đầu bởi một cô bé PM hoàn toàn không biết gì về CNTT. Có hỏi cũng chẳng biết được gì, thành thử chúng tôi phải chạy theo từng người trong đội, cho đến khi kết luận, họ không thể làm được. Chúng tôi bèn xin dự án về để các chuyên viên tự làm, với một giá rẻ mạt, tượng trưng. Chúng tôi vừa làm vừa nghiệm thu cơ sở, bảo vệ với cấp trên. Cơ quan của chúng tôi thì thẳng tay thu tiền vì nghe nói chúng tôi tự thực hiện, chắc ăn hết kinh phí. Cuối cùng là công sức của chúng tôi bị ăn chặn cả hai đầu. Công lý ở đâu? Đó chính là vì không có kiến trúc hướng dịch vụ.

6. Nhân tiện kể chuyện Tam Quốc: Thời đó quần hùng nổi lên như ong, nếu sống ở thời đó, nếu phải đặt cược có thể chọn sứ quân nào. Tập đoàn Lã Bố, Mã Siêu, chủ tướng đều võ nghệ siêu quần, đánh đâu được đó. Nhưng tiên phong, chém tướng phá thành, bày mưu tính kế, chỉ huy chiến dịch, làm chủ tướng cũng chỉ một người đó. Đó là tổ chức không theo SOA. Chủ tướng đi đâu các tướng cũng xúm xít đi theo mà như thừa, chẳng làm gì. Chủ tướng mà cũng hùng hục đánh nhau, mồ hôi mô kê nhễ nhại, đánh vật với mấy thằng cơ bắp vô danh tiểu tốt. Để chủ tướng địch ngồi mát, có thị tỳ bóp chân, nghĩ ra kế sai mấy thằng tướng khác lẻn qua sông cướp lương. Đó mới là SOA.

7.  Ở Việt Nam, vì vậy, chưa vội nghe người ta nói SOA cũng hô theo. Các hệ thống hiện nay của IBM, Oracle, HP, MS,.... đều đã có sẵn SOA, nhưng hệ số sử dụng chắc chắn cũng như các thiết bị, hệ thống phần mềm khác, khoảng 20% đã là cao.  Trước tiên phải, tập xây dựng các dịch vụ và chuẩn hóa chúng đã, đến một mức độ nhất định mới có thể sắp xếp vào kiến trúc hướng dịch vụ SOA.

8. Dịch vụ phải chuẩn hóa, có giao diện, trong suốt, không phải chọc vào phần implementation, chất lượng phải được kiểm thử, khi có yêu cầu thay đổi phải đảm bảo hoạt động liên tục. Thời gian nâng cấp, sửa lỗi phải nhanh nhất, vì đã được tổ chức thành các module, như các lô cốt,  nếu có tác chiến trong một lô cốt thì không thể lan rộng sang các lô cốt khác. Như thế dịch vụ có thể cung cấp, sử dụng lại được cho nhiều ứng dụng khác nhau. Đó chính là tiêu chuẩn của dịch vụ, trước khi triển khai SOA.


Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Chuyện phiếm về các dấu trong văn viết

     Các dấu trong văn viết biểu thị tình cảm, hình thái, văn cảnh, điều chỉnh mạch văn, sắp xếp ý cho có ngăn nắp, tránh hiểu lầm,... vốn không phải là phát minh của văn minh châu Á, Hoa Hạ và cố nhiên càng không phải là sáng tạo của Việt Nam. Nói cho cùng, nếu không sử dụng bộ chữ La Tinh, vốn phát minh ra ở Âu Châu, thì có khi chưa có Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu thuyết Thứ Bảy, văn học cách mạng,... Có thể nhân tiện kể luôn cả văn học phản động vào đây, vì vốn ngôn ngữ chẳng có lập trường. Có chăng là những cuốn tiểu thuyết với giọng như tuồng cải lương với những "thế ru", "há chẳng",...
    Cho đến nay đọc văn Tàu mới thấy, họ dùng các dấu trong câu rất kém, kém xa người Việt, chất lượng tồi, dùng không chuẩn xác, câu thì dài lê thê, với các mệnh đề chẳng ăn nhập gì với nhau, luộm thuộm chẳng khác một mụ già hàng cá lắm điều ngồi kể lể từ chuyện cá mú ươn sang chuyện con mèo hàng xóm sang ăn vụng nồi cá kho nhà mình. Âu cũng là cái hiếm hoi chúng ta có thể tự hào, biết đâu lại là lối ra mà chúng ta có thể nhanh chân bứt hẳn khỏi anh láng giềng cú đỉn khó chịu. Không phải là tất cả, nhưng đại đa số các ưu thế hiếm hoi của chúng ta với anh láng giềng này đều có xuất phát từ trời Tây.
     Trước khi cao đàm khoát luận về những vấn đề "vu khoát" mà đa phần đều dẫn về một điểm bế tắc chung, chúng ta hãy trở lại chủ đề chính, là chuyện sử dụng những dấu trong văn viết. Điều kỳ lạ là không ai để ý tới việc sử dụng các con dấu, ngay cả trong nhà trường cũng chẳng biết năm nào khi nào thì người ta dạy cách dùng dấu. Tôi dám đánh cuộc là chẳng có sách vở nào nói đầy đủ về quy tắc sử dụng các dấu như chấm, phảy, xuống dòng, chấm phảy, chấm than, chấm hỏi, ngoặc đơn, ngoặc kép,... Rồi chúng ta phê phán, sửa lỗi, dạy bảo nhau, cũng chẳng dựa trên quy chuẩn nào. Hoàn toàn kinh nghiệm và cảm tính.  Có một giáo sư Việt Kiều khá nổi tiếng, thành danh về chuyên môn xong xuôi khi còn trẻ, nên anh bỏ thời gian đáng kể để dạy dỗ lớp trẻ, phê phán lớp già người Việt về viết văn. Nhưng có lần anh sử dụng dấu phảy sai một cách có hệ thống, tôi góp ý (theo yêu cầu của anh), thì anh ta tự ái đến mức phản ứng, và khi tôi giải thích rõ anh chẳng buồn cảm ơn một câu cho lịch sự. Chuyện chữ nghĩa ở ta còn ở mức phân định theo cảm tính, mà đã cảm tính thì đi liền với tự ái, chầy cối, có khi thù hằn, chiến tranh, tìm cách hủy diệt nhau như chơi.
    Có người bảo dùng các dấu dễ, chẳng cần học: Này nhé, dấu chấm dùng để ngắt câu. Câu là phức hợp là gồm các mệnh đề có liên quan chặt chẽ với nhau. Ấy thế mà dịch các câu tiếng Việt ra tiếng Anh, kể cả các đề tài chính trị, văn chương hay khoa học rất nhiều khi phải dịch một câu thành ba bốn câu mới đúng quy định hành văn tiếng Anh. Thuở tôi mới về Việt Nam, cũng mấy lần được vinh hạnh viết diễn văn cho lãnh đạo. Các câu văn của tôi thường ngắn gọn, ít tán thán, thường bị chê là văn Tây. Sau đó được khen có tiến bộ với một cải tiến nhỏ, cố gắng đừng chấm câu 2,3 lần trước khi chấm một câu, thế là rõ văn Việt. Đơn giản, cứ như tụt giày Tây đi dép lê, kéo áo sơ mi ra ngoài quần, xắn ống tay quá khuỷu, xỉa răng toành toạch... là hòa đồng với văn hóa Việt.
     Đọc văn Tàu mới thấy, bản năng hướng Hoa của người Việt ta nó mạnh đến mức thành bản năng ở cả chi tiết nhỏ, đến nỗi ngẫu nhiên đi nhanh hơn được có chút lợi thế cũng phải đi chậm lại, vứt bỏ lợi thế để hướng về phía anh bạn láng giềng. Có lẽ cũng nên làm một nghiên cứu nhỏ thống kê về các câu dài lê thê trong tiếng Việt, tiếng Tàu để so sánh với cách viết tiếng Anh.
    Bạn có thể nói tôi là đang làm to chuyện, có mỗi chuyện dấu chấm. Tôi có thể bảo đảm là việc dùng dấu phảy cũng có vấn đề, đặc biệt sử dụng dấu xuống dòng là một xa xỉ phẩm. Nếu nhìn vào văn bản, có thể đánh giá, ít nhất 95% sinh viên, học sinh, trí thức có bằng cấp học vị, không biết sử dụng dấu xuống dòng để làm gì. Đơn giản, thích xuống thì xuống, nhiều khi chỉ vì lý do mỹ thuật.
     Sử dụng dấu phảy, dấu chấm và dấu xuống dòng sai không đơn thuần là vấn đề chính tả mà là vấn đề tư duy. Sử dụng sai lâu ngày, tư duy cũng bắt đầu luộm thuộm, sai hàng lối, nghĩ nói như người Tàu mà không hay.
      Một vấn đề tinh tế hơn, không đến nỗi khẩn cấp, nhưng lấy ra làm ví dụ: Bạn hãy thử hỏi 100 người xem: khi dấu ngoặc kép và dấu chấm câu đứng liền nhau thì dấu nào để trước. Tôi thực sự lấy làm mừng cho tương lai của tiếng Việt, nếu có 10 người chắc chắn được là nên làm thế nào. Chỉ mười phút trước khi viết những dòng này, tôi vừa phát hiện một anh bạn thân, một đại trí thức, biết vài thứ tiếng, chuyên nghề chữ nghĩa, sử dụng sai một cách có hệ thống. Đó không phải là vấn đề "anh sai tôi đúng". Sai sót là chuyện thường, ắt tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng khi các đại trí thức đều sai, thì lỗi không phải tại họ mà là lỗi của một cộng đồng, không có chuẩn mực không có hệ thống giá trị
     Một dân tộc, một tầng lớp trí thức không hình thành được hệ thống chuẩn mực từ cái nhỏ, đến tiêu chuẩn đánh giá đúng sai, xấu đẹp, dân tộc đó sẽ còn bất hạnh, tầng lớp trí thức đó nên tập trung về việc bón ruộng. Vì trí thức không đoàn kết sẽ bị người có quyền, có tiền chia rẽ lợi dụng sai kiến mua rẻ. Dân tộc sẽ chia lìa, không có giềng mối, ắt sinh ra bọn Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân, Trần Quốc Kiệt.
      Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là không có chuẩn. Căn cứ vào đâu mà nói đúng nói sai. Có lẽ đến đây phải nhớ lại là các dấu văn bản là do người Âu nghĩ ra. Khi trò bí không gì bằng hỏi thầy, trừ phi chúng ta quyết tâm không làm những việc do thầy dậy, quay lại với thẻ tre và những kiệt tác không hề ngắt câu, để các thế hệ học giả còn có việc "không đàm", trốn việc cầm lấy mỏ hàn, bàn phím để khỏi làm ra sản phẩm hữu hình, mà vẫn được danh vọng cao siêu.
      Quy tắc ở Châu Âu rất đơn giản, gần như nhất quán: Nếu trong dấu ngoặc kép là một hoặc nhiều câu trọn vẹn, thường là một đoạn trích dẫn, dấu chấm câu sẽ luôn luôn đi trước dấu ngoặc kép. Nếu trong ngoặc chỉ là một từ, đoạn câu hoặc ý "nháy nháy" đứng ở cuối câu, dấu chấm sẽ đứng sau dấu ngoặc kép. Tất nhiên quy ước này dựa trên lý luận và cách tư duy cẩn thận. Để đạt được cách tư duy, hiểu được lý luận là một chuyện khó, dài dòng, nhiều khi lại bị quy là "viển vông" hay "không đàm ngộ quốc". Đơn giản nhất là cứ quy ước.
        Nhân đây có một câu hỏi, có thể làm nhiều người nổi quạu (Mời ra hàng cam mua vài quả về bóp chơi, tôi xin thu mua vỏ nguyên trái): Giới ngôn ngữ nghiên cứu những gì suốt mấy chục năm nay mà không có ai quan tâm đến những vấn đề quan trọng và đơn giản như vậy?
        Trộm nghĩ, giới ngôn ngữ học không phải là ngoại lệ, nên ắt cũng mắc căn bệnh chung của giới học giả Việt Nam, một giới học giả có nhiều nét giống nhà cầm quyền hơn là trí thức. "Cao thì chê là viển vông, gần thực tế thì chê là ti tiện tầm thường, sai thì bắt lỗi vụn vặt, nói đúng thì dùng, nhưng trong bụng đã ngầm ghen ghét bỏ rơi". Các bạn nghĩ câu nói này vốn nói về ai, có giống đa số học giả của ta không? Đó là viết lại ý của Hàn Phi nói về Tần Thủy Hoàng đấy. Ngạc nhiên chưa? Riêng điểm đó đã có thể thấy vì sao, trí thức của ta luôn luôn sợ làm việc cụ thể, thực tế, chỉ thích tham gia hội đồng chém gió, hay nói xấu sau lưng những người có thành quả cụ thể, dựa trên việc ăn mày dĩ vãng.
      Giới ngôn ngữ học lại còn có một việc nữa khá bận rộn, vì vấn đề không đơn giản vớ vẩn như hai nhân hai là bốn, vì vậy cứ một ông A có một thành tựu khoa học lùm lùm cao hơn mắt cá, sẽ có một ông đến đào ao bên cạnh. Có lẽ đây cũng không phải là vấn đề gì lớn vì nó quá nhiều vấn đề lặt vặt nói không hết, nói cũng chẳng để làm gì, và chúng sẽ còn mọc như cỏ mùa xuân, nếu chúng ta không tìm đến tận nguồn nước.
       Tôi ngạc nhiên khi thấy giới ngôn ngữ của ta, ứng dụng chẳng có mấy thành tựu, cũng chưa hề nghe tên tuổi trường phái nào được nhắc nhở, trích dẫn trên trường quốc tế, nhưng làm tinh những vấn đề lớn lao to tát. Nào đả phá Chomsky, nào lật nhào toàn bộ nền tảng ngữ pháp phương Tây, nào khoa học nâng cao tinh thần yêu nước độc lập dân tộc, đưa ra cách tiếp cận mới như Cô péc níc,... Khoa học tự nhiên cũng có những cách làm khoa học như vậy, thường chẳng đi đến đâu, đa số là do thất học và lười biếng, đôi khi ghen tỵ, hiếu danh hão mà không muốn khổ công. Họ hay bám lấy những lập luận chẳng liên quan gì đến khoa học, nên được gọi chung là "broken pot science" (Khoa học Niêu mẻ).
        Cũng phải nói, Khoa học Niêu mẻ, gắn liền với các nhà học phiệt, xa rời thực tế, chuyên nói chuyện "không đàm", nhưng gặp vấn đề thực tế là lập tức thoái lui, đóng vai trò phản biện, giống như ký sinh trùng. Thực ra, giống mèo mù cáo thọt, tồn tại dựa vào nhau. Chính vì thế, những vấn đề đơn giản, cấp bách ở ta, hàng chục không có ai làm, hoặc giả có những người muốn làm sẽ có cả một đội ngũ hùng hậu hơn, lớn tiếng hơn bàn lùi, ngăn cản. Cuối cùng, như hệ quả tất yếu, lại nảy sinh những việc làm bừa, theo cảm tính kinh nghiệm, để rồi khi thất bại, dậu đổ bìm leo, lại chính những kẻ cổ súy to mồm nhất "làm đi nhưng để tôi" xông ra phản biện. 

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Bình Tam Quốc: Ngụy Diên

Ngụy Diên, theo La Quán Trung tả, mặt đỏ, như táo chắp (giống Quan Vũ). Về tướng mạo mà nói phải là trung thần. Tuy nhiên, La Quán Trung kể là khi Ngụy Diên mới theo về, Gia Cát Lượng đã muốn lôi ra chém vì có phản cốt sau gáy, may mà Lưu Bị can mới thoát chết.
Trong toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Diên là người bị bôi bẩn, chê bai nhiều nhất. Đánh trận toàn thua, khi nào có võ công như chém tướng vô địch của Ngụy thì là do Gia Cát Lượng sắp đặt.
Tuy nhiên, La Quán Trung vẫn ghi lại việc Ngụy Diên hiến kế cho Gia Cát Lượng đi tắt qua hang Tý Ngọ vào lấy Trường An, được nhiều nhà quân sự và chính trị đời sau đánh giá là có tầm chiến lược cao (trong số đó có Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm). Trong chiến dịch Nhai Đình, chính Ngụy Diên đã can Mã Tốc và có biện pháp dự phòng mới tránh cho quân Thục bị thua nặng nề hơn.
Việc Ngụy Diên làm phản sau khi Gia Cát Lượng chết, cũng là việc bịa đặt vu khống của Dương Nghi, tay chân của Gia Cát Lượng, được Tưởng Uyển, Đổng Doãn là người của Gia Cát Lượng sắp đặt bên cạnh Hậu chủ ủng hộ. Khi đó trong quân đội, Ngụy Diên là người có danh tiếng và chức vị cao nhất, Tiền Quân Sư, Chinh Tây Đại Tướng Quân, giả tiết, Nam Trịnh Hầu. Chức Tiền Quân Sư, chứng tỏ Ngụy Diên không chỉ có nhiệm vụ chém giết như La Quán Trung mô tả mà còn là người bày mưu tính kế. Ngụy Diên chắc chắn không có ý làm phản, vì khi có cơ hội ông không chạy sang đầu hàng Tư Mã Ý, khi thất thế ông vẫn chạy về hướng Nam để bị giết.
Thời Lưu Bị còn sống, đánh giá rất cao Ngụy Diên. Sau khi lấy Hán Trung cần một đại tướng để trấn thủ, chống Tào Tháo, vai trò còn quan trọng hơn Kinh Châu. Đa số các tướng và các quan đều cho là Trương Phi sẽ được đề cử. Cuối cùng người được chọn lại là Ngụy Diên, chứng tỏ Lưu Bị đánh giá cao Ngụy Diên hơn cả Trương Phi về tài năng.
Có người cho rằng, Gia Cát Lượng cố ý dùng Dương Nghi, Tưởng Uyển, Đổng Doãn để chế ngự Ngụy Diên. Dù thế nào đi nữa Gia Cát Lượng vẫn phải chịu trách nhiệm về cái chết bi thảm của Ngụy Diên, là tướng tài nhất của Thục thời bấy giờ. Dùng người như vậy, sao có thể thắng lợi.
Cho dù bưng bít bóp méo sự thật thế nào, Ngụy Diên chỉ là nạn nhân của một tính xấu trong giới lãnh đạo là ghen ghét nhân tài.
Sau đây tôi xin đăng lại bản dịch Truyện Ngụy Diên trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ

TRUYỆN NGỤY DIÊN
Nguỵ Diên tự Văn Trường, người ở Nghĩa Dương. Từng làm bộ tướng đã theo Tiên chủ vào Thục, lập nhiều chiến công, được thăng làm Nha môn tướng. Khi Tiên chủ xưng làm Hán Trung Vương, đóng dinh ở Thành Đô. Lúc bấy giờ cần một tướng giỏi trấn giữ Hán Xuyên, mọi người đều bàn luận cho rằng tất sẽ là Trương Phi, Phi cũng nghĩ như vậy. Tiên chủ lại đề bạt Diên làm đô đốc Hán Trung, tước Trấn Viễn tướng quân, Hán Trung thái thú, mọi người đều kinh ngạc. Tiên chủ họp quần thần, hỏi Diên rằng: “Nay uỷ thác cho khanh giữ trọng trách này, khanh cảm thấy thế nào?” Diên đáp rằng: “Nếu Tào Tháo cử quân thiên hạ đến, thần sẽ vì đại vương mà kháng cự; nếu cử một viên thượng tướng dẫn 10 vạn quân đến, thần sẽ vì đại vương mà nuốt gọn” Tiên chủ khen hay, mọi người đều cho rằng lời ấy là hùng tráng. Tiên chủ xưng đế hiệu, tiến cử Diên làm Trấn Bắc tướng quân. Năm Kiến Hưng nguyên niên, Diên được phong làm Đô đình hầu. Năm Kiến Hưng thứ năm, Gia Cát Lượng đóng quân ở Hán Trung, đổi Diên làm đô đốc quân tiên phong, lĩnh chức tư mã, Lương châu thứ sử. Năm Hiến Hưng thứ tám, sai Diên đi về phía Tây vào sâu xứ Khương, Hậu tướng quân nhà Nguỵ là Phí Dao (Diệu) cùng Ung châu thứ sử Quách Hoài cùng với Diên đại chiến ở Dương Khê, Diên đại phá Quách Hoài, được bổ thêm chức tiền quân sư Chinh tây đại tướng quân, được thêm tước Nam Trịnh hầu.
Diên thường theo Lượng ra quân, muốn xin riêng một vạn tinh binh, men theo đường để hẻm hội quân (với Lượng) ở Đồng Quan, như việc năm xưa của Hàn Tín, Lượng nhất định không cho, Diên vẫn thường nói Lượng nhút nhát, than thở rằng tài của mình chẳng được dùng hết”. [Nguỵ lược viết rằng: Hạ Hầu Mậu làm An Tây tướng quân, giữ ở Tràng An, Lượng ở Nam Trịnh cùng các tướng bàn định kế sách, Diên nói rằng: “Nghe nói Hạ Hầu Mậu còn ít tuổi, là con rể của chủ, hèn nhát mà vô mưu. Nay cấp cho tôi 5.000 tinh binh, 5.000 quân tải lương, tôi thẳng theo lối Bao Trung tiến ra, men theo Tần Lĩnh nhằm hướng Đông mà đến, lại theo hướng Tý Ngọ mà tiến về Bắc, bất quá chỉ 10 ngày có thể đến được Tràng An. Mậu thấy Diên tôi đến bất ngờ tất gióng ngựa bơi thuyền bỏ chạy. Như thế trong thành Tràng An chỉ còn bọn ngự sử, kinh triệu, thái thủ coi giữ, ở Hoành môn, Đề các dân tất chạy náo loạn, ắt ta chiếm được hết cả lương thực vậy. Địch quân từ phía Đông tiến lại cũng phải mất 20 ngày, khi ấy tướng quân đã theo lối Tà Cốc mà đến, tất cũng kịp vậy. Như thế, chỉ một lần vọng động mà từ Hàm Dương về phía Tây có thể định được vậy”. Lượng lo rằng kế ấy nguy hiểm, chẳng bằng cứ yên ổn theo đường thẳng mà tiến, có thể lấy Lũng Hữu, thập toàn có thể khắc địch mà chẳng phải lo lắng gì, bởi thế không dùng kế của Diên.] Diên khéo dưỡng sĩ tốt, dũng mãnh hơn người, lại có tính kiêu căng, lúc bấy giờ người dưới đều có ý kiêng dè. Chỉ có Dương Nghi không theo ý của Diên, Diên rất lấy làm tức giận, hai người ấy thường như nước với lửa. Năm Kiến Hưng thứ 12, Lượng xuất quân theo lối Tà Cốc, lấy Diên làm tiên phong. Diên ở cách xa quân doanh của Lượng chừng 20 dặm, Diên mộng thấy trên đầu mọc sừng, nhân thế mới hỏi quan chiêm bốc là Triệu Trực, Trực nói dối Diên rằng: “Giống Kỳ Lân trên đầu cũng có sừng mà đại dụng, ấy là điềm chẳng cần phải đánh mà giặc tự tan vậy.” Rồi cáo lui về nói với người khác rằng: “Chữ Giốc chiết tự, là dùng ở dưới đao, trên đầu có đao, ấy là điềm rất dữ.”
Mùa thu, Lượng bị bệnh nặng, bí mật cùng Trưởng sử Dương Nghi, Tư mã Phí Vỹ, Hộ quân Khương Duy rằng sau khi mình chết sẽ lui quân, sai Nguỵ Diên đoạn hậu, tiếp nữa là Khương Duy, nhược bằng Diên không vâng mệnh, cứ tự dẫn quân rút về. Lúc Lượng mới mất, các tướng bí mật không phát tang, Nghi lệnh cho Phí Vĩ tới thăm dò ý tứ Diên. Diên nói: “Thừa tướng tuy mất đi, nhưng ta vẫn còn đây. Vậy chỉ nên phái phủ quan lo việc tang lễ đưa thi thể thừa tướng về chôn cất, ta sẽ thống suất ba quân đánh giặc, hà cớ gì vì một người chết đi mà phải phế bỏ việc lớn thiên hạ nhỉ? Vả lại Diên ta là người thế nào, sao có thể chịu sự chỉ huy của Dương Nghi, để nhận việc đi đoạn hậu như vậy sao!” Thế rồi cùng với Vỹ bàn chuyện theo về hay ở lại, sai Vỹ viết thư cùng với mình ký tên, thông báo với chư tướng. Vỹ nói dối Diên rằng: “Bây giờ tôi trở về nói lại với Dương Trưởng sử, Trưởng sử nghe thấy như thế, vốn ít trải việc quân, ắt chẳng theo mệnh trước nữa vậy.” Lúc Vỹ ra khỏi cửa vội vã ruổi ngựa trở về, Diên mới hối hận, đuổi theo thì đã không kịp.
Diên sai người dò xét bọn Nghi, thấy mọi người vẫn theo mệnh trước của Lượng, các tướng trong doanh lần lượt dẫn quân trở về. Diên giận lắm, thấy Nghi mới đi chưa xa, mới khinh suất đốc quân theo lối tắt trở về Nam Cốc trước, đóng quân chẹn đường đốt sạn đạo. Cả Diên và Nghi đều cùng dâng biểu kể tội phản nghịch của nhau, trong vòng một ngày, biểu văn khẩn cấp đưa về liên tiếp. Hậu chủ đem việc ấy hỏi Thị trung Đổng Doãn, Lưu phủ Trưởng sử Tưởng Uyển, Uyển-Doãn đều bảo đảm cho Nghi mà ngờ vực Diên.
Bọn Dương Nghi phạt cây thông đường sạn đạo, hành quân đêm ngày, theo sau Diên. Diên đến trước, đóng ở Nam Cốc khẩu, phái binh đón đánh bọn Nghi, Nghi bèn lệnh cho Hà (Vương) Bình đến trước trận đánh Diên. Bình tiến lên mắng Diên rằng: “Thừa tướng mới mất, thi thể còn chưa lạnh, bọn ngươi sao dám như vậy?” Binh sỹ của Diên nghe thấy biết lỗi đều ở Diên, chẳng ai theo mệnh nữa, quân sỹ đều tan đi cả. Diên bị cô lập mới dẫn con cái cùng mấy kẻ tay chân đào tẩu, chạy vào Hán Trung. Nghi sai Mã Đại đuổi theo chém được, đem thủ cấp dâng cho Nghi, Nghi đạp chân lên đầu Diên mắng: “Đồ nô tài, ngươi còn làm ác được nữa chăng?”. Lại muốn giết cả ba họ nhà Diên.
Khi trước, Tưởng Uyển dẫn quân túc vệ đi nhanh về Bắc tới doanh quân, còn cách hơn 20 dặm, hỏi thăm thì biết Diên đã chết, bèn lui về. Nguyên ý Diên chẳng phải về Bắc hàng Nguỵ mà lại chạy về Nam, chỉ những muốn giết bọn Nghi mà thôi. Bình nhật Diên cùng chư tướng vốn có bất đồng, đương thời bàn luận rằng Diên tất là người thay Lượng. Việc vốn chỉ có như thế, chẳng phải là làm phản vậy.
[Nguỵ lược viết: Gia Cát Lượng bị bệnh, bảo bọn Diên rằng: “Sau khi ta chết, phải hết sức thận trọng, chớ có như thế nữa”. Lại sai Diên thay mình điều hành mọi việc, bí mật làm lễ tang và lui về. Diên nhân thế bèn giấu việc ấy, lui binh về đến Bao khẩu mới phát tang. Trưởng sử Dương Nghi với Diên vốn bất hoà, thấy Diên nắm quyền quân sự, sợ bị hại, bèn nói phao lên rằng Diên muốn dẫn quân theo về phương Bắc, nhân đó dẫn quân đánh Diên. Diên vốn không có bụng dạ ấy, không đánh mà dẫn quân bỏ chạy, bị quân đuổi theo giết chết.]

Kỹ thuật đóng lọ hoa quả để giúp nông dân Thoát Hoa

Mấy hôm nay nghe dồn dập các tin nông sản bị ế nào xoài, chanh, hành, thấy đần cả người. Lại thấy trên đường bán đầy vải và các thứ trái cây khác. Nghe nói một kg vải tại vườn chỉ khoảng 3-5K mà không có người đến mua. Nông dân thồ 100kg vải ra đến Hà Nội chỉ mang về 1M đã thấy mừng. Thật xót xa. Lại thấy một ông nguyên TGĐ một công ty công nghệ lớn của Việt Nam tỏ ra xót xa cho nông dân nên khuyên ăn thật nhiều xoài, thịt bò xào hành và phở vắt nhiều chanh để chứng tỏ yêu nước nhiều. Thực ra yêu nước trong nhiều trường hợp chỉ là "có" hay "không" rất khó đo nhiều ít. Người có một đồng trong túi cho cả một đồng không thể nói "yêu" nhiều hay ít hơn một ông triệu phú xỉa ra 100 đồng.
Tôi nhớ năm 2007, bay từ Bắc Kinh về Quảng Châu, thấy có bán "lệ chi" (vải) của Trung Quốc mua 5 lạng giá khoảng 15 USD, ăn thấy chua loét, không thơm. Năm 2008, xách sang Hàn Quốc gần 5kg vải   cho các đàn em ở Bộ 4T đang du học ở SNU, gọi cả các bạn Hàn Quốc cùng ăn. Họ chưa hề ăn vải bao giờ, không biết leichi là gì, vừa ăn vừa xuýt xoa khen loại quả ngon nhất trên đời. Vải quả thực là một thứ quả trân quý có danh tiếng. Mấy năm nay thấy xuống giá, thấy thật đau lòng. Người Trung Quốc còn có giai thoại rằng Dương Quý Phi thích ăn vải. Vải đưa từ Giang Nam lên bằng ngựa trạm, các đại thần mỗi người chỉ được một trái, còn lại vua đều để dành cho mỹ nhân.
Giá có cách gì bảo quản, chế biến và quảng bá việc mua vải cũng như các loại rau cây Việt Nam cho thế giới. Như thế mới là yêu nước thực sự, chứ không phải chỉ chém gió cho đỡ áy náy. Bán đi chút ít cổ phiếu thì có mà làm được khối thứ.
Trước hết, nói về vải. Người Việt mình hay chế biến vải khô. Tuy nhiên, vải khi khô, vị ngọt sắc, không thơm, hoàn toàn là một thứ thực phẩm khác. Có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thì được, dùng như một trái cây khó mà có thị trường. Tôi nghĩ về việc người Âu Châu ngày xưa, họ bảo quản táo, lê bằng cách phun lên vỏ trái cây một chất gì đó để giữ được rất lâu, thậm chí quanh năm đều có thể có táo tươi. Các nhà khoa học Việt nam có thể nghiên cứu chế một chất gì đó xịt lên vỏ để có thể giữ trái vải tươi lâu.
Vải nóng nên dùng vài trái rất ngon, nhưng phải ăn dồn dập hàng ký, e là không hay. Vì vậy phải nghĩ cách đóng hộp để ăn được quanh năm. Ở Âu Châu có món đóng hộp, đóng lọ. Vải hộp, có lẽ không dở, làm cũng không khó gì hơn, lê hộp, mận hộp hay đào hộp. Vấn đề là tuyên truyền quảng cáo xây dựng thương hiệu. Chính vì vải nóng, nên dọn một đĩa dessert vài trái vải hộp ướp đá sẽ rất ngon. Nếu nghiên cứu kỹ để cho vào trong nước vải một vài vị gì đó sẽ có một món hảo hạng. Đóng hộp có lẽ chỉ cần một dây chuyền không đắt tiền. Ông Tổng Giám Đốc nọ chỉ cần bán vài phần nghìn cổ phần sẽ làm được khối thứ. Trước hết chỉ cần nghiên cứu khoảng 5-10 công thức gia vị cho hộp vải đa dạng hơn.
Còn cánh dân thường không có tiền đầu tư, có thể học các cách đóng lọ rau quả cổ truyền của nông dân Âu Châu.
Tôi vừa học được vài cách từ cô bạn có bà nội là nông dân Hungari chính gốc. Món thứ nhất là hoa quả đóng lọ, nông dân Hung hay làm khi đến mùa thu hoạch để dùng quanh năm. Thường thì họ đóng lọ anh đào, đào, lê, mận, phúc bồn tử, dâu,.... Cách làm xem chừng rất đơn giản. Kiếm một ít lọ thủy tinh có nắp xoay, rửa sạch, sấy khô. Xếp trái cây đã rửa sạch, để ráo nước vào lọ thật chặt, rắc đường lên trên và một chút gia vị. Đóng nắp, xoay chặt, rồi để nghiêng kiểm tra xem có còn hở không. Sau đó xếp các lọ vào một nồi lớn, đổ nước vào và đun 30 phút kể từ khi nước sôi. Sau khi bắc ra, ủ các lọ trong vải để giữ nóng càng lâu càng tốt. Khi các lọ nguội, đem bỏ tủ lạnh (ngày xưa người dân chỉ để dưới nhà hầm hoặc góc bếp) là xong. Thí nghiệm với vải tôi nghĩ cho một chút quế, vỏ chanh hay hạt mơ chắc đều ngon.
Đóng chai dưa chuột, ớt, hành, củ cải, bắp cải... cũng đơn giản. Cũng dùng lọ có nắp xoay như trên. Đặt xuống dưới đáy chai một bó thì-là (dill). Kiếm khoai tây già là tốt nhất, gọt vỏ, thái khoanh, xếp một lớp lên trên. Rồi xếp dưa chuột, ớt, bắp cải, hành, củ cải lên trên sau đó lại để một lớp khoai tây già, rồi một lớp thì-là nữa. Sau đó pha nước đun sôi để nguội với muối. Mỗi lít nước, một thìa ăn muối. Đổ nước muối lên trên. Nếu bạn thích ngọt, có thể bỏ thêm chút đường hoặc một số lá cây. Đóng nắp thật chặt, xếp góc nhà để dùng dần, đảm bảo giòn tan, nếu làm đúng cách và dưa chuột tốt (Dưa chuột nhớ cắt bỏ hai đầu) Tôi đặc biệt thích dưa chuột muối, nếu có loại giòn, mỗi tuần có thể làm vài chai. Đặc biệt uống bia với dưa chuột muối thì thú vị hơn hẳn mấy thứ đồ nhậu hiện nay.
Mỗi nhà làm vài chục lọ rau quả là giúp bà con nông dân rất nhiều. Tuy nhiên không hiểu loại bình có nắp xoay hiện nay có dễ kiếm không. Chắc sau này nhiều người dùng sẽ có giá rẻ hơn.

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Bình Tam Quốc: Vì sao Triệu Vân không được phong ngũ hổ tướng

Triệu Vân, về thâm niên, gắn bó, lòng trung thành, công lao và năng lực đều không kém Quan, Trương, Hoàng, Mã và Ngụy Diên. La Quán Trung, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa nói rằng, khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, phong Quan, Trung, Triệu, Mã, Hoàng làm ngũ hổ tướng. Thực ra, chi tiết này hoàn toàn hư cấu. Có thể La Quán Trung muốn lấy lại công bằng cho Triệu Vân. Trần Thọ, khi viết Tam Quốc Chí cũng để Triệu Vân vào cùng một liệt truyện với Quan, Trương, Mã, Hoàng, ý cho rằng công lao, năng lực của Triệu Vân cũng không hề kém.

Sau khi quân Tào đại bại ở Xích Bích, Lưu Bị tranh thủ lấy được một nửa Kinh Châu, tự lĩnh Kinh Châu mục (thứ sử), khi đó Quan Vũ làm Thái Thú Tương Dương, Trương Phi làm Thái Thú Nghi Đô. Triệu Vân, được phong sau một chút làm Thái Thú Quế Dương.  Về chức có thể nói là tương đương, cho dù Quế Dương là quận xa không thể so được với trọng trấn Tương Dương hoặc Nghi Đô. Về quân hàm thì vẫn kém, Triệu Vân là Thiên Tướng Quân (Thiên đây không phải là trời mà nghĩa là được thiên vị), tuy nhiên vẫn là một loại tùy tướng hộ vệ, không phải là tư lệnh một cánh quân. Trong khi đó Quan Vũ là Đãng Khấu Tướng Quân, Trương Phi là Chinh Lỗ Tướng Quân (nghĩa Chinh Lỗ và Đãng Khấu gần tương đương, hàm nghĩa trách nhiệm cầm quân đánh dẹp). Nhưng dù sao, ở giai đoạn đó, Triệu Vân là một trong ba võ tướng quan trọng và có chức cao nhất trong tập đoàn Lưu Bị (được phong hàm Thái Thú, tương đương Tỉnh trưởng, có quyền hành chính).

     Đến khi, Lưu Bị bình định được Ích Châu, phong Triệu Vân làm Dực Tướng Quân (Dực có nghĩa là cánh, bay, chức tướng là một loại tướng chuyên hộ vệ). Quan Vũ đổng sự Kinh Châu (tương đương quyền Thứ Sử), quân hàm là Tiền Tướng Quân, Trương Phi, Mã Siêu là Tả, Hữu Tướng Quân,  đều được ban giả tiết (một thứ ấn tín, biểu tượng cho quyền lực và trọng thị). Hoàng Trung, quân hàm cũng tương đương, không có giả tiết nhưng được phong tước Quan Nội Hầu. Như vậy, Triệu Vân quan chức đã thua kém rất xa, cũng ví như Cục trưởng Cục Bảo vệ với các Bí thư Tỉnh Ủy. Ngụy Diên lúc đó là Thái Thú Hán Trung,  Trấn Viễn Tướng Quân, (tương đương Tư lệnh Quân Khu, Chủ tịch Thành phố trực thuộc Trung Ương). Rõ ràng, Triệu Vân không thể so sánh về quan chức.

Đến khi Lưu Bị lên ngôi Đế, Quan Vũ và Hoàng Trung đều đã mất (chuyện Hoàng Trung theo Lưu Bị đánh Ngô là La Quán Trung hư cấu). Mã Siêu đã là Lương Châu Mục (Thứ Sử, tương đương chư hầu một phương), tức Lai Hương Hầu, quân hàm là Phiêu kỵ Tướng quân. Trương Phi là Xa Kỵ Tướng Quân, Tây Hương Hầu chức là Tư Lệ Hiệu Úy kiêm Tư lệnh Lãng Trung. Phiêu Kỵ và Xa Kỵ đều chỉ đứng dưới Đại Tướng Quân (không phải bao giờ cũng có) cũng như hàm Đại Tướng. Khi đó Ngụy Diên bị giáng chức (không rõ lý do gì) làm Trấn Bắc Tướng Quân (chống Tào), tước Đô Đình Hầu (Đình Hầu là tước dưới tước Hầu). Triệu Vân được thăng làm Trấn Đông Tướng Quân (chống Ngô), tước Vĩnh Xương Đình Hầu. Khi này Triệu và Ngụy chức tước mới ngang hàng.

Sau khi, Gia Cát Lượng bổ nhiệm sai Mã Tốc thất bại trong chiến dịch Nhai Đình (thực ra là Gia Cát Lượng thua, Mã Tốc chỉ là người hứng trách nhiệm), tự cách chức Thừa Tướng (Thủ tướng) thành Đại Tướng Quân (Nguyên Soái) coi việc Thượng Thư Lệnh (Quyền Thủ tướng). Triệu Vân hoàn toàn không có liên quan, cũng bị cách chức thành Trấn Quân Tướng Quân. Khi đó Ngụy Diên đã là Tiền Quân Sư, Chinh Tây Đại Tướng Quân, Nam Trịnh Hầu, có giả tiết, chức danh chỉ thua Gia Cát Lượng. Dĩ nhiên Triệu Vân không thể so sánh.

Về mặt quan chức mà nói, quân hàm và chức vị của Triệu Vân luôn luôn chỉ ở mức như Tổng Cục Trưởng, Trung Tướng. Lý do có năng lực, công lao mà không được lên chức thường là kiêu ngạo, không cẩn thận trong hành vi lời nói, hoặc tham lam, xấu tính, không trung thành. Triệu Vân là người khiêm tốn, chính trực, rất cẩn thận trong hành vi lời nói, trung thành, không thủ lợi.  Vậy thì lý do nào khiến Triệu Vân không được trọng đãi?

Phân tích những nhân vật quan trọng nhất phe Thục để so sánh với Triệu Vân thì thấy ai cũng có khuyết điểm: Quan Vũ thì kiêu ngạo, ngông cuồng, khệnh khạng, thích hư danh; Trương Phi, thì ham rượu, thích gái (đánh Hán Trung, bắt được con gái Hạ Hầu Uyên, lấy luôn làm vợ), nóng tính, vũ phu, đánh đập quân sĩ; Mã Siêu, công tử kênh kiệu, tham vọng; Pháp Chính thì tham lam, cá nhân; Ngụy Diên, kiêu ngạo, cậy tài, hay kể công, nói năng đụng chạm; Gia Cát Lượng, không có tài về quân sự, nhưng hiếu chiến, bao biện, thiên vị bè cánh, trù dập người không vừa ý. Hoàng Trung có khá hơn một chút, nhưng là người nông nổi, tham công; Lý Nghiêm, cậy công, tham ô; Khương Duy, thích phô diễn năng lực kỹ thuật, kém cả về chiến lược quân sự, cả về chính trị.  Các tố chất đó Triệu Vân đều hơn. Về chăm chỉ làm việc, không thu vén tư lợi, Triệu Vân cũng hơn. Thế thì vì sao Triệu Vân không được nhìn nhận và không thành đạt.

Thực ra, việc thăng quan tiến chức, còn một yếu tố nữa, là lãnh đạo thấy ngại tính xấu của mình mà phải phủ dụ. Người như Triệu Vân, chỉ lo làm việc, không một mảy may quan tâm đến đãi ngộ, thì Lưu Bị thấy chưa cần gấp phải phong chức, mà có phong chức thì hắn cũng không coi ra gì thì tội gì mà phong chức. Chỉ cần khen vài câu kiểu "Toàn thân là đảm", "Hổ Oai","Vì mày suýt nữa tao mất một viên đại tướng" là Triệu Vân đã cảm kích, thì việc gì phải đối đãi bằng cách khác. Thậm chí, bị Gia Cát Lượng cách chức oan, rồi khen cho vài câu, cũng thấy sướng. Vì vậy, Triệu Vân cả đời mẫn cán trung thành, việc khó luôn đến tay, vinh quang không được hưởng là cũng dễ hiểu.

Cũng còn may, Triệu Vân cẩn thận lại làm chức bé nên không đến nỗi chết thảm như Ngụy Diên, Bành Dạng hay thân bại danh liệt như Lý Nghiêm. Xem ra cái chết của công thần số loại một như Phượng Hoàng Nhỏ Bàng Thống, cậy tài ăn nói tùy tiện, công cao trùm thời cũng là một nghi án vậy.


Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Luận Tam Quốc - Vua thì phải ở trung quân

      Vua bất đắc dĩ mới phải ra trận.  Vua ra trận thường rủi ro rất cao, Trần Duệ Tông chết trận ở Chiêm Thành, Lajos II, chết trận Mohács, Minh Anh Tông bị bắt toàn quân ở Thổ Mộc Bảo, làm quốc gia suy sụp.
      Chính vì vậy trong đấu tranh chính trị, người thủ lĩnh tối cao luôn phải "chuyển động vào trung tâm" (move to the center). Đó là nguyên tắc bảo vệ an toàn cho hệ thống. Đời Tam Quốc, trước khi cục diện Tam Quốc hình thành. Các sứ quân nổi lên như ong. Sứ quân nào có người lãnh đạo tối cao xông pha trận tiền thường không tốt.
       Lã Bố là một trong các sứ quân mạnh nhất, luôn đi tiên phong trong mọi chiến dịch. Kết quả thất bại thảm thương. Cũng có trường hợp vì không có người, chủ tướng luôn phải dẫn đầu. Nhưng tập đoàn của Lã Bố không thiếu nhân tài. Lã Bố có 8 dũng tướng. Trong đó xuất sắc nhất là Cao Thuận, có thể xem là nhân tài quân sự. Rồi đến Trương Liêu, sau này trở thành đại tướng của Tào Tháo, trấn giữ Hợp Phì, nhiều phen đánh cho Đông Ngô thất điên bát đảo.  6 dũng tướng còn lại tài năng cũng xấp xỉ.
Ngoài ra, Lã Bố còn Trần Cung đa mưu túc trí. Trong các chiến dịch, thường Trần Cung và Cao Thuận giữ nhà hoặc tiếp ứng, Lã Bố tự mình dẫn 7 tướng xông pha trận mạc. Nhọc lòng, phí sức, cuối cùng vẫn thất bại.
      Có thể tổ chức thành 5 cánh quân: Tiền quân Tiên phong Trương Liêu và một dũng tướng. Hậu quân Cao Thuận. Tả quân và Hữu quân 4 dũng tướng. Trung quân Lã Bố, Trần Cung và một dũng tướng. Nếu như vậy, dễ gì Tào Tháo thắng được Lã Bố.
      Một tập đoàn khác là Mã Siêu cũng vậy. Nhìn xu thế đã biết sớm muộn cũng thua. Mặc dù chủ tướng múa may, ẩu đả với các tướng quèn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trong khi chủ tướng bên kia ngồi rung đùi, phe phẩy quạt, gái gú phục vụ, xem các chú đâm chém.
      Các tập đoàn như thế, cho dù chủ tướng có tài thánh cũng rất nhiều rủi ro, bởi vì chỉ cần chủ tướng có vấn đề tài tập đoàn suy sụp.
      Một tập đoàn may mắn hơn là Tôn Kiên, lúc đầu cũng theo mô hình như vậy. Chủ tướng Tôn Kiên rất trâu bò,  bao giờ cũng đi đầu, mang cả 5 dũng tướng túm tụm một chỗ, chém giết ẩu đả. Cuối cùng Tôn Kiên cũng chết trận, tập đoàn lụn bại. Sau này Tôn Sách lên thay thế tuy có khá hơn, nhưng vẫn ham đi tiên phong, nên cũng không khá được. Phải đợi đến Tôn Quyền lên chủ trì, nằm ở trung quân, Đông Ngô mới thịnh vượng.
       Không phải chỉ về chiến trận, người lãnh tụ mới ở trung quân. Tôn Quyền tuy tôn vinh phái chủ chiến như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Chu Thái, Lục Tốn và luôn mắng mỏ mấy tên chủ hòa như Trương Chiêu nhưng thực ra vẫn dùng mấy tên chủ hòa làm chức rất to. Về mặt chính trị như vậy là thông minh, vì mấy tên chủ hòa này sẽ làm đối trọng với phái diều hâu, để vua "chuyển dịch vào trung tâm". Hãy tưởng tượng nếu không có bọn Trương Chiêu, Hoa Hâm,... Tôn Quyền chỉ trọng dụng toàn phái chủ chiến thì chuyện gì sẽ xảy ra. Sẽ chỉ có hai trường hợp: Thứ nhất Tôn Quyền sẽ phải biến thành Lã Bố, để trở thành ngôi sao chủ chiến, luôn phải đi đầu, để rồi thất bại như cha và anh. Thứ hai, sẽ trở thành một cái bung xung để phái chủ chiến kéo đi đâu thì đi, kiểu như vua Hiến đế bị Tào Tháo kéo, hay Ngụy chủ bị Tư Mã Chiêu kéo.
      Câu hỏi đặt ra, là nếu trong tập đoàn của mình không có tướng tiên phong thì làm thế nào. Thực ra nhân tài không bao giờ thiếu, chỉ cần tài bồi, khuyến khích tư tưởng tiên phong, luôn muốn đi trước mình. Nói một cách khác, nếu không có người tiên phong hơn chủ tướng cũng phải sáng tạo ra một người như vậy, bằng cách khuyến khích sự táo bạo.
       Chẳng hạn như chuyện Triệu Xa mang quân chống Tần, quân yếu, không có dũng tướng cùng chia sẻ, nghĩ không ra kế nào, bèn rao trong quân: "Ai có kế chống giặc sẽ tôn làm quân sư". Một tên quân buột miệng nói "tôi làm quân sư được không", nói xong bỏ chạy nói "tôi đùa thôi, thực không có tài cán gì". Triệu Xa đuổi theo, nói "người dám nói vậy, ắt có thể làm quân sư" và tôn làm quân sư. Chia quân làm hai đạo, kết quả đánh thắng quân giặc. Câu chuyện này điển hình ở chỗ, tên quân kia có tài hay không không quan trọng, cần thì đều có thể và phải dựng lên.
    Ngày nay, trong thực tế chính trị như ở Mỹ, các Tổng thống trúng cử bao giờ cũng trọng dụng những người của mình là đương nhiên, nhưng không bao giờ quên đề cử một số người vốn là đối thủ. Người ta cho rằng họ muốn mị dân, lấy lòng phe đối lập. Thực sự, điều đó chỉ đúng một phần, nguyên nhân chủ yếu là họ muốn làm chủ được tình hình đều phải "move to the center", để không thành Lã Bố hay Hiến Đế. Và thực tế, đa số Tổng Thống đều không giữ lời hứa khi tranh cử. Lý do là "Vua thì phải ở trung quân".
     Nói đi cũng phải nói lại về phạm vi áp dụng của quy luật. Quy luật này chỉ áp dụng về lâu dài, trong các tình huống có quy luật ổn định. Cũng có nhiều tình huống khẩn cấp, chủ tướng phải mạo hiểm xông lên, như Napoleon ở cầu Arcole. Nhất là trong các trường hợp có biến động, xu thế của đoàn tàu lịch sử đang vòng gấp ở khúc ngoặt để tiến về một điểm cần bằng mới, nhiều thủ lĩnh cấp tiến, luôn đi đầu trong cái mới, nếu không bám chặt có thể văng ra khỏi đoàn tàu.
     Đã suy nghĩ theo lối cấp tiến sẽ có điểm yếu vì có nguy cơ tự mâu thuẫn với mình. Người cấp tiến khi dao động, phản tỉnh, thu liễm lại trước hết sẽ làm những người ủng hộ mình thất vọng, trái với những người bảo thủ hoặc những người phiêu lưu cực đoan luôn luôn có một nhóm nòng cốt trung thành với mình đến phút cuối.
    Nhận biết thời thế đang ở trạng thái gần điểm ổn định hay đang bắt đầu dịch chuyển đến điểm cân bằng mới, cũng đòi hỏi năng lực tiên kiến "tri thiên mệnh".  Một số ít người biết cũng không mấy ai dám tiết lậu thiên cơ, trời phạt tổn thọ như Quản Lộ. Thời bây giờ phải sửa lại thành "phi thiên đả, tắc nhân đả"



Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Tin Vịt: Phát kiến Việt Nam ảnh hưởng đến thế giới

Hãng Tin Vịt có hai tin chấn động liên quan đến đóng góp của Việt Nam cho khoa học và văn hóa thế giới
  Tin Vịt 1:  Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton là một trong những định luật khoa học có ý nghĩa cả về thế giới quan (giải thích được sự tồn tại của hệ Mặt trời, thay đổi vũ trụ quan của loài người) và triết học (mọi vật đều hấp dẫn nhau theo một nghĩa nào đó). Theo truyền miệng thì Newton đã nghĩ ra định luật này khi uống trà buổi chiều dưới gốc một cây táo vì bị một trái táo rơi vào đầu. Có lẽ ông đã nghĩ rằng tại sao không nghĩ rằng đầu ông rơi vào trái táo. Tuy nhiên theo một số điều tra gần đây, người Việt Nam đã tìm ra định luật này trước. Cũng có thể, khi Newton trở thành quan thu thuế Hoàng gia, ông đã bắt được một tàu chở lậu, có một cuốn sổ ghi chép phát kiến này bằng chữ Nôm. Nhưng thay vì quả táo là một quả dừa. Chính vì vậy nhà thông thái của Việt Nam không thể có cơ hội trình bày cho thể giới về phát kiến của mình, chỉ có người thân ghi chép vài giòng sơ sài.

   Tin Vịt 2: Thời chưa tham gia phong trào cộng sản, Mao Trạch Đông đã sang Việt Nam kiếm ăn, nhờ đó ông có giao thiệp với giới Sĩ phu Bắc Hà. Sau này, ông vẫn giữ quan hệ thư từ để qua người này biết về người kia và ngược lại. Qua đó, ông xây dựng được quan điểm nổi tiếng liên hệ trí thức với phân bón ruộng. Vì vậy trong trường hợp này, quan hệ nhân quả (causality) bị vi phạm một cách biện chứng, một số trí thức quả tình đã bị luận thuyết của Mao chà đạp hạ xuống thành "cục phân", nhưng thực ra một số trí thức khác cũng là cảm hứng để Mao Chủ tịch xây dựng học thuyết cách mạng. Thực không biết phân biệt đâu là nhân đâu là quả như quả trứng hay con gà cái nào có trước.

Công nghệ Việt Nam: Giải pháp bầu trời xanh Việt-Nguyễn Ái Việt

   GIỚI THIỆU CÔNG NGHỆ BẢO VỆ AN TOÀN THÔNG TIN CỦA VIỆT NAM V-AZUR
                                                                                                         Nguyễn Ái Việt

Mạng LAN cùng với giao thức theo tiêu chuẩn IEEE 802-2001 hiện được sử dụng rộng rãi khắp nơi trong các cơ quan và doanh nghiệp vốn được thiết kế để chia sẻ tài nguyên nội bộ chứ không nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thông tin. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng mạng LAN đã tiềm ẩn những vấn đề về đảm bảo an toàn thông tin. Khi một máy tính đã kết nối với một mạng LAN, cùng với việc được chia sẻ tài nguyên, về nguyên tắc máy tính đó đã phơi nhiễm đối với xâm nhập từ các máy tính trong toàn mạng. Đặc biệt khi mạng LAN có kết nối Internet, máy tính đó lại phơi nhiễm với khả năng thất thoát dữ liệu tài liệu và lây nhiễm mã độc từ ngoài vào.

Về nguyên tắc, mạng LAN được xây dựng rất giản đơn. Mạng LAN được quản trị nhờ một máy chủ (Linux hoặc Windows Server). Một switch có chức năng định tuyến sẽ kết nối các máy tính trong mạng với nhau và các phương tiện ngoại vi  như máy in, máy quét. Các ứng dụng tập trung sẽ được cài đặt trên máy chủ để quản lý tập trung và tiết kiệm công nâng cấp. Dữ liệu có thể tách ra thành các máy chủ cơ sở dữ liệu để các ứng dụng có thể truy cập dễ dàng. Toàn bộ mạng LAN được bảo vệ bằng một tường lửa nằm sau một modem kết nối với Internet. Những người làm việc từ xa có thể truy cập vào mạng LAN nhờ một kết nối VPN (Mạng dùng riêng ảo). Khi đó, máy tính từ xa sẽ được cấp địa chi IP để trở thành một máy tính thành viên của mạng LAN, nhờ đó có thể làm việc dễ dàng như các máy tính khác. Tuy nhiên cấu trúc này có một nhược điểm là những người sử dụng mạng trong có thể dễ dàng gửi các số liệu, tài liệu từ mạng trong ra mạng ngoài nhờ một tài khoản Email miễn phí. Và ngược lại khi một máy tính trong mạng LAN bị nhiễm mã độc, mã độc này có thể lây nhiễm ra toàn mạng LAN. Đặc biệt là đối với máy làm việc từ xa, admin không có quyền và trách nhiệm quét mã độc, khả năng gây lây nhiễm không thể kiểm soát được. 

Chính vì vậy năm 2004, Bộ Công An ban hành quyết định 71a/2004/QĐ-BCA quy định về việc sử dụng Internet, có mục nghiêm cấm việc kết nối các máy tính có tài liệu số liệu bí mật trực tiếp với Internet. Sau đó các cơ quan thường phân chia mạng LAN thành mạng trong không có kết nối Internet và mạng ngoài có kết nối với Internet theo mô hình sau



Như vậy, các máy làm việc ở mạng trong sẽ tuân thủ theo quy định của Bộ Công An. Tuy nhiên, việc sử dụng Internet từ các máy này sẽ hết sức khó khăn. Chính vì vậy, đa số các cơ quan và doanh nghiệp đều chưa thể tuân thủ quy định của Bộ Công An do chưa có giải pháp công nghệ vừa đảm bảo an toàn vừa tiện lợi.

Giải pháp V-AZUR (Bầu trời xanh Việt) được phát triển trên cơ sở một giải pháp đã được triển khai và nâng cấp thành công tại một VP UBND Tỉnh từ năm 2014 đến nay.  Năm 2012, việc phát triển đã thành công, đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và được một số cơ quan chức năng giám định và chứng nhận là "không thể chọc thủng bằng những phương pháp đã biết".  Giải pháp này kết hợp công nghệ ảo hóa (Virtualization) và máy chủ đầu cuối (Terminal Server) được tổ chức như hình sau đây

Giải pháp này hoàn toàn không thay đổi tổ chức mạng LAN mà chỉ lắp thêm vào mạng trong và mạng ngoài các máy chủ được gọi là VIE-P0 và VIE-P3 cho phép truy cập Internet an toàn từ mạng trong và làm việc từ xa. Trên tường lửa trong giải pháp cũng kết hợp một phần mềm kiểm soát chặt chẽ các kết nối, trước hết là đóng tất cả các kết nối với Internet và mạng ngoài, duy chỉ mở một cổng cho một giao thức đặc biệt. Khi kích hoạt một ứng dụng chạy trên máy tính bên mạng trong, ứng dụng này sẽ thông qua cổng kết nối nhờ một giao thức VIE-RDP đặc biệt nối với máy chủ VIE-P0 ở mạng ngoài. Trên máy chủ này sẽ sinh ra một máy ảo, trên máy ảo sẽ có một trình duyệt nối với Internet. Giao thức VIE-RDP sẽ nối bàn phím và màn hình với máy tính ở mạng trong. Nói một cách khác màn hình và bàn phím của máy ở mạng trong sẽ kết nối với 2 máy tính, một máy ảo ở mạng ngoài và máy ở mạng trong. Nhưng giao thức này đảm bảo giữa hai máy không hề có một liên kết nào về dữ liệu và thông tin. Do đó, mã độc không thể thẩm thấu vào trong, tài liệu không thể lọt ra ngoài dù người dùng vô tình hay cố ý. Người dùng sẽ có cảm giác các ứng dụng nằm trên cùng một máy tính, nhờ công nghệ ảo hóa ứng dụng. Ở chiều ngược lại, người làm việc từ xa sẽ tiến hành 2 bước, để truy nhập vào mạng ngoài nhờ một giao thức VPN đặc biệt, sau đó lại nhờ VIE-RDP kết nối màn hình và bàn phím tới máy ảo trên VIE-P3, qua đó truy cập tới các ứng dụng và dữ liệu ở mạng trong. Tương tự, người dùng không thể lấy dữ liệu ra ngoài cũng như không thể làm lây mã độc vào mạng trong dù vô tình hay hữu ý.

    Cho đến nay, giải pháp này đã được thử nghiệm và triển khai thành công ở nhiều nơi, kể cả những cơ quan có yêu cầu rất cao về bảo mật. Về mặt hiệu năng, giải pháp cho phép tốc độ gần như tức thời, nếu tổ chức mạng LAN hợp lý, cho phép nghe nhạc trên youtube, dùng Skype, Yahoo Messenger,... Bên cạnh đó giải pháp còn tích hợp các ứng dụng văn phòng và nhiều ứng dụng đảm bảo tiện lợi cho người dùng. Về chi phí giải pháp này chỉ bằng 20% chi phí so với một giải pháp có mục tiêu tương tự

      Về tính năng, giải pháp này có thể so sánh và vượt trội so với Zero-Client, RDS, VDI (MS, IBM hay Oracle), XEN-Citrix hoặc VMWARE với chi phí hợp lý và hỗ trợ luôn trong vòng 48 tiếng. Giải pháp này đã được báo cáo tại hội nghị quốc gia về CNTT tại Huế 2013 và là báo cáo mời hội nghị FAIR Thái Nguyên Tháng 6, 2014. Thông tin thêm có thể tìm thấy trên www.viegrid.com hoặc liên hệ với tác giả.
   
        Trong tương lai, giải pháp này có thể hoàn thiện để giải quyết vấn đề an toàn cho mạng tính toán đám mây (Cloud Computing), là vấn đề nóng trên thế giới hiện này, nên có khả năng đầu tư thêm, hợp chuẩn để đi ra thị trường quốc tế. 

Hội đàm giữa Lê Duẩn, Nguyễn Duy Trinh với Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Khang Sinh

APRIL 13, 1966
13 tháng tư năm 1966
DISCUSSION BETWEEN ZHOU ENLAI, DENG XIOAPING, KANG SHENG, LE DUAN AND NGUYEN DUY TRINH
THẢO LUẬN GIỮA Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Khang Sinh, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh
Nguồn:  Tàng Thư Chiến Tranh Lạnh, Trung tâm Wilson (trích từ tài liệu số 22)
Deng Xiaoping
Đặng Tiểu Bình
You have spoken about truth as well as mentioned fairness
Các đồng chí đã nói về sự thật cũng như sự công bằng.
So what are you still afraid of
Như vậy, các đồng chí vẫn còn lo gì
Why are you afraid of displeasing the Soviets, and what about China
Tại sao các đồng chí sợ mất lòng Liên Xô, thế Trung Quốc thì sao
I want to tell you frankly what I now feel
Tôi muốn nói với các đồng chí thẳng thắn những gì tôi đang cảm thấy
Vietnamese comrades have some other thoughts about our methods of assistance, but you have not yet told us
Các đồng chí Việt Nam có một số suy nghĩ khác về cách giúp đỡ của chúng tôi, nhưng các đồng chí chưa nói với chúng tôi
I remember Comrade Mao criticizing us the Chinese officials attending the talk between Comrade Mao Zedong and Comrade Le Duan in Beidaihe2 of having "too much enthusiasm" in the Vietnam question
Tôi nhớ đồng chí Mao phê bình chúng tôi, các quan chức Trung Quốc tham dự cuộc nói chuyện giữa đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Lê Duẩn tại Bắc Đới Hà về việc "quá nhiệt tình" trong vấn đề Việt Nam
Now we see that Comrade Mao is farsighted
Bây giờ chúng tôi thấy rằng đồng chí Mao nhìn xa trông rộng
Le Duan
Lê Duẩn
Now, when you talk about it again, it is clear for me
Bây giờ, khi đồng chí nói về việc này một lần nữa, tôi mới thấy rõ
At that time I didn't understand what Comrade Mao said because of poor interpretation
Lúc đó tôi không hiểu những gì đồng chí Mao nói bởi vì phiên dịch kém quá
Deng
Đặng Tiểu Bình
We understand that Comrade Mao criticized us, that is Comrade Zhou Enlai, me and others
Chúng tôi hiểu rằng đồng chí Mao đã phê bình chúng tôi, đồng chí Chu Ân Lai, tôi và những người khác
Of course, it doesn't mean that Comrade Mao doesn't do his best to help Vietnam
Tất nhiên, nó không có nghĩa là đồng chí Mao không làm hết sức mình để giúp đỡ Việt Nam
It is clear to all of you that we respond to all your requests since they are within our abilities
Tất cả các đồng chí thấy rõ là chúng tôi đáp ứng tất cả các yêu cầu của các đồng chí vì chúng nằm trong khả năng của chúng tôi
Now, it seems that Comrade Mao Zedong is farsighted in this matter
Bây giờ, dường như đồng chí Mao Trạch Đông đã nhìn xa trông rộng trong vấn đề này
In recent years, we have had experiences in the relations between socialist countries
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã có kinh nghiệm trong mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa
Is it true that our overenthusiasm has caused suspicion from Vietnamese comrades
Có đúng là việc quá nhiệt tình của chúng tôi đã gây ra sự nghi ngờ từ các đồng chí Việt Nam không?
Now we have 130 thousand people in your country
Bây giờ chúng tôi có 130.000 người ở nước các đồng chí
The military construction in the Northeast as well as the railway construction are projects that we proposed, and moreover, we have sent tens of thousands of military men to the border
Xây dựng quân sự ở vùng Đông Bắc cũng như xây dựng đường sắt là những dự án mà chúng tôi đề xuất, và hơn thế nữa, chúng tôi đã gửi hàng chục ngàn quân nhân đến gần biên giới
We have also discussed the possibility of joint fighting whenever a war breaks out
Chúng ta cũng đã bàn về khả năng chiến đấu chung bất cứ khi nào có một cuộc chiến tranh nổ ra
Are you suspicious of us because we have so much enthusiasm
Các đồng chí có nghi ngờ chúng tôi bởi vì chúng tôi có quá nhiều nhiệt tình đúng không?
Do the Chinese want to take control over Vietnam
Người Trung Quốc có muốn kiểm soát Việt Nam không?
We would like to tell you frankly that we don't have any such intention
Chúng tôi muốn nói với các đồng chí thẳng thắn rằng chúng tôi không có bất kỳ ý định nào như vậy
Here, we don't need any diplomatic talks
Ở đây, chúng ta không cần bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào
If we have made a mistake thus making you suspicious, it means that Comrade Mao is really farsighted
Nếu chúng tôi có sai sót do đó làm cho các đồng chí nghi ngờ, điều đó có nghĩa là đồng chí Mao thực sự nhìn xa trông rộng
Moreover, at present many hold China to be disreputable
Hơn nữa, hiện nay nhiều người cho rằng Trung Quốc có tiếng xấu
Khrushchev is revisionist, and China is dogmatic and adventurous
Khrushchev là xét lại, và Trung Quốc là giáo điều và mạo hiểm
So, we hope that in this matter, if you have any problem, please tell us straightforwardly
Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng trong vấn đề này, nếu các đồng chí có bất kỳ vấn đề gì, xin vui lòng nói cho chúng tôi một cách thẳng thắn
Our attitude so far has been and from now on will be
Thái độ của chúng tôi từ trước đến nay đã là và từ bây giờ sẽ là
you are on the front line and we are in the rear
các đồng chí đang ở trên tiền tuyến và chúng tôi đang ở hậu phương
We respond to all your requests within our abilities
Chúng tôi đáp ứng tất cả các yêu cầu của các đồng chí trong phạm vi khả năng của chúng tôi
But we shouldn't have too much enthusiasm
Nhưng chúng tôi không nên có quá nhiều nhiệt tình
The construction in the northeast islands has been completed
Việc xây dựng ở các đảo phía đông bắc đã hoàn thành
The two sides have discussed that the construction along the coast will be done by our military men
Hai bên đã thảo luận việc xây dựng dọc theo bờ biển sẽ được thực hiện bởi những người lính của chúng tôi
Recently, Comrade Van Tien Dung proposed that after completing the construction in the northeast, our military men help you build artillery sites in the central delta
Gần đây, đồng chí Văn Tiến Dung đề nghị rằng sau khi hoàn thành xây dựng ở phía đông bắc, quân nhân của chúng tôi sẽ giúp các đồng chí xây dựng các cứ điểm pháo binh ở vùng đồng bằng trung tâm
We haven't answered yet
Chúng tôi vẫn chưa trả lời
Now I pose a question for you to consider
Bây giờ tôi đặt ra một câu hỏi cho các đồng chí để xem xét
Do you need our military men to do it or not
Bạn có cần quân lính của chúng tôi để làm điều đó hay không
Zhou Enlai
Chu Ân Lai
[The proposal is about] the construction of 45 artillery sites close to the Soviet missile positions
[Đề nghị là về] việc xây dựng 45 địa điểm pháo binh gần các vị trí tên lửa của Liên Xô
Deng
Đặng Tiểu Bình
We don't know whether it is good for the relations between two parties and two countries or not when we sent 100,000 people to Vietnam
Chúng tôi không biết liệu điều đó có tốt cho mối quan hệ giữa hai bên và hai nước hay không khi chúng tôi đã gửi 100,000 người đến Việt Nam
Personally, I think it's better for our military men to come back home right after they finish their work
Cá nhân, tôi nghĩ rằng tốt hơn nếu những binh lính của chúng tôi sẽ trở về ngay sau khi họ hoàn thành công việc
In this matter, we don't have any ill intention, but the results are not what we both want
Trong vấn đề này, chúng tôi không có bất kỳ ý định xấu nào, nhưng kết quả không phải là những gì cả hai chúng ta đều muốn
Not long ago, one thing happened, which we think not incidental
Cách đây không lâu, có một chuyện đã xảy ra, mà chúng tôi nghĩ rằng không phải là ngẫu nhiên
On its way to Hon Gai for coal, a Chinese ship was not allowed to enter the port
Trên đường tới Hòn Gai để lấy than, một chiếc tàu của Trung Quốc đã không được phép vào cảng
It had to stay offshore for 4 days
Nó đã phải ở lại ngoài khơi 4 ngày
A request to make a call from ashore was refused
Một yêu cầu thực hiện một cuộc gọi từ bờ bị từ chối
This ship was on duty under a trade agreement, it was not a warship
Con tàu này đã làm nhiệm vụ theo một thỏa thuận thương mại, nó không phải là một tàu chiến
Le Duan
Lê Duẩn
We did not know about [this]
Chúng tôi không biết gì về việc [này]
Deng
Đặng Tiểu Bình
Our foreign ministry has sent a memorandum to yours, but the Vietnamese government has not yet replied
Bộ Ngoại giao của chúng tôi đã gửi một bản ghi nhớ tới các đồng chí, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời
Nothing like this has occurred for the last 10 years
Chưa bao giờ có việc như thế này xảy ra trong 10 năm qua
Zhou Enlai
Chu Ân Lai
Even a request made by the Chinese ship to enter the Vietnamese port to hide from US planes, for getting supplies of fresh water and making telephone calls, was refused
Thậm chí là một yêu cầu thực hiện bởi các tàu Trung Quốc nhập vào cảng Việt Nam để trốn máy bay Mỹ, để có được nguồn cung cấp nước ngọt và thực hiện cuộc gọi điện thoại, cũng đã bị từ chối
One of our cadres, who is in charge of foreign trade, later had to come for discussions with the port authorities several times, and then the ship could enter your port
Một trong những cán bộ của chúng tôi, người phụ trách ngoại thương, sau đó đã phải đến thảo luận với chính quyền cảng nhiều lần, và sau đó con tàu mới có thể vào cảng của các đồng chí
The comrade who is in charge of Cam Pha port even said
Các đồng chí phụ trách cảng Cẩm Phả thậm chí còn nói
It is our sovereignty, you can only come when you are allowed to
Nó là chủ quyền của chúng tôi, bạn chỉ có thể đến khi bạn được phép
Meanwhile, we are saying that all the ships and planes of Vietnam can have access to the ports and airports of China at any time if they are pursued by US planes
Trong khi đó, chúng tôi đang nói rằng tất cả các tàu và máy bay của Việt Nam có thể truy cập đến các cảng và sân bay của Trung Quốc bất cứ lúc nào nếu bị máy bay Mỹ truy đuổi
Deng
Đặng Tiểu Bình
Now, I want to talk about another aspect of the relations between the two parties and two countries
Bây giờ, tôi muốn nói về một khía cạnh khác của mối quan hệ giữa hai bên và hai nước
Among 100 thousand Chinese military men, who are now in your country, there may be someone who committed wrongdoing, and on your side there also may be some others who want to make use of these incidents to sow division between two parties and two countries
Trong số 100 ngàn người quân đội Trung Quốc, hiện đang ở nước bạn, có thể có một người làm những việc sai trái, và phía các đồng chí cũng có thể có một số người khác muốn sử dụng các sự cố này để gây chia rẽ giữa hai bên và hai nước
We should, in a straightforward manner, talk about it now as there is not only the shadow but some damages in our relations as well
Chúng ta nên, bằng một cách đơn giản, nói về nó ngay bây giờ vì không chỉ có bóng tối che phủ mà còn có cả những tổn hại trong mối quan hệ của chúng ta nữa
It is not only the matters concerning our judgment on the Soviet aid
Nó không chỉ là những vấn đề liên quan đến sự phán xét của chúng tôi về sự trợ giúp của Liên Xô
Are you suspicious that China helps Vietnam for our own intentions
Các đồng chí có nghi ngờ rằng Trung Quốc giúp Việt Nam vì mục đích riêng của chúng tôi hay không
We hope that you can tell us directly if you want us to help
Chúng tôi hy vọng rằng các đồng chí có thể nói với chúng tôi trực tiếp nếu các đồng chí muốn chúng tôi giúp đỡ
The problem will easily be solved
Vấn đề sẽ dễ dàng được giải quyết
We will withdraw our military men at once
Chúng tôi sẽ rút quân nhân của chúng tôi ngay lập tức
We have a lot of things to do in China
Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm ở Trung Quốc
And the military men stationed along the border will be ordered back to the mainland
Và những người lính đóng quân dọc theo biên giới sẽ được lệnh trở về nước
Le Duan
Lê Duẩn
I would like to express some opinions
Tôi xin bày tỏ một số ý kiến
The difficulty is that our judgments are different from each other
Khó khăn là ở chỗ những đánh giá của chúng ta là khác nhau
As the experience in our Party shows, it takes time to make different opinions come to agreement
Như kinh nghiệm của Đảng chúng tôi đã chỉ ra rằng, phải có thời gian để làm cho các ý kiến ​​khác nhau đi đến thống nhất
We don't speak publicly [about] the different opinions between us
Chúng tôi không nói công khai [về] các ý kiến ​​khác nhau giữa chúng ta
We hold that the Soviet assistance to Vietnam is partly sincere, so neither do we ask whether the Soviets [will] sell Vietnam out nor [do we] say the Soviets slander China in the matter of transportation of Soviet aid
Chúng tôi cho rằng sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam có phần chân thành, do đó chúng tôi không đặt câu hỏi liệu Liên Xô [sẽ] bán đứng Việt Nam và chúng tôi cũng không nói Liên Xô vu khống Trung Quốc trong vấn đề giao thông vận tải viện trợ của Liên Xô
Because we know that if we say this, the problem will become more complicated
Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi nói ra điều này, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn
It is due to our circumstances
Đó là do hoàn cảnh của chúng tôi
The main problem is how to judge the Soviet Union
Vấn đề chính là làm thế nào để đánh giá Liên Xô
You are saying that the Soviets are selling out Vietnam, but we don't say so
Các đồng chí đang nói rằng Liên Xô đang bán đứng Việt Nam, nhưng chúng tôi không nói như vậy
All other problems are rooted in this judgment
Tất cả các vấn đề khác bắt nguồn từ đánh giá này
Concerning China's assistance to Vietnam, we are very clear and we don't have any concern about it
Liên quan đến sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Việt Nam, chúng tôi rất rõ ràng và chúng tôi không có bất kỳ mối lo ngại nào về việc đó
Now, there are more than a hundred thousand Chinese military men in Vietnam, but we think that whenever there is something serious happening, there should be more than 500, 000 needed
Hiện nay, có hơn một trăm ngàn quân Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng chúng tôi nghĩ rằng bất cứ khi nào có cái gì đó xảy ra nghiêm trọng, cần có hơn 500,000
This is assistance from a fraternal country
Đây là sự hỗ trợ từ một nước anh em
We think that as a fraternal socialist country, you can do that, you can help us like this
Chúng tôi nghĩ rằng là một nước xã hội chủ nghĩa anh em, các đồng chí có thể làm điều đó, các đồng chí có thể giúp chúng tôi như thế
I have had an argument with Khrushchev on a similar problem
Tôi đã có một cuộc tranh cãi với Khrushchev về một vấn đề tương tự
Khrushchev said the Vietnamese supported China's possession of the atomic bomb so China could attack the Soviet Union
Khrushchev nói Việt Nam ủng hộ việc Trung Quốc có bom nguyên tử để Trung Quốc có thể tấn công Liên Xô
I said it was not true, China would never attack the Soviet Union
Tôi nói điều đó không đúng sự thật, Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Liên Xô
Today, I am saying that the judgment by a socialist country on another socialist country should be based on internationalism, especially in the context of relations between Vietnam and China
Hôm nay, tôi nói rằng đánh giá của một nước xã hội chủ nghĩa về một nước xã hội chủ nghĩa khác phải dựa trên chủ nghĩa quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc
In our anti-French resistance, had the Chinese revolution not succeeded, the Vietnamese revolution could hardly have been successful
Trong kháng chiến chống Pháp của chúng tôi, nếu cách mạng Trung Quốc không thành công, cách mạng Việt Nam khó có thể thành công
We need the assistance from all socialist countries
Chúng tôi cần sự giúp đỡ từ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa
But we hold that Chinese assistance is the most direct and extensive
Nhưng chúng tôi luôn tin rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc là trực tiếp và to lớn nhất
As you have said, each nation should defend themselves but they also should rely on international assistance
Như đồng chí đã nói, mỗi nước nên tự bảo vệ mình nhưng họ cũng phải dựa vào hỗ trợ quốc tế
So, we never think that your enthusiasm can be harmful in any way
Vì vậy, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng sự nhiệt tình của các đồng chí lại có thể có hại theo bất kỳ cách nào
To the contrary, the more enthusiasm you have, the more beneficial it is for us
Ngược lại, các đồng chí càng có nhiều nhiệt tình, càng có lợi hơn cho chúng tôi
Your enthusiastic assistance can help us to save the lives of 2 or 3 million people
Hỗ trợ nhiệt tình của các đồng chí có thể giúp chúng tôi cứu sống 2 hoặc 3 triệu người
This is an important matter
Đây là một vấn đề quan trọng
We highly value your enthusiasm
Chúng tôi đánh giá cao nhiệt tình của các đồng chí
A small country like Vietnam badly needs international assistance
Một đất nước nhỏ như Việt Nam rất cần hỗ trợ quốc tế
This assistance saves so much of our blood
Sự trợ giúp này tiết kiệm rất nhiều xương máu cho chúng tôi
The relations between Vietnam and China will exist not only during the struggle against the US but also in the long future ahead
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tồn tại không chỉ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ mà còn trong tương lai lâu dài phía trước
Even if China does not help us as much, we still want to maintain close relations with China, as this is a guarantee for our nation's survival
Ngay cả khi Trung Quốc không giúp đỡ chúng tôi nhiều như thế, chúng tôi vẫn muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vì đây là một sự đảm bảo cho sự sống còn của dân tộc chúng tôi
With regard to the Soviets, we still maintain good relations with them
Đối với Liên Xô, chúng ta vẫn duy trì quan hệ tốt với họ
But we also criticize the Soviets if they are receptive to our criticism
Nhưng chúng tôi cũng phê bình Liên Xô nếu họ sẵn sàng chấp nhận những lời phê bình của chúng tôi
In the relations between our two parties, the more agreement we have the better we feel, the less agreement we have, the more we are concerned
Trong mối quan hệ giữa hai đảng của chúng ta, chúng ta có càng nhiều nhất trí, chúng ta sẽ càng cảm thấy tốt hơn, chúng ta có càng ít nhất trí, chúng ta càng phải lo ngại
We are concerned not only about your assistance but also about a more important matter, that is the relations between the two nations
Chúng tôi lo ngại không chỉ về sự trợ giúp của các đồng chí mà còn về một vấn đề quan trọng hơn, đó là mối quan hệ giữa hai nước
Our Party Central Committee is always thinking of how to strengthen the friendly relationship between the two parties and two countries
Trung ương Đảng của chúng tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên và hai nước
On the incident of the Chinese ship having difficulties to enter a Vietnamese port, I don't know about it
Về sự cố của tàu Trung Quốc gặp những khó khăn khi vào cảng Việt Nam, tôi không biết về chuyện đó
We are not concerned about your 130 thousand military men in our country, why should we be concerned about one ship
Chúng tôi không lo đến chuyện 130.000 quân nhân của các đồng chí ở nước chúng tôi, tại sao chúng tôi lại phải quan tâm đến một con tàu
If it is the mistake of the person in charge of the port, this person may well be a negative agent trying to provoke
Nếu nó là sai lầm của người phụ trách cảng, người này cũng có thể là một tác nhân tiêu cực đáng cố gắng kích động
Or a mistake by this person can be used by other agent provocateurs
Hoặc một sai lầm của người này có thể bị lợi dụng bởi những kẻ khiêu khích khác
It is a personal mistake
Nó là một sai lầm cá nhân
The way we think about China has never changed
Cách chúng tôi nghĩ về Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi
We think that we should have a moral obligation before you and before the international Communist movement
Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải có một nghĩa vụ đạo đức trước các đồng chí và trước phong trào Cộng sản quốc tế
We keep on struggling against America until the final victory
Chúng tôi tiếp tục đấu tranh chống Mỹ cứu nước cho đến chiến thắng cuối cùng
We still maintain the spirit of proletarian internationalism
Chúng tôi vẫn duy trì tinh thần quốc tế vô sản
For the sake of the international Communist movement and international spirit, it doesn't matter if the process of socialist development in the south of Vietnam is delayed for 30 or 40 years
Vì lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế và tinh thần quốc tế, nó không thành vấn đề nếu quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam bị trì hoãn trong 30 hoặc 40 năm
I would like to add some of my personal opinions
Tôi muốn bổ sung thêm một số ý kiến ​​cá nhân của tôi
At present, there is a relatively strong reformist movement in the world, not only in Western Europe but also in Eastern Europe and in the Soviet Union
Hiện nay, có một phong trào cải lương tương đối mạnh mẽ trên thế giới, không chỉ ở Tây Âu mà còn ở Đông Âu và Liên Xô
Many nationalist countries adopt either the path of reformism or that of fascism, as those countries are ruled by the bourgeoisie
Nhiều quốc gia dân tộc chủ nghĩa chấp nhận một trong hai con đường của nghĩa cải lương hay của chủ nghĩa phát xít, bởi vì những quốc gia được cai trị bởi giai cấp tư sản
So I think that there should be some revolutionary countries like China to deal with the reformist countries, criticizing them, and at the same time, cooperating with them, thus leading them to the revolutionary path
Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải có một số quốc gia mang tính cách mạng như Trung Quốc để đối phó với các nước cải lương chủ nghĩa, phê bình họ, và đồng thời, hợp tác với họ, chỉ dẫn cho họ con đường cách mạng
They are reformist, so on the one hand, they are counter-revolutionary, that is why we should criticize them
Họ là những nhà cải lương chủ nghĩa, vì vậy một mặt, họ là phản cách mạng, đó là lý do tại sao chúng ta nên phê bình họ
But on the other hand, they are anti-imperialists, that is why we can cooperate with them
Nhưng mặt khác, họ chống đế quốc, đó là lý do tại sao chúng ta có thể hợp tác với họ
In the history of the Chinese revolution, you did the same thing
Trong lịch sử của cuộc cách mạng Trung Quốc, các đồng chí đã làm điều tương tự
Comrade Mao Zedong established the anti-Japanese United Front with Jiang Jieshi [Chiang Kai-shek]
Đồng chí Mao Trạch Đông đã thành lập Mặt trận chống Nhật với Tưởng Giới Thạch.
So my personal opinion is that China, while upholding the revolutionary banner, should cooperate with reformist countries to help them make revolution
Vì vậy, ý kiến ​​cá nhân của tôi là Trung Quốc, trong khi duy trì các biểu ngữ cách mạng, cần hợp tác với các quốc gia cải cách để giúp họ thực hiện cuộc cách mạng
It is our judgment as well as our policy line
Đó là đánh giá của chúng tôi cũng như đường lối chính sách của chúng tôi
This is not necessarily right, but it is out of our sincere commitment to revolution
Điều đó không nhất thiết hoàn toàn đúng, nhưng đó cam kết chân thành của chúng tôi với cách mạng
Of course, this matter is very complicated
Tất nhiên, vấn đề này là rất phức tạp
As you have said, even in one party there are three parts
Như đồng chí đã nói, ngay cả trong một đảng đã có ba phần
rightist, centrist and leftist, so is the situation in a big [Communist] movement
hữu khuynh, trung dung và cánh tả, tình hình trong một phong trào Cộng sản lớn cũng như vậy thôi
The differences in judgment bring about difficulties which need time to be solved
Những khác biệt trong đánh giá đem lại những khó khăn mà cần có thời gian để được giải quyết
It is necessary to have more contacts in order to reach agreement in perception
Cần thiết phải có thêm các tiếp xúc để đạt được thỏa thuận trong nhận thức
It is not our concern that China is trying to take control over Vietnam
Chúng tôi không lo rằng Trung Quốc đang cố gắng để kiểm soát Việt Nam
If China were not a socialist country then we [would be] really concerned
Nếu Trung Quốc không phải là một nước xã hội chủ nghĩa thì chúng tôi [sẽ] thực sự lo ngại
[We believe that] Chinese comrades came to help us out of proletarian internationalism
[Chúng tôi tin rằng] các đồng chí Trung Quốc đến để giúp chúng tôi là từ tinh thần quốc tế vô sản
Deng
Đặng Tiểu Bình
On the question of "enthusiasm," please have more understanding for Chairman Mao's wish to refer to the fact that relations between two countries [and] parties are not simple
Về vấn đề "nhiệt tình”, xin các đồng chí hiểu hơn đối với mong muốn của Mao Chủ tịch muốn nói là quan hệ giữa hai nước và hai đảng không đơn giản.
[Neither] is the relationship among comrades [simple] 
Kể cả quan hệ giữa các đồng chí cũng không đơn giản.
[Notes]
[Ghi chú]
Kang Sheng was then an alternate member of the CCP Politburo and a member of the CCP Central Secretariat
Khang Sinh khi đó đang là một ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị ĐCSTQ và là thành viên của Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ
He would soon, during the early stage of the Cultural Revolution, become a member of the CCP Politburo Standing Committee and an advisor to the "Cultural Revolution Group," the leading authority during the Cultural Revolution
Ông ta sẽ sớm, trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng văn hóa, trở thành một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và là cố vấn cho "Nhóm Cách mạng Văn hóa," cơ quan hàng đầu trong Cách mạng Văn hóa
Beidaihe is a coastal sightseeing site northeast of Beijing where CCP leaders frequently vacation and have important meetings during the summer
Bắc Đới Hà là một địa điểm tham quan về phía đông bắc ven biển của Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo Trung Cộng thường xuyên [tới] nghỉ và có những cuộc họp quan trọng trong mùa hè
Van Tien Dung (1917-) was second to Vo Nguyen Giap in the DRV military leadership
Văn Tiến Dũng (1917 -) đứng thứ hai sau Võ Nguyên Giáp trong lãnh đạo quân đội Bắc Việt
Chief of PAVN General Staff 1953-78, commanded the Ho Chi Minh offensive 1974-75
Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN 1953-1978, chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh 1974-1975
He was a VWP politburo member from 1972-86, vice minister until he became defense minister of the Socialist Republic of Vietnam sometime between 1978 and 1980
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị VWP 1972-86, Thứ trưởng cho đến khi trở thành bộ trưởng quốc phòng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào khoảng năm 1978 và 1980
Retired in 1986
Nghỉ hưu vào năm 1986
In a separate conversation on the same day, Zhou Enlai said
Trong một cuộc trò chuyện khác cùng ngày, Chu Ân Lai nói
"After Kosygin visited Vietnam and promised to assist Vietnam, we have new disagreements with the Soviets over their demand to use two of our airports and their proposal to create an airlift for transportation of weapons to Vietnam
"Sau khi Kosygin đến thăm Việt Nam và hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam, chúng tôi có những bất đồng mới với Liên Xô đối với yêu cầu của họ về việc sử dụng hai sân bay của chúng tôi và đề nghị của họ để tạo ra một đường không vận  vận tải vũ khí cho Việt Nam
It is OK that you praise the Soviets [for giving] great aid
Việc các đồng chí ca ngợi Liên Xô [đã] trợ giúp lớn không sao cả
But that you mention it together with Chinese aid is an insult to us."Deng Xiaoping added,"So, from now on, you should not mention Chinese aid at the same time as Soviet aid."]
Nhưng mà các đồng chí đề cập đến việc đó cùng với viện trợ của Trung Quốc là một sự xúc phạm đối với chúng tôi. "Đặng Tiểu Bình nói thêm:" Vì vậy, từ bây giờ, các đồng chí không nên đề cập đến viện trợ của Trung Quốc cùng một lúc với viện trợ của Liên Xô. "]