Ngụy Diên, theo La Quán Trung tả, mặt đỏ, như táo chắp (giống Quan Vũ). Về tướng mạo mà nói phải là trung thần. Tuy nhiên, La Quán Trung kể là khi Ngụy Diên mới theo về, Gia Cát Lượng đã muốn lôi ra chém vì có phản cốt sau gáy, may mà Lưu Bị can mới thoát chết.
Trong toàn bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Diên là người bị bôi bẩn, chê bai nhiều nhất. Đánh trận toàn thua, khi nào có võ công như chém tướng vô địch của Ngụy thì là do Gia Cát Lượng sắp đặt.
Tuy nhiên, La Quán Trung vẫn ghi lại việc Ngụy Diên hiến kế cho Gia Cát Lượng đi tắt qua hang Tý Ngọ vào lấy Trường An, được nhiều nhà quân sự và chính trị đời sau đánh giá là có tầm chiến lược cao (trong số đó có Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm). Trong chiến dịch Nhai Đình, chính Ngụy Diên đã can Mã Tốc và có biện pháp dự phòng mới tránh cho quân Thục bị thua nặng nề hơn.
Việc Ngụy Diên làm phản sau khi Gia Cát Lượng chết, cũng là việc bịa đặt vu khống của Dương Nghi, tay chân của Gia Cát Lượng, được Tưởng Uyển, Đổng Doãn là người của Gia Cát Lượng sắp đặt bên cạnh Hậu chủ ủng hộ. Khi đó trong quân đội, Ngụy Diên là người có danh tiếng và chức vị cao nhất, Tiền Quân Sư, Chinh Tây Đại Tướng Quân, giả tiết, Nam Trịnh Hầu. Chức Tiền Quân Sư, chứng tỏ Ngụy Diên không chỉ có nhiệm vụ chém giết như La Quán Trung mô tả mà còn là người bày mưu tính kế. Ngụy Diên chắc chắn không có ý làm phản, vì khi có cơ hội ông không chạy sang đầu hàng Tư Mã Ý, khi thất thế ông vẫn chạy về hướng Nam để bị giết.
Thời Lưu Bị còn sống, đánh giá rất cao Ngụy Diên. Sau khi lấy Hán Trung cần một đại tướng để trấn thủ, chống Tào Tháo, vai trò còn quan trọng hơn Kinh Châu. Đa số các tướng và các quan đều cho là Trương Phi sẽ được đề cử. Cuối cùng người được chọn lại là Ngụy Diên, chứng tỏ Lưu Bị đánh giá cao Ngụy Diên hơn cả Trương Phi về tài năng.
Có người cho rằng, Gia Cát Lượng cố ý dùng Dương Nghi, Tưởng Uyển, Đổng Doãn để chế ngự Ngụy Diên. Dù thế nào đi nữa Gia Cát Lượng vẫn phải chịu trách nhiệm về cái chết bi thảm của Ngụy Diên, là tướng tài nhất của Thục thời bấy giờ. Dùng người như vậy, sao có thể thắng lợi.
Cho dù bưng bít bóp méo sự thật thế nào, Ngụy Diên chỉ là nạn nhân của một tính xấu trong giới lãnh đạo là ghen ghét nhân tài.
Sau đây tôi xin đăng lại bản dịch Truyện Ngụy Diên trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ
TRUYỆN NGỤY DIÊN
Nguỵ
Diên tự Văn Trường, người ở Nghĩa Dương. Từng làm bộ tướng đã theo Tiên chủ vào
Thục, lập nhiều chiến công, được thăng làm Nha môn tướng. Khi Tiên chủ xưng làm
Hán Trung Vương, đóng dinh ở Thành Đô. Lúc bấy giờ cần một tướng giỏi trấn giữ
Hán Xuyên, mọi người đều bàn luận cho rằng tất sẽ là Trương Phi, Phi cũng nghĩ
như vậy. Tiên chủ lại đề bạt Diên làm đô đốc Hán Trung, tước Trấn Viễn tướng
quân, Hán Trung thái thú, mọi người đều kinh ngạc. Tiên chủ họp quần thần, hỏi
Diên rằng: “Nay uỷ thác cho khanh giữ trọng trách này, khanh cảm thấy thế nào?”
Diên đáp rằng: “Nếu Tào Tháo cử quân thiên hạ đến, thần sẽ vì đại vương mà
kháng cự; nếu cử một viên thượng tướng dẫn 10 vạn quân đến, thần sẽ vì đại
vương mà nuốt gọn” Tiên chủ khen hay, mọi người đều cho rằng lời ấy là hùng
tráng. Tiên chủ xưng đế hiệu, tiến cử Diên làm Trấn Bắc tướng quân. Năm Kiến
Hưng nguyên niên, Diên được phong làm Đô đình hầu. Năm Kiến Hưng thứ năm, Gia
Cát Lượng đóng quân ở Hán Trung, đổi Diên làm đô đốc quân tiên phong, lĩnh chức
tư mã, Lương châu thứ sử. Năm Hiến Hưng thứ tám, sai Diên đi về phía Tây vào
sâu xứ Khương, Hậu tướng quân nhà Nguỵ là Phí Dao (Diệu) cùng Ung châu thứ sử
Quách Hoài cùng với Diên đại chiến ở Dương Khê, Diên đại phá Quách Hoài, được bổ
thêm chức tiền quân sư Chinh tây đại tướng quân, được thêm tước Nam Trịnh hầu.
Diên thường theo Lượng ra quân, muốn xin riêng một
vạn tinh binh, men theo đường để hẻm hội quân (với Lượng) ở Đồng Quan, như việc
năm xưa của Hàn Tín, Lượng nhất định không cho, Diên vẫn thường nói Lượng nhút
nhát, than thở rằng tài của mình chẳng được dùng hết”. [Nguỵ
lược viết rằng: Hạ Hầu Mậu làm An Tây tướng quân, giữ ở Tràng An, Lượng ở Nam
Trịnh cùng các tướng bàn định kế sách, Diên nói rằng: “Nghe nói Hạ Hầu Mậu còn
ít tuổi, là con rể của chủ, hèn nhát mà vô mưu. Nay cấp cho tôi 5.000 tinh
binh, 5.000 quân tải lương, tôi thẳng theo lối Bao Trung tiến ra, men theo Tần
Lĩnh nhằm hướng Đông mà đến, lại theo hướng Tý Ngọ mà tiến về Bắc, bất quá chỉ
10 ngày có thể đến được Tràng An. Mậu thấy Diên tôi đến bất ngờ tất gióng ngựa
bơi thuyền bỏ chạy. Như thế trong thành Tràng An chỉ còn bọn ngự sử, kinh triệu,
thái thủ coi giữ, ở Hoành môn, Đề các dân tất chạy náo loạn, ắt ta chiếm được hết
cả lương thực vậy. Địch quân từ phía Đông tiến lại cũng phải mất 20 ngày, khi ấy
tướng quân đã theo lối Tà Cốc mà đến, tất cũng kịp vậy. Như thế, chỉ một lần vọng
động mà từ Hàm Dương về phía Tây có thể định được vậy”. Lượng lo rằng kế ấy
nguy hiểm, chẳng bằng cứ yên ổn theo đường thẳng mà tiến, có thể lấy Lũng Hữu,
thập toàn có thể khắc địch mà chẳng phải lo lắng gì, bởi thế không dùng kế của
Diên.] Diên khéo dưỡng sĩ tốt, dũng mãnh hơn người, lại có tính kiêu
căng, lúc bấy giờ người dưới đều có ý kiêng dè. Chỉ có Dương Nghi không theo ý
của Diên, Diên rất lấy làm tức giận, hai người ấy thường như nước với lửa. Năm
Kiến Hưng thứ 12, Lượng xuất quân theo lối Tà Cốc, lấy Diên làm tiên phong.
Diên ở cách xa quân doanh của Lượng chừng 20 dặm, Diên mộng thấy trên đầu mọc sừng,
nhân thế mới hỏi quan chiêm bốc là Triệu Trực, Trực nói dối Diên rằng: “Giống Kỳ
Lân trên đầu cũng có sừng mà đại dụng, ấy là điềm chẳng cần phải đánh mà giặc tự
tan vậy.” Rồi cáo lui về nói với người khác rằng: “Chữ Giốc chiết tự, là dùng ở
dưới đao, trên đầu có đao, ấy là điềm rất dữ.”
Mùa thu, Lượng bị bệnh nặng, bí mật cùng Trưởng
sử Dương Nghi, Tư mã Phí Vỹ, Hộ quân Khương Duy rằng sau khi mình chết sẽ lui
quân, sai Nguỵ Diên đoạn hậu, tiếp nữa là Khương Duy, nhược bằng Diên không
vâng mệnh, cứ tự dẫn quân rút về. Lúc Lượng mới mất, các tướng bí mật không
phát tang, Nghi lệnh cho Phí Vĩ tới thăm dò ý tứ Diên. Diên nói: “Thừa tướng
tuy mất đi, nhưng ta vẫn còn đây. Vậy chỉ nên phái phủ quan lo việc tang lễ đưa
thi thể thừa tướng về chôn cất, ta sẽ thống suất ba quân đánh giặc, hà cớ gì vì
một người chết đi mà phải phế bỏ việc lớn thiên hạ nhỉ? Vả lại Diên ta là người
thế nào, sao có thể chịu sự chỉ huy của Dương Nghi, để nhận việc đi đoạn hậu
như vậy sao!” Thế rồi cùng với Vỹ bàn chuyện theo về hay ở lại, sai Vỹ viết thư
cùng với mình ký tên, thông báo với chư tướng. Vỹ nói dối Diên rằng: “Bây giờ
tôi trở về nói lại với Dương Trưởng sử, Trưởng sử nghe thấy như thế, vốn ít trải
việc quân, ắt chẳng theo mệnh trước nữa vậy.” Lúc Vỹ ra khỏi cửa vội vã ruổi ngựa
trở về, Diên mới hối hận, đuổi theo thì đã không kịp.
Diên sai người dò xét bọn Nghi, thấy mọi người vẫn
theo mệnh trước của Lượng, các tướng trong doanh lần lượt dẫn quân trở về. Diên
giận lắm, thấy Nghi mới đi chưa xa, mới khinh suất đốc quân theo lối tắt trở về
Nam Cốc trước, đóng quân chẹn đường đốt sạn đạo. Cả Diên và Nghi đều cùng dâng
biểu kể tội phản nghịch của nhau, trong vòng một ngày, biểu văn khẩn cấp đưa về
liên tiếp. Hậu chủ đem việc ấy hỏi Thị trung Đổng Doãn, Lưu phủ Trưởng sử Tưởng
Uyển, Uyển-Doãn đều bảo đảm cho Nghi mà ngờ vực Diên.
Bọn Dương Nghi phạt cây thông đường sạn đạo,
hành quân đêm ngày, theo sau Diên. Diên đến trước, đóng ở Nam Cốc khẩu, phái
binh đón đánh bọn Nghi, Nghi bèn lệnh cho Hà (Vương) Bình đến trước trận đánh
Diên. Bình tiến lên mắng Diên rằng: “Thừa tướng mới mất, thi thể còn chưa lạnh,
bọn ngươi sao dám như vậy?” Binh sỹ của Diên nghe thấy biết lỗi đều ở Diên, chẳng
ai theo mệnh nữa, quân sỹ đều tan đi cả. Diên bị cô lập mới dẫn con cái cùng mấy
kẻ tay chân đào tẩu, chạy vào Hán Trung. Nghi sai Mã Đại đuổi theo chém được,
đem thủ cấp dâng cho Nghi, Nghi đạp chân lên đầu Diên mắng: “Đồ nô tài, ngươi
còn làm ác được nữa chăng?”. Lại muốn giết cả ba họ nhà Diên.
Khi trước, Tưởng Uyển dẫn quân túc vệ đi nhanh về
Bắc tới doanh quân, còn cách hơn 20 dặm, hỏi thăm thì biết Diên đã chết, bèn
lui về. Nguyên ý Diên chẳng phải về Bắc hàng Nguỵ mà lại chạy về Nam, chỉ những
muốn giết bọn Nghi mà thôi. Bình nhật Diên cùng chư tướng vốn có bất đồng,
đương thời bàn luận rằng Diên tất là người thay Lượng. Việc vốn chỉ có
như thế, chẳng phải là làm phản vậy.
[Nguỵ lược viết: Gia Cát Lượng
bị bệnh, bảo bọn Diên rằng: “Sau khi ta chết, phải hết sức thận trọng, chớ có
như thế nữa”. Lại sai Diên thay mình điều hành mọi việc, bí mật làm lễ tang và
lui về. Diên nhân thế bèn giấu việc ấy, lui binh về đến Bao khẩu mới phát tang.
Trưởng sử Dương Nghi với Diên vốn bất hoà, thấy Diên nắm quyền quân sự, sợ bị hại,
bèn nói phao lên rằng Diên muốn dẫn quân theo về phương Bắc, nhân đó dẫn quân
đánh Diên. Diên vốn không có bụng dạ ấy, không đánh mà dẫn quân bỏ chạy, bị
quân đuổi theo giết chết.]
Trả lờiXóaBộ sưu tập vòng tay đá mắt hổ Hot nhất 2017
Bộ sưu tập mặt dây chuyền phật Hot nhất 2017
Bộ sưu tập vòng tay đá thạch anh Hot nhất 2017