Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Thống nhất không gian và thời gian không phải là một việc hòa bình

Ngày nay, ngay cả những người bình thường cũng nói về không thời gian như một khái niệm tồn tại đồng thời và thống nhất. Nhưng ít người để ý tới nội dung thật sự của khái niệm này và những hệ quả ghê gớm của việc thống nhất hai khái niệm vốn phân biệt về bản chất là không gian và thời gian. Cũng ít người để ý rằng, con người vẫn đang tiếp tục hành trình của mình để tiếp tục phá bỏ những quan niệm đã mất nhiều công sức tìm ra. Càng ít người để ý tới việc toàn bộ lịch sử nhận thức của con người về thế giới xung quanh chính là cuộc phiêu lưu khám phá không gian và thời gian. Cuộc phiêu lưu này vẫn còn tiếp diễn.
Con người biết tới không gian từ khá sớm, bằng chứng là mọi dân tộc đều có chung một nhận thức về ba chiều, xuất phát từ góc nhà họ ở,  đi chinh phục thế giới rộng lớn rồi bay vào vũ trụ. Có lẽ khái niệm không gian Euclide ba chiều phản ảnh ước vọng chinh phục vô tận của loài người, hơn là một thực tế có bằng chứng khách quan. Nhận thức ra mặt đất chúng ta sinh sống không phải là một mặt phẳng có thể kéo dài vô tận hoặc có một vùng biên nào đó nối với bầu trời, không hề đơn giản và là một cuộc chiến thực của những người vừa có trí tuệ vừa bị dày vò bởi sự trung thực. Cả một hệ thống tín điều thể chế, quyền lực, giáo điều do Con người dựng lên để ngăn cản Con người vươn tới một một thực tế khách quan là Trái đất tròn và chuyển động xung quanh Mặt trời. Phải mất nhiều thế hệ giằng xé, con người mới xóa được một chấp niệm về không gian. Không phải ngẫu nhiên mà những khái niệm dường như chẳng liên quan gì như Tự do, Bình đẳng, Dân chủ ra đời ngay sau đó.
Thời gian khác với không gian, vì không phải là một thực thể quan sát được trực tiếp bằng các giác quan mà phải nhờ tới lý tính. Cái người ta quan sát được chính là vận động, là sự thay đổi vị trí trong không gian. Thực tế đời sống cho phép người ta tin rằng mọi vận động đều có thể đặc trưng bởi một tham số là thời gian. Mọi phép đo thời gian đều dựa trên quan sát cục bộ, thường là phải gắn với một vận động của những vật cụ thể của cát, nước hay con lắc, Nhưng người ta vẫn cho rằng thời gian là một đường thẳng vô tận duy nhất, chung và tuyệt đối cho toàn thể vũ trụ hoàn toàn không nghĩ rằng điều đó không có cơ sở gì. Thời gian là một khái niệm cục bộ hoàn toàn dựa trên lý tính, đã được gắn ngay với một đường thẳng vô tận. Ngay trong một ý tưởng tự do vĩ đại đã manh nha một tín điều cố chấp mà sau này phải đợi đến sự ra đời của những bộ óc siêu việt lóe sáng mới phá bỏ được. Gần cây cao thì cớm nắng, sau thế hệ của các vĩ nhân thì vắng bóng các nhân cách lớn, Quy luật đó dường như được khẳng định quá nhiều lần.
Việc xem không gian và thời gian là có cùng một bản chất có lẽ nhờ vào khái niệm toán học không gian nhiều chiều. Tuy nhiên, trong người Inca ở Peru, một cách bản năng, hay nhờ lương năng đặc biệt đã sớm xem không thời gian là một khái niệm thống nhất. Các triết gia Đức như I.Kant và A.Shoppenhauer đã sớm quan tâm đến ý nghĩa đặc biệt của không gian, thời gian và đặt chúng vào cùng một phạm trù. Sau đó Minkowski, Poincaré, Lorentz, Einstein đã đặt không thời gian vào một mô hình hình học-vật lý chung. Đặc biệt Einstein đã giải nghĩa được những hệ quả ghê gớm của mô hình không thời gian này đưa tới dẫn tới sự liên hệ bất ngờ và lý thú giữa năng lượng và khối lượng.
Chính sự liên hệ này đã đưa loài người tới những nguồn năng lượng khổng lồ đang điều khiển vận động không ngừng của thế giới.
Thay vì bàn luận các khái niệm triết học trừu tượng, chúng ta hãy xem việc thống nhất không gian với thời gian có những hệ quả gì. Hệ quả đầu tiên của việc thống nhất thực sự là chuyển hóa. Không có chuyển hóa toàn diện từ cả hai phía, thống nhất chỉ là hình thức. Thời gian chuyển hóa thành vận động trong không gian. Không gian lại có thể chuyển hóa thành thời gian. Việc chuyển hóa này là lựa chọn chủ quan của các chủ thể quan sát. Vì thế bản thân việc thống nhất đã mang lại đả kích nặng nề cho quan niệm tuyệt đối về thời gian. Những người chấp nhận dễ dàng một việc tưởng chừng xa thực tế vô hại, chợt nhận ra mọi tín điều bị đe dọa sụp đổ.
Nhưng liệu điều này có phải một nghịch lý tư duy, xảo biện siêu hình học, luận lý học hình thức đã chui vào phá đám, lừa dối chúng ta. Chúng ta liệu có sai lầm ở đâu? Việc chuyển hóa các chiều trong không gian là việc bình thường. Góc tường nhà của mỗi người không thể mang đi khắp nơi để rao giảng làm mực thước, cho dù người rao giảng là những ông thánh. Nhiều khi chúng ta mất phương hướng về trên dưới, phải trái, Bắc Nam Đông Tây. Càng bay vào vũ trụ, mở rộng tầm nhìn chúng ta càng thấy rõ sự chuyển hóa các chiều không thời gian là tất yếu bởi các phép quay. Phép quay thực sự là một sự nổi loạn. Quay một hồi phải trái, trên dưới lộn tùng phèo.
Trong không thời gian thống nhất bốn chiều chúng ta còn có thêm các phép quay thời gian-không gian. Thực tế đây là các phép ném (boost) biến các vật đờ đẫn đứng yên thành các hệ vận động với các vận tốc khác nhau. Einstein là người phát hiện và áp đặt nguyên lý các vận tốc đó đều giới hạn bởi vận tốc của ánh sáng và chính vì vậy đồng hồ trong các hệ quy chiếu khác nhau sẽ chạy khác nhau. Chính nhờ sự chuyển hóa trong điều kiện đặc biệt như thế dẫn tới những nghịch lý như trong truyện Từ Thức hay Rip van Winkle. Thực ra khái niệm thời gian cục bộ vẫn còn sống sót trong lương năng của người bình dân trên khắp trái đất, trong khi chúng bị tận diệt trên thượng tầng. Chính sự hám lợi của Con người là nơi dễ thuyết phục nhất. Nếu lý thuyết tương đối không dẫn tới công thức khối lượng, với triển vọng giải phóng các nguồn năng lượng từ những thứ có đầy rẫy xung quanh ta là khối lượng, mới làm các nhà giáo điều kinh viện thôi bàn tán vu khoát, những tên thừa sai hiếu chiến mới thôi nghĩ tới việc gây ra những cuộc chiến tranh về tồn tại trong không thời gian. Hòa bình được vãn hồi nhờ viễn cảnh về lợi ích.
Thực tế, độc lập với ý muốn của những người phát minh ra nó, công thức khối lượng cũng đóng góp phần quan trọng vào việc hai quả bom nguyên tử nổ ở Hidroshima và Nagasaki. Openheimer là người làm ra bom nguyên tử cũng là người đã phải ra tòa vì muốn hủy bỏ nó. Tưởng chừng đó là nghịch lý, nhưng đó là cuộc sống. Con người tranh đấu phá bỏ tín điều để xây dựng các tín điều mới. Xây dựng và phá hủy cũng là những con người. Thiết lập giáo điều, thể chế và khát khao tự do cũng là con người. Trong một thế giới nhiều chiều phải biết chấp nhận các nghịch lý. Thực ra chúng cũng là những thực thể thống nhất đang chuyển hóa. Nhìn thấy sự khác biệt chẳng qua là những chấp niệm mê muội mà chúng ta còn cố bám vào một cách lười biếng mà thôi.
  



Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Luận Tam Quốc: Cống cỏ bao mao

Tuần này, luận Tam Quốc nói đế việc cống cỏ bao mao là điển tích trong Đông Chu Liệt Quốc. Luận Tam Quốc hiểu theo nghĩa rộng có thể bàn về những tích không nhất thiết có trong Tam Quốc nhưng có liên quan (Gia Cát Lượng tự ví mình với Quản Trọng là nhân vật trong điển tích này)

Vua nước Sở họ Hùng, tổ là Dục Hùng vốn có công phò tá Vũ Vương nhà Chu diệt Trụ, được phong tước bá ở phía Nam, vùng Kinh Tương. Dục Hùng theo tương truyền chỉ là một gia nhân nên phẩm tước thấp kém hơn, lại không ở Trung Nguyên mà ở lẫn với bọn man di phương Nam. Trong khi đó các nước như Lỗ (dòng dõi Chu Công), Tống (dòng dõi nhà Thương), Tề (dòng dõi Khương Thái Công) đều là tước công hoặc tước hầu.

Tuy nhiên, nước Sở ở xa cũng có cái hay là ở lẫn với các nước nhỏ, ngu si, dễ hiếp đáp. Ở xa, lai có thể không phải theo luật lệ của nhà Chu. Dần dần nước Sở mở đất đai ngàn dặm thành một nước lớn, phương Nam sản vật lại nhiều, giàu có, trở thành một nước mạnh. Sở dần dần kiêu căng, trước là bỏ việc cống chim trả, cỏ bao mao, ngà voi,.... Sau thì xưng vương tước, đặt mình trên tất cả các chư hầu, ngang với thiên tử nhà Chu.

Tề Hoàn Công dùng Quản Trọng trước mở công nghiệp nhà thổ, đánh bạc vét tiền của người giàu, buôn muối vét tiền của người nghèo, lại khai khoáng, khuyến nông, phát triển công nông thương. Bên ngoài thì đánh dẹp nước yếu mở mang bờ cõi, làm bá ở Trung nguyên. Tuy nhiên, so sánh về binh lực và giàu có chưa thể bằng nước Sở. Quản Trọng lại khuyên Tề Hoàn Công vào chầu thiên tử nhà Chu để lấy danh nghĩa hiệu triệu thiên hạ. (Đoạn này rất nên học, không phải cái gì ra tiền mới nên làm. Giống như gửi một phong thư, trong đó có cái séc 1 triệu đô, cái tem bưu điện không đáng gì, nhưng rất quan trọng). Vì thế Tề Hoàn Công có được lệnh của thiên tử nhà Chu bắt các nước chư hầu hội thề. Riêng nước Sở không tới mà tổ chức hội thề riêng. Do vậy, đụng độ là không thể tránh khỏi.

Binh hai phe Nam Bắc chuẩn bị đụng độ. Quản Trọng cũng có ý ngại. Vì đánh mà thắng cũng không thể nuốt được Sở, và cũng không được gì hơn. Thua thì sợ các nước chư hầu trở mặt. Binh của Tề trước nay vẫn chưa gặp đối phương nào mạnh như Sở. Quản Trọng một mặt sai sứ sang thuyết phục vua Sở, vừa hù dọa vừa nịnh bợ, nói rõ thiệt hơn. Vua Sở ý muốn giảng hòa. Tướng nước Sở nói: Chưa đánh nhau, sao biết hơn thua. Tôi cho rằng ta mạnh hơn. Cho dù có sa sảy, ra rút về Nam, Tề dám qua sông đánh ta thì chỉ có chết. Vua Sở cười: Ta lại sợ Tề ư, nhưng hắn có danh nghĩa thiên tử, ta xem Trung nguyên cũng chưa suy yếu lắm. Nay ta nhường một bước xem hắn ra điều kiện thế nào, nếu quá quắt đánh nhau cũng chưa muộn. Bèn hỏi điều kiện giảng hòa và nói: Tôi lâu không triều cống sợ thiên tử trách phạt, thì phải làm thế nào.

Quản Trọng nói: Ngày xưa theo lệ nước Sở phải cống cỏ bao mao, nhiều năm bỏ bễ. Nay Sở phải mang mấy xe cỏ vào cống để biết đạo thần tử, Tề sẽ đứng ra xin thiên tử xá tội. Sở Vương ưng theo.
Bão Thúc Nha nói: Sở là nước cầm thú, dám xưng vương là việc lớn, còn phải tiến cống bao nhiêu thứ ông không hỏi đến, mấy xe cỏ nhỏ nhặt ông hỏi đến làm gì? Quản Trọng cười: Sở vô lễ lâu ngày, nay ta muốn đưa vào khuôn khổ phải chọn điều gì nhỏ nhặt dễ thực hiện. Điều kiện khó quá, nó không chịu nổi cắn càn, ta chắc gì đã thắng được nó. Nay ta bắt được Sở nghe theo dù là chuyện gì, đủ đắc chí với chư hầu và lập công với thiên tử. Thiên hạ nghe ta bắt được Sở phục tùng há dám không nghe ta, rồi lấy thế đó mới ép được Sở. Sở Vương thấy điều kiện giảng hòa dễ dàng, mừng lắm bèn cho đưa cỏ bao mao vào nhà Chu, lai viết thư tạ lỗi, không xưng tước mà chỉ tự xưng là "viễn thần". Thiên tử nhà Chu mừng lắm, đưa cỏ vào nhà Thái miếu báo cáo tổ tiên, thưởng cho Sở rất hậu, lại thưởng cho cả Tề. Một số nước chư hầu bèn bỏ minh ước của Sở theo Tề.

Về lâu dài, Sở vẫn là nước mạnh, tiếp tục xưng vương như cũ. Sau thời Tề Hoàn Công, nước Tề loạn, suy yếu, nhưng thế lực Sở vẫn mạnh, sau vẫn cùng Tần Mục Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công cạnh tranh. Mãi sau này Ngô Vương là Hạp Lư nhờ có Ngũ Tử Tư mới đánh được Sở.

Lời bàn: Thay đổi là khó. Khó nhất là thay đổi chạm đến sĩ diện. Muốn bắt tội đại nghịch bất đạo, nếu không đủ thế lực, phải bắt đầu uốn nắn từ những chỗ nhỏ nhặt, để người ta dễ chấp nhận. Trong Tam Quốc, Lưu Bị đánh Thục bắt bẻ Lưu Chương không cấp đủ binh lương, cũng là một cái bắt bẻ nhỏ nhặt. Tôi lớn nhất của Chương là đang làm chúa Ích Châu kia, cho đến khi nào Bị chưa lấy được Ích Châu  thì Chương vẫn còn có tội, há có thể mang vàng vài ngàn cân, lụa vài vạn cuộn, binh vài vạn tên, lương vài vạn hộc mà xóa tội được ư.