Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Tính phi nhân của tư tưởng Á Đông

 Nhiều người cho rằng tư tưởng Á Đông mạnh về toàn cục nên kém về phân tích so với tư tưởng Phương Tây. Cao Xuân Huy cho rằng sự khác biệt là ở chủ toàn-chủ biệt. Phương Đông nhìn vấn đề theo hướng toàn cục, Phương Tây dựa trên phân tích thành từng mảnh nhỏ để lĩnh hội các mảnh dễ hơn "chia để chinh phục" (divide and conquest).

Nhiều người khác lại cho rằng tư tưởng Á Đông trọng ở tâm linh, tư tưởng Phương Tây trọng ở vật chất. Chúng ta sợ bất cứ loại ý thức siêu nhiên, phi vật chất nào, từ bình vôi đến ma xó. Phương Tây chỉ lo thiếu tiền, vì thế có sốt vàng, sốt thuộc địa, phát triển hạm đội, máy móc để kiếm tiền, trong khi ta nhàn tản trồng rau, nói chuyện đạo đức. Người khác lại cho Á Đông là duy tâm, Phương Tây là duy vật, Á Đông là chủ quan, Phương Tây là khách quan, Phương Đông là lý trí, Phương Tây là cảm giác, vân vân và vân vân.

Tất cả những luận thuyết đó đều là giản lược để phục vụ cho nhận thức chủ quan hoặc do hiểu quá sơ sài về tư tưởng Phương Đông hoặc Phương Tây, hoặc cả hai. Các quan điểm này mâu thuẫn với nhau đến nỗi chẳng thể rút ra một điều gì chung bổ ích. Thực ra mọi thứ như duy tâm-duy vật, tâm linh-vật chất, lý trí-cảm giác, chủ toàn-chủ biệt, chủ quan-khách quan, bản thể-hiện tượng, dù Đông hay Tây đều có đủ. Có chăng là ở Phương Tây do có phương pháp khoa học phát triển hơn mà các phạm trù này đều tinh tế hơn.

Khác biệt lớn nhất của tư tưởng Á Đông và Phương Tây là phi nhân và vị nhân. Mọi chủ thuyết của Á Đông đều không dựa trên cá nhân, không dựa trên cái tôi cụ thể. Mọi cá thể con người đều phải phủ định bản thân mình để phục tùng một trật tự được ai đó cho là hợp lý theo một nghĩa nào đó. Tu dưỡng, đào luyện ở phương Đông là quá trình phủ định các bản năng, để tiến tới phủ định hoàn toàn tư duy độc lập và cuối cùng là cá thể con người. Trong khi đó, cái Tôi là trung tâm của mọi tư tưởng, hành vi của Phương Tây. Nghệ thuật tạo hình Á Đông cũng vô cảm như vậy. Các bức tượng, tranh của phương Đông đều mang tính ước lệ đến nỗi các khuôn mặt tượng đều vô cảm, giống hệt nhau cho đến cả tư thế ngồi.

Xã hội Phương Đông được tổ chức mô phỏng theo hình thức toàn hảo nhất của loài côn trùng gồm ong, kiến và mối. Dân chủ, đổi mới nhất cũng chỉ là Vua Khỉ. Mọi cá thể khỉ đều là vô nghĩa, chỉ là một cái lông của Mỹ Hầu Vương. Mọi Hồng vệ binh chỉ là một con kiến thợ, mọi xúc cảm của họ đều là vô nghĩa trong tư tưởng chói sáng của Mao Chủ Tịch.

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

VŨ TRỤ CAM

Có người ví quyền năng của Einstein là quyền năng của Satan, vì nếu Newton làm mọi sự trở nên sáng sủa minh bạch thì Einstein làm mọi sự trở nên tối tăm và mơ hồ. Trước hết là việc trong lỗ đen và ở thời điểm Big Bang không có không gian và thời gian gây ra rất nhiều khó chịu và sinh ra các câu hỏi: Chui vào lỗ đen rồi đi đâu? Trước Big Bang là cái gì? Nếu vũ trụ là một điểm thì xung quanh đó là cái gì? Phải có cái gì đó chứa một điểm hay phải có cái gì gây ra Big Bang chứ?

Tôi sẽ đưa ra một mô hình tự tạo (home-made). Dám chắc là không có mấy người bác bỏ được. Nó sẽ giúp các bạn hiểu một số vấn đề, thậm chí còn đặt được một số câu hỏi có nghĩa hơn hoặc chí ít biết được một số câu hỏi không nên đặt ra. Tất nhiên bạn đừng coi nó là một mô hình vật lý nghiêm chỉnh.

Thế giới của tôi là một quả cam. Toàn thể vũ trụ đều tồn tại trên bề mặt quả cam. Mô hình này chỉ có 2 chiều, một chiều không gian và một chiều thời gian. Nhưng nếu bạn muốn mệt óc thì có thể cố tưởng tượng ra quả cam 5 chiều với bề mặt 4 chiều. Nhưng sẽ cũng chẳng vì thế mà những điều tôi sắp nói đây thay đổi về bản chất. Quả cam này có thể tích bao nhiêu nhỉ? Diện tích bề mặt là bao nhiêu? Đối với người sống ngoài thế giới-trái cam, chỉ việc lấy một cái thước (cố nhiên là thước của thế giới bên kia) đo là xong. Nhưng chắc chắn bề mặt của vũ trụ-cam là hữu hạn và nhỏ thôi. Điều gì xảy ra nếu, người ở thế giới bên kia cũng dung tục như trong thế giới của chúng ta? Họ sẽ đo bằng một cái thước cao su giống như một quan chức cảm tính, trái cam có thể lớn bằng trái bưởi hoặc nhỏ như trái chanh theo ý thích của người đo hoặc theo phong bì của người muốn đặt hàng bạn để bạn làm công việc đo cam nhưng theo một ý chí cam nào đó. Điều đó nghĩa là gì? Thay đổi độ đo sẽ cho kết quả khác! To nhỏ là do độ đo chứ không phải trái cam đã co lại hoặc dãn nở ra theo ý các "Thượng đế". Nhưng quyền năng của sự dối trá cũng có giới hạn, dù sao vũ trụ-cam cũng có kích thước hữu hạn đối với các sinh vật thượng đẳng. Ngựa hay hươu thì cuối cùng cũng là con vật có 4 chân mà thôi.


Đối với các sinh vật sống trong vũ trụ-cam thì sao? Có một ông Einstein-cam, viết ra một phương trình cam, và nói rằng metric phải được xác định bởi phương trình này. Cố nhiên ông có thể sẽ không được giải thưởng Nobel cam về phương trình cam này mà sẽ được giải về hiện tượng quang điện-cam nào đó. Rất không may là độ đo trong thế giới cam lại phụ thuộc vào tương tác hấp dẫn- cam và các sinh vật -cam thấy rằng trái cam đang nở ra, mặc dù ông Einstein cam cũng như bạn và tôi là những sinh vật thượng đẳng không tin ở điều đó. Nhưng chúng ta biết, vì Toán học của các sinh vật cam cũng giống như của chúng ta, rằng vật to hay nhỏ chỉ là do cách chọn độ đo. Nếu chọn một độ đo co lại theo thời gian thì thế giới nở ra. Độ đo tiến tới 0 thì thế giới sẽ nở ra vô cùng. Chọn độ đo nở ra thì thế giới co lại. Không có giới hạn nào cho việc chọn metric trong thế giới cam cả. Cố nhiên phương trình cam nói rằng quả cam đang nở ra với gia tốc dương.

Rồi có một số nhà bác học cam nói rằng có một số nghiệm kỳ dị của phương trình cam: lỗ đen cam và nổ lớn cam. Họ cho rằng quả cam bắt đầu có từ một vụ nổ lớn, là một thời điểm kỳ dị không có không gian và thời gian. Thực ra cam vẫn là cam. Nổ lớn, điểm kỳ dị chỉ có trong đầu của mấy nhà khoa học cam. Họ làm như sau: Đặt cam lên bàn đã kẻ sẵn ô. Nối điểm cực bắc (điểm cao nhất) của trái cam với một điểm bất kỳ trên mặt trái cam. Đường đó sẽ cắt mặt bàn tại một điểm nào đó có tọa độ là (x,t). Đó chính là không gian và thời gian cam. Điểm cực bắc của trái cam sẽ không có giá trị không gian và thời gian nào cả. Là các sinh vật thượng đẳng, chúng ta sẽ thấy những câu hỏi lăng nhăng kiểu trước cực bắc của trái cam là cái gì, cái gì sinh ra cực bắc trái cam của các sinh vật cam là vô nghĩa. Mặc dù các sinh vật cam cũng biết có phép chiếu nổi như chúng ta.


Điều đó không có nghĩa là chúng ta thông minh hơn sinh vật cam. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được các tương tác cam mô tả bởi phương trình cam sinh ra các độ đo kỳ dị dường như ngu xuẩn, ảo giác dãn nở, các lời giải kỳ dị của thế giới cam nó hay ho ở chỗ nào. Chúng ta không bao giờ hiểu được tình cảm cam, tình yêu cam hay một ông Ngô Bảo Châu cam nào cứ khăng khăng yêu một cái chũm cam hơn những chỗ khác trong quả cam cho dù có nhiều nước ngọt hơn thì có ý nghĩa gì với chúng ta. Chúng ta cũng không bao giờ hiểu được tại sao sinh vật cam lại phải tụ tập hội nghị, đại hội cam nghiêm trang bàn về những vấn đề rất là ... cam mà đối với chúng ta thế nào cũng xong.
Quyền năng của Chúa là thấy mọi vấn đề đơn giản bằng cách đứng ngoài thế giới. Quyền năng của Satan là làm mọi vấn đề trở nên phức tạp bằng cách dấn thân vào thế giới cam chăng? Biết đâu ở một thế giới nào đó bên kia đang có một sinh vật đang mỉm cười nhìn thế giới chúng ta như một trái cam bốn chiều nhỏ xíu, trong khi chúng ta đang nói về những khoảng cách hàng tỷ năm ánh sáng và sóng hấp dẫn. Không hiểu sinh vật đó có sẵn sàng đánh đổi những điều đơn giản, hợp lý, tuyệt đỉnh thông thái lấy những cái rắc rối của cuộc sống và một cái chũm cam 5 chiều không nhỉ?






NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (6)

 Con người Nguyễn Văn Hiệu

    Nguyễn Văn Hiệu là một nhà khoa học lớn, nhưng trước hết là một con người. Ở vị trí của mình, ông phải chịu sức ép quá lớn từ hoàn cảnh, vốn không mấy thuận lợi cho việc phát triển khoa học. Tôi nghĩ, ông thừa thông minh để hiểu, các nhà khoa học được tôn vinh đôi khi chỉ để trang trí hoặc chỉ như một gia vị.

     Nhiều người nói điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Nguyễn Văn Hiệu là tính độc đoán và định kiến. Trong nhiều hoàn cảnh, tính quyết đoán của Nguyễn Văn Hiệu là ưu điểm vượt trội của ông trong một nền hành chính thiếu quyết đoán, mù mờ, thủ tục nhiêu khê kéo dài, không ai dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Dù không phải lúc nào ông cũng đúng, nhưng sau này, có kinh nghiệm quản lý, tôi mới thấy điều đó là cần thiết. Làm được 6-7 việc và sai 2-3, nếu không vi phạm luật chắc chắn là hơn nhưng người chỉ làm 1-2 việc đúng. Tuy nhiên cũng có khi ông khá độc đoán và định kiến kéo dài, không công bằng với một số người. Đó là điểm yếu của ông, nhưng cũng là tất yếu có thể hiểu được.

       Một số người khác nói rằng điểm yếu của Nguyễn Văn Hiệu là khoa trương, nói nhiều việc nhưng không thực hiện được. Sự thực thì Nguyễn Văn Hiệu rất nhiệt tình truyền cảm hứng cho mọi người. Mỗi khi ông đi công tác nước ngoài về, có được những ý tưởng mới, ông lại mời các cán bộ trong Viện lại và say sưa nói về viễn cảnh phát triển. Có người đã nghe ông nói hàng chục lần, trải qua hàng chục năm, nghe ông nói vẫn thấy nhiệt huyết sôi sục, muốn bắt tay vào việc. Đây chính là biệt tài của ông, khiến ông có sức thu hút, có khả năng tập hợp người, làm nhiều việc thành công. Tất nhiên, ông rất linh hoạt và luôn có ý tưởng mới, vì vậy ông như một người rắc ý tưởng trên đường đi, không phải luôn luôn có thời gian và nguồn lực để thực hiện. Nếu ai nắm bắt và sử dụng được, mọi ý tưởng của ông đều hàm chứa những chân trời phát triển mới. Vì thế tôi cho đây là một tính cách hồn hậu, nhiệt tình của Nguyễn Văn Hiệu.

       Có lẽ điểm yếu thực sự của ông là một tính cách tưởng chừng vô hại, và cũng là tính cách chung của nhiều nhà khoa học Việt Nam là cảm tính và cả tin. Chẳng hạn, tôi đã tận mắt thấy Nguyễn Hoàng Phương làm việc với “các nhà ngoại cảm”, ghi tất cả những gì họ nói coi là nguồn thông tin tin cậy mà không kiểm tra. Ông ngây thơ cho rằng ai cũng trong sáng, trọng danh dự và yêu chân lý như mình, không hề nghĩ tới những động cơ xấu. Thành thử các nhà khoa học, đáng ra rất duy lý lại dùng cảm tính để suy diễn và rất hay bị lừa phỉnh. Nguyễn Văn Hiệu cũng có những niềm tin cảm tính như vậy. Là nhà quản lý, có danh vọng, nhiều người vây quanh tâng bốc, lại bận rộn lọc thông tin không kỹ càng, rất dễ sai lầm. Bên cạnh đó, nhà quản lý thường cô đơn, vì những nhà khoa học thực sự, có bản lãnh thường không thích hòa mình vào đám đông xun xoe đang vây quanh ông. Tôi cảm nhận được sự cô đơn của Nguyễn Văn Hiệu và nhiều khi thấy thương ông vô cùng.  

    GS Cao Long Vân, một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc tại Ba Lan, tỏ ý tiếc cho việc Nguyễn Văn Hiệu không phát huy được mặt mạnh nhất của ông là lý thuyết trường và hạt cơ bản tại Việt Nam. Ông không có truyền nhân trực tiếp nào có tầm cỡ như ông hoặc ít ra tương đương với các học trò trong vật lý chất rắn. Trong những học trò đời cuối cùng của ông chỉ có Hà Đại Phước còn làm về lý thuyết hạt cơ bản ở Mỹ, nhưng không phải theo hướng của Nguyễn Văn Hiệu đã hướng dẫn. Tại Mỹ, Hà Đại Phước đã đi theo hướng nghiên cứu của tôi làm thời sinh viên là tính mô ment từ của các hạt baryon và có những kết quả xuất sắc. Nhà khoa học sẽ được sống mãi trong công việc tiếp nối của các học trò, Nguyễn Văn Hiệu để những kiến thức về lý thuyết trường và hạt sơ cấp của ông uổng phí là một điều đáng tiếc, không phải đối với riêng ông mà còn đối với ngành Vật lý Việt Nam. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi vì sao khi các học trò xuất sắc nhất của ông như Nguyễn Ái Việt A, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Bá Ân, đã trưởng thành, nghĩa vụ của Nguyễn Văn Hiệu đối với vật lý chất rắn đã hoàn tất, ông không truyền thụ nốt cho họ những “tuyệt chiêu” về lý thuyết trường và hạt cơ bản của ông. Một người thầy lớn phải luôn luôn mong muốn có những học trò được như mình, thậm chí hơn mình, như Nguyễn Hoàng Phương đã từng hết lòng với Nguyễn Văn Hiệu.

      Theo tôi, tình yêu của Nguyễn Văn Hiệu đối với Vật lý luôn cháy bỏng, nhưng ông luôn hướng tới những kết quả cụ thể, không để ý nhiều tới những vẻ đẹp mê hồn của nó. Có một điều gì đó, tôi thấy thiếu ở Nguyễn Văn Hiệu là sự lãng mạn, tôn thờ cái đẹp thủy chung trong Vật lý ở những người như Nguyễn Hoàng Phương, Cao Chi. Có lẽ ông quá bận rộn không có thời gian để thưởng thức những vẻ đẹp mà đáng ra ông có quyền được hưởng. Đôi khi ông bỏ qua những tài năng trẻ không theo những hướng nghiên cứu mà ông đang quan tâm. Trường hợp mà tôi tiếc nhất là Trần Trí Triết, là nghiên cứu viên của phòng Vật lý lý thuyết trong những năm 1979-1980. Anh có những tư tưởng rất táo bạo, kiến thức rất sâu, nhưng không được động viên và tạo điều kiện thích đáng, cuối cùng phải bỏ nghề.

     Điều tôi tiếc nhất cho Nguyễn Văn Hiệu là ông không giữ được quan hệ tốt đẹp với một số đồng nghiệp, trong đó có những người thực sự xuất sắc. Nếu ông có thể kết hợp với họ, sử dụng được năng lực của họ, với cả một tập thể lớn, nền vật lý của chúng ta có thể sẽ tiến xa hơn nữa. Nước nổi, thuyền nổi, người cầm lái sẽ càng nổi. Người xưa có nói “dụng nhân như dụng mộc”, dùng cây không chỉ dùng thân, sử dụng được cả lá, cành và rễ mới là thợ cả giỏi.  Đôi khi toàn bộ giá trị của cây lại nằm trong phần rễ xấu xí ẩn sâu trong lòng đất.

     Nhắc đến Nguyễn Văn Hiệu, không nhắc đến Nguyễn Hoàng Phương là một thiếu sót lớn, không công bằng, có thể là thiếu trung thực. Nếu Nguyễn Văn Hiệu không gặp được Logunov, Nguyễn Văn Hiệu có thể không có bằng sáng chế về tán xạ phi đàn tính sâu, ông vẫn có thể có những công trình khác với Pontercovo, Markov, Ogievetsky ở phòng thí nghiệm neutrino. Việt Nam vẫn có thể có nhà quản lý Nguyễn Văn Hiệu, vì thời thế đã gọi tên ông. Thậm chí ông có thể được nhắc tên nhiều hơn trên về khoa học. Nhưng nếu không có, sự giúp đỡ chí tình, vô tư và tầm nhìn của một người thầy lớn, những hướng dẫn ban đầu của Nguyễn Hoàng Phương, khó có thể có một Nguyễn Văn Hiệu như ngày nay chúng ta biết. 

     Có thể nếu được làm việc dưới quyền của Nguyễn Đình Tứ, tôi sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn về tư duy quản lý, cảm thấy sự ấm áp hơn về tình người. Nếu được làm khoa học với Trần Hữu Phát, có thể tôi sẽ có được nhiều giờ thảo luận sâu hơn về vật lý thực sự. Có thể nếu được sinh ra sớm hơn, tôi có thể sẽ được làm việc với Nguyễn Hoàng Phương để tiếp thu những ý tưởng bay bổng. Nhưng nếu được chọn lại từ đầu, có lẽ tôi vẫn sẽ chọn về Viện Vật lý, cho dù chỉ được chiêm ngưỡng, học hỏi Nguyễn Văn Hiệu từ xa và cuối cùng chỉ nhận được từ ông sự cảm thông muộn màng. Đối với con đường khoa học và đến với những hoài bão tuổi trẻ, một lời tri kỷ từ một đồng nghiệp cũng đã là may mắn đủ cho thiên thu không dễ dầu gì có được. Có lẽ tôi cũng cô đơn như ông, mặc dù chưa bao giờ muốn làm một người khổng lồ, với đôi đầu gối mỏi mòn dưới sức nặng ngàn cân, lê từng bước nặng nề hành hương về một phương trời vô định.

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (5)

Phần 4c 
Những kỷ niệm cuối cùng

      Từ năm 1991, tôi đi Mỹ, nghiên cứu tại Đại học Syracuse, phát triển lý thuyết Kaluza-Klein với chiều gián đoạn, thống nhất tương tác hấp dẫn với các tương tác điện từ, mạnh và yếu. Đây là một hướng nghiên cứu hẹp, công cụ toán học trừu tượng và khó. Hồi bấy giờ, Syracuse là trung tâm mạnh nhất thế giới về lý thuyết hấp dẫn, quy tụ được nhiều nhà vật lý cự phách như A.Ashtekhar, R.Penrose (giải thưởng Nobel 2021), L.Smolin, C.Rovelli,… Do đó tôi quyết định gác những đề tài đang còn dở dang chuyển sang làm hấp dẫn để có thể tận dụng cơ hội hiếm có này. Cũng may, khi đó TS.Nguyễn Hồng Chương, một chuyên gia về vũ trụ học cũng đang làm việc tại Syracuse. Mỗi buổi sáng vào trường, Nguyễn Hồng Chương lại nói cho tôi nghe một chút về bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực này, điều mà tôi rất thiếu khi bước vào lý thuyết trường. Đồng thời tôi cũng theo dõi công việc của nhóm Ashtekhar. Chính nhờ vậy, tôi đã nhanh chóng nắm được những vấn đề lớn trong lĩnh vực này và định ra được cho mình một hướng đi sau 6 tháng khi tới Syracuse. Nhờ vậy, tôi đã xây dựng thành công lý thuyết Einstein dựa trên hình học không giao hoán, vượt quá được những khó khăn mà nhóm của J.Frohlich đã vấp phải và chỉ ra lý thuyết này chính là lý thuyết Kaluza Klein với chiều phụ gián đoạn. Về mặt hiện tượng luận, cũng có những thành công nhất định, khi ứng dụng lý thuyết này tiên đoán khối lượng của quark top, hạt Higgs và mô tả hệ Hall lượng tử hai lớp. Trước khi mất một năm nhà vật lý gốc Ấn Độ, giải thưởng Nobel 1983, S.Chandrasekhar có tới Syracuse gặp tôi sau khi đọc các bài báo này và khuyên tôi “Nếu tôi là anh và nếu tôi còn trẻ, cho đến cuối đời, tôi sẽ chỉ làm đề tài này.” Đối với tôi đó là thành tích cao nhất về khoa học mà tôi có được.

    Năm 1995, tôi chuẩn bị cho việc về nước, nên bắt đầu nghiên cứu thêm về CNTT, khi đó bắt đầu phát triển rất mạnh tại Mỹ sau sự ra đời của công nghệ Web. Khi đó tôi nghĩ rằng CNTT sẽ phát triển ở Việt Nam, tôi sẽ có thêm một nghề tay trái để tiếp tục làm Vật lý lý thuyết. Tuy nhiên, những cơ duyên mới được mở ra và do nhu cầu thực tế, tôi trở thành chuyên gia CNTT, Vật lý lý thuyết chỉ còn là nghề tay trái. Trong lĩnh vực mới này, tôi có cơ hội đóng góp tốt hơn cho xã hội. Do đó tôi phần nào hình dung được việc Nguyễn Văn Hiệu chuyển hướng sang Vật lý bán dẫn, rồi công nghệ nano. Có lẽ ông cũng loay hoay tìm hướng hoạt động có tác động xã hội trực tiếp và mạnh hơn. Về phương diện này, có lẽ tôi đã may mắn hơn ông.

      Năm 2003, tình cờ Nguyễn Văn Hiệu gặp vợ tôi và nói “Chú vẫn thường xuyên đọc tất cả công trình của Việt, và thấy rất thích cách nghĩ táo bạo của Việt. Chú thấy Việt có nhiều điểm giống chú. Bây giờ chú thấy tiếc đã không hướng dẫn trực tiếp và tạo điều kiện làm việc tốt cho Việt. Việt đã phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn mà vẫn tìm được cho mình được con đường riêng là một điều đáng phục.” Lúc đó tôi mới biết, ông chưa hề “bỏ rơi” tôi về tinh thần. Điều đó đã giải phóng cho tôi phần nào tâm sự, và làm tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Quả thật tôi chỉ muốn có một sự thừa nhận công bằng chứ không hề muốn có sự nâng đỡ đặc biệt của bất cứ ai. Lần cuối cùng, tôi gặp ông tại một Hội thảo về Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam. Chúng tôi phụ trách công việc ở hai Ban khác nhau, ông ở Ban Vật lý, tôi ở Ban Công nghệ Thông tin. Ông đăng đàn, kể lể công lao của ngành Vật lý khiến tôi bùi ngùi xót xa. Ngành Vật lý là một ngành khoa học lâu đời nhất của nền khoa học Việt Nam, một thời tập trung nhiều nhân tài xuất chúng nhất, đáng lẽ phải là anh cả, dẫn đầu các ngành khoa học mà chỉ yêu cầu được coi ngang hàng hay gần bằng với các ngành khoa học, công nghệ khác mà thôi ư? Ai phải chịu trách nhiệm về điều đó? Tại hội thảo đó, tôi đã đề xuất một phương pháp ứng dụng CNTT thông tin để soạn Bách Khoa Toàn Thư nhanh chóng và đảm bảo chất lượng. Sau Hội thảo, ông cùng Nguyễn Đại Hưng đến gặp tôi nói “Chú ủng hộ phương pháp của Việt. Về CNTT, bây giờ chú phải học cháu chứ. Chạy dạy chú cách để chú làm Bách Khoa Toàn thư cho ngành Vật lý.”

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (4c)

 Phần 4b

Phần 4c

Tiếp tục nghiên cứu về lý thuyết trường lượng tử

     Tôi về phòng Viện Vật lý, đúng dịp TS Đào Vọng Đức đi nghiên cứu dài ngày ở Ý. GS. Nguyễn Văn Hiệu, nhận tạm thời hướng dẫn tôi và anh Hoàng Ngọc Long. Ông lại hướng dẫn chúng tôi đọc các bài báo về monople của t’Hooft và Polyakov, về instanton của Belavin, Schwarz, Polyakov và Tyuptin. Đây là các vấn đề rất khó và rất thời sự vào lúc đó, được hy vọng là lời giải cho bài toán cầm tù quark. Rõ ràng Nguyễn Văn Hiệu chưa bao giờ rời bỏ những hướng nghiên cứu mà ông đã vạch ra cho tôi. Một trong những điểm khó hiểu nhất trong các bài báo này là các khái niệm về topo và hình học vi phân. Tôi đã tổ chức một semina hàng tuần về phương pháp toán học này tại nhà, có Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Hùng Sơn và một số người khác tham dự. Nguyễn Văn Hiệu rất quan tâm đến semina này. Ông thường hỏi tôi “Semina của cậu có hay không?” Tuy vậy, thời gian được làm việc với thầy Hiệu của tôi chỉ kéo dài 2 tháng. Thậm chí, tôi chưa có buổi nào được làm việc trực tiếp mà chỉ nhận tài liệu qua thư ký để đọc. Ông quá bận để có thể có thời gian cho tất cả mọi người.

     Một trong những khó khăn của tôi trong thời kỳ này là việc định hướng nghiên cứu. Tôi khi đó còn quá trẻ chưa có tầm nhìn toàn cảnh về ngành Vật lý, không biết phải học và nghiên cứu cái gì. Sau này, Nguyễn Văn Hiệu có nói ông có hai may mắn. Một là được chuẩn bị kiến thức cơ bản, đọc đúng sách cần thiết trước khi đi Dubna. Hai là gặp được những người hướng dẫn tận tình và giỏi. Cả hai điều này tôi đều không có. Ở Phòng lý thuyết, tôi được biết là không thể đi về các hướng sẽ hướng tới sử dụng máy tính như ở Budapest, bên cạnh đó, ở Việt Nam khi đó chỉ có Nguyễn Văn Hiệu quan tâm tới sắc động học lượng tử. Một lần, Nguyễn Văn Hiệu đi công tác ở Pháp về gọi chúng tôi tới nói về các công trình siêu hấp dẫn trong không gian 11 chiều của một nhà vật lý trẻ là Julia. Ông nói: Julia không hơn gì tuổi các cậu đã giỏi như vậy, các cậu phải cố lên. Thực ra không dễ dầu gì có được điều kiện làm việc như Julia. Cái chúng tôi được nhà nước cung cấp cho là một tháng 2 thếp giấy nháp màu nâu, chỉ viết được trên một mặt và 2 cái bút chì, và được bảo là “làm khoa học đi”. Các tạp chí khoa học trước đó được Trung Quốc viện trợ, lúc đó đã bị cắt hẳn. Thi thoảng cũng có một vài số tạp chí mới nhất, thường là chậm từ 5-10 năm. Chúng tôi chia sẻ với nhau một số sách tiếng Nga kinh điển như cuốn “Điện động học lượng tử” của Akhiezer, “Nhập môn lý thuyết trường lượng tử” của Bogoliubov và Shirkov. Chúng tôi cũng được truyền kinh nghiệm “Sếp Hiệu đã tính nát hai bộ sách này, nên mới thành công như vậy ở Dubna”. Chúng tôi cũng tin là chỉ cần đọc kỹ và thực hiện tính toán trong hai cuốn sách này, vật lý thế giới sẽ nằm trong tầm tay. Ngày nay nhìn lại mới thấy niềm tin đó thật ngây thơ như ếch ngồi đáy giếng. Vào năm 1956-1958, hai bộ sách này còn là mới và đang theo sát các vấn đề mà giới vật lý quan tâm, được hướng dẫn đọc hai bộ sách này, rồi lại đến Dubna làm việc với các tác giả là may mắn của Nguyễn Văn Hiệu. Tới năm 1980, các cuốn sách này ít có liên hệ trực tiếp với những vấn đề thời sự trong vật lý. Tuy vậy, tôi quyết định bỏ thời gian nghiên cứu phương pháp topo và hình học vi phân. Tôi nói rằng nếu Julia thành công ở tuổi 30, tôi sẽ được như Julia vào năm 40 tuổi hoặc thậm chí 60 tuổi cũng là tốt rồi. Thực ra, đó chỉ là cách chọn hướng cụ thể khác, về phương pháp cũng là do ảnh hưởng từ Nguyễn Văn Hiệu.

     Năm 1980, Nguyễn Văn Hiệu quan tâm trở lại lĩnh vực trường lượng tử và hạt cơ bản. Ông lập một nhóm nghiên cứu rất mạnh gồm có Nguyễn Hùng Sơn, Hà Đại Phước và Lê Viết Dũng, là những nhà khoa học trẻ giỏi nhất của Trung tâm Vật lý lý thuyết. Đây là thế hệ học trò cuối cùng về vật lý hạt cơ bản của Nguyễn Văn Hiệu. Sau hơn 10 năm không làm việc trong lĩnh vực này, mặc dù vẫn luôn cố gắng cập nhật với các thành tựu mới nhất, Nguyễn Văn Hiệu đã phải hết sức vất vả để mở một hướng đi cho nhóm này vừa phải xứng đáng với tầm cỡ của mình. Ông đã cố gắng nghiên cứu về một cách biểu diễn mới cho siêu đối xứng. Tình cờ, đây cũng là đề tài nghiên cứu của tôi.  Năm 1984, tôi có dịp đến Dubna làm việc mấy tháng và chọn làm việc với GS. V.I.Ogievetsky, là người rất nổi tiếng trên thế giới với khái niệm “siêu không gian điều hòa”. Tại Mỹ ông được mệnh danh là “Fezza Gursey của Nga” thể hiện một sự kính trọng tuyệt đối. Ogievetsky cùng tuổi với Nguyễn Văn Hiệu và bắt đầu làm việc với Viện sĩ M.A.Markov tại phòng thí nghiệm neutrino từ năm 1956. Tuy vậy, ông bị thành kiến, chèn ép nên mãi tới năm 1990 mới được ra nước ngoài lần đầu, đến Budapest dự một hội nghị. Tôi đã đưa ông và vợ đi chơi Budapest, rất ngạc nhiên khi ông nói lần đầu tiên được ra nước ngoài và đời sống ở Nga lúc bấy giờ rất túng thiếu. Năm 1994, tôi còn gặp Ogievetsky lần cuối cùng ở Philadelphia, khi ông sang Mỹ làm việc ngắn hạn theo lời mời của J.Bagger.

        Nhờ những chuẩn bị khá tốt về phương pháp hình học và topo, lại ứng dụng được những kiến thức này trong một công trình viết chung với nhóm nghiên cứu của Ogievetsky, năm 1977, sau khi bảo vệ luận văn tiến sĩ trong nước, tôi đã có được một công trình độc lập về phương pháp topo được đăng Tạp chí Physics Letters B, là tạp chí hàng đầu về vật lý lý thuyết và cũng đã hình thành được hướng nghiên cứu khá hấp dẫn về mô hình Skyrme cùng với Phạm Thúc Tuyền. Mô hình này được quan tâm trở lại và trở thành đề tài nóng, với tư tưởng là phương pháp topo sau công trình của nhóm nghiên cứu của nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Fields 1990, E.Witten. Tuy vậy, chúng tôi bắt buộc phải tính toán trên máy tính để có các kết quả so khớp được với thực nghiệm. Cũng may là lúc đó tôi nhận được giải thưởng về Vật lý của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và có điều kiện sang Budapest. Giải thưởng này khá vinh dự vì mỗi năm chỉ có 2 người được nhận giải, cùng năm với tôi là Viện sĩ Nga N.Gribov và trước đó là P.Dirac, giải thưởng Nobel năm 1932. Kèm theo giải thưởng là học bổng một năm nghiên cứu tại Budapest. Tại Budapest, tôi nhanh chóng hoàn thành các tính toán và công bố các bài báo cùng với anh Phạm Thúc Tuyền, các kết quả này được nhà vật lý nổi tiếng Fezza Gursey nhắc đến.

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (4b)

Phân 4b: 
 http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/02/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-4a.html

Ứng dụng phương pháp trường lượng tử trong vật lý chất rắn

     Khi về Viện Vật lý, tôi được phân công làm trong nhóm của các TS. Đào Vọng Đức và Nguyễn Thị Hồng. Nguyễn Văn Hiệu chỉ nói ngắn gọn “Cháu sẽ làm việc về lý thuyết hạt cơ bản với chú Đức, là một người rất giỏi. Chú cũng làm về hạt cơ bản, nhưng sẽ phụ trách nhóm nghiên cứu lý thuyết bán dẫn.” Sau này, tôi mới biết Nguyễn Văn Hiệu vẫn say mê và không ngừng nghiên cứu vật lý hạt cơ bản là mối tình khoa học đầu tiên của ông. Tuy vậy, ông nhận thức được rằng vật lý chất rắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn đối với ứng dụng tại Việt Nam và tự thấy mình có trách nhiệm phát triển hướng nghiên cứu này. Ông tập hợp được một nhóm khá đông các nhà vật lý lý thuyết trẻ có năng lực, được tuyển chọn rất kỹ như Nguyễn Ái Việt A, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Bá Ân, Nguyễn Như Đạt, Nguyễn Vinh Quang, Hoàng Ngọc Cầm, Hà Vĩnh Tân, sau này có thêm Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Quê Hương, Hoàng Anh Tuấn, ngày nay đều là những nhà vật lý xuất sắc, thành danh. Trong phòng Lý thuyết còn có các anh lớn tuổi hơn như Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Ngọc Thuân, cũng là những nhà vật lý uyên bác, thông minh xuất chúng.

     Nguyễn Văn Hiệu muốn tạo ra một trường phái vật lý bán dẫn tại Việt Nam sử dụng thế mạnh của ông đã thành công vang dội tại Dubna là phương pháp tính biên độ tán xạ sử dụng các giản đồ Feynman. Nói ý tưởng thì đơn giản nhưng khi áp dụng không hoàn toàn như vậy. Trong nhiều năm, ông và các học trò đã phát triển một hướng đi độc đáo trong vật lý bán dẫn, phát triển một phương pháp luận tính toán các quá trình sinh hủy các giả hạt để giải thích rất nhiều hiện tượng vật lý trong chất bán dẫn. Rất nhiều công sức đã bỏ ra để có một phương pháp luận trong sáng, dễ hiểu, dễ dùng, từ những công cụ phức tạp của lý thuyết trường. Nhiều người cho rằng đây là cách dùng “đại bác bắn chim sẻ”, tuy vậy, tôi cho rằng đó là cách duy nhất làm đúng. Khi đó tại Việt Nam, tài liệu, điều kiện tiếp xúc quốc tế, điều kiện làm việc đều vô cùng khó khăn. Để có được một công trình mới có ý nghĩa có thể công bố được trên các tạp chí có uy tín trên thế giới là vô cùng khó khăn, chưa nói tới được việc hình thành một trường phái lớn, có ảnh hưởng tới thực nghiệm và ứng dụng. Một cách làm khác phổ biến hơn là vẫn tiếp tục các đề tài nghiên cứu ở nước ngoài và nỗ lực để có những thành công xuất sắc. Ở Phòng Vật lý thời đó, có những nhà khoa học giỏi như các anh Đoàn Nhật Quang, Nguyễn Văn Liễn, Nguyễn Minh Khuê, vẫn có thể làm những hướng khác, độc lập. Tuy vậy, nếu nhìn lại, nét chủ đạo vẫn là “công nghiệp tính toán sơ đồ Feynman cho bán dẫn” (như chúng tôi vẫn gọi đùa một cách thân thương) của nhóm nghiên cứu do GS Nguyễn Văn Hiệu lãnh đạo.

      Từ những năm 1980, lứa học trò đầu tiên của Nguyễn Văn Hiệu đã trưởng thành và đã vươn tới các đề tài hiện đại và có ý nghĩa vật lý sâu hơn như hiệu ứng Hall lượng tử, siêu dẫn nhiệt độ cao, quang học bán dẫn, tính toán lượng tử. Tuy tôi không làm việc trong nhóm của Nguyễn Văn Hiệu, nhưng tôi cũng học được ít nhiều các ý tưởng mới này qua các cuộc trò chuyện, semina và báo cáo hội nghị với các anh ở nhóm này, nhờ có chuẩn bị kiến thức cơ bản về Vật lý chất rắn và hệ nhiều hạt từ thời học đại học qua các giáo trình của C.Kittel và L.Landau. Một trong những điều thú vị của các Hội nghị Vật lý lý thuyết thời đầu là các chuyên gia ở các chuyên ngành có thể học hỏi từ các chuyên ngành khác. Trong nghiên cứu vật lý, việc có một nhãn quan rộng vượt khỏi đề tài hẹp của mình là vô cùng cần thiết.

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (4a)

 Thành lập Viện Vật lý 

     Năm 1969, Nguyễn Văn Hiệu cùng gia đình về nước, bằng chuyến tàu liên vận qua Syberia và Trung Quốc. Sau này, tôi đã từng đi chuyến tàu như thế, nên cũng có thể tưởng tượng được tâm trạng của GS. Hiệu khi đó như thế nào. Không thể nói là không có nhớ tiếc những công việc khoa học đang còn dang dở, môi trường làm việc lý tưởng đang thuận lợi, những người bạn đồng nghiệp tốt bụng và giỏi giang, cũng như những khắc khoải về khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, tâm trạng sẵn sàng cho công việc mới mà đất nước đang sắp sửa giao phó cho ông cũng đầy hứng thú. Trên chuyến tàu này còn có TS trẻ Chu Hảo, sau này sẽ là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ, là người Nguyễn Văn Hiệu đã hướng dẫn nghiên cứu và đưa vào làm việc về Vật lý Chất rắn tại Dubna.  Tuy là thế hệ thầy trò, nhưng Chu Hảo cũng chỉ kém Nguyễn Văn Hiệu có vài tuổi.Tôi có thể tưởng tượng chuyến tàu đó với những câu chuyện về tương lai giữa hai nhà vật lý trẻ thông minh và vẻ mặt đăm chiêu của Nguyễn Văn Hiệu đã chìm đắm trong những viễn cảnh mới.

     Thảo luận về việc về nước năm 1969 của Nguyễn Văn Hiệu, nhiều bạn trẻ băn khoăn, tiếc nuối về việc vì sao Nguyễn Văn Hiệu không tiếp tục ở lại để nghiên cứu. Thực ra, thời bấy giờ việc hết thời gian làm việc về nước, đất nước đã đào tạo ra nhà khoa học, thì nhà khoa học phải về nước phục vụ là một việc rất tự nhiên. Tuy vậy, Nguyễn Văn Hiệu hoàn toàn có thể nhờ các Viện sĩ có uy tín can thiệp, tác động để chính phủ Liên Xô gửi công hàm đề nghị giữ ông tiếp tục làm ở Dubna. Rõ ràng, Nguyễn Văn Hiệu đã có chuẩn bị cho việc về nước từ những ngày đầu. Việc này hoàn toàn phù hợp với việc cùng một lúc tham gia vào nhiều hướng khoa học. Tôi suy luận và phỏng đoán rằng Nguyễn Văn Hiệu khi đó đã nghĩ tới việc xây dựng một nền vật lý tương lai cho Việt Nam, nên ông tìm hiểu và thu gom mọi kiến thức không phải cho một mình ông mà cho cả một cộng đồng. Chính vì thế, ông làm việc bằng 3,4  lần người khác. Một trong những học trò gần gũi của ông là GS. Nguyễn Hồng Quang, đã khẳng định trong những buổi tâm sự với các học trò gần gũi, GS. Hiệu cũng đã tâm sự những điều tôi đã suy luận được.

     Về đến Việt Nam, Nguyễn Văn Hiệu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chính phủ giao cho việc thành lập Viện Vật lý, khi mới 31 tuổi. Cho tới nay, ông vẫn là người trẻ nhất làm Viện trưởng một Viện nghiên cứu. Tôi nghe được câu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi biết được người ta xếp lương cho Nguyễn Văn Hiệu ở mức chuyên viên 1 là 105 đồng, đã tự tay thay đổi thứ tự các con số thành 150 đồng, bằng lương Bộ trưởng, chuyên viên 7. 

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3d)

 Tán xạ phi đàn tính sâu

      Trong những năm cuối ở Dubna, Nguyễn Văn Hiệu đã làm việc với một nhóm các nhà vật lý xuất sắc nhất trong nhóm của Bogoliubov như A.A.Logunov, A.N.Tavkhelize,… xây dựng các phương án thí nghiệm cho Trung tâm Vật lý năng lượng cao đang sắp hoàn thành ở Serpukhov. Nguyễn Văn Hiệu đã sử dụng những công cụ ông hết sức thành thạo để tính toán biên độ tán xạ cho các quá trình va chạm các hạt cơ bản ở năng lượng rất cao. Về mặt lý thuyết, sau khi nhà vật lý, giải thưởng Nobel, người Anh P.Dirac tìm ra phản vật chất, người ta đã biết rằng khi các hạt có năng lượng rất lớn va chạm với nhau sẽ tạo ra các hạt mới, từ các cặp hạt-phản hạt. Các quá trình này được gọi là các quá trình tán xạ phi đàn tính sâu. Các tính toán của nhóm Logunov, Tavkhelidze và Nguyễn Văn Hiệu, là cơ sở để thiết kế các thí nghiệm tại Serpukhov. Do những đóng góp này, Nguyễn Văn Hiệu đã được tặng giải thưởng Lenin. Nguyễn Văn Hiệu và Logunov, giám đốc Trung tâm Serpukhov và sau này là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, đều được trở thành Viện sĩ Liên Xô.


Hình ảnh lý tưởng: Richard Feynmann

        Theo đánh giá cá nhân của tôi, nếu Nguyễn Văn Hiệu được tiếp tục nghiên cứu tại Liên Xô, ông sẽ còn có những thành công rực rỡ hơn nữa. Có thể sẽ có những hiệu ứng, những phương trình vật lý mang tên Nguyễn Văn Hiệu. Nhưng đất nước Việt Nam vào thời điểm đó đang như ông để xây dựng ngành Vật lý non trẻ.  Đó là một sự hy sinh không hề nhỏ của Nguyễn Văn Hiệu, khi ông trở về nước năm 30 tuổi, tài năng đang vừa độ chính, uy tín quốc tế của ông đã rất lớn, các hướng nghiên cứu của ông đều đang hứa hẹn những kết quả phi thường. Tuy vậy, đối với tương lai của đất nước, việc xây dựng nền vật lý và cộng đồng khoa học sẽ là quan trọng hơn. Việc chúng ta có được một nền vật lý như ngày nay với một tập thể đông đảo các nhà khoa học theo nhiều hướng nghiên cứu khác nhau là một kiệt tác tầm cỡ hơn nhiều của Nguyễn Văn Hiệu. Tư tưởng đó của Nguyễn Văn Hiệu và nhiều người cùng thời đã ảnh hưởng tới nhiều tới các quyết định quan trọng của tôi trong sự nghiệp.

        Nếu được chọn cho Nguyễn Văn Hiệu một môi trường làm việc lý tưởng trên thế giới sau năm 1964, tôi sẽ chọn cho ông trường Đại học Caltech, để làm việc cùng với R.Feynman, giải thưởng Nobel 1964. Toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Hiệu tình cờ có một sự đồng cảm sâu sắc với các phát minh của Feynman. Ông rất thành thạo phương pháp tính giản đồ và tích phân phiếm hàm của Feynman. Nếu được tới Caltech vào năm 1964, có thể ông sẽ giúp Feynman hình thành ý tưởng về parton sớm hơn, có những tính toán nhanh hơn. Ý tưởng vật lý của Feynman và năng lực tính toán của Nguyễn Văn Hiệu có thể là một kết hợp tuyệt vời. Về tính cách con người và tư duy, giữa Feynman và Nguyễn Văn Hiệu có nhiều điểm khác biệt, có thể bổ sung cho nhau. Nhưng về chuyên môn, hai người có những đồng cảm sâu xa. Đặc biệt là ở việc quan tâm rất rộng tới nhiều khía cạnh trong vật lý. Tôi nhớ Feynmann đã từng nói đại ý “Hãy mang vấn đề tới đây. Tôi sẽ giải quyết nó bằng bất cứ cách nào, hoặc sẽ sáng tạo ra cách giải quyết nó.” Nguyễn Văn Hiệu cũng là một người như vậy. Đó là tư duy của người khổng lồ, không phải dân tộc nào, thế hệ nào cũng có thể sản sinh được.  




NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3c)

 Đối xứng unita của các hạt sơ cấp

      Điểm đặc biệt trong thành công của Nguyễn Văn Hiệu ở chỗ ông đã có một tầm nhìn xa và sâu sắc về bức tranh toàn cảnh Vật lý. Đó là tư duy của một nhà lãnh đạo khoa học tương lai. Trong khi làm luận án TS, ông đã nghiên cứu song song thêm các đề tài khác về tương tác mạnh và đã có những kết quả quan trọng bên ngoài luận án TS. Chúng ta có thể thấy nhà khoa học trẻ Nguyễn Văn Hiệu khao khát kiến thức và có năng lực làm việc lớn như thế nào. Ở đây chúng ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của một người khổng lồ, vác lên vai tất cả những kiến thức đồ sộ mà anh có thể thấy trên đường, để đem về xây dựng cho nền vật lý tương lai của quê hương. Ông như muốn học cả cho những người đang ở quê nhà, đang đợi ông để cùng xây dựng nền vật lý tương lai cho Việt Nam.  Nếu chỉ để học cho cá nhân mình, hay vì bằng cấp, Nguyễn Văn Hiệu hoàn toàn không cần làm như vậy.  Đến Dubna năm 22 tuổi, 8 năm sau ông đã được phong học hàm GS Liên Xô, phụ trách một nhóm nghiên cứu lớn, có nhiều học trò giỏi.

   Cùng với GS. Ya.A.Smorodinsky, Nguyễn Văn Hiệu đã nghiên cứu đối xứng unita của các hạt cơ bản. Đây là một hướng nghiên cứu rất mới, do nhà vật lý Mỹ M.Gell Mann đề xuất. Đối xứng unita là một quy luật tuần hoàn, phản ánh các thuộc tính lặp đi lặp lại của rất nhiều hạt cơ bản được phát hiện trong các máy gia tốc có năng lượng rất cao. Các thuộc tính tuần hoàn này tương tự như các thuộc tính của các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Công cụ toán học để phân loại và sắp xếp các hạt cơ bản là lý thuyết biểu diễn nhóm, một lý thuyết rất khó và trừu tượng vào lúc bấy giờ. Bằng công cụ toán học mới này, người ta thấy có một vị trí trong bảng tuần hoàn mới đó còn thiếu. Gell Mann đã tính toán khối lượng của hạt đó mà được ông đặt tên là Omega. Năm 1964, người ta đã phát hiện hạt Omega, bằng thực nghiệm. Đó là một thành công rực rỡ của nhóm đối xứng unita, mà các nhà viết lịch sử khoa học thường so sánh với việc phát hiện ra hành tinh Neptun. Nhóm nghiên cứu của Smorodinsky và Nguyễn Văn Hiệu đã nghiên cứu về nhóm đối xứng unita rất sớm. Smorodinsky, khi đó đã là trưởng phòng vật lý lý thuyết tại Dubna, vốn là học trò của nhà vật lý Liên Xô, giải thưởng Nobel, L.D.Landau lừng danh. Ông là một trong số ít những người thành công trong kỳ sát hạch khó khăn của Landau dành cho các nhà vật lý trẻ. Trong nhóm nghiên cứu của Smorodinsky, Nguyễn Văn Hiệu là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu các công cụ toán học của lý thuyết biểu diễn nhóm. Ông tính toán cẩn thận và giảng lại cho các đồng nghiệp. Các bài giảng này sau này được soạn lại thành sách, một sách giáo khoa mẫu mực về sự sáng sủa về dễ hiểu. Cuốn sách này được Viện sĩ Bogoliubov viết lời nói đầu. Nguyễn Văn Hiệu cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất sử dụng nhóm SL(6,C) để biểu diễn hạt cơ bản. Đây là nhóm đối xứng vừa chứa đối xứng unita SU(6) mô tả đối xứng gần đúng của 6 hạt quark mà sau này người ta sẽ tìm ra và nhóm đối xứng tương đối tính Lorentz.

     Nhiều năm sau, hướng nghiên cứu về đối xứng unita và các đối xứng mở rộng được tiếp tục ở nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý của Đào Vọng Đức và Nguyễn Thị Hồng, và nhóm nghiên cứu tại Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp TPHCM của Nguyễn Ngọc Giao và Dương Văn Phi. Cá nhân tôi cũng là một chuyên gia trưởng thành từ hướng nghiên cứu này. Có thể nói, ảnh hưởng của Nguyễn Văn Hiệu đã lan tỏa trong giới Vật lý Việt Nam trong nhiều năm sau.