Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (5)

Phần 4c 
Những kỷ niệm cuối cùng

      Từ năm 1991, tôi đi Mỹ, nghiên cứu tại Đại học Syracuse, phát triển lý thuyết Kaluza-Klein với chiều gián đoạn, thống nhất tương tác hấp dẫn với các tương tác điện từ, mạnh và yếu. Đây là một hướng nghiên cứu hẹp, công cụ toán học trừu tượng và khó. Hồi bấy giờ, Syracuse là trung tâm mạnh nhất thế giới về lý thuyết hấp dẫn, quy tụ được nhiều nhà vật lý cự phách như A.Ashtekhar, R.Penrose (giải thưởng Nobel 2021), L.Smolin, C.Rovelli,… Do đó tôi quyết định gác những đề tài đang còn dở dang chuyển sang làm hấp dẫn để có thể tận dụng cơ hội hiếm có này. Cũng may, khi đó TS.Nguyễn Hồng Chương, một chuyên gia về vũ trụ học cũng đang làm việc tại Syracuse. Mỗi buổi sáng vào trường, Nguyễn Hồng Chương lại nói cho tôi nghe một chút về bức tranh toàn cảnh của lĩnh vực này, điều mà tôi rất thiếu khi bước vào lý thuyết trường. Đồng thời tôi cũng theo dõi công việc của nhóm Ashtekhar. Chính nhờ vậy, tôi đã nhanh chóng nắm được những vấn đề lớn trong lĩnh vực này và định ra được cho mình một hướng đi sau 6 tháng khi tới Syracuse. Nhờ vậy, tôi đã xây dựng thành công lý thuyết Einstein dựa trên hình học không giao hoán, vượt quá được những khó khăn mà nhóm của J.Frohlich đã vấp phải và chỉ ra lý thuyết này chính là lý thuyết Kaluza Klein với chiều phụ gián đoạn. Về mặt hiện tượng luận, cũng có những thành công nhất định, khi ứng dụng lý thuyết này tiên đoán khối lượng của quark top, hạt Higgs và mô tả hệ Hall lượng tử hai lớp. Trước khi mất một năm nhà vật lý gốc Ấn Độ, giải thưởng Nobel 1983, S.Chandrasekhar có tới Syracuse gặp tôi sau khi đọc các bài báo này và khuyên tôi “Nếu tôi là anh và nếu tôi còn trẻ, cho đến cuối đời, tôi sẽ chỉ làm đề tài này.” Đối với tôi đó là thành tích cao nhất về khoa học mà tôi có được.

    Năm 1995, tôi chuẩn bị cho việc về nước, nên bắt đầu nghiên cứu thêm về CNTT, khi đó bắt đầu phát triển rất mạnh tại Mỹ sau sự ra đời của công nghệ Web. Khi đó tôi nghĩ rằng CNTT sẽ phát triển ở Việt Nam, tôi sẽ có thêm một nghề tay trái để tiếp tục làm Vật lý lý thuyết. Tuy nhiên, những cơ duyên mới được mở ra và do nhu cầu thực tế, tôi trở thành chuyên gia CNTT, Vật lý lý thuyết chỉ còn là nghề tay trái. Trong lĩnh vực mới này, tôi có cơ hội đóng góp tốt hơn cho xã hội. Do đó tôi phần nào hình dung được việc Nguyễn Văn Hiệu chuyển hướng sang Vật lý bán dẫn, rồi công nghệ nano. Có lẽ ông cũng loay hoay tìm hướng hoạt động có tác động xã hội trực tiếp và mạnh hơn. Về phương diện này, có lẽ tôi đã may mắn hơn ông.

      Năm 2003, tình cờ Nguyễn Văn Hiệu gặp vợ tôi và nói “Chú vẫn thường xuyên đọc tất cả công trình của Việt, và thấy rất thích cách nghĩ táo bạo của Việt. Chú thấy Việt có nhiều điểm giống chú. Bây giờ chú thấy tiếc đã không hướng dẫn trực tiếp và tạo điều kiện làm việc tốt cho Việt. Việt đã phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn mà vẫn tìm được cho mình được con đường riêng là một điều đáng phục.” Lúc đó tôi mới biết, ông chưa hề “bỏ rơi” tôi về tinh thần. Điều đó đã giải phóng cho tôi phần nào tâm sự, và làm tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Quả thật tôi chỉ muốn có một sự thừa nhận công bằng chứ không hề muốn có sự nâng đỡ đặc biệt của bất cứ ai. Lần cuối cùng, tôi gặp ông tại một Hội thảo về Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam. Chúng tôi phụ trách công việc ở hai Ban khác nhau, ông ở Ban Vật lý, tôi ở Ban Công nghệ Thông tin. Ông đăng đàn, kể lể công lao của ngành Vật lý khiến tôi bùi ngùi xót xa. Ngành Vật lý là một ngành khoa học lâu đời nhất của nền khoa học Việt Nam, một thời tập trung nhiều nhân tài xuất chúng nhất, đáng lẽ phải là anh cả, dẫn đầu các ngành khoa học mà chỉ yêu cầu được coi ngang hàng hay gần bằng với các ngành khoa học, công nghệ khác mà thôi ư? Ai phải chịu trách nhiệm về điều đó? Tại hội thảo đó, tôi đã đề xuất một phương pháp ứng dụng CNTT thông tin để soạn Bách Khoa Toàn Thư nhanh chóng và đảm bảo chất lượng. Sau Hội thảo, ông cùng Nguyễn Đại Hưng đến gặp tôi nói “Chú ủng hộ phương pháp của Việt. Về CNTT, bây giờ chú phải học cháu chứ. Chạy dạy chú cách để chú làm Bách Khoa Toàn thư cho ngành Vật lý.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét