Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3d)

 Tán xạ phi đàn tính sâu

      Trong những năm cuối ở Dubna, Nguyễn Văn Hiệu đã làm việc với một nhóm các nhà vật lý xuất sắc nhất trong nhóm của Bogoliubov như A.A.Logunov, A.N.Tavkhelize,… xây dựng các phương án thí nghiệm cho Trung tâm Vật lý năng lượng cao đang sắp hoàn thành ở Serpukhov. Nguyễn Văn Hiệu đã sử dụng những công cụ ông hết sức thành thạo để tính toán biên độ tán xạ cho các quá trình va chạm các hạt cơ bản ở năng lượng rất cao. Về mặt lý thuyết, sau khi nhà vật lý, giải thưởng Nobel, người Anh P.Dirac tìm ra phản vật chất, người ta đã biết rằng khi các hạt có năng lượng rất lớn va chạm với nhau sẽ tạo ra các hạt mới, từ các cặp hạt-phản hạt. Các quá trình này được gọi là các quá trình tán xạ phi đàn tính sâu. Các tính toán của nhóm Logunov, Tavkhelidze và Nguyễn Văn Hiệu, là cơ sở để thiết kế các thí nghiệm tại Serpukhov. Do những đóng góp này, Nguyễn Văn Hiệu đã được tặng giải thưởng Lenin. Nguyễn Văn Hiệu và Logunov, giám đốc Trung tâm Serpukhov và sau này là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, đều được trở thành Viện sĩ Liên Xô.


Hình ảnh lý tưởng: Richard Feynmann

        Theo đánh giá cá nhân của tôi, nếu Nguyễn Văn Hiệu được tiếp tục nghiên cứu tại Liên Xô, ông sẽ còn có những thành công rực rỡ hơn nữa. Có thể sẽ có những hiệu ứng, những phương trình vật lý mang tên Nguyễn Văn Hiệu. Nhưng đất nước Việt Nam vào thời điểm đó đang như ông để xây dựng ngành Vật lý non trẻ.  Đó là một sự hy sinh không hề nhỏ của Nguyễn Văn Hiệu, khi ông trở về nước năm 30 tuổi, tài năng đang vừa độ chính, uy tín quốc tế của ông đã rất lớn, các hướng nghiên cứu của ông đều đang hứa hẹn những kết quả phi thường. Tuy vậy, đối với tương lai của đất nước, việc xây dựng nền vật lý và cộng đồng khoa học sẽ là quan trọng hơn. Việc chúng ta có được một nền vật lý như ngày nay với một tập thể đông đảo các nhà khoa học theo nhiều hướng nghiên cứu khác nhau là một kiệt tác tầm cỡ hơn nhiều của Nguyễn Văn Hiệu. Tư tưởng đó của Nguyễn Văn Hiệu và nhiều người cùng thời đã ảnh hưởng tới nhiều tới các quyết định quan trọng của tôi trong sự nghiệp.

        Nếu được chọn cho Nguyễn Văn Hiệu một môi trường làm việc lý tưởng trên thế giới sau năm 1964, tôi sẽ chọn cho ông trường Đại học Caltech, để làm việc cùng với R.Feynman, giải thưởng Nobel 1964. Toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Văn Hiệu tình cờ có một sự đồng cảm sâu sắc với các phát minh của Feynman. Ông rất thành thạo phương pháp tính giản đồ và tích phân phiếm hàm của Feynman. Nếu được tới Caltech vào năm 1964, có thể ông sẽ giúp Feynman hình thành ý tưởng về parton sớm hơn, có những tính toán nhanh hơn. Ý tưởng vật lý của Feynman và năng lực tính toán của Nguyễn Văn Hiệu có thể là một kết hợp tuyệt vời. Về tính cách con người và tư duy, giữa Feynman và Nguyễn Văn Hiệu có nhiều điểm khác biệt, có thể bổ sung cho nhau. Nhưng về chuyên môn, hai người có những đồng cảm sâu xa. Đặc biệt là ở việc quan tâm rất rộng tới nhiều khía cạnh trong vật lý. Tôi nhớ Feynmann đã từng nói đại ý “Hãy mang vấn đề tới đây. Tôi sẽ giải quyết nó bằng bất cứ cách nào, hoặc sẽ sáng tạo ra cách giải quyết nó.” Nguyễn Văn Hiệu cũng là một người như vậy. Đó là tư duy của người khổng lồ, không phải dân tộc nào, thế hệ nào cũng có thể sản sinh được.  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét