Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Giả thuyết về Thời gian Ma

Tôi thường liên tưởng tới Lịch sử như một dòng sông uốn khúc rất nhiều, len lỏi giữa hai dãy núi cao, che phủ bởi mây mù dày đặc. Cảnh tượng giống như vùng núi Pocono, giáp giới giữa hai bang New Jersey và New York, thuộc dãy núi hùng vĩ Appalachia. Trong lịch sử chứa đựng bao nhiêu là huyền thoại, thật giả xen kẽ mà có lẽ mãi mãi người ta sẽ không biết được thực hư.  Ai đã từng biết mỗi cây đại thụ và những cây nâm đã lớn lên và chết đi như thế nào. Chính dãy Appalachia đã là cảm hứng cho câu chuyện lãng mạn tuyệt vời về Rip Van Winkle lãng mạn về thời gian bị cắt mất. Lịch sử luôn có một sức cuốn hút mạnh mẽ, với những trí tưởng tượng, phục dựng lại những kịch bản khác nhau dựa trên các dấu tích còn lại. Lịch sử cũng là một cơ sở dữ liệu để kiểm chứng các chân lý thông thái, chiêm nghiệm cho những vấn đề có ích và thực tế hiện tại.
Một trong những đề tài liên quan tới lịch sử gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi là Giả thuyết về Thời gian Ma (Phantom Time Hypothesis). Các tác giả của giả thuyết này, Heribert Illig, Hans-Ulrich Niemitz, và một số người khác, cho rằng giai đoạn lịch sử gần 300 năm từ 614 đến 911 thuộc thời Trung Cổ ở Âu Châu hoàn toàn không tồn tại. Nếu đúng như vậy, một loạt sự kiện lịch sử và cả vị Hoàng đế vĩ đại của đế chế Lã Mã thần thánh cũng không hề tồn tại. Theo một lý thuyết âm mưu, giai đoạn này được cho là Giáo Hoàng và/hoặc các Hoàng đế La Mã thần thánh và Byzantine ngụy tạo ra để tạo một thứ hào quang có tính ý thức hệ cho lịch sử. Thực là khó tin, nhưng sở dĩ các tác giả của Giả thuyết này có thể đưa ra một giả thuyết như thế cũng là nhờ Giai đoạn Trung cổ không để lại thư tịch và các bằng chứng xác tín về sự tồn tại. Giả thuyết Thời Gian Ma đã đưa ra rất nhiều bằng chứng đồ sộ. Ở đây chúng tôi chỉ lược thuật một số điểm chính, thú vị theo quan điểm cá nhân. 
Lý lẽ đầu tiên liên quan trực tiếp tới Lịch học, là một trật tự theo dõi của con người tạo ra. Ở phương Tây, từ năm 46 trước Công nguyên, người ta đã dùng lịch Julian, do chính Julius Ceasar ban hành, sau khi chinh phục Ai Cập, trên cơ sở cải cách Lịch La Mã dùng trước đó. Đến nay, người ta vẫn phải lấy làm kinh ngạc về độ chính xác của Lịch Julian. Khi hiểu biết về hệ Mặt Trời và các quỹ đạo tuần hoàn của Trái Đất, Mặt Trăng còn sơ khai, làm thế nào người ta có thể soạn được một bộ lịch về cơ bản là chính xác như vậy. Điều lý thú nhất là các vòng tuần hoàn của Trái đất quanh Mặt trời, chu kỳ tự quay của Trái đất quanh trục của chính nó, và chu kỳ của Mặt trăng quay quanh Trái đất không phải là bội số nguyên của nhau mà là những số lẻ. Do đó, Con người sinh hoạt theo ngày đêm, phải đo thời gian bằng ngày, khi quan sát Mặt trời, Mặt trăng và mùa màng phải chú ý đến Năm, là chu kỳ của Trái đất đi quanh Mặt Trời. Ngày nay, một học sinh tiểu học cũng biết để điều chỉnh phần số lẻ này, người ta dùng năm nhuận, cứ 4 năm một lần có một ngày 29/2, tức là người nào sinh vào ngày 29/2, bốn năm mới được mừng sinh nhật một lần. Tuy nhiên ít người biết, việc điều chỉnh số lẻ trong Lịch học bằng năm nhuận vẫn chưa hoàn hảo, vì phần số lẻ vẫn nhỏ hơn 1/4 ngày một chút. Tuy lịch Julian đã có năm nhuận, nhưng sau nhiều thế kỷ, phần số lẻ được tích lũy và làm các tiết khí hậu dịch chuyển rõ rệt.
 Dễ thấy và khách quan nhất là ngày xuân phân và ngày thu phân (equinoxes) là ngày có thời gian ban ngày bằng thời gian ban đêm. Điều đó gây khó chịu cho Giáo Hoàng Grigory XIII, khi ông thấy ngày lễ Phục Sinh ngày càng rời xa ngày xuân phân, trong khi lịch sử giáo hội đã ghi nhận lúc đầu, ngày Phục sinh rơi vào ngày xuân phân. Năm 1582, Giáo hoàng Grigory XIII ra lệnh cải cách lịch và ban hành lịch Grigorian. So với lịch Juilan, lịch Grigorian được điều chỉnh 10 ngày, ngày Phục sinh được điều chỉnh lại để rơi đúng vào tiết xuân phân.
Tuy nhiên, có một vấn đề là giữa lịch Julian và lịch Grigorian có khoảng thời gian là hơn 1600 năm. Theo kiến thức hiện nay của chúng ta về chu kỳ quay của Trái Đất  xung quanh Mặt Trời thì thời gian tích tụ từ số lẻ trong thiếu hụt hơn 1600 năm phải là hơn 13 ngày. Vậy 3 ngày còn lại đi đâu? Từ các quan sát và các nguồn thông tin khác, Heribert Illig đi đến ý tưởng cho rằng, Nhà Thờ đã ngụy tạo ra thêm gần 297 năm. Năm cải cách lịch Grigorian đúng ra là 1285, và năm Ất Mùi 2015 đúng ra mới là 1718. Heribert Illig còn đi xa hơn khi giả thiết rằng khoảng 297 năm từ 614 đến năm 911 sau Công nguyên chính là do các nhà sử học tuân lệnh Nhà Thờ bịa ra, với sự đồng lõa của các Hoàng đế Đông và Tây La Mã.
Bên cạnh đó, Heribert Illig còn tìm ra hàng loạt lý lẽ khác trong lĩnh vực kiến trúc, trong thư tịch của Hồi giáo để khẳng định kết luận của mình. Tất nhiên, cũng có rất nhiều lý lẽ phản bác Giả thuyết Thời gian Ma. Theo phong cách phương Tây, hễ đã định bàn chuyện gì là họ tìm hiểu đến nơi đến chốn, dù chống phá hay ủng hộ khác với kiểu bàn luận nhợt nhạt về lý luận, nhưng không thiếu trợn mắt, quát nạt, kết quả cứ vòng vòng như kiến bò miệng chén của Á Đông. Chẳng hạn là khi so sánh với các sự kiện trong lịch sử Trung Quốc, số liệu thiên văn học. Đáng chú ý, có một số học giả khác cũng có các giả thuyết tương tự, như Anatoly Fomenko, một nhà toán học Nga cũng đưa ra Giả thuyết về Trật tự thời gian mới (New Chronology) và còn đi xa hơn, cho rằng hơn 1000 năm bị mất tích.
Việc kiểm tra các giả thuyết này, dù là lý thú, nhưng đối với Việt Nam là quá xa xôi và không có nhiều ích lợi cụ thể. Tuy vậy, Lịch sử Việt Nam cũng có một khoảng Thời gian Ma trong triều đại của 18 vua Hùng, khi đối chiếu với Lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ trước thời Tam Hoàng đến tận thời Tần-Hán kéo dài trên 2600 năm. Sự tồn tại của Thời gian Ma trong thời đại Hùng Vương không chỉ là một giả thuyết, mà có bằng chứng chắc chắn. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ không có nhiều quan tâm của giới học giả để giải đáp câu hỏi này. Lý do có thể ở chỗ ngay cả sự tồn tại của thời đại Hùng Vương cũng không hề có cơ sở rõ ràng. Có lẽ cần đặt câu hỏi câu chuyện về Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ bao giờ? Có người cho rằng Sư Vạn Hạnh đã sáng tạo ra câu chuyện này để làm cơ sở pháp lý và ý thức hệ cho Đại Việt, khi Lý Thái Tổ lên ngôi. Gần đây có những thuyết mới về Hồng Bàng Thị thấm đẫm các học thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân tộc. Các nghiên cứu mới nhất về ngôn ngữ Việt cổ còn lại trong các thư tịch cổ Trung Hoa gần đây cho thấy rằng các đoạn văn tự này phần lớn liên hệ tới ngôn ngữ Thái. Đó cũng là một cảnh tỉnh đối với cách nghĩ dân tộc chủ nghĩa Viet-centric. Chắc chắn vào thời Hùng Vương, việc có một nhà nước tập quyền phong kiến với triều đình gồm hai ban văn võ Lạc hầu, Lạc tướng trong một vương quốc được  tổ chức hành chính chặt chẽ với 15 bộ chỉ là tác phẩm của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, có thể giả thiết rằng, sư Vạn Hạnh đã sáng tạo ra một thời kỳ dựa trên những câu chuyện thần thoại, huyền sử rải rác trong dân gian và còn lưu lại một chút ký ức về thời hoang sơ, khi mà khái niệm người Việt còn chưa thành hình. Dù thế nào đi nữa, có lẽ ví dụ về Thời gian Ma cũng điển hình cho cách tư duy người Việt, cảm tính, sốt ruột, coi thường mọi lý luận nhưng lại hay lý sự.

4 nhận xét:

  1. Bác đọc "Thần, Người và Đất Việt" của Tạ Chí Đại Trường chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa. Thấy nhắc đến tác giả này nhiều, nhưng chưa có duyên.

      Xóa
  2. VN là 1 câu hỏi. Ngôn ngữ và chủng tộc gắn liền với quá trình hình thành ntn. Tất cả cần được xác định rõ ràng và cụ thể. Hình như nguồn gốc của người Hungary cũng đang có vấn đề cần xét lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Việt mới hình thành được quốc gia, dân tộc của mình sau khi Lê Lợi cầm đầu một đám người Mường Thanh Hóa chiếm được Đông Quan.

      Xóa