Lưu Chương tự Quý Ngọc, con Lưu Yên, một trong các sứ quân hùng mạnh thời Hán Mạt cát cứ Ích Châu. Trong Long Trung Sách, Gia Cát Lượng cho rằng: Lưu Chương ngu hèn bất lực, do đó đặt mục tiêu cho Lưu Bị phải lấy Ích Châu chia ba thiên hạ.
Tuy nhiên, cần phải phân tích thêm nguyên nhân mất Thục của Lưu Chương. Kỳ thực, Lưu Chương không phải bất tài về quân sự. Trước khi Lưu Bị vào Ích Châu, Lưu Chương đã đánh dẹp được các tập đoàn quân sự lớn tại Ích Châu và các lực lượng của nhà Hán do Đổng Trác cử vào Ích Châu. Khi đó Lưu Chương có những biện pháp quân sự kiên quyết. Về mặt kinh tế, Ích Châu dân giàu nước mạnh, quân nhiều tướng khỏe, lương thảo đầy đủ, chắc chắn Lưu Chương cai trị Ích Châu không thua Lưu Bị, Gia Cát Lượng sau này. Về người tài, cả văn lẫn võ, Lưu Chương đều có đủ. Về tham vọng, Lưu Yên nhập Thục là đã có dã tâm cát cứ, cắt đường sạn đạo, sẵn sàng đối chọi với nhà Hán, tích lũy lương thực, tuyển binh tráng, chế tạo khí giới. Lưu Chương thừa kế cơ nghiệp của cha, không phải không muốn làm bá một phương. Bản thân Lưu Chương cũng là một người nhân nghĩa, biết thương dân. Khi Lưu Bị áp sát Thành Đô, binh lực, lương thảo của Lưu Chương vẫn còn đủ sức chống cự lâu dài, nhưng Chương nói "Ba năm chiến tranh, xương trắng đầy đồng, dân Ích Châu có tội gì, đều là lỗi tại ta chưa có ân đức gì với dân chúng." Điều đó thể hiện Lưu Chương biết nghĩ tới dân.
Lưu Chương mất Ích Châu là do sai về phương lược, và thiếu tính chủ động cần thiết. Trong thời loạn, những kẻ sĩ dù giỏi và đã là chư hầu một phương nhưng lừng khừng, lười biếng, thiếu chủ động như Công Tôn Toàn, Khổng Dung, Lưu Biểu,... đều thất bại. Bước đầu tụ thủ một phương, tích trữ thực lực, cắt đường sạn đạo, cắt rời Ích Châu khỏi Trung Nguyên là đúng. Nhưng áp dụng kế yên thân này mãi mãi, trong khi có nhiều kẻ nhòm ngó, mưu xâm chiếm như Tào Tháo, Lưu Bị lại là sai, không tính kế lấy tiến làm thủ thì cuối cùng "người là dao thớt, ta là thịt cá" để thiên hạ đến mổ xẻ.
Tín hiệu cho thấy là chính sách thủ một phương sai là ở việc để mặc Trương Lỗ xưng hùng ở Hán Trung. Trước đó mẹ Trương Lỗ, có nhan sắc, lại theo một tôn giáo mới, có qua lại giao thiệp với Lưu Yên. Do đó Lưu Yên để Trương Lỗ truyền bá tôn giáo Gạo tiến tới làm chủ Hán Trung với tư cách một chư hầu độc lập thuộc phạm vi cai trị của mình, trong khi đáng lẽ phải nắm lấy Hán Trung. Đây là một tâm lý lười biếng, nghĩ rằng dùng Lỗ làm bình phong chắn phương Bắc, để Lỗ lo việc cự Tào Tháo, nghĩ rằng mình sẽ không phải lo. Thực ra, xu thế sẽ là cá lớn nuốt cá bé để cuối cùng sẽ trở thành những tập đoàn lớn hơn. Nếu không biết nắm lấy thời cơ để trở thành một tập đoàn đủ lớn, sớm muộn cũng không thể tồn tại. Hán Trung vốn đã nằm trong tầm tay lại để vào tay Trương Lỗ, trở thành một ẩn số, không thể chủ động khống chế. Trong một thế cuộc hỗn loạn đã nhiều ẩn số, lại thêm một biến số không thế điều khiển, đó là sai.
Điều thứ hai, Lưu Chương lại dựa vào tập đoàn Đông Châu, là các lực lượng bên ngoài tới Ích Châu mà không nắm được tập đoàn hào mục Ích Châu. Nếu không nắm được thì phải cai trị bằng bàn tay sắt, rồi mới có ân huệ. Tuy nhiên, Lưu Chương lại thi hành một chính sách khoan dung, mà những kẻ được hưởng không hề biết ơn, trở nên kiêu căng phóng túng, không kiểm soát được, những kẻ sĩ đang đợi được trọng dụng, thay thế các quan chức cũ nằm trong tay hào mục, như bọn Trương Tùng, Pháp Chính, Mạnh Đạt, Bành Dạng,... bất mãn.
Sai lầm trực tiếp là muốn dùng Lưu Bị để chống Tào Tháo, đó cũng là tâm lý lười biếng. Thực ra, kế sách này cũng không phải ngu dốt như La Quán Trung mô tả, mà là do cách thực hiện yếu kém. Khi đó, Lưu Bị đang không có đất cắm dùi, mới nắm được năm quận ở Kinh Châu với tư cách là mượn của Tôn Quyền, trong đó 3 quận phải dùng vũ lực để chiếm, không thu phục được quan dân, đe dọa bị mất bất cứ lúc nào. Thực tế, khi Lưu Bị vào Thục, Quan Vũ đã làm mất cả 3 quận này, do điều đình mới được Tôn Quyền nhường thêm cho quận Công An. Nắm được tâm lý đó, Lưu Chương muốn lợi dụng Lưu Bị để chống Tào Tháo, kể ra cũng không phải là không biết phân tích thời thế. Nếu thay vì hoàn toàn nhờ Lưu Bị, mà liên kết với Lưu Bị đánh Hán Trung, lợi dụng việc Lưu Bị đang khát chỗ ở mà lấy Hán Trung và tiến lên lấy toàn bộ Lũng (địa bàn sau này của Quách Hoài) và địa bàn của Mã Đằng Hàn Toại khi đó đã thất thế, tranh thủ mở rộng thế lực.
Sai lầm tiếp theo của Lưu Chương là không có chủ kiến, dễ bị ảnh hưởng bởi một số ý kiến lười biếng, hợp với tâm lý của mình, mà không chịu tiếp thu các ý kiến phải mất công, nỗ lực, khác với tư tưởng ngại khó của mình. Đã có tính cách lười biếng như vậy, thì không nên làm minh chủ, mà nên theo một người làm chỗ dựa vững chắc, làm một chức quan to, biết nghe lời là đủ. Khôn ngoan nhất vẫn là theo Tào Tháo, chắc chắn vẫn được làm thứ sử Ích châu. Sau này muốn vớt vát, thì theo Lưu Bị ngay từ đầu, không đến nỗi bị đày ra Công An. Cuối cùng, khi Tôn Quyền lấy Kinh Châu, Lưu Chương lại nhận chức Mục Ích Châu do Tôn Quyền phong mà không có một tấc đất Ích Châu, chẳng phải là lựa chọn ngu nhất hay sao.
Phàm là ở một vị trí nào đó trở lên, con người phải chọn giữa việc kiên quyết chủ động tiến lên hoặc lùi bước nương tựa vào một thế lực mạnh hơn, nếu thấy mình không đủ tư cách. Ví như Tào Sảng, nếu tiến lên một bước nắm lấy vua, hiệu triệu thiên hạ đủ làm Tư Mã Ý khốn đốn, gặp họa chu di tam tộc. Nhưng chí của Tào Sảng "chỉ làm một ông nhà giàu là đủ" để đến nỗi gặp họa diệt tộc. Nếu như vậy chi bằng ngay từ đầu, hùa theo Tư Mã Ý, làm một chức đại tướng quân bù nhìn, rồi thoái lui làm Tam Công là đủ.
Chỉ tiếc thay cho những người kỳ tài như Hoàn Phạm, Trương Nhiệm đã đặt niềm tin vào những thủ lĩnh thiếu tính chủ động như Tào Sảng, Lưu Chương, chết mà không đáng.
Vì vậy, nói Lưu Chương mất Thục không phải do năng lực, tri thức và lực lượng mà là do sai ở tính thiếu chủ động, vì thiếu chủ động nên lười biếng, không có chủ kiến, lười biếng không có chủ kiến thì phụ thuộc vào người khác, nếu may, các đối thủ đều ngu thì có thể thoát, nhưng đụng vào Lưu Bị là tay kiêu hùng không thể thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét