Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Sách Chu bễ có phải là ngụy thư?

Sách Chu bễ còn gọi là Chu bễ Toán kinh (周髀算经) là sách cổ của Trung Quốc. Đa số các học giả Trung Quốc cho là xuất hiện sớm nhất khoảng TK1 trước CN tức là khoảng thời Hán Vũ Đế. Điểm đặc biệt là trong sách này có thuyết Cái Thiên và cơ sở cho lịch Tứ phân. Một số học giả cho rằng sách này ra đời sớm hơn vào thời Chiến Quốc (TK5-TK3 trước CN). Một số học giả quá khích hơn còn cho rằng sách này soạn đầu đời Chu (TK11 trước CN) hoặc thời Xuân Thu (TK8-TK5 trước CN). Một số người lại cho tác phẩm này xuất hiện muộn hơn nhiều.
Đặc biệt mô hình vũ trụ của Chu bễ hoàn toàn khác biệt với Thiên văn học dòng chủ lưu của Trung Quốc với thuyết Cái thiên như sau "Thiên viên như trương cái, địa phương như kỳ cục" (Trời tròn như cái lọng, đất vuông như bàn cờ). (Cái là cái lọng do đó thành tên chủ thuyết). Chủ thuyết này là bất di bất dịch trong quan niệm chủ lưu của Trung Quốc cho đến cuối đời Minh, khi Thang Nhược Vọng (giáo sĩ người Đức) đưa ra Tân thuyết giải thích bốn mùa, năm đới khí hậu, gây ra ầm ĩ và phản đối trong giới sĩ phu. Tuy nhiên, trong sách Chu bễ đã nói về việc tại Bắc Cực đến hè băng cũng không tan. Chu Bễ cũng nói mặt đất hình tròn, bầu trời cũng hình tròn, song song với mặt đất cách mặt đất 8 vạn dặm. Cần nói rõ Chu Bễ không hề nói Trái Đất hình cầu, mà chỉ nói bề mặt Trái Đất cong, có thể là một phần của mặt cầu và vì thế cũng không hề biết có Nam Cực.
Điều đáng chú ý là mô hình vũ trụ của Chu Bễ hoàn toàn giống hệt như mô hình có trong sách cổ của Ấn Độ là Puranas (Vãng thế thư), ước ra đời TK10 trước CN. Nhiều học giả Trung Quốc cũng cho rằng, tuy ý tưởng giống nhau có thể sinh ra tại nhiều nơi, nhưng việc trùng đến mức quái dị từ đại thể đến tiểu tiết giữa Chu Bễ và Puranas, khó lòng không cho chúng là từ một gốc. Chính học giả Trung Quốc nói rằng cho rằng "Ngẫu nhiên xảo hợp" là cách giải thích vô cùng miễn cưỡng.
Ở điểm này, các học giả TQ có hai cách nhìn nhận khác nhau. Một cho rằng Puranas chép từ Chu Bễ, rồi từ đó truyền sang Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã. Quan điểm khác cho rằng, Chu Bễ nhắc tới Chu Công (TK10 trước CN) và Trần Tử (TK1 trước CN, tức là thời Hán Vũ Đế), như vậy không thể ra đời trước Puranas. Lại có người cho rằng Chu Bễ được soạn một lần thời Chu Công và lần sau thời Trần Tử. So sánh văn phong với sách Hoài Nam Tử, người ta có thế thấy phần Trần Tử có văn phong đồng thời với Hoài Nam Tử. Từ đó suy ra Chu Bễ có thể có niên đại như TK1, nếu bản Hoài Nam Tử mà chúng ta có hiện nay đích xác là nguyên bản của Lưu An. Tuy nhiên, các chi tiết của phần có Trần Tử cũng giống Puranas. Mặt khác, thời cổ không có Internet, thời gian để một cuốn sách do Chu Công phổ biến ra xã hội đã lâu, để lan truyền ra ngoại vực không thể trong vòng vài năm.
Đáng chú ý trong Hán Thư của Ban Cố (TK1) trong Nghệ Văn Chí có nhắc đến hai tác phẩm toán học là Hứa Thương Toán Thuật và Đỗ Trung Toán Thuật, không hề có Chu Bễ Toán Kinh. Do đó có khả năng là Chu Bễ Toán Kinh thời đó vẫn chưa có.
Và còn một số lý do khác mà tôi sẽ không thảo luận ở đây, đa số học giả thừa nhận, thời gian ra đời sớm nhất có thể có của Chu Bễ là vào đời Hán Vũ Đế (TK1 trước CN). Nên nhớ rằng thời gian này là thời gian thuyết Cái thiên của Trương Hành đang là chủ lưu. Nội dung của Chu Bễ mâu thuẫn hoàn toàn với các thuyết chủ lưu, khó lòng có thể chen chân vào học giới. Cách học của người Trung Quốc lại rất câu nệ sách vở giáo điều, không bao giờ tham khảo các quan điểm dị biệt, cho là tà thuyết.
C. Cullen cho rằng Chu Bễ không phải một người viết, mà đại thể có thể chia thành nội thiên và ngoại thiên. Nội thiên lấy Trần Tử làm trung tâm, có thể được soạn vào thế kỷ 1. Tuy nhiên ngoại thiên không thể soạn muộn hơn thế kỷ 2. Lại có học giả Nhật Bản căn cứ vào nội dung của Chu Bễ có xác định vị trí của sao Bắc Cực luận đoán ra, người viết quan sát thiên tượng của TK6-TK7 trước CN. Tuy nhiên cách lập luận này đã bị phê phán rất nhiều.
Hiện nay đa số học giả thống nhất được là Chu Bễ không do một người trước tác do nội dung và văn phong đều bất đồng. Các tác giả cũng ở nhiều thời kỳ khác nhau, và có những quan điểm bất đồng. Trong lịch sử Trung Hoa, việc san định, chú giải sách khá tùy tiện, như sách Tam Quốc của Trần Thọ nhưng lượng đóng góp của Bùi Tùng Chi rất lớn, và không loại trừ việc sửa cả văn gốc. Hoặc Tôn Tử Binh Pháp có thêm rất nhiều đóng góp của Tào Tháo đời Hán và Lý Tĩnh đời Đường cách rất xa về niên đại. Nếu thừa nhận Chu Bễ có nhiều tác giả và nhiều quan niệm khác nhau, cần phải xác định ý tưởng nào thuộc về thời kỳ nào thông qua nội dung và so sánh với chủ lưu chứ không thể gán ghép toàn bộ nội dung cho một thời kỳ để ra những kết luận không có cơ sở, như một năm dài 365.25 ngày (nếu có) có trong Chu Bễ được gán ghép cho thời Chu hoặc Xuân Thu, Chiến Quốc. Như vậy những lời được cho là của Thương Cao, Chu Công, Trần Tử đều là hư cấu của người sau.
Các học giả Trung Quốc cũng đặt vấn đề "Tri thức về thời tiết nóng lạnh và 5 đới khí hậu từ đâu đến". Tri thức thiên văn chủ lưu của người Trung Quốc không cho phép giải thích thời tiết khí hậu. Do đó có thể nói đến thế kỷ 17, Thang Nhược Vọng mới mang tri thức này vào Trung Quốc. Tuy nhiên Chu Bễ Toán Kinh lại có manh nha loại tri thức này, là một điểm kỳ lạ và đứt đoạn.
Tôi tạm dịch một số đoạn nhận định sau
比较合理的解释似乎只能是 ∶ 这些知识不是中国传统天文学体系中的组成部分, 所以对于当时大部分中国天文学家来说, 这些知识是新奇的, 与旧有知识背景格格不入的, 因而也是难以置信的.
So sánh giải thích hợp lý tựa hồ chỉ có một khả năng là∶ những tri thức này không phải là bộ phận trong hệ thống thiên văn học truyền thống của Trung Quốc, vì lẽ đó đối với đại bộ phận các nhà thiên văn học Trung Quốc thời đó mà nói, những tri thức này là mới mẻ, không ăn nhập gì với các tri thức cũ mà họ cho, vì thế rất khó chấp nhận.
其次, 在古代中国居传统地位的天文学说 ---- 浑天说中, 由于没有正确的地球概念, 是不可能提出寒暑五带之类的问题来的.
Hơn nữa, trong thuyết Hỗn thiên, thuyết thiên văn có địa vị (trung tâm) trong truyền thống cổ đại Trung Quốc, do không có khái niệm địa cầu chính xác, không thể có năng lực đề xuất các loại vấn đề liên quan tới thời tiết, khí hậu.
Để kết luận, tôi xin bày tỏ quan điểm cá nhân, người đọc tùy ý lựa chọn tin tưởng hay không: Khả năng Chu Bễ Toán Kinh là ngụy tạo dần dần từng chi tiết hoặc toàn bộ không phải là không có. Việc ngụy tạo sách vở cổ thư của Trung Quốc không phải là chuyện hiếm. Việc các tri thức về vũ trụ của Chu Bễ gần như bê nguyên xi từ Puranas là hiển nhiên. Khả năng trùng hợp (xảo hợp) rất hiếm hoi như lạc đà chui qua lỗ kim, tuy theo thuyết lượng tử không phải là không có tý xác suất nào. Tin ở những điều may rủi vu vơ như vậy, trong khi có quá nhiều điều hay và chắc chắn hơn, phụ thuộc bạn có quá nhiều thời gian không biết dùng làm gì hay không. Cuối cùng, dù là ngụy thư, tự phát minh hay sao chép, các kiến thức có giá trị trong Chu Bễ cũng nằm ngoài kiến thức chủ lưu của Trung Quốc trong suốt lịch sử cho đến Trung hoa Dân Quốc. Do đó không thể coi là tri thức thiên văn học Trung Quốc. Mặt khác các kiến thức này đều có ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ trước Chu Bễ rất nhiều. Những điều tôi nói đây không phải là suy đoán cá nhân, hay ý kiến của học giả phương Tây mà của các học giả Trung Quốc có lý trí và công bằng.
Tôi sẽ trở lại lịch tứ phân và việc người Trung Quốc biết một năm có 365.25 ngày từ khi nào sau vào một dịp khác.

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Lên chùa lạy ai (4) ?

Cửu Long 
Bài 2 Tam Tôn
Bài 3 Tam Thánh

Lớp cuối trên chánh điện của Chùa thường có thêm Cửu Long là lệ bộ cuối cùng. Cửu Long mô tả Phật Thích Ca lúc sơ sinh, với chín con rồng, chư thần và chư Phật vây quanh.
Về mặt điêu khắc, kiến trúc thì tinh xảo và kỳ công. Về mặt tôn giáo, tôi cho lớp này là thể hiện chính sách của cấp cao phổ biến về cấp xã, không thấy triết lý gì đặc biệt, nhưng có thể có sức hấp dẫn đối với quảng đại quần chúng.
Hai bên Cửu Long có thể có hai vị vua đi hia, đội mũ đế vương, mặt mũi phương phi. Đó là mô tả Việt Nam hóa của hai vị Đế Thích và Phạm Vương.
Đế Thích là thần Indira, phiên âm từ Thích (Chakra) Đế hoàn (Deva). Sang đến Trung Quốc thì Đế Thích trở thành Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phạm Vương là Brahma, thần tượng chính trong bộ ba thần tượng trong đạo Hindu. Việc đưa Đế Thích và Phạm Vương là nhân vật của Ấn Độ giáo vào thờ chung thể hiện chính sách mặt trận, liên kết tín đồ ở cấp xã. Ở một số chùa khác, hai bên Cửu Long có thể có Văn Thù và Phổ Hiền.
Như vậy, hệ thống tượng Phật trên chánh điện thể hiện Tam Thế (Pháp thân, chỉ đạo về chính sách), Tam Tôn (Báo thân, thực thi đưa các vong linh về Tịnh Thổ), Tam Thánh (Hóa Thân, hạ phóng xuống giới Ta Bà để độ chúng sinh, triển khai chính sách). Cửu Long thể hiện tính đoàn kết mặt trận.
Tiếp sau đây chúng ta sẽ xem xét các quần thể tượng phụ hơn ngoài hoặc cạnh chính điện.
Image may contain: 1 person, indoor

Tản mạn về Đạo Phật (1)

Phi lộ
   Con người biết đứng thẳng, không còn cắm mặt xuống đất để nhặt nhạnh kiếm ăn, tức là đã biết ngẩng đầu nhìn trời sao. Nhìn trời sao rồi hắn bèn nghĩ đến những câu hỏi có phần viển vông, nhưng thiếu chúng hắn không còn tìm thấy cảm giác sung sướng như khi đói lòng kiếm được đồ ăn trước kia.
   Từ đó con người có những nhu cầu mới. Nói về lẽ được mất, đúng là chẳng được gì, nhưng bước vào suy tư, con người không thể trở lại. Từ đó mới có minh triết, khoa học, nghệ thuật và tâm linh.
   Tâm linh là thứ giá trị nhất và vì thế cũng nhiều hàng giả nhất. Ngày nay, nhiều kẻ đắm chìm trong ngu muội, kể cả những người có ăn học bị thị dục và ngu tín làm lạc lối. Vốn Ta chẳng có thời gian nghĩ tới Tâm Linh cũng phải bỏ sách để minh định.
    Dẫu biết rằng dùng Trí tuệ, Luận Lý thôi thì không thể đủ hiểu Tâm Linh. Vẫn biết rằng đến Tâm Linh có nhiều lối, đối với những người có cơ duyên chỉ một khoảnh khắc có thể hiểu. Nhưng người có suy nghĩ không thể làm kẻ cầu may. Người có Tri Thức, giống như đã mang nghiệp vào thân phải dùng đến Suy nghĩ vậy. Ta trộm cho rằng có cầu có đò mà cứ lội vào bùn lầy là ngu vậy.  Vả lại Tri thức chỉ là để phân biệt vàng với thau, đâu có phải là để đào ra vàng. Trước tiên, để tránh ngu tín và bọn bất lương xui bẩy xằng bậy. Biết phân biệt vàng thau ắt không biết đào vàng là một niềm tin sai lầm hay thấy, có lẽ bắt đầu là những kẻ lười biếng muốn đi đường tắt cầu may và không phải không có đố kỵ.
   Trước khi nghĩ về tâm linh, cần nghĩ về Đạo Phật. Đạo Phật tuy không liên quan tới thông linh hay tới Thần Thánh, nhưng hay bị lợi dụng để che đậy những duy linh giả tạo nhất. Có vẻ như Đạo Phật không thiếu những tín điều pha tạp trộn vào. Vì vậy trước khi có Hằng Tín, ta phải có Chủ Tâm. Bên Đức Phật có Ca Diếp, há phải khăng khăng theo A Nan Đà.

Suy nghĩ về Đạo Phật 
Đạo Phật dạy phương pháp sống hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh rất hay. Tuy nhiên, như một tôn giáo, Đạo Phật tổ chức giáo hội kém, giáo lý chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, kinh bổn phức tạp và rối rắm, lại không có những nguyên lý để thẩm định những tín điều và suy luận về giáo lý. Vì vậy, khi nào cảm thấy mâu thuẫn, các tăng lữ hoặc Phật tử lại dùng một loại biện chứng pháp thô sơ "ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng".
Truyền thuyết về Phật nói rằng bản thân Đức Phật bắt đầu bằng tu theo kinh Vệ Đà, bằng cách tu hành xác, sám hối. Tuy nhiên Ngài chưa đạt tới chính quả. Do đó Ngài đặt vấn đề phủ nhận sự tồn tại của Chân Ngã và Hồng Phạm. Trong đời Ngài không bao giờ nhắc tới Hồng Phạm mà chỉ giữ lại quan điểm về Giác ngộ và Niết Bàn.
Nếu nhìn về tổng thể, Đức Phật đã cố gắng tìm một con đường ngắn để đi đến chính quả và phủ định các khái niệm trung tâm của Vệ Đà là Atman và Brahman. Điều đó có lý do chính trị. Phật Giáo là tôn giáo mới do giai cấp kỵ sĩ vua chúa, nhằm giành lại quyền lực từ các tăng lữ vốn là tay chân của vua chúa, nhưng nắm giữ tín điều thành quyền lực. Do đó phủ định và ngắn gọn là phương pháp phù hợp.
Tuy vậy, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 300 năm, Upanishads bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới Đạo Phật. Đại Tạng Kinh, ảnh hưởng Upanishads rất rõ rệt và không thể phủ nhận được sự tồn tại của Atman, do đó mới hình thành những giáo điều mới mà Đức Phật chưa từng giảng khi Ngài còn tại thế. Khái niệm tam thân ra đời. Pháp thân ứng với Đức Phật. Báo thân ở thế giới khác. Ứng thân trở thành các Bồ Tát. Bồ Tát có thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Đã có luân hồi tức là có Linh hồn, có Atman. Pháp thân và Báo Thân chính là Brahman.
Tuy vậy, rất khó tranh luận với các tăng lữ và Phật tử. Một là họ không cởi mở tranh luận. Hai là do biết rõ mâu thuẫn trong giáo lý, nên họ đã tự trang bị một phương pháp biện chứng nhiều tầng. Khi đuối lý, lập tức họ sẽ chụp cho đối phương là sai lầm, mê đắm, ngu si. Nếu họ bị sơ hở trong lý luận thì đã có lý luận "cái ta nói là ngón tay chưa phải là Mặt Trăng".
Chính điều đó làm Đạo Phật khó tự nó phát triển. Tại Việt Nam, Đạo Phật pha thêm màu sắc Tam Giáo, có thêm những yếu tố shaman để thu hút tín đồ. Nhưng điều đó lại làm nhiều Phật tử thêm hung dữ và đầy mâu thuẫn, trái hẳn với giáo lý ban đầu của Đức Phật.
Việc phong Thánh cho Đức Phật, biến Ngài thành siêu phàm, sống mãi chỉ là việc của các phật tử đời sau, trái với bản ý của Ngài. Và rất có thể không phải là không vì thị dục của họ.

Trở thành Phật là thế nào?
Mục tiêu cao nhất của Phật Giáo tất nhiên là Giác Ngộ và Thành Phật. Sau này khi mục tiêu này trở nên xa vời, Giáo Chúng Bộ mới đặt mục tiêu thấp hơn là Giải thoát và Tích Thiện (thành Bồ Tát).
Nhiều người hiểu thành Phật tức là trở thành siêu nhiên, như đạo sĩ Hinduism hay Taoism tu thành đạo có thể sai khiến cả thần linh. Phật giáo sau này có nhiều dòng cũng nghĩ và tuyên giảng như thế. Tuy vậy, Đức Phật thực sự có nghĩ thế không là một chuyện khác. Lời giảng của Ngài có tính biểu tượng rất cao, vì vậy Ngài mới khuyên Phật tử chỉ nên nhớ đạo lý mà quên sạch lời Ngài nói. Chẳng hạn khi Ngài nói 3000 thế giới tức là một số lượng khá lớn các miền chúng ta chưa biết, Nếu khăng khăng cho đó là con số thật và các vũ trụ tức là chưa hiểu được cách nói biểu tượng.
Giác Ngộ, Thành Phật, Nhập Niết Bàn, Hoan Hỉ,... cũng là các khái niệm biểu tượng. Đức Phật phủ nhận Thượng Đế, Chân Ngã, lý gì lại tin ở Siêu Nhiên và cổ động nhân quần tu thân tích thiện trở thành Siêu Nhiên. Như vậy Phật có thể chỉ là trạng thái khi con người ta đạt Giác Ngộ mà thôi.
Giác Ngộ cao nhất là Hỷ Xả, vui sướng buông thả không lý gì đến Sinh Tử. Không phân biệt Sinh Tử làm sao biết sung sướng thăng hoa (sublimation). Thực tế, Đạo Phật chỉ dạy người ta Giải thoát khỏi khổ đau, chứ không tìm tới các loại sướng khoái khác nhau như Vệ Đà. Theo Vệ Đà khi người ta đạt được chính quả, trải qua mọi sướng khoái, họ sẽ đạt được trạng thái sướng khoái cao nhất, mà mọi sướng khoái đều không thể so sánh và trạng thái này là vĩnh cửu, và vì thế nó có quyền năng siêu nhiên. Thực tế sau này, các phái khác nhau của Phật giáo cũng hiểu như thế.
Đức Phật chưa bao giờ đạt trạng thái đó, do đó Ngài không tin vào Siêu nhiên, Vĩnh cửu và vì vậy Ngài chỉ đặt vấn đề đối diện với khổ đau chứ không tìm sướng khoái. Chẳng hạn các Thiền Sư tìm thấy sướng khoái bằng tu tập để đạt trạng thái Thiền, Mật tông cũng thực hành Yoga và các phép Mật tu, kể cả giao hợp để đạt tới các trạng thái như vậy. Đức Phật không tu Thiền cũng chẳng tu Mật. Vì vậy Giác Ngộ chỉ là một trạng thái nhận thức, tâm lý có tính khoảnh khắc và phi siêu nhiên. Nếu như vậy, thành Phật rất thực tế và cũng chẳng có gì là bí ẩn. Thành Phật không giống giải thưởng Olympics, hoa hậu, thi đấu hay việc đạt được chức vị, bằng sắc, học hàm, không phải để tôn vinh. khuyến khích, bởi vì không thể có hội đồng đồng đánh giá.
Đạo Phật nếu hiểu là một cách sống để ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh. Tức là nếu đạt được mục đích đó chính là đã thành Phật. Có thể xung quanh ta đầy Phật. Cô gái bị ung thư hiến giác mạc rất có thể chính là Phật. Phật không có nhu cầu được nhận biết, bởi vì đó là vì chính mình. Chỉ khi ta thành Phật, ta mới nhận thức được Phật có khắp đất trời. Vũ trụ hình thành cũng vì trạng thái của nó gần với Phật, chính là điểm cân bằng gần nhất. Các thế giới khác chẳng qua là các điểm cân bằng khác mà thôi. Phật là đạo lý và cũng chính là quy luật ở gần các điểm cân bằng. Việc phong Thánh cho Đức Phật, biến Ngài thành siêu nhiên sống mãi, chỉ là việc của các phật tử đời sau, vốn không phải là bản ý của Ngài. Và rất có thể không phải là không vì thị dục của họ.

Lên chùa lạy ai (3) Tam Thánh

Bài 2 Tam Tôn
Bài trước đã nói về Tam Tôn là Báo Thân. Dưới Tam Tôn là Tam Thánh hay còn gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh vì theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm.
Tùy chùa, việc chọn Tam Thánh có thể khác nhau. Bắc Tông, Đại Thừa phần lớn chọn Tam Thánh như sau: Giữa là Như Lai (hay Thích Ca Mầu Ni), hai bên là Văn Thù Bồ Tát, cưỡi trâu xanh và Phổ Hiền Bồ Tát, cưỡi voi trắng. Đôi khi các vị này cũng đứng hoặc ngồi trên Tòa Sen. Nhìn chung bộ ba này phổ biến gần như khắp nơi ở Trung Quốc, nơi chuộng màu sắc, đường nét tạo tín ngưỡng sợ sệt.
Ở Việt Nam, về các tỉnh phía Nam càng phổ biến, nhiều chùa có Tam Thánh là Phật Thích Ca và 2 đệ tử của ngài là Ca Diếp, mặt già và A Nan Đà, mặt trẻ. Các vị này thường đứng và có vẻ thân thiện hơn. Một số chùa cổ như Dâu, Keo ở miền Bắc cũng có bộ Tam Thánh này.
Tại sao Phật Thích Ca lại ở dưới Tam Tôn: A Di Đà, Quán Âm và Đại Thế Chí? Về nguyên tắc, Phật phải hơn Bồ Tát chứ. Có thể có người "ngụy biện": trên dưới, trước sau không thành vấn đề. Nói thế là dựa vào văn hóa Tây, ở Á Đông, trên dưới trước sau đi với chính danh, cực kỳ quan trọng.
Mấu chốt là hàng Tam Thánh gắn liền với Hóa Thân. Hóa Thân là Phật, Bồ Tát nhập vào xác phàm để đến với chúng sinh. Hóa Thân cũng ốm đau, đói khát, sinh diệt như chúng sinh, tuy có thể có thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, thiên thủ. Nói một cách khác, đây là các cán bộ được cử về hạ phóng tại các cơ sở, để thực thi chính sách của các tầng trên. Như vậy, Hóa thân của Phật Thích Ca, tức là thái tử Tất Đạt Đa, thậm chí cả khi ngài đã giác ngộ, cũng thấp hơn Phật A Di Đà và các Bảo thân Bồ Tát như Quán Âm và Đại Thế Chí ở Tịnh Thổ.
Tôn giả Ca Diếp là đệ tử số 1 của Phật, đến giác ngộ bằng trí tuệ. Ngài thông minh đến nỗi, khi Phật Tổ thuyết giảng, cầm một cành hoa giơ lên, ngài đã mỉm cười. Tôi rất thích cụ này, và nếu theo đạo Phật sẽ chọn cụ này làm quan thầy. Tôn giả A Na Đà, giác ngộ bằng đạo hạnh và niềm tin. Nhìn chung những người kém về trí tuệ vẫn có thể giác ngộ, nếu kiên tín, đi đúng đường, giữ đạo hạnh và có người hướng dẫn tốt. Đạo Khổng cũng coi trọng yếu tố đức hạnh cùng với trí tuệ. Chẳng hạn các thầy Tử Cống, Tử Lộ, Tử Hạ đều thông minh, nhiều khi cả gan đấu lý với thầy. Nhưng các thầy như Nhan Uyên, Tăng Sâm đều mạnh về đức hạnh.
Tuy vậy, sau khi Phật mất chính Ca Diếp là người ghi chép, san định lại các lời giảng của ngài và ghi lại các Phật sự. Vì vậy, nói theo đạo Phật không cần trí tuệ là một niềm xuẩn tín. Trí tuệ không phải là đủ để giác ngộ nhưng là cần.
Có một điều đáng lưu ý, trong khi Bắc Tông niệm "Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát" và "Nam Mô Văn Thù Bồ Tát", Nam Tông không niệm "Nam Mô Ca Diếp Tôn Giả" hay "Nam Mô A Nan Đà Tôn giả".
Đọc tiếp

Lên Chùa lạy ai ?(2)

Bài 1 Tam Thế
Tam Tôn
Bài trước đã nói về Tam Thế, thờ 3 "Pháp thân" của chư Phật Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai. Không dám hy vọng các bạn nhớ được Nhiên Đăng, Cù Lưu Tôn, Ca Diệp, Cù Na Hàm Mâu Ni, Tây Tư Sơn, Triệu Cơ, Tinh Sắc. Nhưng đoan quyết trong Tam Thế không có A Di Đà.
Lớp tượng thứ hai gọi là Tam Tôn. Để hiểu Tam Tôn bạn cần hiểu khái niệm Báo Thân của Đạo Phật. Báo Thân là thể hiện của Phật ở các thế giới Tịnh Độ, Tây Phương Cực Lạc, khi các ngài đã thành Phật ngồi trên Tòa Sen giảng đạo. Pháp Thân mang tính ý thức vũ trụ, chỉ đạo về ý thức hệ, Báo Thân có vẻ giống hành pháp hơn, có ban bệ cấp bậc. Đại khái giống tổ chức nhà nước của ta, là một hệ thống ngành dọc khác, nhưng chịu chỉ đạo của Tam Thế. Tổ chức chặt chẽ cấp bậc thế này không có trong Nam Tông, hay Phật Giáo Nguyên Thủy. Nếu bạn sang Miến Điện sẽ thấy thờ các Phật ở cấp Tam Thế nhiều hơn. Nhưng Tam Tôn là những ai?
Ở chính giữa Tam Tôn là Phật A Di Đà. Hai bên là hai vị Bồ Tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Cụ A Di Đà cũng là một vị vương tử người Ấn Độ, theo Phật đạt được giác ngộ. Là Phật quan trọng nhất của Bắc Tông, Đại Thừa. Khi thầy nói "Nam Mô A Di Đà Phật", "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát", "Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát" bạn nên hướng về Tam Tôn. Phật A Di Đà đại diện cho Từ Bi và Trí tuệ. "Quán Thế Âm Bồ Tát" lắng nghe chúng sinh để cứu khổ cứu nạn. Tôi không biết tại sao khi rảnh các cụ không tổ chức đi diệt các nguồn khổ nạn, tham nhũng, mà lại đợi nó xảy ra rồi mới ngồi nghe thỉnh cầu. Có lẽ đó là tư duy chưa được nhà Phật cho lắm. "Đại Thế Chí Bồ Tát" là đại dũng, đại lực, tư duy, ý chí mạnh mẽ. Cụ này toàn năng mạnh mẽ, nên mới đủ sức diệt tà, khử ác, thông minh mưu mẹo, nhưng cũng bền bỉ, vượt gian khó. Tuy ít nghe nói hơn, nhưng bạn cũng nên niệm cụ này nhiều hơn một chút, nếu đã lên chùa thường xuyên.
Bạn đã biết về Tam Tôn, cố gắng khi niệm để tâm và nhãn hướng về các cụ sẽ có hiệu quả hơn, thay vì nhắm mắt, hay láo liên chẳng tập trung vào đâu hoặc thất thần nhìn lên nóc nhà.
Đọc tiếp

Lên Chùa lạy ai?

Nhân việc tìm hiểu việc lên chùa niệm Phật, bàn tiếp về các tượng Phật trên chùa. Các tượng Phật trên chùa ở ta có phần na ná nhau. Có khi có nhiều bức tượng giống hệt để bên cạnh nhau. Không biết ông nào ra ông nào, tại sao giống nhau thế. Đa số chúng ta sì sụp vái lạy, thực ra không biết lạy ai. Đôi khi nghe các "chuyên gia" niệm "Nam mô thường trụ tam bảo" "Nam mô Dược sư bồ tát", "Nam mô Đại Thế Chí bồ tát",... không biết khi ngước lên nhìn vào vị nào.
Cố nhiên bài này cũng chỉ bàn sơ sơ những vị chủ yếu. Vì hệ thống tượng trong đạo Phật, trộn lẫn cả học thuyết Ấn Độ và Trung Hoa, Việt Nam, mâu thuẫn không ít. Lại có cả khái niệm tam thân, cùng một cụ nhưng hóa thân, pháp thân và ứng thân lại thờ riêng thành các cụ khác nhau (ứng với các trừu tượng hóa hoặc cụ thể hóa khác nhau) ta sẽ bàn sau ở một status khác.
Ở các chùa lớn, lớp trên cùng có tượng "Tam thế" hay "Thường trụ tam bảo". Khi nào nghe thầy niệm "Nam mô thường trụ tam bảo" chúng ta hãy hướng tâm hoặc nhãn về ba vị này. Vậy Tam thế là các cụ nào? Câu hỏi này khá phức tạp. Đơn giản nhất thì hiểu đó là pháp thân của các vị Phật cai quản Quá khứ, Hiện Tại và Vị Lai. Nhưng cụ thể hơn thì phải ngầy ngà một chút.
Phật cai quản Hiện Tại là Thích Ca Mầu Ni hay Cồ Đàm (Gautama). Phật Vị Lai, theo nhiều thuyết là Phật Di Lặc (Matreya). Điều này hơi dễ hiểu lộn xộn, vì ta thường thấy Phật Di Lặc là ông Phật Mập, bụng to, cười tươi, nhưng cụ Vị Lai lại trông na ná như các vị Quá Khứ, Hiện Tại. Theo tôi chúng ta nên hiểu theo hai cách: Thời gian là vô tận nên có nhiều thời kỳ quá khứ và tương lai, mỗi thời kỳ có một vị Phật chủ trì. Vậy là tượng tương lai không chỉ riêng Phật Di Lặc mà tất cả các vị Phật sẽ tới trong tương lai, mà chúng ta mới nhận thức được Phật Di Lặc mà thôi, sau đó là cái gì, chúng ta chưa quan tâm, Phật Pháp cũng không bàn về những câu hỏi vu khoát siêu hình kiểu đó. Nhận thức thứ hai Phật Di Lặc và ông Phật Mập có khác nhau chút xíu. Ông Phật Mập thực ra là Di Lặc Bồ Tát là hóa thân (tạm hiểu là một kiếp) của Phật Di Lặc. Bồ Tát sau khi độ chúng sinh nhiều kiếp mới thành Phật. (Tất nhiên giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa Bắc Tông có nhận thức khác nhau. Ta sẽ không sa vào tranh cãi ở đây)
Về cụ Quá Khứ lại càng phức tạp. Theo Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), chúng ta sống trong kỷ nguyên thứ hai. Mỗi kỷ nguyên có nhiều thế đại. Mỗi thế đại có một Phật trị vì, chịu trách nhiệm về loài người mà chúng ta biết. Chúng ta đang ở thế đại thứ tư, do Phật Hiện tại Cồ Đàm (Gautama) hay Thích Ca Mầu Ni cai quản. Trong cùng kỷ nguyên, trước cụ Thích Ca đã có 3 cụ đàn anh. Trước 3 cụ đàn anh là kỷ nguyên khác, đã từng có chẵn 1000 cụ. Chúng ta sẽ không bàn về các vấn đề vu khoát kiểu như trước 1000 cụ này là ai, mỗi cụ trị vì bao lâu, Big Bang xuất hiện lúc nào. Đó không phải là quan tâm của Đạo Phật, hay nói một cách khác Đạo Phật không biết câu trả lời cho những thứ vô ích đó. 
Có điều, trong số 1005 cụ, chỉ vài cụ có tên tuổi. Có cụ có tên Hán Việt, có cụ chúng ta chỉ biết tên Ấn Độ. Thiết tưởng cũng nên điểm qua tên vài cụ để tường lãm. 
Đức Phật thứ ba trong kỷ nguyên ta đang sống là Kassapa, chúng ta gọi là Ca Diệp Phật. Cụ cai trị thế giới trước khi Phật Thích Ca tiếp nhận. Nhưng cụ thể là thời điểm nào, tôi nghi là không ai trả lời được thỏa đáng. Nếu có đi chăng nữa chắc mâu thuẫn với người khác và với chính mình. Vậy là, khi Thái Tử Tất Đạt Đa lấy vợ, sinh con, rồi bỏ nhà ra đi, ngồi tu dưới gốc Bồ Đề, rồi Đại Giác Ngộ, đều phải có các thời điểm. Các thời điểm đó rơi vào thế đại 3 hay 4? Ý kiến của cụ Ca Diệp thế nào, sao không thấy phát biểu chỉ đạo, bàn giao công tác? Các bạn có thể lên chùa hỏi sư? Nhưng đừng quá tin vào câu trả lời. Sư không biết gì hơn bạn. Nếu có trả lời chắc là một loại thông tục hóa giống trả lời dành cho trẻ con cho vui thôi.
Trước cụ Ca Diệp là Đức Phật thứ hai tên gọi Koganamana (Nếu bạn cố học thuộc, tôi không dám đảm bảo bạn sẽ không lẩn thẩn), tên Việt là Cù Na Hàm Mầu Ni Phật. Đa số chưa nghe tên này bao giờ. Thành thực mà nói, tôi cũng thế. Cụ Cả tên là Kakusandha, tên Việt là Cù Lưu Tôn. Nếu bạn đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, bạn sẽ thấy có cụ này tham gia đánh nhau với vua Trụ. Bạn đừng hỏi tôi có thật thế không, tại sao lại thế. Theo tín ngưỡng Trung Quốc, các nhân vật tôn giáo đều trộn hầm bà làng, trong Phong thần còn vài cụ nữa tôi sẽ điểm tên sau.
Trước cụ Cù Lưu Tôn là kỷ nguyên khác có 1000 thế đại. Phật Giáo cũng không biết hết tên các cụ. Có mấy cụ quan trọng sau đây:
Cụ 1000 tên là Vessabhu, chưa có tên Việt. May mà người Thái đã có tên cho cụ này. Tôi phiên theo âm Hán Việt là Tây Đắc Khắc Tát Tư Sơn Phật, tôi xin lấy quyền của người gọi tên đầu tiên, đặt lại là Tây Tư Sơn cho ngắn gọn, dễ nhớ. Cụ 999 là Sikhi, chưa có tên Việt, tôi phiên âm tiếng Việt qua tiếng Thái (Người Thái đã có tên cho cụ này, biết hơn ta) là Triệu Cơ Phật. Cụ 998 tên là Vepassi, cũng chưa có tên Việt. Người Thái cũng biết tên cụ này. Tôi phiên âm Hán Việt tên Thái cho dễ đọc là Tinh Thần Niệu Sắc Phật. Bạn đừng nhìn vào nghĩa Hán Việt tên Cụ Vepassi, vì nó sẽ thử thách sự trang nghiêm của bạn  Tôi xin đặt là Tinh Sắc Phật, nghĩa là "màu của tinh thần" nghĩa cũng đẹp.
Ngoài ra còn một số cụ cổ hơn lại có tên Việt (chắc nhờ người Trung Quốc). Cụ Dipankara có tên là Nhiên Đăng (hay thỉnh thoảng chúng ta còn nghe Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật, chính là cụ này). Cụ này cũng có đánh nhau trong Phong Thần, hình như đứng về phe Trụ Vương, thua trận chán quá sang phương Tây thành Phật. Nếu bạn nào thích các câu hỏi "khoa học" lẩn thẩn có thể quy thời đại của cụ ra sau thời vua Trụ. 
Tôi nghĩ rằng, dày vò độc giả với các Phật Quá Khứ như thế cũng tạm đủ. Hy vọng, bạn sẽ thấy nản, đừng làm việc vô nghĩa là đi tìm hiểu về từng cụ, mặc dù cũng có một số truyền thuyết. Như vậy, chúng ta có thể quan niệm, tượng Phật Quá khứ trong chùa là biểu tượng cho tất cả các Phật Quá Khứ. Do đó, hình dáng cụ thể của các cụ thế nào không quan trọng lắm. Điều mà bạn thu hoạch được là nếu ai giải thích Phật Quá Khứ là Phật A Di Đà (tôi đã thấy có người, có nơi giải thích thế) thì bạn biết đó là bốc phét nhảm.
Tìm hiểu dài dòng như thế nhưng chúng ta mới hiểu xong lớp tượng Phật thứ nhất. Tôi sẽ nói về các lớp tiếp theo ở status khác.
Đọc tiếp