Bài 2 Tam Tôn
Bài trước đã nói về Tam Tôn là Báo Thân. Dưới Tam Tôn là Tam Thánh hay còn gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh vì theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm.
Tùy chùa, việc chọn Tam Thánh có thể khác nhau. Bắc Tông, Đại Thừa phần lớn chọn Tam Thánh như sau: Giữa là Như Lai (hay Thích Ca Mầu Ni), hai bên là Văn Thù Bồ Tát, cưỡi trâu xanh và Phổ Hiền Bồ Tát, cưỡi voi trắng. Đôi khi các vị này cũng đứng hoặc ngồi trên Tòa Sen. Nhìn chung bộ ba này phổ biến gần như khắp nơi ở Trung Quốc, nơi chuộng màu sắc, đường nét tạo tín ngưỡng sợ sệt.
Ở Việt Nam, về các tỉnh phía Nam càng phổ biến, nhiều chùa có Tam Thánh là Phật Thích Ca và 2 đệ tử của ngài là Ca Diếp, mặt già và A Nan Đà, mặt trẻ. Các vị này thường đứng và có vẻ thân thiện hơn. Một số chùa cổ như Dâu, Keo ở miền Bắc cũng có bộ Tam Thánh này.
Tại sao Phật Thích Ca lại ở dưới Tam Tôn: A Di Đà, Quán Âm và Đại Thế Chí? Về nguyên tắc, Phật phải hơn Bồ Tát chứ. Có thể có người "ngụy biện": trên dưới, trước sau không thành vấn đề. Nói thế là dựa vào văn hóa Tây, ở Á Đông, trên dưới trước sau đi với chính danh, cực kỳ quan trọng.
Mấu chốt là hàng Tam Thánh gắn liền với Hóa Thân. Hóa Thân là Phật, Bồ Tát nhập vào xác phàm để đến với chúng sinh. Hóa Thân cũng ốm đau, đói khát, sinh diệt như chúng sinh, tuy có thể có thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, thiên thủ. Nói một cách khác, đây là các cán bộ được cử về hạ phóng tại các cơ sở, để thực thi chính sách của các tầng trên. Như vậy, Hóa thân của Phật Thích Ca, tức là thái tử Tất Đạt Đa, thậm chí cả khi ngài đã giác ngộ, cũng thấp hơn Phật A Di Đà và các Bảo thân Bồ Tát như Quán Âm và Đại Thế Chí ở Tịnh Thổ.
Tôn giả Ca Diếp là đệ tử số 1 của Phật, đến giác ngộ bằng trí tuệ. Ngài thông minh đến nỗi, khi Phật Tổ thuyết giảng, cầm một cành hoa giơ lên, ngài đã mỉm cười. Tôi rất thích cụ này, và nếu theo đạo Phật sẽ chọn cụ này làm quan thầy. Tôn giả A Na Đà, giác ngộ bằng đạo hạnh và niềm tin. Nhìn chung những người kém về trí tuệ vẫn có thể giác ngộ, nếu kiên tín, đi đúng đường, giữ đạo hạnh và có người hướng dẫn tốt. Đạo Khổng cũng coi trọng yếu tố đức hạnh cùng với trí tuệ. Chẳng hạn các thầy Tử Cống, Tử Lộ, Tử Hạ đều thông minh, nhiều khi cả gan đấu lý với thầy. Nhưng các thầy như Nhan Uyên, Tăng Sâm đều mạnh về đức hạnh.
Tuy vậy, sau khi Phật mất chính Ca Diếp là người ghi chép, san định lại các lời giảng của ngài và ghi lại các Phật sự. Vì vậy, nói theo đạo Phật không cần trí tuệ là một niềm xuẩn tín. Trí tuệ không phải là đủ để giác ngộ nhưng là cần.
Có một điều đáng lưu ý, trong khi Bắc Tông niệm "Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát" và "Nam Mô Văn Thù Bồ Tát", Nam Tông không niệm "Nam Mô Ca Diếp Tôn Giả" hay "Nam Mô A Nan Đà Tôn giả".
Đọc tiếp
Đọc tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét