Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Lên Chùa lạy ai?

Nhân việc tìm hiểu việc lên chùa niệm Phật, bàn tiếp về các tượng Phật trên chùa. Các tượng Phật trên chùa ở ta có phần na ná nhau. Có khi có nhiều bức tượng giống hệt để bên cạnh nhau. Không biết ông nào ra ông nào, tại sao giống nhau thế. Đa số chúng ta sì sụp vái lạy, thực ra không biết lạy ai. Đôi khi nghe các "chuyên gia" niệm "Nam mô thường trụ tam bảo" "Nam mô Dược sư bồ tát", "Nam mô Đại Thế Chí bồ tát",... không biết khi ngước lên nhìn vào vị nào.
Cố nhiên bài này cũng chỉ bàn sơ sơ những vị chủ yếu. Vì hệ thống tượng trong đạo Phật, trộn lẫn cả học thuyết Ấn Độ và Trung Hoa, Việt Nam, mâu thuẫn không ít. Lại có cả khái niệm tam thân, cùng một cụ nhưng hóa thân, pháp thân và ứng thân lại thờ riêng thành các cụ khác nhau (ứng với các trừu tượng hóa hoặc cụ thể hóa khác nhau) ta sẽ bàn sau ở một status khác.
Ở các chùa lớn, lớp trên cùng có tượng "Tam thế" hay "Thường trụ tam bảo". Khi nào nghe thầy niệm "Nam mô thường trụ tam bảo" chúng ta hãy hướng tâm hoặc nhãn về ba vị này. Vậy Tam thế là các cụ nào? Câu hỏi này khá phức tạp. Đơn giản nhất thì hiểu đó là pháp thân của các vị Phật cai quản Quá khứ, Hiện Tại và Vị Lai. Nhưng cụ thể hơn thì phải ngầy ngà một chút.
Phật cai quản Hiện Tại là Thích Ca Mầu Ni hay Cồ Đàm (Gautama). Phật Vị Lai, theo nhiều thuyết là Phật Di Lặc (Matreya). Điều này hơi dễ hiểu lộn xộn, vì ta thường thấy Phật Di Lặc là ông Phật Mập, bụng to, cười tươi, nhưng cụ Vị Lai lại trông na ná như các vị Quá Khứ, Hiện Tại. Theo tôi chúng ta nên hiểu theo hai cách: Thời gian là vô tận nên có nhiều thời kỳ quá khứ và tương lai, mỗi thời kỳ có một vị Phật chủ trì. Vậy là tượng tương lai không chỉ riêng Phật Di Lặc mà tất cả các vị Phật sẽ tới trong tương lai, mà chúng ta mới nhận thức được Phật Di Lặc mà thôi, sau đó là cái gì, chúng ta chưa quan tâm, Phật Pháp cũng không bàn về những câu hỏi vu khoát siêu hình kiểu đó. Nhận thức thứ hai Phật Di Lặc và ông Phật Mập có khác nhau chút xíu. Ông Phật Mập thực ra là Di Lặc Bồ Tát là hóa thân (tạm hiểu là một kiếp) của Phật Di Lặc. Bồ Tát sau khi độ chúng sinh nhiều kiếp mới thành Phật. (Tất nhiên giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa Bắc Tông có nhận thức khác nhau. Ta sẽ không sa vào tranh cãi ở đây)
Về cụ Quá Khứ lại càng phức tạp. Theo Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), chúng ta sống trong kỷ nguyên thứ hai. Mỗi kỷ nguyên có nhiều thế đại. Mỗi thế đại có một Phật trị vì, chịu trách nhiệm về loài người mà chúng ta biết. Chúng ta đang ở thế đại thứ tư, do Phật Hiện tại Cồ Đàm (Gautama) hay Thích Ca Mầu Ni cai quản. Trong cùng kỷ nguyên, trước cụ Thích Ca đã có 3 cụ đàn anh. Trước 3 cụ đàn anh là kỷ nguyên khác, đã từng có chẵn 1000 cụ. Chúng ta sẽ không bàn về các vấn đề vu khoát kiểu như trước 1000 cụ này là ai, mỗi cụ trị vì bao lâu, Big Bang xuất hiện lúc nào. Đó không phải là quan tâm của Đạo Phật, hay nói một cách khác Đạo Phật không biết câu trả lời cho những thứ vô ích đó. 
Có điều, trong số 1005 cụ, chỉ vài cụ có tên tuổi. Có cụ có tên Hán Việt, có cụ chúng ta chỉ biết tên Ấn Độ. Thiết tưởng cũng nên điểm qua tên vài cụ để tường lãm. 
Đức Phật thứ ba trong kỷ nguyên ta đang sống là Kassapa, chúng ta gọi là Ca Diệp Phật. Cụ cai trị thế giới trước khi Phật Thích Ca tiếp nhận. Nhưng cụ thể là thời điểm nào, tôi nghi là không ai trả lời được thỏa đáng. Nếu có đi chăng nữa chắc mâu thuẫn với người khác và với chính mình. Vậy là, khi Thái Tử Tất Đạt Đa lấy vợ, sinh con, rồi bỏ nhà ra đi, ngồi tu dưới gốc Bồ Đề, rồi Đại Giác Ngộ, đều phải có các thời điểm. Các thời điểm đó rơi vào thế đại 3 hay 4? Ý kiến của cụ Ca Diệp thế nào, sao không thấy phát biểu chỉ đạo, bàn giao công tác? Các bạn có thể lên chùa hỏi sư? Nhưng đừng quá tin vào câu trả lời. Sư không biết gì hơn bạn. Nếu có trả lời chắc là một loại thông tục hóa giống trả lời dành cho trẻ con cho vui thôi.
Trước cụ Ca Diệp là Đức Phật thứ hai tên gọi Koganamana (Nếu bạn cố học thuộc, tôi không dám đảm bảo bạn sẽ không lẩn thẩn), tên Việt là Cù Na Hàm Mầu Ni Phật. Đa số chưa nghe tên này bao giờ. Thành thực mà nói, tôi cũng thế. Cụ Cả tên là Kakusandha, tên Việt là Cù Lưu Tôn. Nếu bạn đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, bạn sẽ thấy có cụ này tham gia đánh nhau với vua Trụ. Bạn đừng hỏi tôi có thật thế không, tại sao lại thế. Theo tín ngưỡng Trung Quốc, các nhân vật tôn giáo đều trộn hầm bà làng, trong Phong thần còn vài cụ nữa tôi sẽ điểm tên sau.
Trước cụ Cù Lưu Tôn là kỷ nguyên khác có 1000 thế đại. Phật Giáo cũng không biết hết tên các cụ. Có mấy cụ quan trọng sau đây:
Cụ 1000 tên là Vessabhu, chưa có tên Việt. May mà người Thái đã có tên cho cụ này. Tôi phiên theo âm Hán Việt là Tây Đắc Khắc Tát Tư Sơn Phật, tôi xin lấy quyền của người gọi tên đầu tiên, đặt lại là Tây Tư Sơn cho ngắn gọn, dễ nhớ. Cụ 999 là Sikhi, chưa có tên Việt, tôi phiên âm tiếng Việt qua tiếng Thái (Người Thái đã có tên cho cụ này, biết hơn ta) là Triệu Cơ Phật. Cụ 998 tên là Vepassi, cũng chưa có tên Việt. Người Thái cũng biết tên cụ này. Tôi phiên âm Hán Việt tên Thái cho dễ đọc là Tinh Thần Niệu Sắc Phật. Bạn đừng nhìn vào nghĩa Hán Việt tên Cụ Vepassi, vì nó sẽ thử thách sự trang nghiêm của bạn  Tôi xin đặt là Tinh Sắc Phật, nghĩa là "màu của tinh thần" nghĩa cũng đẹp.
Ngoài ra còn một số cụ cổ hơn lại có tên Việt (chắc nhờ người Trung Quốc). Cụ Dipankara có tên là Nhiên Đăng (hay thỉnh thoảng chúng ta còn nghe Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật, chính là cụ này). Cụ này cũng có đánh nhau trong Phong Thần, hình như đứng về phe Trụ Vương, thua trận chán quá sang phương Tây thành Phật. Nếu bạn nào thích các câu hỏi "khoa học" lẩn thẩn có thể quy thời đại của cụ ra sau thời vua Trụ. 
Tôi nghĩ rằng, dày vò độc giả với các Phật Quá Khứ như thế cũng tạm đủ. Hy vọng, bạn sẽ thấy nản, đừng làm việc vô nghĩa là đi tìm hiểu về từng cụ, mặc dù cũng có một số truyền thuyết. Như vậy, chúng ta có thể quan niệm, tượng Phật Quá khứ trong chùa là biểu tượng cho tất cả các Phật Quá Khứ. Do đó, hình dáng cụ thể của các cụ thế nào không quan trọng lắm. Điều mà bạn thu hoạch được là nếu ai giải thích Phật Quá Khứ là Phật A Di Đà (tôi đã thấy có người, có nơi giải thích thế) thì bạn biết đó là bốc phét nhảm.
Tìm hiểu dài dòng như thế nhưng chúng ta mới hiểu xong lớp tượng Phật thứ nhất. Tôi sẽ nói về các lớp tiếp theo ở status khác.
Đọc tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét