Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Gia Cát Lượng và bài Lương Phủ Ngâm

Người ta thường truyền tụng rằng, khi Gia Cát Lượng còn ẩn mình cày ruộng ở Long Trung, thường ngâm bài Lương Phụ ngâm, rồi ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Nếu ngâm nga một bài từ ngày này qua tháng khác, ắt trong đó có những ý tưởng tâm đắc nào đó, có thể liên quan tới chí kinh bang tế thế. Hãy thử tìm hiểu xem bài Lương Phủ Ngâm có gì hay. 

Hiện nay còn có thể tìm được hai bài Lương Phủ Ngâm. Bài phổ biến hơn cả và được cho là Gia Cát Lượng hay ngâm là một bài nhạc phủ, theo âm luật, ngôn từ thì nhiều khả năng sáng tác vào thời Hán, trùng với thời Gia Cát Lượng đang sống. Khúc ngâm này có phong cách như ca dao. Nhiều người còn cho rằng chính Gia Cát Lượng là tác giả của khúc ngâm này. Cho đến gần đây, có học giả là Dư Quán Anh, đặt nghi vấn là khúc ngâm này không phải do Gia Cát Lượng sáng tác.

Nguyên văn:

梁父吟 

Lương Phủ ngâm

Bộ xuất Tề thành môn,
Dao vọng đãng âm lý.
Lý trung hữu tam phần,
Luỹ luỹ chính tương tự.
Vấn thị thuỳ gia trủng,
Điền Cương, Cổ Dã Tử.
Lực năng bài Nam sơn,
Văn năng tuyệt địa lý.
Nhất triêu bị sàm ngôn,
Nhị đào sát tam sĩ.
Thuỳ năng vi thử mưu,
Quốc tướng Tề Án Tử.


Dịch nghĩa

Đi bộ ra ngoài cổng thành nước Tề,
Từ xa nhìn về một ngôi làng mơ ảo nơi xa xa.
Ở trong làng có ba ngôi mộ,
Giống nhau tựa như xếp chồng lên nhau.
Hỏi là mộ của ai vậy ?
(Trả lời) Là mộ của những người Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử (và Công Tôn Tiếp).
Tài võ của họ có thể lật đổ núi Nam,
Tài văn của họ có thể xoay chuyển đất trời.
Nhưng một sớm bị lời sàm ngôn,
Hai trái đào đã giết chết ba dũng sĩ.
Ai là người có thể nghĩ ra mưu kế đó?
Là tướng quốc nước Tề: Án Bình Trọng.

Bài thứ hai có trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, tả cảnh Lưu Bị đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng thì gặp Hoàng Thừa Ngạn, bố vợ của Gia Cát Lượng đang ngâm một bài. Hoàng Thừa Ngạn nói rằng bài này là "Lương Phủ Ngâm" do con rể là Gia Cát Lượng làm ra.

Nguyên văn

        一夜北风寒, 万里彤云厚.

长空雪乱飘, 改尽江山旧.

仰面观太虚, 疑是玉龙斗.

纷纷鳞甲飞, 顷刻遍宇宙.


骑驴过小桥, 独叹梅花瘦!

Phiên âm
         Nhất dạ bắc phong hàn, vạn lý đồng vân hậu.
Trường không tuyết loạn phiêu, cải tận giang sơn cựu.
Ngưỡng diện quan thái hư, nghi thị ngọc long đấu.
Phân phân lân giáp phi, khoảnh khắc biến vũ trụ.
Kỵ lư quá tiểu kiều, độc thán mai hoa sấu!

Dịch nghĩa
         Một đêm  gió bấc lạnh, vạn dặm mây mịt mù
         Trên không tuyết bay loạn, biến đổi cả giang sơn
         Ngửa mặt nhìn trời cao, thấy như rồng đang đấu
         Trùng trùng sư tử bay, chớp mắt biến vũ trụ
         Cưỡi lừa qua cầu nhỏ, một mình than mai gầy 

Về mặt thơ ca, bài thứ hai rõ ràng là hay hơn. Lời lẽ cũng hùng tráng, có chí khí vút tận trời cao, nhưng có tài hoa thi sĩ phảng phất như Tào Mạnh Đức. Anh hùng khí trùm trời đất, muốn nuốt cả trăng sao,nhưng thơ thẩn một mình đơn độc, thương một đóa hoa mai mảnh mai trong trời lạnh. Tuy nhiên không loại trừ, bài thơ do chính La Quán Trung sáng tác nên mới toàn bích như thế.

Gia Cát Lượng có lẽ không có được văn tài như thế. Bởi lẽ, trước tác để lại đúng là của Gia Cát Lượng chỉ có hai bài biểu là Xuất Sư Biểu và Hậu Xuất Sư Biểu, cũng không có gì đặc biệt về văn chương. Có một khả năng, bài này không phải do Gia Cát Lượng làm, mà ông chỉ ngâm nga do hợp chí của mình. Bài ngâm này hoàn toàn có thể phù hợp về nội dung.

Bài thứ hai thuật lại tích Nhị đào sát tam sĩ thời Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc ở nước Tề có ba dũng sĩ, "Sức có thể dời Nam Sơn". Lịch sử chỉ ghi về sức mạnh của họ, nhưng bài Lương Phủ còn tán thêm là "Văn năng tuyệt địa lý". Án Anh, một trong những danh thần thời Chiến Quốc, lấy làm lo ngại, các dũng sĩ kiêu ngạo này có thể làm loạn lễ nghi. Ông dùng kế, dọn 2 quả đào, nói rằng ai là dũng sĩ mạnh nhất đáng ăn đào. Hai người ăn đào, một người thấy xấu hổ vì không được ăn đào bèn tự sát. Hai người kia thấy vậy cũng xấu hổ mà tự sát theo.

Bài ca rõ ràng là oán trách Án Anh, mưu sâu kế hiểm, giết oan người tài, mặc dù Khổng Tử trong kinh Xuân Thu thuật lại chuyện này có ý khen Án Anh mưu kế, vì nước. Khả năng Gia Cát Lượng ngâm nga bài này không nhiều. Thứ nhất, bài này không có gì hay về ngôn từ và nội dung, đến mức phải ngâm đi ngâm lại. Thứ hai, Gia Cát Lượng thuộc dòng Thanh Lưu, theo thói quen là sùng bái Án Anh, Nhạc Nghị, Quản Trọng,... không có lý gì lại oán trách Án Anh.

Một khả năng rất ít là Gia Cát Lượng có thù oán với các võ tướng nào đó đến tận xương tủy, mong có ngày xây dựng một thể chế không có bọn võ tướng. Điều đó cũng có khả năng vì Gia Cát Lượng hồi nhỏ mồ côi cha. Chú là Gia Cát Huyền, được Viên Thuật cho làm Thái Thú ở Hợp Phì. Có thể cả gia đình chú cháu rất hy vọng có một cuộc sống đầy đủ, no ấm. Nhưng chưa tới nơi, nhà Hán lại cử một võ tướng làm Thái Thú. Do đó Gia Cát Huyền phải đưa đàn cháu về Kinh Châu sống nương nhờ vào Lưu Biểu. Biểu cũng là văn quan, nổi tiếng trong đám Bát Tuấn thời Tam Quốc. Biểu cho Huyền một chức huyện lệnh nào đó, cũng đủ sống sung túc. Sau đó, Biểu nghe bọn võ tướng là Sái Mạo bỏ rơi Huyền. Chú cháu phải dắt nhau về cày ruộng ở vùng Long Trung. Có lẽ chính vì thế Gia Cát Lượng ghét bọn võ quan kiêu dũng. Sau này thái độ của Gia Cát Lượng với Quan Trương là áp chế. Đặc biệt với Ngụy Diên ông cư xử tương đối tàn độc, bất công.

Nhưng không lẽ một người như Gia Cát Lượng ngâm nga một bài thơ quèn ngày này qua tháng khác chỉ vì một mối thù vặt vãnh như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét