Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Tại sao Lưu Bị theo Đổng Thừa mưu giết Tào Tháo?

Có chi tiết ít ai biết, trước khi Tào Tháo mưu giết Đổng Trác không thành phải chạy trốn, đã có giao du với Lưu Bị, cũng đang làm một chức quan võ ở Tràng An.

Bị cũng chạy theo Tào Tháo về Tiểu Bái hưng binh thảo phạt Đổng Trác. Sau khi thua trận, bèn chạy về nương nhờ vào ông anh kết nghĩa, vừa là bạn học cùng thày Lư Thực là Công Tôn Toản, đang làm Thái Thú Bột Hải. Công Tôn Toản tiến cử Bị làm quan Biệt Bộ Tư Mã, dần thăng lên chức Bình Nguyên Tướng. Cảm ơn Công Tôn Toản, Bị phải dốc sức đánh nhau vì Toản, cũng chỉ đánh trận lằng nhằng như một võ quan nhỏ.

Đời của Lưu Bị chuyển, khi do cơ duyên và trượng nghĩa cứu Đào Khiêm, được Khiêm chỉ định làm quan Mục Từ Châu. Vị thế đó đưa Bị lên ngang hàng với các sứ quân trong thiên hạ. Từ Châu là địa bàn trong thiên hạ rất khó nuốt. Vì vậy Lưu Bị phải liên tục đánh nhau với Tào Tháo, Viên Thuật, Lã Bố, tinh những hổ báo.

Tuy vậy, bôn ba bao năm mới có được địa vị như thế, nên Bị phải cố giữ. Giữ mà luôn luôn đe dọa bị mất, thời gian sức lực chỉ nghĩ tới chuyện giữ thành, chẹn đường, cướp quân lương mà không lúc nào nghĩ tới việc rốt cuộc sẽ không giữ được mà không tích lũy được vốn liếng gì trong tay. Tướng thì mãi cũng chỉ có hai ông Quan, Trương võ nghệ cũng chưa đủ mức bạt thiên hạ, văn thì toàn bọn thư sinh mặt trắng như Tôn Càn, My Chúc. Chỉ có Trần Đăng là có vẻ hơi có mưu mẹo một chút.

Nói như vậy, việc Lã Bố cướp được Từ Châu là giải thoát cho Bị khỏi u mê và lòng tham danh. Bị buộc phải chạy về đầu hàng Tào Tháo. Tháo chắc vẫn còn giận Bị vì cứu Đào Khiêm, nhưng là người rất hiểu khát vọng làm quan của Bị, lại có chút tình xưa nghĩa cũ, nên dung nạp Bị.

Rất may cho Bị là nhờ Lã Bố vũ dũng trùm đời, Tháo rất kiêng sợ, nên tích lũy ngay được một cái vốn kha khá. Giá trị lợi dụng của Bị đối với Tháo là đi thảo phạt Lã Bố. Thực ra, Bị chưa phải là đối thủ của Lã Bố, nhưng về hình thức, Bị phải hết lòng đánh Lã Bố vì Bố đã cướp Từ Châu của Bị. Lòng trung thành vì quyền lợi có giá trị hơn năng lực nhiều. Giá trị lợi dụng thứ hai của Bị là ở Từ Châu còn nhiều dư đảng của Bị và Khiêm, có thể làm gián điệp cho Tháo chống lại Bố. Giá trị của Bị càng tăng, khi các tướng của Tháo như Hạ Hầu Đôn, Tào Hồng đã nhiều lần bị các tướng của Bố như Cao Thuận, Trương Liêu đánh cho thất điên bát đảo.

Với ngần đó vốn còn lại trong tay, Bị phải bày lại một ván bài mới để kiếm lợi nhiều nhất. Kết cục, Bố bị Trần Đăng xui dại, các tướng phản thùng mà bị bắt. Khi đó, Bố đã thương lượng với Tháo, tình nguyện đầu hàng, thề đem hết sức chinh phục thiên hạ vì Tào Tháo. Cổ phiếu của công ty Lưu Huyền Đức có nguy cơ rớt giá thê thảm. Do đó Bị phải ra tay xui Tào Tháo giết Lã Bố. Sở dĩ Bị dễ thành công là vì cách nói của Bố vừa  ngu vừa võ biền. Ngu ở chỗ nói tài chính trị của Tháo và vũ dũng của Bố là đều vô địch thiên hạ. Đúng là không hiểu sự kiêu căng này nói nguy hiểm cỡ nào. Vì Tào Tháo sẽ nghĩ ngay đến việc, bây giờ tao may mà túm được mày do thằng Hầu Thành nó cho mày uống rượu say, trói lại. Sau này mày khôn hơn, đem cái vũ dũng của mày ra phá cái chính trị của tao thì tổn thất cỡ nào. Võ biền ở điểm không thấy mày cam kết trung thành, mà chỉ nói chuyện đánh đá. Tao cần cái thằng bảo đánh đá là đánh đá, bảo hiền như thỏ là hiền như thỏ. Lại chẳng may gặp anh tai to, khích bác thêm nên Bố mất mạng, cũng đáng đời, không trách ai được.

Nếu thiên hạ không còn Mã Đằng-Hàn Toại, Tôn Sách, Lưu Biểu và hai anh em họ Viên thì sau khi bắt Lã Bố, cổ phiếu của Lưu Bị sẽ rớt giá thảm hại. Nhưng vì muốn quảng cáo cổ phiểu của mình để cạnh tranh, Tháo bắt buộc phải nâng giá Lưu Bị. Thế là Bị được phong Nghi Thành hầu, Dự châu Mục, Tả Tướng Quân mà sau này trên đường lưu vong, khi nào Bị cũng đem ra xưng. Rất được việc, nhất là đối với bọn nho sĩ.

Khi này đối với Lưu Bị sẽ có khả năng làm quan to, sống yên ấm ở kinh thành. Nếu phục vụ Tào Tháo cho tốt, Bị có thể được thăng dần lên Phiêu Kỵ, Xa Kỵ hay Đại Tướng quân chưa biết chừng. Liệu Bị có muốn như vậy không hay tiếp tục làm loạn bôn ba. Nhiều khả năng Bị muốn ở lại kinh thành hưởng xa hoa phú quý, chứ không muốn "luân chuyển cán bộ" miễn cưỡng. Bởi vì bằng tầm nhìn của Bị lúc bấy giờ không thể nào nhìn ra sẽ cướp được đất của ai, chưa nói chuyện lên ngôi Hoàng đế ở Xuyên.  Trương Phi thì đang chết mệt với cô con gái của Hạ Hầu Uyên. Quan Vũ thì đang chén tạc chén thù với Trương Liêu, Từ Hoảng, lại đang hy vọng Tháo thưởng cho cô vợ của Bố.  Nên chắc không ông nào muốn lăn vào chỗ đâm chém.

Tuy nhiên, trong màn kịch này có vai trò của Hiến Đế. Rõ ràng ông vua này sau khi thịt Đổng Trác, lại muốn làm thịt nốt Tào Tháo. Chẳng trách quan to phải bức hiếp vua để giữ mình. Ông này vừa gặp Lưu Bị đã nhận họ nhận hàng, gọi là hoàng thúc. Mặc dù vài trăm năm sau Tư Mã Quang phán một câu xanh rờn: đời đã xa, không có bằng cứ, thế là nhận xằng. Thực ra, Hiến Đế mới là anh nhận xằng. Còn Bị thì hiểu nhầm mà có lợi cho ta thì càng tốt.

Chính Hiến Đế đã ra lệnh cho Đổng Thừa bày mưu, khiến Bị không có cách nào thoát, đành nhắm mắt ký vào từ chiếu đai áo. Đó cũng là cái giá, khi được nhận làm chú vua. Khi tỉnh ra thì chỉ còn con đường trổ vách vườn rau mà chạy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét