Các nhà dịch thuật Việt Nam còn phải đi một chặng đường dài do gánh nặng di sản để lại quá lớn. Tất nhiên những điều hiểu sai lầm để lại trong quá khứ như "dương là dê", "ngưu là trâu", "mão là mèo",...đã trở thành một phần trong văn hóa dân tộc không cần sửa đổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cần cứ phải tiếp tục sai. Nhất là khi hội nhập với văn hóa phương Tây, với tư duy duy lý vô cùng chính xác. Mặt khác, chúng ta cũng cần tự hỏi đói nghèo có phải từ thói học hành, nghiên cứu và làm việc vô cùng đại khái, dịch thuật thì bịa phét, thêm thắt, miễn sao nghe quen tai, nhìn quen mắt.
Trong bài này sẽ phân tích một cụm thành ngữ, được sử dụng khá phổ biến "lang bạt kỳ hồ" để thấy các cụ ta ẩu tả trong việc tìm hiểu thế nào. "Lang bạt kỳ hồ" trong ngôn ngữ Việt Nam hiện nay được hiểu là "lang thang phiêu bạt giang hồ đến kỳ thích". Thực ra đây là một thành ngữ chữ Hán 狼跋其胡 "lang bạt kỳ hồ" nói về thế mắc kẹt không tiến thoái được.
Trong Kinh Thi có bài Mân phong có câu: "Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ"狼跋其胡, 载疐其尾 . Nghĩa đen là "Con sói bước tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải cái đuôi của mình". Khi dịch cần phân tích để hiểu ý nghĩa của câu này thế nào? Trước hết "lang" không phải là "lang thang" mà đúng là con sói trong từ "sói lang", "vĩ" là đuôi, "tái" là quay lại, là những từ có nghĩa cố định trong câu. Bây giờ còn lại chữ "hồ" cần phải hiểu xem tại sao lại xuất hiện ở đây. Chữ "Hồ" cũng chỉ người rợ Hồ, cái cổ họng,... nhưng không phải chữ "hồ" trong "Tây Hồ" hoặc "giang hồ". Như vậy cần phải tìm một nghĩa "hồ" có liên quan đến "lang", "bạt" hoặc "vĩ". "Hồ" có một nghĩa là cái yếm lông trước ngực ngay dưới cổ họng con sói, cũng là một bộ phận như "vĩ" là đuôi. "Hồ" phía trước, "vĩ" phía sau, cũng như "bạt" là đi về trước, "tái" là lui về sau. Tấm yếm ngực của các con sói già thường mọc lông rất dài. Trong sách Mao truyện lại có viết:老狼有胡, 进则躐其胡, 退则跲其尾, 进退有难"Lão lang hữu hồ, tiến tắc liệp kỳ hồ, thối tắc cấp kỳ vĩ, tiến thối hữu nan." Nghĩa là: "Sói già có "hồ", tiến thì dẫm lên "hồ' của mình, thoái lụi thì dẫm phải đuôi, tiến thoái đều khó". Vậy là đủ hiểu nghĩa câu trên và thành ngữ "lang bạt kỳ hồ".
Thành ngữ này về sau có thể dùng rút gọn thành "lang bạt" (trong tiếng Việt cũng có kiểu rút gọn như thế) cũng theo nghĩa như "lang bạt kỳ hồ". Chẳng hạn trong Truyện Pháp Chính, sách Tam Quốc Chí của Trần Thọ có đoạn viết về Thục chủ có đoạn "Chủ công chi tại công an dã, bắc úy tào công chi cường, đông đạn tôn quyền chi bức, cận tắc cụ tôn phu nhân sinh biến ô trửu dịch chi hạ; đương tư chi thời, tiến thối lang bạt" Tạm dịch: "Chúa công khi còn tại Công An, phía Bắc phải kiêng dè Tào Công mạnh, phía Đông e ngại Tôn Quyền bức hiếp, gần thì phải phòng bị Tôn Phu nhân sinh biến ở sát nách, vào lúc đó, tiến thoái "lang bạt"" Như vậy, "lang bạt" là thế mắc kẹt, khó xử, không biết làm sao. Lấy thêm một ví dụ nữa trong Luận về Hán Chiêu Đế của Lý Đức Dụ đời Đường: "Thành vương văn quản thái lưu ngôn, quan triệu công bất duyệt, toại sứ chu công lang bạt nhi đông, chi thi tác hĩ". Câu này không tìm hiểu kỹ và đặc biệt không nắm được nghĩa của "lang bạt", dễ bị các cụ dù rất giỏi chữ Hán, dịch thành "Thành Vương nghe Quản Thái dèm pha, thấy Thiệu Công không vui, bèn sai Chu Công đi lang thang phiêu bạt về phía đông, rồi làm thơ". Thực ra câu này nghĩa là "Thành Vương nghe Quản Thái dèm pha, xem ra Thiệu Công không vui, khiến Chu Công phải mắc kẹt ở phía Đông, mà soạn Kinh Thi". (Quản Thúc và Thái Thúc là hai người em của Thành Vương, nổi tiếng gian tà nịnh hót. Sau này bị Chu Công và Thiệu Công đuổi. Chu Công là chư hầu nước Lỗ, nằm ở phía Đông, là nơi trung tâm của văn hóa, phồn thịnh, vui vẻ, không có gì phải lang thang phiêu bạt cả. Tuy vậy, Chu Công vừa kiêm chức khanh sĩ của vua nhà Chu, thường là phải ở kinh đô nắm quyền tể tướng. Nhưng vì Quản Thái xúc xiểm nên không được vua triệu vào kinh đô, do đó phải ở nước Lỗ, muốn về triều thì không được vua cho phép và ở lại thì lại lo việc triều chính, vì vậy phải tiêu thời gian để san định Kinh Thi.
Như vậy, có thể có một số kết luận như sau: Thứ nhất, thành ngữ tiếng Việt có gốc thành ngữ chữ Hán không nhất thiết có nghĩa giống như nghĩa gốc. Thứ hai, các cụ ta thiếu sách vở nên phải sử dụng quá nhiều trí tuệ và năng lực suy luận, thông minh sáng tạo không có nghĩa là tốt, không sai lầm. Thứ ba, việc dịch thuật phải tra cứu sâu xa, đối chiếu từ nhiều nguồn, theo một phương pháp khoa học, chứ không nên sáng tạo kiểu "thủy tạ là thủy tọa, là nhà ngồi trên nước". Thứ tư, việc tạo thành thói quen nghiên cứu sâu, học hỏi kỹ khi dịch thuật, có thêm cái lợi nữa là biết được nhiều điều rất thú vị. Chẳng hạn cái câu về Lưu Bị trong truyện Pháp Chính hoàn toàn mâu thuẫn với hình ảnh Tôn Phu Nhân tiết liệt yêu kính chồng trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung làm tôi cứ phân vân, hay là mình chưa hiểu đoạn văn. Tìm hiểu ra mới biết là Tôn Phu Nhân đúng là phải đề phòng, vì thực chất đây là hôn nhân chính trị, hoàn toàn không có màn Ngô Quốc Thái chọn rể, Kiều Công khen Lưu Bị và cũng chẳng có màn Tôn Phu Nhân tự vẫn sau khi Lưu Bị thua trận ở Hào Đình.
Có lẽ nước Việt chưa có tầng lớp trí thức, chưa có công nghiệp, chưa có kinh tế sản xuất hàng hóa, chính vì thói quen ẩu tả, đại khái, nhờ cậy quá nhiều vào trí thông minh, và thói quen làm khoa học kiểu ếch ngồi đáy giếng. Tất cả phải bắt đầu bằng một đạo đức đọc hiểu viết nói và dịch cho chuẩn. Như thế thì truy tìm nghĩa "lang bạt kỳ hồ" không phải là chuyện nhỏ.
Sai lầm từ dốt nát... dắt dây đến nay đã mấy chục năm, hậu quả thật là khôn lường mà.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa