Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Bệnh ếch ngồi đáy giếng - Lệnh Lỗi Dương

Nhiều người nói sự phát triển của Việt Nam đặc biệt. Có người nói là do văn hóa của ta nó thế. Nếu đã nói đến văn hóa và đặc biệt, có nghĩa là "trời sinh ra thế, thế thời phải thế", không thể làm gì được. Có một số người, lạc quan hơn, có quan điểm "biến nhược điểm thành ưu điểm", hy vọng rằng tìm được một việc B mà nhược điểm khiến ta không làm được việc A sẽ khiến ta là việc B tốt hơn người khác. Tất nhiên, hy vọng dù mong manh vẫn đáng khen, và rõ ràng là cũng có những cái B như thế, nhưng hiếm và cũng chẳng ngon lành gì (nên mới tới phần mình).
Tuy nhiên, có những việc nhất thiết phải làm mà lại nói tôi không làm vì tôi không có ưu thế, tôi sẽ chỉ làm những cái tôi có ưu thế, thì có khác nào một anh chàng lập dị, trời lạnh mặc áo may ô, trời nóng quấn khăn phu la, sáng không đánh răng. Đúng là đặc biệt, đúng là tự hào vì không ai làm được như thế. Như đó có phải là một cuộc sống hạnh phúc không thì mới là việc cần bàn.
Sớm muộn chúng ta cũng phải sống, làm việc như những người bình thường, vì cuộc sống không thể chỉ mãi mãi là một sàn biểu diễn trí thông minh, hay một cuộc thi lấy kỷ lục. Toa thuốc "biến nhược điểm thành ưu điểm" chẳng qua là để trị cấp tính dành cho người bệnh chứ không thể là một cách sống bình thường lâu dài. Phương chi tôi ngờ rằng các sự đặc biệt được đổ lỗi cho văn hóa đó, thực ra nó cũng không đặc biệt gì, vốn ai cũng đã từng phải trải qua trong giai đoạn ấu trĩ. Có đặc biệt chăng là trì trệ và tụt hậu trong hoàn cảnh hiếm còn ai vẫn chậm phát triển vừa tự mãn. Chính hoàn cảnh như vậy tạo nên một tâm lý thể hiện bằng một thái độ mang tính bệnh lý "ếch ngồi đáy giếng".
Rất nhiều việc đangg bế tắc hiện nay, thay vì vận dụng suy luận bình thường là có thể triển khai tốt, đều có những tiên đề huyền thoại, không quy định trên văn bản nào, không biết lấy từ đâu ra, bẻ gãy mọi lập luận như chơi. Hoặc đơn giản hơn, có những việc trên thế giới, những người phát triển trí tuệ bình thường đều phải làm như vậy, mà ở Việt Nam, các hội đồng hùng mạnh, có các giáo sư bằng cấp nghe dọa chết người cũng đọc sách Tây, đi hội nghị Tây, cũng gật gù thông qua những cách làm hoàn toàn khác lạ, dù thất bại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sản phẩm thì hàng núi giấy, người đi sau chui vào đó mà chui được ra không bị dị tật suốt đời cũng đã là kỳ quan. Tiếc thay, đó không phải là đặc biệt gì về văn hóa, chẳng qua là bệnh "ếch ngồi đáy giếng" do ấu trĩ pha với tự mãn
Con ếch ngồi dưới đáy giếng rất nhiều lý luận, sử dụng đến phán đoán rất nhiều, nên rất giống người thông minh. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất, người thông minh phán đoán trên tình huống thật, con ếch ngồi đáy giếng, phán đoán dựa trên rất nhiều giả tưởng, đa số không bao giờ xảy ra. Chính vì có quá nhiều giả tưởng (có khác giả thiết khoa học, tuy nhiều người vẫn hay lẫn lộn, một số vô tình, một số khác cố ý), nên nếu có nhiều ếch sẽ tranh luận liên miên theo kiểu ếch ngồi đáy giếng. Có một số tiêu chí để nhận biết các tranh luận của ếch ngồi đáy giếng để khỏi mang tiếng phản dân chủ bóp nghẹt tranh luận. Tranh luận của ếch ngồi đáy giếng luôn đi vòng tròn theo kiểu kiến bò miệng chén, bởi vì trong giếng các vấn đề cũng chật hẹp như miệng chén. Có thể tranh thủ làm một việc gì đó có ích chừng mười năm như luyện dịch cân kinh, học ngoại ngữ, hoặc lấy tay phải vật với tay trái, thành một công phu trác tuyệt, quay lại bàn tranh luận của ếch thấy câu chuyện vẫn thế, như phim Tàu nhiều bộ, không có tiến triển gì, bàn bàn và bàn tiếp, chẳng ra ngô khoai gì. Thời Trung cổ ở phương Tây cũng có vô thiên lủng các vấn đề kiểu như thế, nào là việc luyện vàng, nào là sự tồn tại của ê te, động cơ vĩnh cửu,... tạo ra hàng tấn lý luận, phép ngụy biện, siêu hình học mà không phải trí tuệ thông thường nào cũng có thể hiểu, cũng đầy rẫy tự mãn. Không có gì mới lạ. 
Một đặc điểm khác của ếch ngồi đáy giếng là rất khinh bỉ, ghét những lý luận đơn giản hướng tới thực tế. Bởi vì dù là ếch, trực quan mách bảo chính những lý luận tầm thường, thực tế dựa trên lương năng sẽ đập vỡ mớ lý luận phức tạp của ếch ngồi đáy giếng. Chính Lệnh tôi nhiều lần cũng phải thừa nhận mình không đủ chữ nghĩa, và không đủ năng lực theo dõi các lược đồ logic phức tạp của các học giả ếch ngồi đáy giếng.  Sự khinh rẻ đối với thực tế bên ngoài miệng giếng là vũ khí vô song của ếch ngồi đáy giếng, bởi vì nó sẽ đập tan mọi câu hỏi nghi ngờ về phương pháp luận của ếch, buộc những kẻ phản biện rơi vào mê hồn trận của ếch. Phải nói theo kiểu ếch, lập luận như ếch, tư duy được như ếch, thì ếch mới nói chuyện. Học xong được lý luận của ếch thì cũng đã tàn đời hoa, mong gì tìm được lối ra.
Kiến thức hạn hẹp của ếch không phải là điều đáng giận. Làm sao có thể giận được hoàn cảnh không may. Cái đáng giận là ếch không muốn ra khỏi giếng khi có điều kiện và tìm cách ngăn trở những con ếch khác mưu toan bò qua miệng giếng. Lý luận của ếch là người khác cũng sống  dưới đáy giếng như mình mới tốt mới phát triển. Có biết đâu, người ta cũng bắt đầu đả phá cái thói "không đàm ngộ quốc" của ếch.

1 nhận xét: