Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Dấu vết của Bàn Cổ

Hầu như các thần thoại, thần tích Việt Nam đều có bóng dáng nhang nhác trong thần thoại Trung Quốc. Để giải thích điều đó có hai thuyết trái ngược.  Có một thuyết cho rằng người Việt Nam đã tiếp nhận tôn giáo, thần thoại Trung Quốc trong thời Bắc thuộc với cố gắng của Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, Cao Biền,... Các thần thoại này được thay đổi đôi chút cho phù hợp với thần thoại địa phương. Vào khoảng thời kỳ giành độc lập, từ thời Ngô Quyền tới đầu đời Lý, đã có những nỗ lực có ý thức, có thể gắn với tên tuổi cá nhân, nhằm tạo ra một hệ thống thần thoại riêng. Và sau này hệ thống thần thoại vẫn không ngừng được bổ sung thêm bởi các yếu tố mới du nhập từ Trung Quốc. Gần đây có một thuyết cho rằng thần thoại Trung Quốc bắt nguồn từ thần thoại Bách Việt, do người Hán là sự hòa huyết của Bách Việt với các chủng Mongoloid. Chính các phần tử gốc Bách Việt này đã mang các yếu tố thần thoại nói riêng và văn hóa nói chung vào văn hóa Trung Hoa. Thực tế có thể là tổng hòa của hai thuyết này. Trước hết, đã có những bằng chứng về các luồng di dân xuất phát từ Miến Điện-Vân Nam. Cũng có những bằng chứng về các luồng di dân muộn hơn từ vùng hạ lưu sông Dương tử về phía Nam và trở lại Vân Nam. Các yếu tố văn hóa được mang theo, sáng tạo thêm rồi du nhập trở lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu lần lượt phân tích có hệ thống các yếu tố thần thoại, sẽ thấy rõ được nguồn gốc của các yếu tố thần thoại được sinh ra như thế nào. Điều đó có thể phản biện và phòng ngừa một trào lưu khoa học mang tính dân tộc chủ nghĩa, tự tôn thái quá mà gốc gác của nó lại là một tâm lý tự ty dân tộc ở dạng bán khai. Bài viết này sẽ tập trung vào thần thoại về Bàn Cổ, nhân vật sinh ra đầu tiên trong thần thoại Trung Quốc và dường như không có vết tích trong thần thoại Việt Nam.

     Bàn Cổ là nhân vật sinh ra từ Hỗn mang nguyên thủy, khi chưa có Trời Đất, Âm Dương chưa phân biệt, Ngũ Hành chưa sinh. Bàn Cổ vừa là sinh vật đầu tiên vừa là người sáng tạo ra vũ trụ, nhưng không mang tính tối cao như Thượng Đế, mà có sinh có diệt như mọi sinh vật. Bàn Cổ mang hình hài của một người nguyên thủy, lông lá, cơ bắp, đầu đội trời, chân đạp đất, tay cầm lưỡi búa. Ông tách trời ra khỏi đất, tách âm dương, tạo ra ngày đêm, tinh tú, vạn vật. Bàn Cổ tồn tại 16 vạn năm,  rồi chết. Hình hài của ông để lại thành rừng núi, sấm chớp, sông biển,... Trong thần thoại của người Việt không có Bàn Cổ, có thể vì người Việt không quan tâm tới những vấn đề trừu tượng như Sáng thế. Văn bản cổ nhất nói tường minh về Bàn Cổ là của Từ Chỉnh, người thời Tam Quốc. Gần đây người ta cũng đã tìm thấy bia mộ có khắc tên Từ Chỉnh có niên đại phù hợp. Tuy nhiên, các văn tự về Bàn Cổ đã có dấu vết trong các sách như Chu Ngữ, sách Quốc ngữ từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc.
 Bàn Cổ cũng tồn tại trong thần thoại của người Miêu và người Dao. Trong thần thoại của người Bố Y (một nhánh của người Choang, sống ở vùng Quý Châu) Bàn Cổ là hai người, một nam, một nữ cũng tạo ra thế giới như Bàn Cổ. Gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng Bàn Cổ cũng tồn tại trong thần thoại Ấn Độ, thần thoại Lưỡng Hà, thần thoại Hy Lạp, trên tuyến đường di cư từ châu Phi của các nhóm người cổ Nam Á. Điều đó chứng tỏ sau khi qua vượt dãy Himalaya, sau thời đại băng hà, nhóm người cổ thông minh đến Nam Á đã dừng lại ở vùng  Miến Điện Vân Nam. Khi đó họ còn mang theo các ý tưởng về Sáng thế-Bàn Cổ từ các vùng đất cũ. Các tư tưởng này có thể mai một trong những nhóm người tràn xuống các châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, các nhóm người đi lên phía Bắc và còn ở lại vùng Vân Nam Quý Châu, còn giữ lại các câu chuyện có khác nhau chút ít về Bàn Cổ.  


1 nhận xét:

  1. Bác cần có một bức anh thì bài viết sẽ được miêu tả rõ hơn ạ :) Thank đã chia sẻ
    Key :nap tien dien thoai - nap the zing - khuyen mai vinaphone

    Trả lờiXóa