Nghiên cứu và phát triển (R&D) là một thành tố tối quan trọng trong một trường đại học hiện đại. R&D không những quan trọng về mặt kinh tế, phát triển khoa học nói chung và kỹ năng nghiên cứu nói riêng, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện chất lượng giáo dục.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một vài thu thập, quan sát, và kinh nghiệm cá nhân về việc làm R&D trong đại học. Các ví dụ và quan sát sẽ chủ yếu xoay quanh ngành Khoa Học Máy Tính, vì đó là ngành mà tôi làm việc và có chút ít hiểu biết. Tôi hy vọng rằng các quan sát này có thể phần nào có tính phổ quát và trở nên hữu dụng trong nhiền ngành khác nữa. Cuối cùng, bài viết nêu ra một vài ý tưởng cho việc cải thiện cả chất lẫn lượng của R&D trong các trường đại học ở Việt Nam.
(Tác giả xin chân thành cảm ơn các thành viên Nhóm Đối Thoại Giáo Dục, các anh Lương Thành Nam, Cao Hoàng Trụ, Võ Hưng Sơn, và Nguyễn Xuân Long, đã đóng góp các ý kiến quý báu cho bài viết này. Lỗi trong bài là lỗi của cá nhân tôi, không phải của họ.)
Nghiên cứu và phát triển (R&D) là gì?
Để có một ngôn ngữ nhất quán cho toàn bộ bài viết về ý nghĩa của cụm từ R&D, trước hết chúng ta thống nhất ngữ nghĩa của cụm từ R&D sẽ được dùng cho bài viết này.
Chữ D — phát triển — thì đã tương đối rõ: phát triển một sản phẩm mới hoặc một bộ phận nào đó cấu thành một sản phẩm cụ thể. Trong ngành máy tính thì một sản phẩm mới có thể là một phần mềm mới giải quyết một vấn đề cụ thể, ví dụ như phần mềm điều khiển không lưu. Một bộ phận của một thành phẩm có thể là một con chip, hay một thư viện thuật toán giải quyết các bài toán tối ưu trong vận trù học, mà dùng nó ta có thể giải quyết các vấn đề ách tắc giao thông hay vận chuyển và đóng gói hàng hóa.
Chữ R — nghiên cứu — thì có nhiều tầm mức, và có thể nôm na chia thành hai loại chính, phỏng theo (adaptation) và sáng tạo (innovation). Hai loại nghiên cứu này cũng phù hợp với hai loại nhóm R&D ở các công ty, tập đoàn. Một loại nhóm R&D bao gồm chủ yếu là các kỹ sư, loại còn lại cần được gầy dựng bởi một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu. Những nghiên cứu mang tính sáng tạo cao hơn tất nhiên là có rủi ro cao hơn, nhưng khi thành công thì lợi tức đầu tư cũng lớn hơn.
Ý nghĩa kinh tế của R&D
Các nghiên cứu kinh tế cho thấy lợi tức đầu tư công vào R&D thường là khá cao, khoảng 30% đến 100% hoặc hơn nữa, theo các báo cáo của phòng nghiên cứu Kinh Tế Quốc Gia Mỹ (NBER), của các nhà kinh tế Charles Jones và John Williams của Stanford, hoặc của ngân hàng dự trữ liên bang của San Francisco.
Nhiều trường đại học ở Mỹ có các phòng chuyển giao công nghệ làm việc rất tốt. Ở các trường hàng đầu có một “văn hóa” làm chuyển giao công nghệ lâu đời, kết hợp công tư nhuần nhuyễn, thì lợi tức của họ thật sự là đáng ghen tị. Stanford sở hữu bằng sáng chế thuật toán Page-Rank của Google, một công nghệ mang tính đột phá ngành sinh học phân tử (DNA tái tổ hợp — recombinant DNA), cùng với thu nhập từ nhiều công ty khởi nghiệp của sinh viên họ, thu về trung bình 60-100 triệu USD mỗi năm trong 40 năm qua. NYU đồng sở hữu bằng sáng chế thuốc Remicate trị thấp khớp, cùng với các sáng chế khác đã thu về 157 triệu năm 2006 (tổng chi phí nghiên cứu là 210 triệu, lời 75%). Nhưng ta không cần lấy các ví dụ từ các đại học đỉnh của thế giới như MIT, Stanford, Berkeley. Đại học Wake Forest năm 2006 thu về 60 triệu (trên tổng chi phí 146 triệu); phần nào nhờ hệ thống V.A.C., một hệ thống tạo chân không cơ học giúp hồi phục vết thương. Đại học Florida có nước Gatorade, v.v.
Trong các ngành XH hội học như kinh tế, chính trị, ngoại giao thì R có ý nghĩa rất lớn về mặt làm chính sách. Ví dụ như trong công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta, chỉ tính trong 3 tháng qua thôi là báo chí đã đăng đầy các dự án, dự thảo về thay đổi quy chế tuyển sinh, cơ chế tự chủ, trang bị máy tính bảng, vân vân. Nhưng ít khi ta thấy một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đi kèm, đánh giá lợi hại của các dự án dự thảo mới. Các tranh luận trên báo chí phần nhiều mang tính định tính, và kể cả khi có ít định lượng thì cũng manh mún. Dân chúng không biết đâu mà lường là nên theo cái nào, làm cái nào đúng, cái nào không nên.
Một điều không thể chối cãi là R&D đã mang lại các công nghệ và sản phẩm mang tính đột phá, như Internet, hay vaccines và các thiết bị y tế, v.v., những thứ đã trực tiếp cải thiện cuộc sống sinh học, cuộc sống vật chất, và cuộc sống tinh thần của nhiều tỉ người trên trái đất. R&D ở các trường đại học cũng đã giúp khởi nghiệp nhiều nghìn công ty, tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người. Những đóng góp này không thể dễ dàng quy thành đô la.
Ý nghĩa khoa học của R&D
Ở đa số các ngành khoa học (có lẽ chỉ loại trừ Toán lý thuyết), thì làm R&D có ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của khoa học và của sự nghiệp khoa học của những nhà nghiên cứu tham gia làm R&D.
R&D giúp các nhà nghiên cứu định hình một tầm nhìn và nhận thức đúng đắn về các đề tài lý thuyết và phạm vi ứng dụng của chúng. Các kết quả lý thuyết hầu như bao giờ cũng bị trói trong một bộ các giả thiết đơn giản hóa vấn đề (như môi trường chân không trong Vật Lý, hay thuật toán chạy trong bộ nhớ chính của máy tính). Các bộ giả thiết đơn giản này đôi khi vẫn xấp xỉ thực tế rất tốt và khi đó kết quả lý thuyết có tính ứng dụng trực tiếp cao. Nhưng đôi khi, chúng xa thực tế đến mức trở thành vô dụng. Nếu không làm D, nhà nghiên cứu sẽ có khả năng sẽ sống và thác trong tháp ngà của mình, bất kể chỉ số ảnh hưởng của họ cao đến mức nào. (Các cư dân trong tháp ngà trích dẫn lẫn nhau!)
R&D không chỉ giúp chúng ta phát triển ứng dụng hoặc phủ định các kết quả lý thuyết, mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta về những hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, được bắt rễ chắc chắn từ những bài toán thực tế và những nhu cầu có thật, hoặc của xã hội, hoặc của các công nghệ liên quan. Ví dụ, mấy năm qua tôi viết chương trình hiện thực hóa một thuật toán của mình cho cơ sở dữ liệu, nhưng lại phát hiện ra nó làm việc tốt hơn rất nhiều nếu dùng để tính một số mô hình đồ thị thống kê, một vấn đề hoàn toàn khác.
Làm R&D cũng giúp cho các nhà nghiên cứu dễ tìm nguồn tài trợ để làm nghiên cứu cơ bản, từ cả các cơ quan tài trợ khoa học cơ bản của nhà nước lẫn từ doanh nghiệp tư nhân. Một đề án nghiên cứu, dù là nghiên cứu khoa học cơ bản, mà có cơ sở ứng dụng vững chắc bao giờ cũng “nặng ký” hơn nhiều các đề tài trên trời, với các động cơ ứng dụng “vẽ vời” ra cho kêu. Điều này hoàn toàn đúng ở Mỹ, và tôi hy vọng nó cũng sẽ phổ biến ở Việt Nam.
Ý nghĩa giáo dục của R&D
Các giảng viên hay giáo sư đã từng làm D bao giờ cũng có khả năng giảng dạy hứng khởi hơn rất nhiều so với những người giảng bài chay. Họ biết cái gì dùng được trên thực tế, những giả thiết nào là những giả thiết đơn giản hóa để gói gọn bài học, và những giả thiết nào hoàn toàn sai thực tế. Họ biết cách thiết kế các bài tập nắm bắt được tinh thần của một vấn đề thực tế, thiết lập ngữ cảnh cho bài tập để sinh viên hiểu tại sao bài tập này lại hữu dụng cho việc phát triển kỹ năng của họ.
Sâu sắc hơn một chút, khi ta có các dự án R&D mà một nhóm sinh viên được làm việc trực tiếp, tham gia giải quyết một góc của một vấn đề thực tế, thì đây là môi trường huấn luyện tuyệt vời cho các kỹ sư tương lai: khi ra trường họ đã có sẵn kinh nghiệm thực tế để làm việc. Ngược lại, phần nghiên cứu của R&D cho sinh viên các trải nghiệm làm nền tảng để họ có thể phát triển thành các nhà nghiên cứu độc lập nếu họ muốn theo đuổi con đường hàn lâm. Tất cả các sinh viên tôi đã từng tham gia hướng dẫn làm R&D, đại học hay sau đại học, đều nói rằng việc tham gia một dự án R&D dạy cho họ những kinh nghiệm quí báu hơn việc học chay rất nhiều lần.
Tham gia dự án R&D liên kết với doanh nghiệp là một dòng rất có giá trong resume của cả sinh viên lẫn chủ nhiệm đề tài.
Tại sao R&D trong trường đại học mà không phải ở các tập đoàn hay công ty?
Do các áp lực thị trường và lợi nhuận thường là ngắn hạn, khu vực tư nhân (private sector) có xu hướng không hoặc ít đầu tư vào R&D đúng nghĩa. Ở Mỹ chẳng hạn, đầu tư vào R&D từ các công ty tư chỉ khoảng 1/4 con số “tối ưu”, nói chung. Tất nhiên, khi nói riêng thì có các ngoại lệ như các chàng khổng lồ tương đối rủng rỉnh kiểu Microsoft, Facebook, Google, IBM, có hệ thống R&D rất sung mãn; và các ngành công nghiệp “sống” bằng R&D như ngành dược, và các công nghệ đột phá như công nghệ sinh học, công nghệ nano. Ở những ngành này thì các cty tư nhân có thể chi trả đến 75% chi phí cho R&D. Một lý do nữa mà các cty đầu tư ít vào R&D là trong một số công nghiệp thì quá dễ để các đối thủ copy ý tưởng. Trong ngành máy tính chẳng hạn, hệ thống bảo hộ bằng sáng chế ở Mỹ là một hệ thống hoàn toàn mục ruỗng, làm cản trở sáng tạo, tốn tiền tỉ cho các luật sư. Do đó, hệ thống bằng sáng chế không giải quyết được vấn đề sở hữu trí tuệ, làm các cty tư nhân ít đầu tư theo diện rộng vào R&D hơn.
Ở các đại học ta thường có nhân lực giá rẻ, kỹ năng nghiên cứu và kiến thức cao, tiếp cận được với những phát kiến mới nhất của nhận loại. Nhân lực ở đại học sở hữu tốt kỹ năng thực hiện chữ R trong R&D.
Chỉ có môi trường đại học, mà về mặt lý tưởng nó dung dưỡng tuyệt đối sự tự do tìm tòi, độc lập khỏi các áp lực thị trường ngắn hạn, mới có nhiều khả năng ươm các phát kiến mang tính đột phá.
Cuối cùng, như đã nói ở trên, R&D trong các đại học có ý nghĩa lớn về giáo dục, về khoa học, về phát triển sự nghiệp cho sinh viên, giảng viên, và giáo sư, và còn đóng góp về kinh tế cho trường, địa phương, quốc gia, và đôi khi cả nhân loại.
Hệ sinh thái R&D ở các đại học Mỹ
Hai nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu trong các đại học ở Mỹ là từ các cty tư nhân và từ các quỹ tài trợ nghiên cứu quốc gia như (NSF, DARPA, DoD, DoE, DoT, NIH, v.v.) đều có nhận thức sâu sắc về chữ D trong R&D. Tài trợ từ các cty tư nhân thì hiển nhiên họ mong muốn thành quả tiến đến các sản phẩm cụ thể. Còn các quỹ tài trợ khoa học quốc gia cũng chịu áp lực lớn khi phải giải trình trước quốc hội về hiệu quả của các đầu tư vào nghiên cứu khoa học.
Ở mỗi trường đại học thì các phòng chuyển giao công nghệ đều có kinh nghiệm giúp đăng ký bằng sáng chế và giúp kết nối các nguồn nhân lực vật lực để tạo các công ty khởi nghiệp. Nhìn chung, ý tưởng thì có thể thiếu chứ môi trường và tài nguyên phục vụ cho thương mại hóa ý tưởng thì họ làm tương đối tốt, kể cả ở các trường ít danh tiếng.
Một quan sát tôi nhận thấy trong ngành máy tính là quan hệ trực tiếp giữa các giáo sư và các công ty tư nhân rất chặt chẽ và chất lượng. Tất nhiên khi một cty cần kết quả nghiên cứu từ một nhóm nghiên cứu thì họ tài trợ; nhưng các cty cũng rất hay “nuôi quân” để tìm các nhân viên chất lượng cho họ trong tương lai. Ngoài việc nhận tài trợ trực tiếp từ các công ty tư nhân, thì một GS trong trường đại học cũng có thể nhận tài trợ từ quỹ NSF thông qua một công ty tư nhân qua các dự án SBIR/STTR, vốn dùng để kích thích các nghiên cứu có tính rủi ro cao nhưng có khả năng mang lại hiệu quả thương mại lớn.
Ngược lại, các đề án phát triển và tài trợ nghiên cứu gầy dựng từ các chính trị gia, nhất là các chương trình từ các tiểu bang hay địa phương, thì lại có vẻ hoang phí hơn rất nhiều. Phần vì các chương trình này thường không có tính bền vững về mặt thời gian, các chính trị gia hay dùng chúng để làm bậc thang chính trị. Phần vì sự quan liêu của các chương trình địa phương cồng kềnh hơn các chương trình liên bang đã qua nhiều năm thử thách như NSF hay DARPA.
Một điều đáng lưu ý là budget của các quỹ nghiên cứu từ bên Quốc Phòng (DARPA, DoD, US Army, US Airforce) rất lớn, rất fluid (nội DARPA không thôi đã có đến 3 tỉ, gầng bằng nửa NSF). Và DARPA dùng phần lớn tiền đó tài trợ cho các dự án lớn ở các phòng Labs và các đại học, với các program managers tài năng, kiến thiết ra các chương trình thiết yếu cho quốc phòng. Ngoài ra họ có một hệ thống thẩm định đề tài khá chặt chẽ (đến mức cồng kềnh — nên những ai làm KH cơ bản có thể không thích thú lắm). Ví dụ, nếu anh phán là anh làm phần mềm bảo mật, họ sẽ có một đội-đỏ (red team) gồm vài hackers có kinh nghiệm đến “thử” phần mềm của anh. Phương pháp nghiệm thu bằng “đội-đỏ” này được phát triển từ văn hóa tổ chức quân đội Mỹ.
Hiện trạng phát triển R&D trong các đại học Việt Nam
Ở Việt nam đã có nhiều khởi xướng nhân vật lực từ trung ương, địa phương, đến các trường đại học để thúc đẩy R&D và tạo doanh nghiệp từ R&D. Nhiều trường đại học có các trung tâm sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp. Khi xưa thì cơ sở hạ tầng, nay thì cả đào tạo, hướng dẫn, đăng ký bản quyền, dịch vụ đỡ đầu, và huy động vốn cũng đã được các trung tâm ươm tạo cho vào danh sách dịch vụ của họ.
Luật KH&CN được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2014 cũng có rất nhiều điểm tích cực: đầu tư từ ngân sách nhà nước ít nhất 2%, bắt buộc các doanh nghiệp phải dành phần lợi nhuận để tái đầu tư cho R&D, mô hình quản lý quỹ phát triển KH&CN có nhiều thông thoáng, có hình thức “đặt hàng” nghiên cứu cho các nhà khoa học, cụ thể hóa rất nhiều chính sách đãi ngộ về lương và bổng cho các nhà nghiên cứu.
Cộng các nguồn kinh phí từ nhà nước xuống địa phương, vốn tài trợ nước ngoài (ví dụ như dự án FIRST), thì tổng kinh phí cho R&D ở VN không phải là ít. (Các con số tôi đọc được biến thiên từ 0,2% đến 2% GDP, từ 600 tỉ đến 1000 tỉ một năm, nhưng lại được xan ra 1600 trung tâm và các viện nghiên cứu, nuôi 60 nghìn nhân sự.) Cũng có không ít các ví dụ làm R&D tốt từ các trường đại học và phát triển thành doanh nghiệp thành công, như Sơn Kova chẳng hạn.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, phát triển R&D ở các đại học VN còn yếu.
Số lượng các trung tâm ươm tạo còn hạn chế. Trong khi ở TQ có khoảng trên dưới 700 trung tâm ươm tạo, tạo được 45000 công ty; Hàn quốc trên dưới 300 trung tâm, tạo được 5000 công ty, thì ở ta có khoảng trên dưới 15 trung tâm, tạo được 50 công ty.
Các Đại học của ta đều quá tải, dẫn đến tình trạng các giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ, bị quá tải đến mức khủng khiếp về mặt giảng dạy. Họ không có thời gian để phát triển kỹ năng nghiên cứu, phát triển các mối quan hệ với các doanh nghiệp để tìm tòi đề tài nghiên cứu. Sinh viên ta tương đối thụ động, do thụ hưởng nền giáo dục từ chương lâu năm, ít năng động hơn so với sinh viên các nước phát triển khi đối mặt với các đề tài mở. Cho một bài toán được thiết lập chặt chẽ với các giả thiết kiểu môi trường chân không, khí lý tưởng, thì giải cái rụp; nhưng chỉ hơi ra ngoài lề thì không biết bắt đầu từ đâu, kể cả khi họ đã có đủ kỹ năng toán học và công nghệ để giải quyết.
Một điểm quan trọng nữa là các dự án R&D đều cần làm việc theo nhóm thì mới làm được việc lớn, mà kỹ năng mềm của chúng ta nhìn chung là yếu. Làm việc với các doanh nghiệp thì kỹ năng mềm của giảng viên, giáo sư, cũng cực kỳ quan trọng; đó là những kỹ năng phần nào mang tính văn hóa. Không chỉ giao tiếp thuần túy, còn cần khả năng lãnh đạo dự án, huy động vốn, kỹ năng quản lý công nghệ và kinh doanh. Cũng phải nhắc đến cả khả năng ngoại ngữ, cả đọc hiểu lẫn giao tiếp. Tôi biết nhiều giáo sư ở các đại học phương Tây hoặc Brazil, có quan hệ rất tốt với các đối tác là các công ty ngoại quốc, Âu Mỹ, và nhờ đó tìm được các tài trợ lớn.
Về mặt cơ chế thì chưa có các cơ chế cụ thể để cho lợi ích của các bên (faculty, nhà nước, và nhà trường) được khớp với nhau. Ví dụ, ở Mỹ một faculty có thể xin tài trợ và dùng tiền tài trợ trả cho trường để “buy out” các lớp mà họ dạy. Dùng tiền này, trường và khoa có thể tìm người khác dạy thay các lớp thuộc về trách nhiệm của faculty, và nhờ đó faculty này có thời gian nghiên cứu. Nhìn chung giảng viên chúng ta ít có incentives để làm R&D thật sự, nguyên nhân mấu chốt là vấn đề tài chính: làm thì phi phỏng, không được bao nhiêu, và thu nhập không ổn định. Do đó nhiều người chọn con đường đi dạy thêm để có thu nhập ổn định. Vấn đề “lương sống được” vẫn là vấn đề then chốt. Không ai có thể nuôi một gia đình bằng cách dạy dự án khoa học.
Về tài trợ từ nhà nước, thì tiêu chí đánh giá nghiệm thu dự án chưa tạo động cơ tốt nhất để làm R&D. Luật KH&CN 2014 của quốc hội chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng về cách đánh giá và nghiệm thu đề tài. Ví dụ, tập trung đánh giá dựa vào các con số thô sơ như tổng số bài ISI, hay chỉ số ảnh hưởng, chưa đề cao tầm quan trọng và sự khó khăn của việc phát triển một sản phẩm phần mềm có giá trị xã hội cao. Và phải nói thẳng đây là cách đánh giá lười biếng, làm dễ cho người quản lý, nhưng cản trở tiến trình khoa học. Gầy dựng một sản phẩm có tính phổ dụng trong xã hội và trong nghiên cứu khoa học thường là tiêu tốn thời gian và công sức lao động rất lớn so với việc viết một bài báo ISI chẳng ai đọc.
Về tài trợ từ tư nhân, thì hiện có một sự khủng hoảng niềm tin của các doanh nghiệp vào khả năng nghiên cứu và phát triển của nhân lực hàn lâm. Một mặt, ta phải công nhận là sự mất niềm tin này có cơ sở khi mà R&D từ các trường đại học của ta còn rất yếu; có rất ít bằng chứng cho thấy khả năng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có tính sáng tạo khoa học cao, hoặc tính ứng dụng xã hội phổ biến. Mặt khác, sự mất niềm tin này cũng do nhiều doanh nghiệp thiếu một tầm nhìn về mặt đầu tư nghiên cứu, theo đuổi các mục tiêu tài chính ngắn hạn. Có những ví dụ cho thấy một sinh viên vào làm cho doanh nghiệp, giải quyết được vấn đề cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại không hiểu được rằng để có giải pháp đó thì sinh viên đã tham gia các dự án nghiên cứu “không có thành phẩm cụ thể” trong một thời gian dài.
Khi thật sự có các sáng tạo mới, thì lý ra các phòng chuyển giao công nghệ như ở Trung Tâm sở Hữu Trí Tuệ và Chuyển Giao Công Nghệ (iptc) của đại học quốc gia có thể đóng vai trò làm cầu nối giữa thầy trò và cách doanh nghiệp, đem lại lợi tức cho các bên tham gia, thì có hiện tượng nhóm nghiên cứu “đi đêm” để bán công nghệ ra ngoài mà không tuân theo giao kết khi nhận tiền đầu tư từ trường hay thành phố. Khi mà tình trạng chất lượng R&D còn yếu kém, thì sự thiếu chế tài sẽ làm cho các vườn ươm công nghệ/doanh nghiệp sống ngắc ngoải, trong khi đáng lý ra vai trò của các phòng chuyển giao công nghệ rất quan trọng cho việc phát triển R&D.
Nói tóm lại, có ba yếu tố cấp bách gây cản trở cho sự phát triển R&D hài hòa ở VN:
- Các tiêu chí đánh giá nghiệm thu đề tài, thăng công tiến chức, đều chưa được cụ thể hóa và đôi khi đi ngược lại với động cơ làm R&D của giới hàn lâm.
- Mặt bằng trình độ làm R&D ở các đại học còn kém, bị quá tải về mặt giảng dạy, và ít có incentives thật sự để giảng viên làm R&D, dẫn đến chất lượng R&D kém.
- Thiếu một sự giao lưu ý tưởng và niềm tin giữa khu vực tư nhân và giới hàn lâm.
- Tiêu chí đánh giá đề tài và cá nhân làm R&D
Phân chia rạch ròi nhánh nào nên adapt, nhánh nào nên innovate cần rất nhiều công sức tỉ mẩn, dữ liệu khoa học, nằm quá phạm vi và khả năng của người viết bài này. Ở đây chỉ xin nêu một vài ví dụ.
Ở ngành y dược, đầu tư để sáng tạo thường là cực kỳ lớn. Trong khi nó, nếu ta mô phỏng được một loại thuốc đã có sẵn trên thị trường thế giới để cho phù hợp với thủy thổ và y sinh của dân địa phương thì hiệu quả xã hội và kinh tế rất lớn. Tương tự như vậy, các ngành làm phân bón, thức ăn gia cầm, thuốc trừ sâu trong điều kiện kinh tế đất nước nặng về nông nghiệp, hay thực phẩm trong sự bùng nổ dân số VN, đều tạo ra các thị trường đặc trưng nội địa có quy mô rất lớn mà chỉ một ít mô phỏng cũng có tác động mạnh mẽ.
Trong khi đó, ngành Khoa Học Máy Tính còn non trẻ, với chi phí truy cập vào các tài liệu, bài giảng, hội nghị hiện đại rất rẻ, thì sẽ có rất ít lý do để ta đánh giá cao chất lượng R&D của một đề tài “Việt Hóa” một phần mềm quản trị doanh nghiệp.
Trong lãnh vực quốc phòng, khi điều kiện tiếp xúc trực tiếp với công nghệ tiên tiến bị giới hạn bởi bí mật quân sự, thì sáng tạo là chỉ tiêu đánh giá rất quan trọng. Một phần chi phí quốc phòng nên được dùng cho các trường đại học nghiên cứu các công nghệ tiên tiến dành cho quốc phòng. DARPA của Mỹ chi rất nhiều tiền cho các trường đại học Mỹ làm các dự án của họ.
Chúng ta không nên bám theo một số chỉ số định lượng có vẻ khách quan nhưng lại hời hợt về khả năng đánh giá như số bài báo ISI hay chỉ số ảnh hưởng. Có chăng thì các chỉ số này chỉ nên mang tính chất tham khảo. Ta cần đánh giá của chuyên gia. Trong ngành Máy Tính, có tình trạng các quí vị trong tháp ngà “sáng tạo” ra các vấn đề không có tính phổ quát, giải quyết chúng bằng các kỹ thuật tầm thường, và trích dẫn lẫn nhau. Tạp chí ISI hẳn hòi. Trong khi đó, làm được một loại phân bón mới, cho dù chỉ là mô phỏng từ nước ngoài, cũng có giá trị tốt hơn hẳn cả về mặt xã hội lẫn về mặt khoa học. Ở Mỹ không có chuyện dùng “số bài báo” để đánh giá nghiệm thu đề tài. Như vậy, ở đây ta cũng có vấn đề niềm tin giữa cơ quan tài trợ và giới làm R&D.
Đó là nói về đánh giá đầu ra, đầu nghiệm thu. Còn đánh giá đầu vào của các đề án thì, một lần nữa, ta cũng cần chuyên gia: cần những người làm R giỏi, để biết về mặt ý tưởng thì có gì sáng tạo không, những người làm D giỏi, để biết về mặt thực tế thì có khó khăn không, và đại diện kỹ thuật của ngành công nghiệp liên đới, để hiểu phạm vi ứng dụng của đề tài.
Một cách định trị giá trị kinh tế của một đề tài là ta dùng cơ chế tài trợ dùng vốn đối ứng (matching funds) giữa nhà nước và doanh nghiệp. Ví dụ, một nhóm R&D phải tự tìm cho mình một doanh nghiệp cam kết tài trợ x% kinh phí cho đề tài, rồi một quỹ tài trợ của nhà nước sẽ “match” (100-x)% còn lại. Cơ chế này đảm bảo là đề tài đã được “thực tế” đánh giá có khả năng ứng dụng, nhưng lại cũng cho doanh nghiệp được chia sẻ bớt rủi ro tài chính cho các đề tài mà phần sáng tạo cao. Ví dụ, chính phủ Úc có chính sách giảm thuế và hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp hợp tác làm R&D với đại học. Ở Mỹ có các chương trình SBIR/STIR. ..
Cơ chế vốn đối ứng này ở ta đã có mấy năm nay. Nhưng lại có tình trạng doanh nghiệp ngần ngại khẳng định là sản phẩm có tiềm năng, vì nó vẫn chưa thành thành phẩm, mà cơ quan tài trợ nhà nước đã bảo “nếu anh kinh doanh được thì sao không tài trợ toàn bộ dự án?”
- Cải thiện chất lượng R&D
Để cải thiện trình độ nhân lực làm R&D thì ta cần tạo điều kiện và động cơ cho họ làm R&D, và tạo ra cơ chế rất mềm dẻo để có thể điều phối nhân lực phù hợp với dự án. (Tất nhiên là dưới các qui chuẩn đánh giá chất lượng đề tài như đã nêu ở trên.)
Điều kiện và động cơ cho các giảng viên, giáo sư, làm R&D bao gồm:
- Quỹ thời gian: phải có các cơ chế giảm tải giảng dạy, ví dụ như cơ chế “buy out”, dùng tiền đề án để trả cho người dạy thay. Từng trường cũng nên có các cơ chế riêng giảm tải giảng dạy và các công việc hành chính khác, để các các nhân xuất sắt tập trung nghiên cứu.
- Quỹ tài chính: đầu tư từ các doanh nghiệp, địa phương, và nhà nước, cộng với những incentive lớn hơn về mặt tài chính nếu nghiên cứu thành công. Sự giúp đỡ của các vườn ươm, phòng chuyển giao công nghệ và phòng quản lý sở hữu trí tuệ của các trường đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn faculty về mặt tài chính, quản lý nhân sự, và tìm tài trợ.
- Động cơ thăng tiến trong nghề: đánh giá thăng tiến cấp bực, chức danh giáo sư, cũng cần mềm giẻo trong việc đánh giá các đóng góp R&D. Nếu ta chỉ đếm bài báo “tạp chí quốc tế” đề đánh giá thì nhiều khả năng sẽ tạo ra perverse incentive.
Tính mềm dẻo của việc điều phối nhân lực là cực kỳ quan trọng. Ví dụ ở Mỹ thì chuyện nghỉ không lương sang một trường khác vài năm làm nghiên cứu — dùng tiền dự án trả lương hoàn toàn — rất là phổ biến. Tại vì có nhiều dự án ta cần một expertise nhất định, và tính mềm dẻo trong việc tìm nhân sự làm tăng chất lượng dự án lên rất nhiều. Ở ta có các ví dụ khởi sắc như Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán, Viện JVN chỗ anh Dương Nguyên Vũ, hay Viện VIASM chỗ anh Ngô Bảo Châu, có tính mềm dẻo (tương đối) về nhân sự, thu hút được nhiều tài năng và có các seminars/workshops với nhiều nhà khoa học giỏi tham gia báo cáo. Những mô hình tương đối tự chủ như vậy nên được nhân rộng ra hơn.
Một cách nữa để tăng hàm lượng tri thức cả nghiên cứu lẫn thực tế ở các trường đại học lớn là ta chuyển phần lớn các phòng/trung tâm nghiên cứu trực thuộc các Bộ, xáp nhập các viện nghiên cứu đó vào các trường đại học. Làm như vậy thì những người làm R&D giỏi ở các Viện đó có thể tham gia giảng dạy, tăng cường chất lượng đại học, giảm tải giảng dạy cho những giảng viên sẵn có. Rồi mối liên kết đến các dự án của các Bộ, ngành, cũng sẽ thu hút được thêm các đề tài về cho các trường đại học.
- Cải thiện niềm tin giữa các doanh nghiệp và giới làm R&D hàn lâm
- Vấn đế thứ nhất là nhìn chung các doanh nghiệp chưa tin vào khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Điều này một phần là do hệ quả của sự yếu kém về năng lực R&D nói chung của giới hàn lâm.
- Vấn đề thứ hai là sự thiếu vắng một kênh giao tiếp giữa các doanh nghiệp và giới hàn lâm. Kể cả khi có kênh giao tiếp, được tạo ra bởi các vườn ươm công nghệ chẳng hạn, thì lại có giới hạn về nhận thức của các doanh nghiệp và giới hạn về kỹ năng mềm của giới hàn lâm. Do đó, vấn đề thực tế là bên A có thể giải quyết được, nhưng bên B lại không biết rằng bên A có thể giải quyết được.
- Vấn đề thứ ba là sự theo đuổi các mục tiêu tài chính ngắn hạn của cách doanh nghiệp làm giới hạn tầm nhìn và giới hạn các quy hoạch đầu tư dài hơi hơn vào R&D.
Các vấn đề này làm cho bên có expertise và bên có nhu cầu bị “trật giuộc” với nhau. Ví dụ, một thực tế đáng lưu ý là có tình trạng giảng viên trẻ đi học nước ngoài về lại đi làm thuê (R&D) cho các cty nước ngoài. Thế là ta bị chảy máu chất xám từ bên trong.
Bên cạnh việc tổ chức cách kênh giao tiếp mà các trung tâm chuyển giao công nghệ đóng vai trò thiết yếu, thì các giảng viên và giáo sư đại học cần phải “pro-active” hơn trong việc giao hảo với các doanh nghiệp, tạo dựng những kênh giao tiếp cá nhân, tạo niềm tin giữa những con người cụ thể và những công việc cụ thể. Ví dụ, hầu hết các hội nghị hay tạp chí hàng đầu thế giới đều rất coi trọng những lời giải cho những vấn đề thực tế, có dữ liệu thực tế. Những nghiên cứu với dữ liệu thật thường được đánh giá rất cao so với những nghiên cứu dùng dữ liệu “tổng hợp” hoặc tự tạo. Do đó, incentive của người làm nghiên cứu là đi tìm các vấn đề thực tế có dữ liệu thực tế, còn incentive của doanh nghiệp là có một vấn đề cụ thể được giải quyết.
Một động cơ thứ hai cho các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư vào một dự án R&D “trên trời” là nguồn vốn nhân lực. Họ sẽ có truy cập đến những sinh viên giỏi, được tham gia và huấn luyện “miễn phí” trong một dự án R&D, cho dù có tính rủi ro cao thì doanh nghiệp nhiều khả năng là sẽ tự tạo cho mình được các nhân viên tương lai, đã làm qua một dự án cụ thể có lợi cho doanh nghiệp.
Một chương trình R&D được hợp tác như vậy có thể bắt đầu từ một vài sinh viên làm internship. Ở đây ta cần sự chủ động của cả sinh viên lẫn thầy/cô hướng dẫn để sinh viên này phát triển niềm tin, chứng minh cho doanh nghiệp nọ thấy rằng một dự án R&D sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến bottom-line của công ty. Đây cũng là cách mà doanh nghiệp tuân thủ luật KH&CN đã được quốc hội thông qua. Niềm tin xây dựng qua những con người cụ thể, bằng những công việc cụ thể, sẽ có khả năng phát triển bền vững.
Cuối cùng, niềm tin cũng có thể được xây dựng bằng tiền. Mỹ có các chương trình SBIR, STTR để thúc đẩy R&D và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. SBIR tài trợ cho các nghiên cứu rủi ro cao của các doanh nghiệp nhỏ. STTR tài trợ cho doanh nghiệp làm chuyển giao công nghệ. Và hợp tác kiểu này tự động mang các kỹ năng quản lý, gây quỹ, bán hàng, marketing v.v. đến với nhà nghiên cứu.
Tham khảo
[1] http://info.crunchbase.com/2013/08/entrepreneurs-and-universities/
[2] http://web.mit.edu/industry/industry-collaboration.html
[3] http://www.forbes.com/2008/09/12/google-general-electric-ent-tech-cx_mf_0912universitypatent.html
[4] http://unctad.org/en/Docs/iteiia20056_en.pdf
[5] http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&News=3670&CategoryID=43
[6] http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=169383
[7] http://www.nature.com/gim/journal/v14/n2/full/gim201159a.html
[8] http://www.icsu.org/publications/cfrs/scientific-relations-between-academia-and-industry-building-on-a-new-era-of-interactions-for-the-benefit-of-society/download-report
Tìm hiểu thêm về khái niệm r&d là gì tại ScienceVietnam.Com để có cái nhìn tổng quan về công việc này, trong bài viết này sẽ có khái niệm, mô tả công việc của R&D. Đây là 1 trong những công việc có xu hướng phát triển rộng rãi.
Trả lờiXóa