Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (2)

Phần 1:  
http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-1.html
Phần 2:

Hai đặc trưng đáng yêu nhất của Nguyễn Văn Hiệu   

       Năm 1978, khi đang học năm thứ 4, ngành Vật lý, tại Đại học Debrecen, Hungary, tôi nhận được một bức thư với nét chữ lạ, rắn rỏi, vuông vức. Trên phong bì đề Nguyễn Văn Hiệu. Bức thư khá dài, đại khái ông được biết tôi đang học Vật lý lý thuyết, và rất mừng khi có người sẽ theo ngành của ông. Ông căn dặn tôi nghiên cứu về các hướng mô hình quark, sắc động học lượng tử và hiện tượng cầm tù quark. Quark là hạt do nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Nobel 1969, M.Gell Mann đề xuất là hạt thành phần cho các hạt cơ bản thuộc họ hadron. Dựa trên giả thiết về sự tồn tại của quark, người ta có thể giải thích được một lớp rất lớn các hạt cơ bản quan sát được trong các máy gia tốc năng lượng cao. Các hạt baryon được giải thích là trạng thái liên kết của ba hạt quark, các hạt meson được giải thích là trạng thái liên kết của một hạt quark và một hạt phản quark. Các quark tương tác với nhau thông qua một trường màu với lượng tử là các hạt gluon, tương tự như photon là lượng tử của trường điện từ. Sắc động học lượng tử là lý thuyết tương tác giữa các quark. Do quark không quan sát được trong thực tế, người ta giả thiết quark bị cầm tù trong những cái túi. Ngày nay, sự tồn tại của quark là một trong những cơ sở của Mô hình Chuẩn, là nền tảng cho hiểu biết của chúng ta về vật lý cơ bản ở vùng năng lượng cao mà các máy va chạm trên Trái Đất có thể đạt tới. Nhưng hồi đó, nhiều nhà vật lý vẫn chưa thực sự tin tưởng ở sự tồn tại của quark. Vì vậy, lá thư của GS. Nguyễn Văn Hiệu làm tôi vừa mừng vui vừa ngạc nhiên. Trước hết, tôi ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam đã có người quan tâm đến vấn đề mới như thế này. Ở Debrecen, nơi tôi học đại học, với phong cách khá thủ cựu, người ta hoàn toàn không nhắc đến quark. Điều đó làm các sinh viên trẻ như bị giam cầm vào các đề tài cũ kỹ. Thứ hai, việc GS. Nguyễn Văn Hiệu quan tâm viết cho tôi, một sinh viên trẻ, không có tiếng tăm gì, một lá thư dài và chi tiết như thế, không phải là một việc thường thấy ở các nhà quản lý Việt Nam. Sau này, tôi mới biết việc luôn luôn quan tâm tới những vấn đề vật lý thời sự nhất trên thế giới và tới các sinh viên trẻ là thói quen và phong cách suốt đời của Nguyễn Văn Hiệu. Tuy không có điều kiện làm việc trực tiếp nhiều với ông, tôi luôn kính trọng ông về điều đó.

      Rất may cho tôi, hồi bấy giờ Budapest đang là một trong những trung tâm nghiên cứu sôi động trên thế giới với mô hình túi quark Budapest do J.G.Kuti, sau này là GS ở Đại học San Diego (Mỹ) dẫn đầu. Các nhà vật lý nổi tiếng thế giới như P.Dirac, V.Gribov, H.Nielsen,…đều thường xuyên đến Budapest dự hội thảo, đọc bài giảng. Vì vậy, tôi dễ dàng tiếp cận về những vấn đề mà GS. Nguyễn Văn Hiệu đã “đặt hàng”. Nếu như GS. Nguyễn Hoàng Phương, định hướng cho tôi học Vật lý lý thuyết, thì GS. Nguyễn Văn Hiệu là người định hướng cho tôi nghiên cứu vật lý hạt cơ bản. Năm thứ 5 đại học, tôi chuyển về Budapest làm luận văn tốt nghiệp về “Mô men từ của baryon trong mô hình thế năng dao động điều hòa của quark” với Viện sĩ I.Lovas tại Viện Vật lý Trung tâm. Tôi được dự các bài giảng về Sắc động học lượng tử của J.G.Kuti và Hình học vi phân của G.Sos tại Đại học Tổng hợp Budapest. Năm đó tôi cũng được giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi Ortway Rudolph dành cho các nhà vật lý trẻ, đồng thời có kết quả nghiên cứu tốt, tôi được Viện Hàn Lâm đề nghị chuyển tiếp sinh, với một vị trí nghiên cứu được thu xếp ngoài hiệp định giữa hai nước. Tuy vậy, tôi nóng lòng về nước gặp Nguyễn Văn Hiệu để kể cho ông nghe về những cái tôi đã làm được. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quay lại Budapest dễ dàng trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu ở Việt Nam có công việc cần đến tôi, thì việc quay lại Budapest cũng không hoàn toàn quan trọng. Hồi đó chúng tôi đều nghĩ đơn giản và trong sáng, không hề màng tới bằng cấp, sở thích và lợi lộc cá nhân như thế.

      Về Việt Nam, tôi có hai lựa chọn là về Viện Hạt Nhân của GS.Nguyễn Đình Tứ hoặc về Viện Vật lý của GS.Nguyễn Văn Hiệu. GS. Nguyễn Đình Tứ, khi đó đang kiêm Bộ trưởng Bộ Đại học, là người có quyền quyết định về việc quay lại Budapest làm việc của tôi. Ông đã gặp tôi đề xuất tôi trở lại Budapest nghiên cứu về vật lý lò phản ứng. Ông giới thiệu cho tôi các anh Trần Thanh Minh, Phạm Duy Hiển từ Đà Lạt ra và nhóm lý thuyết của các anh Cao Chi, Đoàn Nhượng, tại trụ sở Nguyễn Du. Các anh đều rất dễ mến và cởi mở. Phải nói đề xuất của Nguyễn Đình Tứ khá hấp dẫn, tôi vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu về quark vừa học thêm các kiến thức để vận hành lò phản ứng ở Đà Lạt, là công việc đang rất cấp thiết. Nhưng cuối cùng tôi bị thu hút bởi phong cách của Nguyễn Văn Hiệu nhiều hơn. Ông tới nhà tôi nhiều lần, rồi chạy sang Bộ Đại Học, để xin cho tôi về Viện Vật lý. Lần nào ông cũng tất tả đến rồi đi như một cơn lốc, nhiều lần không ngồi, chỉ đứng nói và nói ầm ầm. Ông có một phong cách sôi nổi, lôi cuốn đối với bọn trẻ như tôi, trái với phong cách nhỏ nhẻ điềm đạm của Nguyễn Đình Tứ. Nguyễn Hoàng Phương cũng ủng hộ tôi về làm việc ở Viện Vật lý của  GS Hiệu. Sau này tôi mới biết GS Hiệu tốt nghiệp đại học khi mới 18 tuổi, năm 1958 và năm 22 tuổi đã được các thầy Nguyễn Hoàng Phương và Tạ Quang Bửu giới thiệu và cử đi nghiên cứu tại Dubna.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét