Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Tản mạn về Đạo Phật (1)

Phi lộ
   Con người biết đứng thẳng, không còn cắm mặt xuống đất để nhặt nhạnh kiếm ăn, tức là đã biết ngẩng đầu nhìn trời sao. Nhìn trời sao rồi hắn bèn nghĩ đến những câu hỏi có phần viển vông, nhưng thiếu chúng hắn không còn tìm thấy cảm giác sung sướng như khi đói lòng kiếm được đồ ăn trước kia.
   Từ đó con người có những nhu cầu mới. Nói về lẽ được mất, đúng là chẳng được gì, nhưng bước vào suy tư, con người không thể trở lại. Từ đó mới có minh triết, khoa học, nghệ thuật và tâm linh.
   Tâm linh là thứ giá trị nhất và vì thế cũng nhiều hàng giả nhất. Ngày nay, nhiều kẻ đắm chìm trong ngu muội, kể cả những người có ăn học bị thị dục và ngu tín làm lạc lối. Vốn Ta chẳng có thời gian nghĩ tới Tâm Linh cũng phải bỏ sách để minh định.
    Dẫu biết rằng dùng Trí tuệ, Luận Lý thôi thì không thể đủ hiểu Tâm Linh. Vẫn biết rằng đến Tâm Linh có nhiều lối, đối với những người có cơ duyên chỉ một khoảnh khắc có thể hiểu. Nhưng người có suy nghĩ không thể làm kẻ cầu may. Người có Tri Thức, giống như đã mang nghiệp vào thân phải dùng đến Suy nghĩ vậy. Ta trộm cho rằng có cầu có đò mà cứ lội vào bùn lầy là ngu vậy.  Vả lại Tri thức chỉ là để phân biệt vàng với thau, đâu có phải là để đào ra vàng. Trước tiên, để tránh ngu tín và bọn bất lương xui bẩy xằng bậy. Biết phân biệt vàng thau ắt không biết đào vàng là một niềm tin sai lầm hay thấy, có lẽ bắt đầu là những kẻ lười biếng muốn đi đường tắt cầu may và không phải không có đố kỵ.
   Trước khi nghĩ về tâm linh, cần nghĩ về Đạo Phật. Đạo Phật tuy không liên quan tới thông linh hay tới Thần Thánh, nhưng hay bị lợi dụng để che đậy những duy linh giả tạo nhất. Có vẻ như Đạo Phật không thiếu những tín điều pha tạp trộn vào. Vì vậy trước khi có Hằng Tín, ta phải có Chủ Tâm. Bên Đức Phật có Ca Diếp, há phải khăng khăng theo A Nan Đà.

Suy nghĩ về Đạo Phật 
Đạo Phật dạy phương pháp sống hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh rất hay. Tuy nhiên, như một tôn giáo, Đạo Phật tổ chức giáo hội kém, giáo lý chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, kinh bổn phức tạp và rối rắm, lại không có những nguyên lý để thẩm định những tín điều và suy luận về giáo lý. Vì vậy, khi nào cảm thấy mâu thuẫn, các tăng lữ hoặc Phật tử lại dùng một loại biện chứng pháp thô sơ "ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng".
Truyền thuyết về Phật nói rằng bản thân Đức Phật bắt đầu bằng tu theo kinh Vệ Đà, bằng cách tu hành xác, sám hối. Tuy nhiên Ngài chưa đạt tới chính quả. Do đó Ngài đặt vấn đề phủ nhận sự tồn tại của Chân Ngã và Hồng Phạm. Trong đời Ngài không bao giờ nhắc tới Hồng Phạm mà chỉ giữ lại quan điểm về Giác ngộ và Niết Bàn.
Nếu nhìn về tổng thể, Đức Phật đã cố gắng tìm một con đường ngắn để đi đến chính quả và phủ định các khái niệm trung tâm của Vệ Đà là Atman và Brahman. Điều đó có lý do chính trị. Phật Giáo là tôn giáo mới do giai cấp kỵ sĩ vua chúa, nhằm giành lại quyền lực từ các tăng lữ vốn là tay chân của vua chúa, nhưng nắm giữ tín điều thành quyền lực. Do đó phủ định và ngắn gọn là phương pháp phù hợp.
Tuy vậy, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 300 năm, Upanishads bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới Đạo Phật. Đại Tạng Kinh, ảnh hưởng Upanishads rất rõ rệt và không thể phủ nhận được sự tồn tại của Atman, do đó mới hình thành những giáo điều mới mà Đức Phật chưa từng giảng khi Ngài còn tại thế. Khái niệm tam thân ra đời. Pháp thân ứng với Đức Phật. Báo thân ở thế giới khác. Ứng thân trở thành các Bồ Tát. Bồ Tát có thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Đã có luân hồi tức là có Linh hồn, có Atman. Pháp thân và Báo Thân chính là Brahman.
Tuy vậy, rất khó tranh luận với các tăng lữ và Phật tử. Một là họ không cởi mở tranh luận. Hai là do biết rõ mâu thuẫn trong giáo lý, nên họ đã tự trang bị một phương pháp biện chứng nhiều tầng. Khi đuối lý, lập tức họ sẽ chụp cho đối phương là sai lầm, mê đắm, ngu si. Nếu họ bị sơ hở trong lý luận thì đã có lý luận "cái ta nói là ngón tay chưa phải là Mặt Trăng".
Chính điều đó làm Đạo Phật khó tự nó phát triển. Tại Việt Nam, Đạo Phật pha thêm màu sắc Tam Giáo, có thêm những yếu tố shaman để thu hút tín đồ. Nhưng điều đó lại làm nhiều Phật tử thêm hung dữ và đầy mâu thuẫn, trái hẳn với giáo lý ban đầu của Đức Phật.
Việc phong Thánh cho Đức Phật, biến Ngài thành siêu phàm, sống mãi chỉ là việc của các phật tử đời sau, trái với bản ý của Ngài. Và rất có thể không phải là không vì thị dục của họ.

Trở thành Phật là thế nào?
Mục tiêu cao nhất của Phật Giáo tất nhiên là Giác Ngộ và Thành Phật. Sau này khi mục tiêu này trở nên xa vời, Giáo Chúng Bộ mới đặt mục tiêu thấp hơn là Giải thoát và Tích Thiện (thành Bồ Tát).
Nhiều người hiểu thành Phật tức là trở thành siêu nhiên, như đạo sĩ Hinduism hay Taoism tu thành đạo có thể sai khiến cả thần linh. Phật giáo sau này có nhiều dòng cũng nghĩ và tuyên giảng như thế. Tuy vậy, Đức Phật thực sự có nghĩ thế không là một chuyện khác. Lời giảng của Ngài có tính biểu tượng rất cao, vì vậy Ngài mới khuyên Phật tử chỉ nên nhớ đạo lý mà quên sạch lời Ngài nói. Chẳng hạn khi Ngài nói 3000 thế giới tức là một số lượng khá lớn các miền chúng ta chưa biết, Nếu khăng khăng cho đó là con số thật và các vũ trụ tức là chưa hiểu được cách nói biểu tượng.
Giác Ngộ, Thành Phật, Nhập Niết Bàn, Hoan Hỉ,... cũng là các khái niệm biểu tượng. Đức Phật phủ nhận Thượng Đế, Chân Ngã, lý gì lại tin ở Siêu Nhiên và cổ động nhân quần tu thân tích thiện trở thành Siêu Nhiên. Như vậy Phật có thể chỉ là trạng thái khi con người ta đạt Giác Ngộ mà thôi.
Giác Ngộ cao nhất là Hỷ Xả, vui sướng buông thả không lý gì đến Sinh Tử. Không phân biệt Sinh Tử làm sao biết sung sướng thăng hoa (sublimation). Thực tế, Đạo Phật chỉ dạy người ta Giải thoát khỏi khổ đau, chứ không tìm tới các loại sướng khoái khác nhau như Vệ Đà. Theo Vệ Đà khi người ta đạt được chính quả, trải qua mọi sướng khoái, họ sẽ đạt được trạng thái sướng khoái cao nhất, mà mọi sướng khoái đều không thể so sánh và trạng thái này là vĩnh cửu, và vì thế nó có quyền năng siêu nhiên. Thực tế sau này, các phái khác nhau của Phật giáo cũng hiểu như thế.
Đức Phật chưa bao giờ đạt trạng thái đó, do đó Ngài không tin vào Siêu nhiên, Vĩnh cửu và vì vậy Ngài chỉ đặt vấn đề đối diện với khổ đau chứ không tìm sướng khoái. Chẳng hạn các Thiền Sư tìm thấy sướng khoái bằng tu tập để đạt trạng thái Thiền, Mật tông cũng thực hành Yoga và các phép Mật tu, kể cả giao hợp để đạt tới các trạng thái như vậy. Đức Phật không tu Thiền cũng chẳng tu Mật. Vì vậy Giác Ngộ chỉ là một trạng thái nhận thức, tâm lý có tính khoảnh khắc và phi siêu nhiên. Nếu như vậy, thành Phật rất thực tế và cũng chẳng có gì là bí ẩn. Thành Phật không giống giải thưởng Olympics, hoa hậu, thi đấu hay việc đạt được chức vị, bằng sắc, học hàm, không phải để tôn vinh. khuyến khích, bởi vì không thể có hội đồng đồng đánh giá.
Đạo Phật nếu hiểu là một cách sống để ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh. Tức là nếu đạt được mục đích đó chính là đã thành Phật. Có thể xung quanh ta đầy Phật. Cô gái bị ung thư hiến giác mạc rất có thể chính là Phật. Phật không có nhu cầu được nhận biết, bởi vì đó là vì chính mình. Chỉ khi ta thành Phật, ta mới nhận thức được Phật có khắp đất trời. Vũ trụ hình thành cũng vì trạng thái của nó gần với Phật, chính là điểm cân bằng gần nhất. Các thế giới khác chẳng qua là các điểm cân bằng khác mà thôi. Phật là đạo lý và cũng chính là quy luật ở gần các điểm cân bằng. Việc phong Thánh cho Đức Phật, biến Ngài thành siêu nhiên sống mãi, chỉ là việc của các phật tử đời sau, vốn không phải là bản ý của Ngài. Và rất có thể không phải là không vì thị dục của họ.

1 nhận xét:

  1. Cháu được một người bạn gửi cho link bài viết này.
    Cháu thiển nghĩ, bài viết có cái nhìn lầm lẫn về đạo Phật.
    Nếu có cơ hội, mong được trao đổi cùng bác.
    Mong bác bỏ qua về sự phan duyên này.

    Trả lờiXóa