Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Thảm họa điểm lùi và tình thế "lang bạt kỳ hồ"

Có những người dù cố sức đến mấy cũng không thể tiến lên được, có những xã hội có cố gắng bao nhiêu cũng không thế tiến hơn được. Có một số thuyết cho rằng những người đó, xã hội đó đã đến ngưỡng bão hòa. Điều lý thú hơn là ở chỗ, cũng những người đó, xã hội đó có những đặc trưng, thường được cho là các giá trị đánh giá, không khác gì những người, xã hội tiến bộ hơn. Vậy sự khác biệt là ở chỗ nào? Và quan trọng hơn là thái độ của chúng ta đối với những tình huống đó. Phải tìm cách tự hài lòng, đợi thời thế thay đổi do một thượng đế ban phát cho ư, hay lại nghĩ ra một thuyết gì mới để chứng tỏ ta ưu việt, hệ thống đánh giá có vấn đề.

Trong Toán học có một mô hình rất đơn giản để phân tích tình huống này gọi là Thảm họa điểm lùi (Cusp Catastrophe), rất giống hình tượng "lang bạt kỳ hồ" mà tôi đã phân tích một lần: Con cáo già tiến lên thì dẫm phải yếm ngực, lùi thì dẫm phải đuôi, tình hình kẹt cứng. Thảm họa điểm lùi được nhà toán học Zeeman đề xuất năm 1976, để mô tả trạng thái tâm lý, sau đó được nhiều người giải thích về sự phát triển của doanh nghiệp, xã hội và nhiều lĩnh vực khác.

Cơ sở của Thảm họa Điểm lùi là một nhánh rất phức tạp trong lý thuyết tô pô, với rất nhiều khái niệm phức tạp, tuy nhiên có một mô hình cụ thể rất dễ hiểu đối với mọi người có kiến thức phổ thông về toán như trong hình sau đây:


Giả sử một hệ thống (có thể là một con người, tổ chức hay một xã hội) được đặc trưng bằng 2 tham số năng lực nội tại trên mặt phẳng ở dưới đáy của hình vẽ trên.  Chỉ số giá trị khách quan về hệ thống đó nằm trên trục vuông góc với mặt phẳng đó. Và có một mặt gấp khúc như trong hình vẽ. Hệ thống đó xuất phát từ điểm thấp nhất và bắt đầu tiến lên, bằng cách phát triển năng lực của mình. Những hệ thống húc đầu vào nhánh dưới của mặt gấp khúc, cuối cùng sẽ tiến đến những điểm "lang bạt kỳ hồ" không tiến lên được nữa.

Một số người có thể so sánh năng lực nội tại của mình với những người thành công hơn nhiều và thấy mình không hề thua kém, có thể còn vượt trội hơn, nhưng cuối cùng giữa hai loại người vẫn là sự khác biệt lớn lao. Nói nghe có vẻ quá khích, nhưng thực tế có những kẻ dở hơi, cám hấp hay điên khùng, có những tố chất không khác gì thiên tài. Các hệ thống khác như tổ chức, doanh nghiệp, xã hội hay quốc gia cũng đều có thể vấp phải tình thế "lang bạt kỳ hồ" như vậy. Khi đó mọi nỗ lực tiến về phía trước đều vô nghĩa. Người ta có thể than thân trách phận, trách đời bất công, hoặc các thế lực bên ngoài chống phá. Thực ra vấn đề chính là nằm ở hệ thống đó. Không phải chỉ có năng lực là quan trọng mà con đường phát triển năng lực để đi lên cũng là quan trọng trong tình huống này. Một con đường khác sẽ dẫn tới nhánh trên của của diện Zeeman sẽ không có cản trở nào và có thể tiếp tục tiến lên dễ dàng và mãi mãi. Con đường đó đã tránh được nếp gấp trên diện Zeeman là nguyên nhân của "lang bạt kỳ hồ" khổ sở này.

Vấn đề là ở chỗ, người ta hay một xã hội không chọn trước được cho mình được đường đi mà hay bị dẫn dắt bởi các động cơ sáng tạo hoặc cảm tính, thấy tiện là đi. Điều đó cho thấy rằng những người chuyển động theo "second mover", giống như những người leo núi bám sát người đi trước có một chiến lược an toàn hơn so với những người tìm một con đường "đi tắt đón đầu" hay "sáng tạo trong hoàn cảnh" để húc đầu vào tình thế "lang bạt kỳ hồ". Vấn đề có lẽ quan trọng hơn là những người, tổ chức đã mắc vào trạng thái "lang bạt kỳ hồ" cần phải làm gì? Muốn tiến lên lâu dài chắc chắn phải lùi lại. Chắc chắn là đau buồn, tiếc nuối nhưng không có cách nào khác. Nếu có sức nâng được đuôi lên thì tốt, nếu không cũng đành phải cắt đuôi, hoặc ngồi ở đó cả đời. Sẽ không có ai, dù là Thượng đế hay Thần may mắn, đến cứu mình được.

Trong nhiều tình huống thực tế diện Zeeman có thể khác chút ít. Có thể từ xuất phát điểm hướng ngay về các điểm Thảm họa Điểm lùi sẽ tạo sự tăng trưởng nhanh hơn, trong khi theo hướng lên có thể tăng trưởng chậm hơn thậm chí có thể đi xuống. Mô hình này cho thấy với phát triển lâu dài, chọn con đường là quan trọng chứ không phải ở việc thể hiện các năng lực và đánh giá trước mắt.

Số phận của một dân tộc cũng vậy, có thể thỏa mãn, tự hào với những năng lực mình đang có, nhưng con đường đến được với những năng lực đó, thể hiện ở nền văn hóa, hệ thống giá trị cũng rất quan trọng. Theo một cách hiểu nào đó, văn hóa, hệ thống giá trị là những thứ mà một dân tộc nhặt nhạnh, tích lũy trên con đường đến hôm nay. Cố nhiên đã mang nặng đẻ đau sẽ có lòng yêu thương quyến luyến. Nhưng đôi khi cũng phải dứt bỏ để có thể tiến lên, đặc biệt khi đã ở trong tình huống Thảm họa Điểm lùi.

Có lẽ câu hỏi quan trọng hơn cả của mỗi người, tổ chức, xã hội hay quốc gia, là khó khăn trước mắt đã phải là "lang bạt kỳ hồ" hay chưa. Tôi xin để dành câu hỏi này cho mọi người cùng suy nghĩ.

1 nhận xét: