Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Dân chủ đa nghĩa

 1. THEO ĐA SỐ CÓ PHẢI LÀ DÂN CHỦ

Vấn đề này tôi đã bàn tới hơn một lần. Có những vấn đề cần quyết định bằng phổ thông đầu phiếu. Đó là những vấn đề cơ bản, ai cũng hiểu, cố nhiên là theo những cách khác nhau.
Có những vấn đề chuyên môn, hoặc quyết định có độ phức hợp cao, thuộc về trách nhiệm quyết định của một số cá nhân. Việc đưa các vấn đề thuộc loại này ra bỏ phiếu để quyết chính là vô trách nhiệm và phản dân chủ.
Nếu đa số luôn đúng thì đã chẳng có cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, đã không giết Socrates, không đưa Jesus lên đinh câu rút. Khi đó đất nước cần gì có chính phủ, quốc hội, mỗi người sắm một smart phone, khi có vấn đề gì cần quyết định, như xử bắn một ai đó, hay tha bổng cho một tên giết người, chỉ cần đếm số nhấn nút là xong. Chắc chắn là oan sai còn nhiều hơn các vụ báo chí đang làm om sòm hiện nay. Nếu một chị lao công có quyền bỏ phiếu về hướng nghiên cứu của một Viện ngang như các nghiên cứu viên, đã bỏ hàng chục năm nghiên cứu, thì đó mới thực là bất công.
Thượng Nghị Viện ra đời là một cơ chế kiểm soát dân chủ, đảm bảo ý chí của đám đông ngu dốt không luôn luôn thắng thế đè bẹp các ý tưởng khai phóng đang mới manh nha.
Năm 1945, Hồ Chí Minh ký pháp lệnh Bình dân học vụ,cưỡng ép xóa mù chữ là đúng. Không thể trưng cầu ý kiến đa số khi đa số đang mù chữ và chưa thể thấy được sự cần thiết của chữ nghĩa.
Chương trình dạy toán phổ thông có tích phân, số phức hay xác suất không, không phải là chuyện đưa ra phổ thông đầu phiếu. Cũng như bắn hay không bắn địa chủ trong cải cách ruộng đất, không thể trao quyền cho nông dân. Đám đông dù sao cũng không thể nào quan trọng bằng khế ước xã hội. Ba ông lập hội với nhau bằng một thỏa thuận tự nguyện, hai ông không thể lấy đa số xé thỏa ước ăn thịt ông kia. Sở dĩ cần lãnh đạo là để quyết định trong trường hợp có nguy cơ đám đông muốn lấy thịt đè người chà đạp khế ước xã hội. Lãnh đạo sử dụng đám đông để chà đạp khế ước xã hội thì không còn gì để nói.
Mặc dù xác suất chọn bừa chọn láo về lý thuyết là 50%, đa số các vấn đề chuyên môn hoặc quyết định quan trọng bằng đầu phiếu là sai lầm thảm hại, ở các nước dân trí thấp lại càng tồi tệ hơn.
Trở lại chuyện học chữ Hán. Tôi nghĩ rằng về chuyện này, tôi bỏ thời gian và công sức nhiều hơn so với 90% dân nước Nam, có thể có ý kiến có đôi chút giá trị khả tín, nhưng vẫn không đủ tư cách ra quyết định, thậm chí bỏ phiếu. Đây không phải là chuyện để bỏ phiếu, mà phải quyết định từ các học giả về ngữ văn, văn hóa và giáo dục. Đám đông biết gì về chuyện này mà bi bô. Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến cho rằng không học chữ Hán thì tiếng Việt sẽ sụp đổ. Nhưng ý kiến này sai không có nghĩa là không nên dạy chữ Hán. Thực ra phe chống dạy chữ Hán nói sai, nói dốt nát cũng vô khối, thực không đáng tốn bút mực. Những người nói rằng tiếng Việt đã trong sáng, hoàn chỉnh, chắc chắn ra chưa hề nghiên cứu tiếng Việt, đang lẫn tiếng sột soạt "bóng chữ" là nhà thơ Lê Đạt đã từng cố mò mẫm với ngôn ngữ. Tiếng Việt đang manh mún, chưa hoàn thành, đang nát như tương, cần chấn chỉnh và cải cách gấp. Nhưng đó là một việc khác, không liên quan tới học chữ Hán.
2. NGHỊCH ĐỀ DÂN CHỦ
Có 5 anh cần ra quyết định về ngân sách. 2 anh có ý kiến cần tiêu 10 đồng, 2 anh có ý kiến cần tiêu 1 đồng, 1 anh có ý kiến tiêu 5 đồng. Kết quả anh bỏ phiếu tiêu 5 đồng thắng. Đó là dân chủ.
Nhưng nếu chúng ta hiểu tiêu 10 đồng có nghĩa là mua một con gà để chén, tiêu 1 đồng là uống trà đá, và để 9 đồng cho cuộc đi chơi sau. Tiêu 5 đồng hoàn toàn không có phương án gì, hoàn toàn là mị dân, không muốn mất lòng bên nào, nhưng cũng vừa cơ hội, gặp thời lên làm bố thiên hạ. Ông này thực ra lãng phí nhất, mua nhảm nhí cho hết 5 đồng, không có mục tiêu nào. Sướng không sướng, cũng chẳng nhìn xa, cố tiêu vào mấy thứ bim bim, xanh đỏ cho đủ chỉ tiêu.
Dân chủ trong thực tế thực ra là thế. Tôi nghiệm thực tế mấy anh phát biểu theo kiểu ba phải, mờ nhạt, bao giờ cũng lên to. Chả thế cụ Khổng dạy bọn nho sĩ cứ Trung Dung mà sống chọn Trung Đạo mà đi, sau một đời long đong thất bại. Mua ô tô phải đủ cả 4 bánh, 1 vô lăng, một động cơ. Tranh cãi mua ô tô sẽ kết thúc bằng bố trí đủ kinh phí mua 2 bánh, nếu có vô lăng thì không có động cơ và ngược lại. Nghe thì như đùa, thực sự mọi quyết định ngân sách đều na ná như thế.
Vì thế tôi chẳng tin đa số có gì thông minh. Ba thằng ngu sẽ ngu hơn một thằng ngu. Chỉ khi nào có ít nhất hai thằng thông minh mới nên đầu phiếu. Vậy dân chủ là mục tiêu và lợi ích của phát triển chứ không phải là con đường đến phát triển. Chân lý trước hết phải là chân lý, đừng nhìn vào đa số nghĩ thế nào.
Chưa kể đám đông ngu dốt hoàn toàn không có chính kiến, nghe loáng thoáng theo cảm tính, vừa xu nịnh quyền thế, để bị giật dây, chẳng biết lợi hại cho mình thế nào. Vì vậy đám đông hôm qua, đám đông hôm nay, đám đông ngày mai vẫn những người đó, nhưng mỗi ngày một giọng. Đừng tưởng đem lý ra mà hiểu được họ. 3. DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Dân chủ và Cộng hoà là các hình thức nhà nước phổ biến. Tuy vậy người ta thường ít để ý đến nghĩa và khác biệt giữa chúng. Đó là điều các hoạt đầu chính trị lợi dụng hàng ngàn năm nay.
Dân chủ theo định nghĩa là quyền quyết định các vấn đề xã hội thuộc về đám đông có thể thông qua các đại diện của họ để bảo vệ quyền lợi cho đám đông. Dân chủ trong đời sống được hiểu là tốt, đảm bảo bình đẳng, công bằng và tôn trọng con người (bác ái)
Thực ra khái niệm dân chủ theo đúng định nghĩa của nó có rất nhiều vấn đề, dễ bị lợi dụng và khó lòng được như mơ ước.
Nếu xem xét lại định nghĩa chúng ta sẽ thấy 4 cấu phần quan trọng 1) Đám đông thường được đồng nhất với Nhân dân, là một từ đẹp đẽ hơn, nhưng thực tế là Đa số. 2) Đại diện 3) Quyền quyết định 4) Quyền lợi. Cả 4 cấu phần phối hợp rất khó đảm bảo đồng thời công bằng, bình đẳng và bác ái.
Trước hết Đám đông trong đa số các xã hội đương đại, nhất là các xã hội Á Đông hoặc/và kém phát triển là một quần thể không có lý tính, thay đổi nhận thức xoành xoạch, rất dễ bị chi phối bởi bọn dân tuý, và đặc biệt không biết quyền lợi lâu dài của mình là gì để ảnh hưởng lên khâu ra quyết định. Thực tế cho thấy những quốc gia tàn phá triển vọng tương lai của mình bằng sự phấn khích của đám đông. Mặt khác đám đông có thể dày xéo lên sự bác ái, rất cần thiết cho những thiểu số kém may mắn hoặc những tư tưởng gia bừng sáng. Đừng bao giờ quên nền Dân chủ Athens đã dung dưỡng chế độ nô lệ và bức tử Socrates.
Vấn đề của Đại diện là liệu họ có đại diện thực sự cho đám đông hay không. Tất nhiên có người nhận thức rằng Đại diện là một trò chơi tu từ học vì không rõ nội hàm. Cũng có người cho rằng Đám đông vốn không có chủ kiến gì, Đại diện là hình thức không liên quan gì đến hành động cụ thể, nên tự cho mình hành động theo ý muốn, và luôn có cách để đám đông tuân phục. Một số người lý tưởng thề tận tuỵ với Đám đông sớm muộn cũng vỡ mộng với những cảm tính bất nhất của đám đông.
Quyết định chính là quyền lực chính trị tối thượng trong xã hội, được sử dụng phục vụ cho nhóm lợi ích cầm quyền. Trong chính thể dân chủ phục vụ đám đông trên danh nghĩa, do đám đông không có ý thức về lợi ích ổn định của chính họ, sớm muốn cũng sinh ra những nhóm lợi ích nặc danh, giống như mafia nấp sau đám đông.
Nói trắng ra thì Dân chủ là cơ chế phổ thông đầu phiếu. Có những ngoại lệ nó có thể hoạt động chấp nhận được, nhưng trong đa số trường hợp nó giống như một tập thể có Andrew Wiles và 1000 ông chưa học hết trung học cần quyết định về định lý Fermat. Như vậy Dân chủ là một ước mơ lý tưởng đẹp, nhưng trong thực thi nó có khoảng 4 nghìn phiêb bản nghiêm chỉnh chưa kể dị bản quái thai, và thường bị lợi dụng.
Cộng hoà là một khái niệm có vẻ ít mập mờ hơn dân chủ. Bản chất của nó là tôn trọng các cá thể công dân, nhưng không nhấn mạnh việc bầu cử phổ thông. Quan niệm có từ thời Platon là chỉ có một số ít đủ năng lực và tư cách mới có thể tham gia vào việc ra quyết định là ý tưởng cốt lõi của Cộng hoà. Bình đẳng đối với Cộng hoà là bình đẳng về cơ hội, chứ kg có nghĩa là ý kiến của một người thao thức nghiền ngẫm hàng chục năm phải bình đẳng với một ông mới biết 15 phút.
Tham chiếu cho những nhà minh triết ra quyết định chính là Hiến pháp, được thiết kế để đảm bảo những triết lý ổn định vừa bảo vệ cho những nhóm người thiểu số. Nói một cách khác thể chế cộng hoà về nguyên tắc là để một số người chuyên nghiệp ưu tú, không kể xuất thân thuộc giai tầng nào hay nhóm sắc tộc nào, vì thế đảm bảo công bằng về cơ hội cho mọi người, ra quyết định. Thực tế đã chỉ ra, tuy đa số các nhà minh triết xuất thân từ tầng lớp trên của xã hội, nhưng họ thường có ý thức chín mùi hơn về sự công bằng và việc cần thiết chăm lo cho những thiểu số bất lợi, vì hệ thống giá trị tinh thần về bình đẳng bác ái là lý tưởng của họ, khiến họ có thể hy sinh quyền lợi cá nhân và gia tộc. Ngược lại, có khá nhiều người xuất thân bần hàn khi gặp vận luôn luôn muốn bám trụ lại giai tầng mình may mắn lạc vào lại không hề đếm xỉa tới những người khốn khổ và luôn phủ nhận nguồn cội. Bảo hoàng hơn vua là như thế. Nói trắng ra, nền cộng hoà lý tưởng phải được vận hành bởi các chính trị gia minh triết, biết dâng hiến và quả cảm phụng sự các giá trị của Hiến pháp. Nhưng thực tế các nước chậm phát triển, đặc biệt ở Á Đông bị đè nặng bởi giáo điều, không phải là môi trường để các nhà minh triết thảng hoặc xuất hiện, bộc lộ.
Vì thế Cộng hoà cũng như Dân chủ cũng bị biến nghĩa và bị lợi dụng, để những người không thực sự minh triết nắm quyền, dù thông qua hình thức tuyển cử thế nào. Trong thực tế, người ta quy giản Cộng hoà thành việc không có vua. Cá nhân tôi cho rằng giữa Cộng hoà và Dân Chủ, Cộng hoà sẽ là thực sự “dân chủ” hơn theo nghĩa quyền lợi lâu dài của đa số được đảm bảo bằng câc hành động minh triết, vừa tiến tới công bằng, bác ái và bình đẳng đúng nghĩa. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng phải có trình độ phát triển nhất định mới có thể thực thi Cộng hoà hay Dân chủ đúng nghĩa. Tôi cũng cho rằng hai khái niệm này sẽ tiệm cận với nhau, nếu hâu hết các cá nhân đều đủ minh triết. Nhưng có vẻ con đường đến đó đi qua Cộng hoà có vẻ ít chông gai và dễ kiểm soát hơn.
Thêm nữa các sự kiện chính trị diễn ra ở Việt Nam gây bất lợi cho việc hiểu ý nghĩa chữ Cộng hoà. Ngô Đình Diệm, người sáng lập Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam hẳn là muốn sử dụng chữ Cộng hoà với hàm ý “không vua” để có ưu thế với cựu hoàng Bảo Đại, người cố gắng giương cao khẩu hiệu Quốc gia.
Về mặt ngữ nghĩa Cộng hoà có nhiều bất lợi so với Cộng hoà Dân chủ, là một hình thức cải tiến của Cộng hoà nhằm khắc phục yếu kém của nền Cộng hoà. Chính thể Mỹ là một chính thể Cộng hoà ( có tính) Dân chủ. Một mặt Quốc Hội thể hiện quyền lực phổ thông đầu phiếu, Thượng viện lại là nơi thể hiện ý chí của những bang ít dân, và của những người có tố chất chọn lọc tinh hoa. Những người phê phán chế độ bầu cử Tổng thống qua đại cử tri không dân chủ bằng đầu phiếu phổ thông không hề chú ý tới nỗ lực của những người thiết kể ra chính thể này đã phải dày công nghiền ngẫm để ý chí của thiểu số không bị bóp chết bởi đám đông. Con đường bảo vệ quyền lợi của người Da Đỏ ở Mỹ hay người Chàm ở Việt Nam là phải thông qua Hiến pháp, với những điều khoản được xây dựng cách li với quyền lợi và đám đông, tốt nhất là bởi những người tinh hoa, dấn thân vì công bằng, binh đẳng bác ái, nên trở nên minh triết.
Tôi nghĩ Hồ Chí Minh đặt tên nước VNDCCH là muốn theo mô hình Mỹ. Nhưng trớ trêu của lịch sử đã đưa hai luồng ý tưởng tương đồng về chính thể vào xung đột. Ở đây cũng có trò chơi rồ dại của tu từ học tham gia. VNDCCH có thể cắt nghĩa theo hai cách Việt và Hán-Việt ( đều là ngôn ngữ Việt Nam) Theo cách thứ nhất VN là danh từ chính dân chủ và cộng hoà là hai bổ tính chất bình đẳng tuy vậy dân chủ được nhấn mạnh hơn. Theo cách thứ hai Cộng hoà là danh từ chính dân chủ là tính từ cho Cộng hoà trở thành cụm danh từ democratic republic là thể chế của Mỹ và Việt Nam là tính từ bao trùm. Do đó về ý tưởng VNDCCH có tầm nhin có ưu thế hơn từ thiết kế. Vì vậy chọn Cộng hoà là một chiêu bài sắc về chính trị, nhưng cùn về ý thức.
Quốc hiệu hiện tại của Việt Nam là CHXHCNVN chỉ có một nghĩa duy nhất là Cộng hoà là danh từ chính, xã hội chủ nghĩa và Việt Nam là bổ ngữ và vì thế cũng không tiến về ý tưởng so với VNDCCH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét