Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

NGUYỄN QUANG HÀ -Nhớ anh Huy Phương


NGUYỄN QUANG HÀ: Tôi nhớ sau thời gian luyện tập miệt mài, chuẩn bị lên đường chi viện cho miền Nam, trong lúc đang nơm nớp đoán già đoán non, không biết mình sẽ vào Tây Nguyên hay đi Nam Bộ thì đại đội trưởng đi họp về báo
 tin vui rằng chúng tôi được tăng viện cho chiến trường Bác Đô.
Nhớ anh Huy Phương
Nhà thơ Huy Phương
Ai cũng quay ngang quay ngửa hỏi nhau: Bác Đô là đâu? Thì chính trị viên cho biết ngay: Bác Đô chính là Huế, ôi, chúng tôi mừng quá, nhiều đứa bạn hét vào tai nhau: “Chúng mình sẽ vào Huế các bạn ơi”.
Sau gần ba tháng đi bộ, chúng tôi vào đến chiến khu Huế. Dẫu chưa được đặt chân vào cố đô, nhưng những câu thơ cứ dắt chúng tôi đi:
“Thuở ấy miền Hương Ngự/ Dịu dàng như một lá thư xanh
Một dòng sông xinh/ Đôi bờ thông nhỏ
Có con đường ngát gió Về Nam Giao bóng nắng chênh chênh…”
                                                (Em tôi)

Những tên đất Vĩ Dạ, Sông Hương, Chợ Dinh, Cồn Hến, Nam Giao… như hút hồn chúng tôi.
Chúng tôi thì thầm với nhau: “Con gái Huế dịu dàng lắm”, tức thì cũng có một câu thơ cứ gợi ý tò mò của chúng tôi:
“ Tay thuốc cứu thương nặng mùi thuốc hồi sinh
Vành mũ sắt vương làn tóc rối”.


Người thiếu nữ có làn tóc rối vương bên mũ sắt ấy đã rung động một tâm hồn chiến sĩ rồi:
“Súng đạn giờ đây câm lặng đợi chờ/ Như trái tim anh chờ nghe em nói
Một lời hứa anh mang vào lửa khói”.
Có điều gì đó không nói lên lời cứ thôi thúc chúng tôi cầm súng vào cuộc chiến như thế hệ trước đã in dấu vào trong thơ:
“Tôi lại về đây với thành phố tuổi thơ yên tĩnh/ Nơi hai chúng mình
Từng đổ máu trên những thềm cung điện/ Cho một dòng sông xanh”
                                                (Bình yên)

Đã cầm súng lên đường, dòng máu chúng tôi lúc nào cũng thắm đỏ, mang sẵn trong đó một lời thề: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Không một phút giây nào nghĩ chuyện quay đầu tháo lui. Và ai cũng biết vào cuộc chiến là quyết liệt:
“Đây một nhà tranh không bóng người/ Chơ vơ như một nấm mồ ai
Giường trơ nét lạnh ngàn thu hận/ Dăm xác trần truồng tay bỏ xuôi”.
                                                (Đây miền chiếm đóng)

Chúng tôi là người lính, những câu thơ ấy như một niềm mê hoặc. Nói rất đúng những điều chúng tôi đang suy nghĩ. Rõ ràng người viết nên những câu thơ này phải là người từng trải trong chiến tranh.
Hỏi những câu thơ ấy do ai viết? Chúng tôi được trả lời rằng đó là thơ của Huy Phương. Chúng tôi muốn gặp mặt nhà thơ ấy, nhưng hiện anh đang ở Hà Nội. Tiếc thật. Anh Huy Phương ở xa quá. Nếu không chúng tôi đã quấn lấy anh rồi.

Phải là người từng đi chiến trận, Huy Phương mới có nỗi đau khi đứng trước xác đồng đội mình:
“Sáng hôm nay có con chim nó hót líu lo/ Tai anh không còn nghe được nữa
Con sông Hương nắng hồng rực rỡ/ Mắt anh còn thấy được bao giờ.”
                                               (Giòng máu đầu tiên)

Huy Phương đã khái quát sự quyết liệt của một chiến trận, mà chúng ta đã trả giá cho chiến công:
“Áo biếc hiền lành 
Súng nổ, Đô thành tan tác
Máu hồng hoen ố đồng xanh”
                                                (Em tôi)

Người Huế rất thuộc thơ Huy Phương. Những câu thơ tôi chép lại trên đây là nghe được đọc lại. Không hòa mình vào với nhân dân, không hóa thân vào cuộc chiến làm sao có được những câu thơ có hồn vậy.
Sau này tôi có được đọc 4 câu thơ của anh Huy Phương trong bài “Những ngày không thể quên”, anh đã khái quát được những mất mát đau thương, tôi cảm thấy kẻ nào quên những điều đó thì không còn là người nữa. Đây nhé: 
“Bao mất mát đau thương, đằng đẵng đêm dài
Đào những hố sâu trên mắt
Bao đám mây đi trên trời đất nước
Còn để lại bóng đen trên những nụ cười”.
Tôi đồng cảm với Trần Thanh Đạm khi anh nói về thơ Huy Phương: “Huy Phương đã lên tiếng một cách tự nhiên và hồn nhiên biết bao. Thơ anh đã nhanh chóng tìm được công chúng của mình, cùng với công chúng ấy hòa mình vào một không khí chung của đất nước, của thời đại. Một nghệ thuật không bắt đầu từ những hình thức mới. Nó bắt đầu với những con người mới”. Thơ Huy Phương xứng đáng là những trang thơ đầu tiên của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chúng ta.

Ngay cả đến khát khao của người lính chiến đấu trên đất núi Ngự, sông Hương cũng rất giản dị:
“Em mơ một chiều phản công/ Trở về Hương Ngự miền Trung với mẹ già
Với trang sách nhỏ đơn sơ/ Chiều chiều có bóng trăng mờ nghiêng nghiêng”.
                                               (Em tôi)

Là những người chiến đấu, hy sinh trên đất Huế, rõ ràng Huy Phương đã nói hộ cho tâm trạng chúng tôi, nên chúng tôi rất quý thơ anh. Thơ anh đúng như những gì chúng tôi đã sống trên vùng đất núi Ngự sông Hương này.

Sống trên đất Huế, dần dần tôi mới được các bậc đàn anh kể cho nghe về anh Huy Phương. Anh tên thật là Nguyễn Huy Phương. Quê gốc ở Nghi Tân, Nghi Lộc, Nghệ An. Nhưng cha anh đỗ đạt cao, làm việc và sau dạy học tại Huế, nên Huy Phương sinh tại Huế vào ngày 4-10-1927. Do vậy lớn lên Huy Phương được dạy dỗ, đào tạo ở tại nơi có một vùng văn hoá đặc sắc này. Đó là văn hóa Huế, sông Hương.

Trước tổng khởi nghĩa Huy Phương đã tổ chức và phụ trách tổ thanh niên cứu quốc Phường Thái Trạch và Thành nội Huế. Tham gia in và rải truyền đơn chống Nhật và chính quyền thân Nhật, ủng hộ Việt Minh. Anh và đồng đội anh chuẩn bị băng cờ và vận động quần chúng tham gia biểu tình, tham gia tổng khởi nghĩa 23-8-1945 tại Huế, tham gia giành chính quyền ở công sở. Anh được cử vào làm ở ban quản trị bộ tư pháp. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ Huy Phương là ủy viên chính trị phụ trách tự vệ chiến đấu thành phố Huế. Năm 1947 anh là cán bộ vụ quân giới liên khu 4.

Từ năm 1950 trở đi anh Huy Phương chuyển hẳn sang hoạt động ở lĩnh vực văn nghệ. Đầu tiên anh là cán bộ văn nghệ liên khu 4. Sau chuyển sang báo Văn Nghệ. Rồi qua Nhà xuất bản Văn học, qua ban đối ngoại Hội Nhà văn, làm ủy viên thường trực hội đồng văn học công nhân, tiếp đến làm giảng viên trường viết văn Nguyễn Du, là chuyên viên cao cấp của Hội Nhà văn.

Ngay từ thời phụ trách tự vệ chiến đấu tại thành phố Huế; Huy Phương đã có thơ đăng trên báo Quyết Thắng, và có tiểu luận đăng trên tạp chí Ánh Sáng rồi. Rõ ràng từ bẩm sinh, Huy Phương đã có máu văn chương.

Sau này tôi được ra Hà Nội học trường bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn tổ chức tại Quảng Bá, Hà Nội thì tôi mới được gặp anh Huy Phương, anh rủ tôi về nhà anh ở đường Ngô Quyền, một ngôi nhà giản dị và đầm ấm, nhưng số sách anh viết đã khá đồ sộ.

Có thể kể ra đây:

Tiểu thuyết anh đã có: “Xi măng”, “Nơi anh sẽ đến”.

Truyện, truyện ngắn, bút ký, phải kể đến: “Đầu sóng ngọn gió”, “Tầm sáng”, “Những ngôi sao đỏ”, “Đường chân trời”, “Đất đỏ”, “Ngã ba”…

Đứng trước anh, tôi thấy ngột. Biết tôi ở Huế ra, anh hỏi đủ chuyện về núi Ngự, sông Hương, lăng tẩm, chùa chiền, cung điện, phố xá. Những kỷ niệm thời trai trẻ của anh gắn với vùng đất ấy không hề quên. Anh đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Anh kể cho tôi nghe những chuyến anh thả thuyền xuôi sông Hương, lang thang trên Phá Tam Giang, ăn tôm rằn nướng, ăn cháo cá kình và cá dìa hấp như thế nào. Những kỷ niệm về Huế không thể nào dứt ra được.

Tôi trở thành bạn vong niên tâm tình của anh. Anh tìm sách tặng tôi, và cứ dần dà dẫn tôi vào con đường văn chương mà anh đã trải qua.

Tôi không quên lời anh dặn dò:

- Đúng như Nguyễn Du nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” em ạ. Có tài mà không có đức thì không ai thèm đọc văn chương của mình đâu. Đã làm người thì không được quên quá khứ. Quên quá khứ là kẻ bội bạc vong ân, không còn là con người nữa. Còn tương lai là ở phía trước. Phải có ý chí thì mới hy vọng có tương lai.

Đó là những bài học đời của tôi. Tôi nhớ mãi không bao giờ quên.

Từ đó mỗi lần anh Huy Phương vào Huế, anh đều tìm tôi. Kể cả khi anh chuyển vào Sài Gòn, mỗi lần ra Huế, thế nào anh cũng gọi tôi bằng được. Ngồi với nhau anh em thủ thỉ suốt ngày không biết chán.

Một kỷ niệm với anh ở Huế tôi không quên. Đó là lần tôi lên thắp hương cho nhà thơ Thanh Hải, mộ anh được đặt trong vườn cụ Phan Bội Châu. Một trong những điều đặc biệt ở Huế, là những danh nhân nào có tài và có đức, được xã hội kính trọng thì mới được đưa vào chôn trong vườn cụ Phan Bội Châu. Ví như Nguyễn Chí Diểu, như cụ Đạm Phương chẳng hạn. Sau này là anh Thanh Hải. Được đưa vào chôn trong vườn cụ Phan là một hãnh diện với thiên hạ.

Hôm ấy tôi đang cắm cúi thắp hương cho anh Thanh Hải thì có tiếng lẹt xẹt người đi tới, tôi quay ra nhìn. Không ai khác, chính là anh Huy Phương.

Tôi hỏi:

- Anh đi đâu mà lên vườn cụ Phan này.

Lúc ấy tôi mới nhận ra, trên tay anh Huy Phương có một thẻ hương.

Thật không ngờ anh Huy Phương trả lời:

- Mình lên thắp hương cho ông Thân của mình.

Hóa ra mộ cụ thân sinh anh Huy Phương cũng nằm trong vườn cụ Phan, ngay bên cạnh mộ anh Thanh Hải. Thì ra cụ cũng là một nhân sĩ được nhân dân Huế kính trọng. Tôi chợt hiểu ra, anh Huy Phương đúng là con nhà nòi. Anh là người nổi tiếng mà vẫn giữ chữ Hiếu trọn vẹn như vậy. Đó là một bài học ở đời cho tôi.

Anh Huy Phương thắp hương cho anh Thanh Hải rồi dắt tôi qua thắp hương cho ông thân sinh ra anh. Hai anh em ngồi nói chuyện quá trưa mới về. Mỗi lần ngồi với anh Huy Phương, tôi như được anh dẫn đi những chuyến thảo du dài.

Gần đây nghe anh đau ở trong Sài Gòn, tôi rất băn khoăn không có dịp nào vào thăm anh. Đùng một cái chị Thái Thị Thu Lan vợ anh điện ra cho Thùy Mai, nhờ Thùy Mai báo tin cho tôi biết rằng anh Huy Phương đã về cõi vĩnh hằng!

Anh Huy Phương mất vào trưa ngày mồng 2 tháng 12 năm 2009, tức ngày 16-10 năm Kỷ Sửu. Hôm nay là ngày anh em bạn bè và gia đình đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi ngồi một mình bâng khuâng nhớ biết bao điều về anh, và ngồi cầm bút viết những dòng này, như một nén hương thắp lên mộ anh vậy.

Tôi lẩm nhẩm nói một mình: “Anh Huy Phương ơi, mong anh về chốn an lạc, cầu mọi sự bình yên cho anh”.
Huế ngày 4-12-2009N.Q.H
(251/01-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét