Chuyện Tam Quốc tuần này: Tầm chiến lược của cuộc gặp gỡ vườn đào. Cuộc kết nghĩa vườn đào của Lưu-Quan-Trương không phải là sự thực lịch sử mà chỉ là tưởng tượng của dân gian kết hợp với tài hư cấu của La Quan Trung. Cùng lắm sự thực chỉ là một bữa rượu gặp gỡ đầu tiên của một anh bán dép (Lưu Bị), một anh đồ tể (Trương Phi) và một anh cửu vạn (Quan Vũ) bàn về việc xây dựng một tập đoàn quân phiệt để chiếm đất của nhà Hán đang rối beng. Chính tại vườn đào này ba anh chàng trong tay không có một chút thế lực nào đã thiết kế ra tầm nhìn xây dựng một lực lượng sau này sẽ chia ba thiên hạ. Chắc chắn kế sách này chưa được rõ ràng về thế chân vạc, lộ trình của tập đoàn phát triển từ đâu, địa bàn chiến lược ở đâu, xây dựng lực lượng thế nào. Nhưng rõ ràng ba người đã thống nhất cam kết với nhau cùng xây dựng một khung kiến trúc hệ thống và sau này đi đến thành công. Chính tầm nhìn đó tạo ra sự đồng tâm hiệp lực ba người. Sự kiện này có tầm quan trọng hơn hẳn kế sách chia ba thiên hạ sau này của Tuân Úc-Gia Cát Lượng-Lỗ Túc. Điểm đặc biệt của tập đoàn này là thiết kế bắt đầu từ tay trắng, khác hẳn tập đoàn họ Viên có ba đời tam công, có họ Tào phát tích từ tướng quốc Tào Tham, hay họ Tôn bắt đầu từ lực lượng quân sự được sự ủng hộ của chí sĩ Giang Nam.
Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao nhóm sĩ phu Dĩnh Xuyên tài cao học rộng như Tư Mã Huy, Từ Thứ, Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Gia Cát Lượng, Bàng Thống lại không thể đưa ra được một khung kiến trúc như vậy. Không phải những anh bán dép, đồ tể và cửu vạn tham lam, còn bọn học giả kẻ sĩ thì chê quyền lực, tiền bạc quyền lợi. Mà thực tế tập đoàn kẻ sĩ Dĩnh Xuyên thiếu đi một tố chất, tầm nhìn và óc tưởng tượng của nhà thiết kế hệ thống. Tập đoàn kẻ sĩ Dĩnh Xuyên cũng không tự tin ở con đường của mình, mà phải chia ra để phục vụ và ăn theo các phe cánh: Gia Cát Cẩn sang Ngô, Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Gia Cát Đản sang Ngụy, Bàng Thốn, Từ Thứ, Gia Cát Lượng theo Thục nương tựa vào các tập đoàn đã có sẵn khung kiến trúc, chí lớn hưng bang lập quốc.
Đáng chú ý của Lưu-Quan-Trương là không có được lực lượng như tập đoàn Phong-Bái của Tào Tháo hay tập đoàn Giang Nam của Tôn Kiên-Tôn Sách, phải chạy long đong nhiều nơi để tìm nơi bám víu. Trong khung kiến trúc "vườn đào" chưa hề có một giá trị có thể tạo nên thế mạnh. Như thế điều quan trọng vẫn là óc tưởng tượng, tầm nhìn chứ chưa phải là biện pháp hay khẩu hiệu cụ thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét