Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Các động lực phát triển của địa chính trị thế giới và tương lai cho Việt Nam (4)

Nguyễn Ái Việt 
Xem phần 1 ở đây
Xem phần 2 ở đây
                                                                     (tiếp theo)

4. Đặc trưng của giai đoạn hiện nay
     Trái với dự báo của thuyết Kết thúc Lịch Sử, Mỹ chỉ nắm được vai trò siêu cường duy nhất hơn một thập kỷ. Nhưng rồi Mỹ đã phải sa lầy vào chiến tranh với khối văn hóa Hồi giáo, nên dường như đã suy yếu đi, làm tham vọng nổi lên của các trung tâm quyền lực mới trở nên thực tế. Là trung tâm quyền lực sẽ đi theo các đặc quyền với những lợi nhuận khổng lồ đem lại từ các dòng chảy tài chính, thông tin và văn hoá. Đặc biệt trong một giai đoạn hỗn loạn, một yếu tố nhỏ nhoi, liên minh tạm thời cũng có thể có những xáo động vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Tuy vậy, do có một thể chế chính trị, văn hoá trẻ trung, bền vững, nền khoa học công nghệ siêu việt và có năng lực tự điều chỉnh nhanh chóng, Mỹ vẫn nắm vị thế là trung tâm quyền lực chủ đạo, mà mọi đối thủ cần phải thách đấu nếu muốn trở thành siêu cường. Có thể nói hầu hết các luồng thông tin, tiền tệ chủ yếu trên thế giới ngày nay đều xuất phát và hội tụ ở Mỹ. Lối sống của Mỹ, văn hoá Mỹ có một sức hấp dẫn đặc biệt với giới trẻ khắp trên thế giới. Có thể nói, Mỹ có thể ảnh hưởng tới cả ba yếu tố động lực lớn nhất của thời đại. Mỹ vẫn còn nhiều nguồn dự trữ, nên sẽ không phụ thuộc vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
     Các trung tâm quyền lực khác gồm có EU, Trung Quốc và Nga ở tuyến thứ nhất, Nhật Bản, Ấn Độ, Khối Hồi Giáo ở tuyến hai, ngoài ra còn có một số giả hình trung tâm quyền lực khác là đặc trưng của giai đoạn hỗn loạn, khi trật tự mới chưa rõ ràng.
      EU thực tế là cố gắng khôi phục lại vai trò siêu cường quá khứ của Đức và Pháp. Đây là một liên minh yếu về thể chế, nhưng có truyền thống văn hoá mạnh chủ đạo là Thiên chúa giáo, tiềm lực khoa học công nghệ, kinh tế đều tương đối mạnh. Trước mắt EU, tuy có một số dị biệt, nhưng vẫn phụ thuộc vào Mỹ và vẫn là trọng điểm ưu tiên số một của Mỹ. EU trước mắt chưa đủ sức thách thức trực tiếp các trật tự do Mỹ đang gìn giữ. Khả năng cạnh tranh với tư cách là hai trung tâm quyền lực độc lập giữa Mỹ và EU không cao, khi EU vẫn phải lo sợ Nga và không có khả năng đối phó trực tiếp. Nếu Mỹ suy yếu, EU mạnh lên nhờ một lý do nào đó, chỉ là việc hoán đổi vai trò lãnh đạo trong một liên minh đôi tương đối bền vững.  
      Nga với tư cách là siêu cường đối trọng với Mỹ trong chu kỳ chiến tranh lạnh. Nga nắm trong tay một nguồn tài nguyên khổng lồ, vị trí địa lý thuận lợi thông thương với cả EU và Thái Bình Dương. Nga cần thời gian để lành những vết thương do thua cuộc trong chiến tranh lạnh, nhưng việc tập trung quyền lực chính trị cho thấy Nga vẫn nuôi tham vọng trở lại với tư cách là một siêu cường. Chính sách đối ngoại của Nga, liên minh với Trung Quốc, đối đầu với EU dường như chỉ mang tính tạm thời, nhằm trấn áp các thế lực có văn hoá gần, thuộc Liên Xô cũ. Để giữ dáng dấp siêu cường Nga sẽ luôn thách thức các trật tự của Mỹ. Bên cạnh đó, Nga thừa hiểu tham vọng của Trung Quốc, cũng như sự không bền vững trong liên minh với Trung Quốc. Đối với Nga, Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược quan trọng nhất. Chỉ có Ấn Độ mới cân bằng được lợi thế về dân số với Trung Quốc, trong việc cạnh tranh tương lai. Con đường của Nga tuy có một số khó khăn, nhưng tương đối ổn định nhờ đã có thể chế mới tiên tiến hơn và tập trung được quyền lực, khoa học công nghệ tương đối mạnh và con bài quan trọng là năng lượng.
      Trung Quốc là ứng cử viên trẻ trung và cũng đang mạnh nhất trong tuyến một, với một nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao liên tục trong ba thập kỷ, với lợi thế đông dân, chế độ chính trị ổn định, một nền văn hoá có nhiều nét ưu việt. Với sức hấp dẫn đặc biệt, thị trường Trung Quốc là điểm hướng tới của dòng đầu tư khổng lồ, biến Trung Quốc trở thành một nơi nhạy cảm, ràng buộc quyền lợi với thị trường tài chính Mỹ. Đánh sập nền kinh tế Trung Quốc hiện tại chẳng khác nào hành vi tự sát đối với nền tài chính của nước Mỹ. Điểm yếu của Trung Quốc là tương lai bất định. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc để lại nhiều lỗ hổng khó lấp trong kinh tế và xã hội. Thể chế chính trị của Trung Quốc dường như đã khai thác hết động lực tiềm năng, bắt đầu trở nên lỏng lẻo với các mâu thuẫn nội bộ, ngày sẽ trở nên độc tài hơn, khó tiến tới dân chủ hoá một cách êm ả để tiếp tục phát triển kinh tế đến mức cao hơn. Đặc biệt, văn hoá vốn là thế mạnh của Trung Quốc, mặc dù được chú ý khai thác và xuất cảng mạnh mẽ để phục vụ kinh tế, nhưng đã bị huỷ hoại thời cách mạng văn hoá, để lại một thái độ nổi loạn và hướng về phương Tây của lớp trẻ. Như vậy, có một khoảng cách lớn giữ tâm thức văn hoá xã hội Trung Quốc với xu hướng của thể chế chính trị. Đặc biệt, trên thế giới, thậm chí trong khu vực, Trung Quốc chưa có đồng minh chiến lược. Chính sách ngoại giao tiến vào châu Phi, đã đặt trên vai Trung Quốc những khoản đầu tư tài chính khổng lồ, chỉ cần bộc lộ một vài điểm yếu, sẽ là một sự sụp đổ liên hoàn, sẽ là thử thách lớn đối với kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp và khoảng cách giữa các giai tầng xã hội của Trung Quốc đã ở một mức cao hơn nhiều so với Liên Xô trước đây. Bên cạnh đó mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn sắc tộc đang trở nên gay gắt. Trong tương lai gần, Trung Quốc phải lựa chọn giữa tập trung quyền lực hoặc bất ổn, cả hai lựa chọn đều không đảm bảo tương lai phát triển bền vững, do không được hậu thuẫn bởi nền văn hóa. Về đối ngoại, trước hết Trung Quốc sẽ tiến hành chính sách như Nga, đe doạ và xoa dịu các nước có văn hoá gần, dễ rơi vào quỹ đạo của mình nhất.
        Các thế lực ở tuyến hai trước mắt chỉ đóng vai trò thứ yếu và nỗ lực để vươn lên tuyến một. Nhật trước mắt sẽ kiên định với lập trường liên minh với Mỹ. Trước hết, Nhật cần dựa vào Mỹ để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Mặt khác về mặt văn hoá Nhật có nhiều điểm tương đồng với Mỹ. Mặc dù có nhiều giá trị đặc trưng, nhưng văn hoá Nhật không có xung đột lớn với văn hoá Mỹ. Một thời Nhật đã ôm tham vọng đầu tư lớn để nắm lấy nền kinh tế và văn hoá Mỹ, như các ngành ô tô, giải trí, điện ảnh. Thất bại ban đầu không phải là nguyên nhân chính mà chính các khó khăn kinh tế tài chính trước mắt làm Nhật tạm thời ngừng các tham vọng đó. Nhật có một nền kỹ nghệ phát triển ở mức cao, có sức mạnh kinh tế lớn, thể chế chính trị hiện đại và bền vững. Có lẽ một liên minh chiến lược với Mỹ và EU, và sẵn sàng làm anh cả liên minh đó, khi thời cơ tới, có lẽ là một lựa chọn an toàn và ít rủi ro hơn cả.  Như thế, con đường phát triển của Nhật không bao gồm các yếu tố bất ổn. Khó khăn lớn nhất của Nhật là xuất khẩu cả hàng hoá và cả vốn đầu tư, do dân số ngày càng già cỗi dẫn đến khủng hoảng lao động. Bên cạnh Mỹ, Nhật rất cần liên minh có cam kết lâu dài, đáng tin cậy với các nước có dân số đủ lớn để duy trì vị thế của mình trong mọi tình hình biến động.
      Khối văn hoá Hồi giáo, chủ yếu là ở các nước xuất khẩu dầu hoả. Khối này có một quan hệ phức tạp với Mỹ. Một mặt, quan hệ tài chính, kinh tế với Mỹ rất mật thiết, do Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Mặt khác, sự chống đối trở nên gay gắt, do Mỹ áp dụng một chính sách tạo sự bất ổn tại Trung Cận Đông, để kiểm soát được nguồn năng lượng mà chưa phải đầu tư khai thác các nguồn dự trữ tại Alaska. Do thể chế chính trị hết sức lạc hậu và thô sơ, tuy tiềm năng tài chính lớn nhưng không thể đầu tư vào nhân lực, khoa học công nghệ và các thiết chế kinh tế, tương lai phát triển của khối này gần như mờ mịt. Tư cách là một trung tâm quyền lực của khối này sẽ biến mất khi nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, hoặc Mỹ và Nga sẽ mở các nguồn dự trữ. Để đối lập với Mỹ, về nguyên tắc, khối Hồi giáo chỉ có một lựa chọn duy nhất là liên minh với Trung Quốc. Tuy nhiên, liên minh này có một rào cản không thể vượt qua là việc Trung Quốc thẳng tay trấn áp Hồi giáo, đặc biệt là tại Tân Cương, vốn là địa bàn của Đông Hồi.
    Tóm lại, trước mắt, liên minh Mỹ-EU-Nhật tương đối rõ nét và ổn định, sau đó đến liên minh Nga-Ấn Độ, có thể coi là bền vững, rồi tới Trung Quốc, với tương lai phát triển khá nhiều bất trắc, và khối Hồi Giáo, nhiều khả năng là khó phát triển. Đương nhiên, các thế lực đối trọng sẽ tạm thời liên minh để chống lại thế lực mạnh nhất.
      Đối đầu trực diện sẽ khó xảy ra, nhưng các thế lực nói trên sẽ ráo riết chuẩn bị củng cố liên minh của mình, có thể là chính sách vuốt ve đối với các thế lực ở xa, kèm theo trấn áp quyết liệt với những đối tượng gần tầm ảnh hưởng nhất. Ảnh hưởng ở đây có thể là kinh tế, văn hoá và địa lý.
      Điều quan trọng hơn, việc dành quyền kiểm soát đối với ba yếu tố động lực sẽ là quyết định đến xu hướng mạnh dần lên của các trung tâm quyền lực hoặc xu hướng dịch chuyển quyền lực trong nội bộ liên minh đã hình thành.
       Ở giai đoạn hiện nay vẫn còn các giả hình trung tâm quyền lực như các liên minh khu vực tại Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ,... Tuy nhiên, các giả hình đó chỉ có giá trị nhất thời khi hệ thống thế giới còn ở giai đoạn dễ xáo trộn, mất ổn định. Dường như chúng ta đã bước vào thời kỳ hình thành các liên minh chiến thực sự và lâu dài. Nếu việc liên minh thử nghiệm vẫn còn tiếp diễn, giai đoạn quá độ này cũng chỉ có thể kéo dài trong khoảng 5-10 năm nữa, trước khi các liên minh sẽ phải bằng mọi cách thanh toán thẳng tay đối với những kẻ cơ hội chỉ chực kiếm lợi rồi nhảy sang thuyền khác. (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét