Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Thuật bảy mươi hai kế của Quỷ Cốc tử (3)

Mở đầu và Kế thứ nhất
Kế thứ hai và kế thứ ba
(tiếp theo)
Nguyên văn
第四计如闭如卦 

鬼谷子曰:“环转因化,莫之所为,退为尤仪。” 
鬼谷子说:在作战时,人们必须象圆环那样随机应变,运转自如,使他人不知道自己的真实情况。
 Phiên âm
    Đệ tứ kế Như bế như quái
    Quỷ cốc tử viết: "Hoàn chuyển nhân hóa, mạc chi sở vi, thối vi vưu nghi."
    Quỷ cốc tử thuyết: tại tác chiến thời, nhân môn tất tu tượng viên hoàn na dạng tùy cơ ứng biến, vận chuyển tự như, sứ tha nhân bất tri đạo tự kỷ đích chân thực tình huống.
Dịch
    Kế thứ tư Đóng kín như quẻ Dịch
    Quỷ Cốc Tử nói "Xoay vòng tròn theo biến hóa, không nệ thói thường, lùi về vẫn có nghi biểu đường hoàng."
    Quỷ Cốc Tử giảng: Khi tác chến, mọi người cần phải tùy cơ ứng biến hành sự tự nhiên xoay chuyển theo hình tượng vòng tròn, làm người khác không thể nắm rõ được tình hình thực sự của mình.

Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương
      Nhiều người giảng kế này chỉ nói về tiến thoái xoay trở, xuất quỷ nhập thần, để kẻ địch không biết thực hư mà đối phó. Tôi trộm nghĩ không lẽ Quỷ Cốc Tiên Sinh nói một câu đạo lý chung chung tầm thường mà một tên cờ bạc chọi gà hay một tên tham lại ô quan hạng bét cũng nghĩ được. Qua đó mới biết học thuật nông cạn, lười tra cứu, ngẫm suy về nghĩa lý mà cứ cắm đầu cắm cổ dịch theo chữ, theo tâm thuật bất chính của mình. Chuyện chữ nghĩa tưởng vô tâm, mà mưa kế nhỏ mọn làm hại đời hại người không ít.
       Tại sao Quỷ Cốc Tiên Sinh lại nói đến vòng tròn và quẻ Dịch. Quẻ Dịch chính là các vòng tròn âm dương đan xen vào nhau mà thành. Ứng biến vạn sự rốt cuộc đều có tiến, có thoái, hợp với đạo lý mọi sự vật đều phải có thịnh suy. Tránh khí thế đang lúc cường thịnh của đối phương, thoái lui mà tâm không loạn, sắp đặt để phản công vào lúc thích hợp. Chính khi kẻ địch dương khí thịnh nhất, cũng là lúc âm khí bắt đầu đi lên. Đang thoái đã chuẩn bị cho thời điểm tiến lên, thì phong độ đàng hoàng, không rối. Khi khí thế đối phương tạm ngưng, chính là lúc ta phải xuất thủ. Chặn dương khi vào lúc mới manh nha, rót thêm vào khí âm, là tán loạn thần khí đối phương. Bỏ qua thời cơ chần chừ không chịu tiến, cũng là có tội với mình, với đời và với tương lai.
          Đơn giản như thế, nhưng cứ xoay theo các vòng tròn mà thêm bớt, chính là một loại dương mưu, ai có thể bày trước âm mưu mà hại. Con người ta cố bày đặt âm mưu cho dày, bị ám ảnh vào tâm rồi rốt cục phải bị thất thủ vào âm mưu của kẻ khác. Nắm được đạo lý này chính là nắm được nguyên lý của phép ứng biến. Diệp Công nói nguyên lý của võ học tối cao, là giữ tâm cho trống rỗng, tùy diễn biến mà sinh ra chiêu thức.  Cứ đó mà suy những kẻ theo bài sắp sẵn múa may, dù tinh xảo đến đâu, lúc lâm trận, bất quá chỉ làm hoa mắt lòe kẻ yếu, chẳng bõ làm trò cười cho đối thủ mạnh.
         Nghĩ cho cùng những khẩu hiệu, chữ nghĩa kia chẳng qua là những trò ngoại giao trí trá, quyền biến một thời. Nuối tiếc ôm mãi một bài, khi cơ trời đã đổi, chẳng phải là ngu lắm sao.

Nguyên văn
第五计 盗尽天机
鬼谷子曰:“是以圣人居天地之间,立身、御击、施教、扬声、明名也,必因事物之会,观天象之宜。”
鬼谷子认为,一个高明的人,在瞬息万变的事物中,应及时抓住事物转化的时机,去调整或执行自己的计 划。

Phiên âm 
Đệ ngũ kế Đạo tận thiên cơ
    Quỷ cốc tử viết: "Thị dĩ thánh nhân cư thiên địa chi gian, lập thân, ngự kích, thi giáo, dương thanh, minh danh dã, tất nhân sự vật chi hội, quan thiên tượng chi nghi."
    Quỷ cốc tử nhận vi, nhất cá cao minh đích nhân, tại thuấn tức vạn biến đích sự vật trung, ứng cập thời trảo trú sự vật chuyển hóa đích thời cơ, khứ điệu chỉnh hoặc chấp hành tự kỷ đích kế hoạch.
 Dịch
Kế thứ năm: Trộm hết thiên cơ
    Quỷ Cốc Tử nói: "Làm bậc thánh nhân ở trong trời đất, lập thân, đánh dẹp, dạy dỗ, nức tiếng, rạng danh, tất  nắm thời cơ sự vật, theo thiên tượng mà thích nghi."
     Quỷ Cốc Tử cho rằng, một người cao minh, giữa đám sự vật xoay vần trong khoảng khắc, cần kịp thời nắm bắt được thời cơ chuyển hóa của sự vật, mà điều chỉnh hoặc chấp hành kế hoạch của mình.    
Lời bàn của Lệnh Lỗi Dương
      Có người nghĩ mọi sự đã do Tạo hóa sắp đặt trước trong một kế hoạch bí mật nào đó. Kẻ nào biết được sắp đặt của ông Trời sẽ thắng. Vì vậy khối kẻ mong ăn trộm được thiên cơ bằng trăm cách, nào bói toán, nào mộng mị,  nào đồng cốt cầu may.
.    Tạo hóa đâu cần dấu diếm gì đám người phù du này, đã sắp sẵn các vòng tròn âm dương, các chu kỳ thịnh suy của vạn vật. Phép lấy trộm thiên cơ của Quỷ Cốc Tiên sinh chỉ có một: chọn thời mà ra tay. Thời cơ bao giờ cũng có, nhưng đều trong khoảng khắc. Bất cứ hành động nào cũng cần hợp thời điểm. Nói là tượng trời, cũng không ngoài một vòng tròn âm dương xoay mãi. Tâm cơ của Thánh Nhân như Phượng Hoàng, khi nào già cỗi liền thu liễm, bay vào lửa để Phượng Hoàng non trở ra mạnh mẽ gấp bội.
      Xem như Nhân Huệ Vương vừa thua trận, thu thập bại binh mà đánh chìm được đoàn thuyền chở lương của Trương Văn Hổ, chính là đúng thời điểm. Kẻ vừa thắng trận là lúc yếu nhất. Cũng như Tào Công đi đánh Trương Tú và Lưu Biểu, không nghe Giả Hủ mà đánh thì thua, vừa thua xong nghe Giả Hủ đánh ngay thì thắng. Đạo lý cũng là một.
       Nhìn những kẻ hung hăng, khí thể quá mức gay gắt, khi đã nắm lợi thế mà chưa biết tạm dừng để tạo thế mới, củng cố hậu thuẫn, ắt là những kẻ rất yếu không đáng để ta bận tâm. Như Quản Lộ không cần quan tâm tới thịnh nộ của Hà Yển vì chỉ là lời nói càn của kẻ sắp chết. 
       Kẻ hung hăng nhiều việc đâu có phải kẻ mạnh. Khi mọi vòng tròn đều trở về điểm âm cùng một lúc lấy đâu ra lực lượng mà đối phó. Kẻ địch đáng sợ nhất là các vòng tròn nhỏ ra nối tiếp liên miên không có điểm dừng, như tằm ăn rỗi, đan xen kín mít, mà Đức Thánh Trần đã từng nói tới. Dù như vậy, nếu ta thành tâm thành ý, dưỡng thần nuôi ý chí, chờ thời nuốt sao Ngưu, lo gì thời cơ không tới. 

1 nhận xét: